Với chiếc Leica nhỏ gọn trên tay, Henri Cartier-Bresson – cha đẻ của nhiếp ảnh báo chí hiện đại đã chu du khắp nơi để ghi lại những “khoảnh khắc quyết định” của cuộc sống. Vậy chính xác thì “khoảnh khắc quyết định” là gì và tại sao Henri phải dày công tìm kiếm nó tới vậy? Hãy cùng WeStudy khám phá trong bài viết dưới đây! 

Khoảnh khắc quyết định – Nghệ thuật “đóng băng cái vĩnh cửu trong chốc lát” 

Đối với Henri, “khoảnh khắc, một khi bạn bỏ lỡ, nó sẽ biến mất mãi mãi”.  Khái niệm “khoảnh khắc quyết định” của Henri tới nay được đưa vào hàng kinh điển và là thuật ngữ mà bất cứ dân nhiếp ảnh nào cũng phải nghe qua.

“Khoảnh khắc quyết định là khoảnh khắc xảy ra khi các yếu tố về mặt thị giác và mặt tâm lý (biểu hiện cảm xúc) trong đời thực cùng đồng thời diễn ra một cách “bất ngờ” và “chóng vánh”, tạo nên một mối tổng hòa hoàn hảo để diễn đạt được cái “chất”, cái “hồn” của một tình huống. Đó là một khoảnh khắc không thể khôi phục lại được, một khi đã trôi qua. Những bức ảnh bắt được thời điểm vàng này là những bức ảnh đạt được cả cái đẹp ở yếu tố thị giác lẫn hoàn hảo ở yếu tố nội dung.” 

Chân dung Henri Cartier-Bresson - Nguồn ảnh: ICP 

Nhưng làm thế nào để bạn có thể nắm bắt tốt hơn khoảnh khắc quyết định – hoặc tốt hơn là canh đúng thời điểm nó sắp xảy ra để chuẩn bị bấm chụp? 

Ta có dự đoán được khoảnh khắc quyết định không? 

Có thể, nhưng cần một chút tính toán và phân tích. Tất nhiên là bạn sẽ không phải vẽ đồ thị hay căn góc này kia để lúc xong xuôi thì khoảnh khắc vàng đã vụt mất rồi. Bạn hoàn toàn có thể dự đoán được khoảnh khắc quyết định thông qua biểu cảm, cử chỉ, nét mặt của chủ thể hay bối cảnh sự việc đang dần tiến tới đỉnh điểm. 

Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim kịch tính, mọi thứ cứ dần dần, dần dần đẩy lên và tới màn cao trào. Lúc này, bạn bỗng bật ngửa vì bỗng xảy ra một cú “quay xe” tới ngỡ ngàng. Cuộc sống thường ngày cũng thế, vì vậy nếu “cô nàng” khoảnh khắc quyết định kia có đỏng đảnh quay gót đi thì cũng đừng quá hụt hẫng, bởi nếu dễ nắm bắt tới vậy thì đã không gọi nó là khoảnh khắc vàng. 

Nguồn ảnh: 1973 AP 

Thay vì tự tin vào khả năng dự tính, phán đoán của bản thân, tập trung vào việc giữ tâm thế của mình sẵn sàng. Vì đôi lúc bạn sẽ chẳng thể biết “nàng” sẽ quay lại lúc nào đâu, nhưng với chiếc máy ảnh cầm sẵn trên tay và sự tập trung cao độ, bạn sẽ bắt được “cô nàng” ấy thôi. 

Nghe theo bản năng 

Khi nào thì ta nên bấm nút và làm sao để biết đâu là thời điểm thích hợp để bấm nút chụp? Thực sự có cần tính toán nhiều tới vậy không? Không. Khi nào bạn nghĩ rằng cần bấm nút chụp và tín hiệu truyền xuống bắt ngón tay bạn bấm vào, có thể khoảnh khắc quyết định đã ra đời. 

Ngay thời điểm bạn nhấn nút, khả năng khoảnh khắc quyết định kia vừa trôi qua và không tái diễn nữa vẫn là rất cao. Nhưng có thực sự là bạn đã bỏ lỡ nó rồi không? Bạn nên làm gì? Đơn giản thôi, hãy cứ tĩnh lặng như loài thú săn mồi, tập trung cao độ vào chủ thể và bạn sẽ cảm thấy thời gian như ngưng đọng trong tích tắc. 

Hãy nhìn thật gần, hãy thật tỉnh táo, bạn sẽ đoán được nhất cử nhất động của mọi thứ chỉ trong vòng 2 giây. Nếu bạn có thể chụp ở tốc độ 1/250 giây, có đến 8 khoảnh khắc quyết định đang chờ bạn nắm bắt trong  khoảng thời gian 2 giây đó. Hãy nhớ, bản năng chính là chiếc chìa khóa. 

Chờ đợi

Vậy nếu đã hàng giờ trôi qua mà bạn vẫn chưa chụp được một khoảnh khắc quyết định nào thì sao? Chẳng lẽ chiếc chìa khóa bản năng kia lại trao nhầm ổ khóa? Bạn tiếp tục chờ, cứ chờ, và có thể chẳng có gì xảy đến. 

Nhưng đừng vội đánh mất hy vọng. Các nhà văn viết 10 cuốn sách chỉ để chọn ra 2 cuốn được xuất bản, vậy thì hàng giờ đối với bạn có nhằm nhò gì nếu bạn bắt được khoảnh khắc quyết định ấy, phải không? 

Tất nhiên là đừng chỉ chờ không, mà hãy liên tục bấm máy, liên tục hành động mỗi khi bạn nghĩ mình chuẩn bị bắt được một khoảnh khắc quyết định. Đừng sợ sai, một chút may mắn sẽ là miếng ghép còn thiếu trong hành trình của bạn. 

Càng chăm chỉ, càng may mắn      

Nhiều kiệt tác nghệ thuật ra đời do tình cờ. Đó có thể chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi mà người nghệ sĩ may mắn nắm bắt được. May mắn là người bạn tốt, tuy nhiên rất hiếm khi tới thăm nhà ta. Bởi vậy, trông chờ vào may mắn trong nghệ thuật là một việc tốn thời gian, trong nhiếp ảnh cũng vậy. Càng chăm chỉ, càng may mắn, sẽ tốt hơn nếu bạn tin như vậy và rồi khoảnh khắc quyết định kia sẽ nằm gọn trong album của bạn một ngày không xa. 

Nguồn ảnh: The New York Times 

Sinh thời, giám đốc sáng tạo của Chanel – Karl Lagerfeld từng nói: “Điều tôi yêu ở các bức ảnh là cách chúng nắm bắt một khoảnh khắc đã ra đi vĩnh viễn, là bất khả để tái sinh lại”. Nhà văn có thể hồi tưởng và xé đi viết lại, còn với nhiếp ảnh, những gì đã trôi qua là trôi qua mãi mãi. Khoảnh khắc quyết định là một trong những thủ pháp cốt lõi trong nhiếp ảnh, là nghệ thuật dùng “con mắt phụ để đóng băng cái vĩnh cửu trong chốc lát”. Bạn đọc có thể xem thêm chi tiết 14 thủ pháp thị giác nghệ thuật còn lại trong khóa học Nhiếp ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Thanh tại đây.