Sự thăng hoa của nhiếp ảnh là một thước đo vô hình. Trong văn chương, sự thăng hoa của nhà thơ là chơi đùa cùng con chữ, tạo ra những tứ thơ lay động lòng người, những nét câu độc nhất. Trong âm nhạc, sự thăng hoa của người nhạc sĩ tạo ra những nốt ngân vĩnh cửu hòa tan mọi sự vật xung quanh. Trong nhiếp ảnh - một loại hình nghệ thuật thị giác, sự thăng hoa có lẽ là khi cả không gian, thời gian, âm thanh, cảm xúc, màu sắc đều hòa vào trong cùng một khung hình. Sự thăng hoa đó được gọi là Cinematic Photography. Có những nhiếp ảnh gia theo đuổi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Có những nhiếp ảnh gia dành nhiều năm để nghiên cứu ảnh chân dung. Nhưng có những nhiếp ảnh gia lại đi tìm một điện ảnh đời thường trong khung hình của mình. Vậy, làm sao để có một bức ảnh Cinematic, hãy cùng WeStudy khám phá nhé!

Phát tích Cinematic và những bức ảnh kể chuyện

Các tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng là sự tụ hội của kỹ thuật và cảm xúc. Cinematic cũng không ngoại lệ. Khác với kiểu kể chuyện của những bức ảnh thông thường, những bức ảnh theo hơi hướng Cinematic như một thước phim đi lạc, đưa người xem vào trong thế giới điện ảnh phiêu du. 

Rõ ràng là một khung ảnh tĩnh, sự vật tĩnh nhưng người xem lại cảm nhận được sự chuyển động bên trong nó, kích thích những tưởng tượng và suy tư. 

Hiện nay, nhiều người đam mê nhiếp ảnh đang học tập và cố gắng tạo ra những bức ảnh Cinematic. Sự yêu thích này hoàn toàn có thể lý giải, bởi Cinematic là một sự thể nghiệm, cũng là một thách thức đối với các nhiếp ảnh gia. Bởi vì, nếu chỉ đơn giản là chụp và chỉnh sửa, cái tố chất Cinematic sẽ không thể toát ra được. Cinematic không chỉ mang bóng dáng của những bộ phim điện ảnh theo sở thích riêng của các nhiếp ảnh gia, mà còn là cái hồn cuộc đời, và lối khai thác của nhiếp ảnh gia đó. 

Tác giả: Glashier - Nguồn ảnh: Lomography

Câu chuyện trong Cinematic không phải là những định luật đã được chứng minh. Nó giống như một cánh cửa, một đoạn cắt, có thể ở đầu, ở cuối hoặc ở giữa bộ phim, gợi ra một cảm nhận nào đó để người xem tự dẫn dắt thành một kịch bản hoàn chỉnh dựa trên trải nghiệm sống của họ. 

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về đặc điểm nhận diện của một bức ảnh Cinematic, nhưng đều chủ yếu quy tụ về một số đặc điểm sau:

- Khung hình ở dạng 16:9 trong đó ảnh chính có tỷ lệ 2:1 hoặc 21:9, nhằm tạo ra nền đen phía trên và phía dưới ảnh chính. Tỷ lệ này không hoàn toàn bắt buộc cho tất cả các bức ảnh, nhưng cũng là một đặc điểm nhằm làm nên dáng vẻ Cinematic.

- Màu sắc của bức ảnh thường là màu ảnh phim hoài cổ như các cuộn Kodak, Fuji,... Đây cũng là những dải màu quen thuộc trong các bộ phim điện ảnh của Vương Gia Vệ.

Tác giả: Cheng Nan-Huang - Nguồn ảnh: Lomography

Để có được màu ảnh này, bạn hoàn toàn có thể sử dụng máy film, sử dụng đèn hỗ trợ ánh sáng màu hoặc tiến hành hiệu chỉnh sau khi chụp bằng máy kỹ thuật số. Màu ảnh này tạo ra phát tích hoài cổ cho bức ảnh, đồng thời cũng làm nên chiều sâu về mặt thời gian, khiến bức ảnh mang đến sự thể nghiệm không giới hạn.

Tham khảo: Lội ngược dòng giữa thời đại số: Tại sao chụp ảnh Film trở thành xu hướng?

- Tương phản màu tăng, tương phản ảnh giảm. Việc giảm độ tương phản của ảnh và tăng các sắc độ màu giúp cho bức ảnh trông giống với tác phẩm đến từ các nhà làm phim điện ảnh. Khi giảm độ tương phản ảnh, bức ảnh sẽ xuất hiện độ nhám nhất định, gần với lớp phủ grain khiến bức ảnh đạt tới tiêu chí hoài cổ. 

- Các bức ảnh được thêm lời thoại với font chữ đơn giản, màu chữ trắng hoặc vàng chính giữa phần cuối ảnh giúp cho bức ảnh tăng thêm tính chất kể chuyện. Một số nhiếp ảnh gia khi chụp bộ ảnh, cũng sử dụng một bức ảnh ưng ý nhất, mang chủ đề bộ ảnh để chỉnh sửa như một chiếc poster phim điện ảnh. 

Làm thế nào để có được một bức ảnh Cinematic?

Bên cạnh những đặc điểm cần thiết kể trên, trong khi thực hiện một bức ảnh Cinematic, bạn cần lưu ý:

Tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác

Cảm hứng sáng tác vô cùng quan trọng. Đối với một nghệ sĩ, hay là một người chơi nghệ thuật, nếu tác phẩm thiếu cảm hứng, nó sẽ chỉ là kỹ thuật và sẽ chết vì không có hồn. 

Sự ra đời của Cinematic là đến từ những bộ phim điện ảnh, bởi vậy, bạn hoàn toàn có thể nghĩ về bộ phim mà mình yêu thích, sau đó đi tìm kiếm nó trong cuộc đời thực. 

Cảm hứng sáng tác cũng là thứ giúp cho bạn tạo ra câu chuyện của riêng mình. Giống như việc cùng nói về tình yêu, nhưng những bộ phim điện ảnh lại có góc độ khai thác khác nhau. Có những bộ phim tập trung khai thác ở khía cạnh gia đình và sự gắn kết của một tình yêu vĩnh cửu. Còn có những bộ phim lại khai thác những tình yêu bung nở trong khoảnh khắc và kết lại ở một bi kịch. 

Khi bạn đã tìm thấy cảm hứng của mình, bạn sẽ biết được các yếu tố khác như bố cục, góc độ, chủ thể, ánh sáng,... để thể hiện được hình ảnh lý tưởng mà bạn tìm kiếm. 

Tác giả: Matthieu Bühler - Nguồn ảnh: Lomography

Bản chất của nghệ thuật là cái đẹp, vì thế, việc theo đuổi những yếu tố đó một cách hoàn mỹ là điều hoàn toàn dễ hiểu và thể hiện sự đam mê với nhiếp ảnh. 

Đối với nhiếp ảnh Cinematic, bạn nên lên kế hoạch khai thác chủ đề sau khi đã tìm thấy cảm hứng. Bạn có thể tập trung vào những người bán hàng rong trên một con phố, cũng có thể tìm kiếm những tĩnh vật trong một quán cafe, hoặc những khung cảnh đường phố quen thuộc và lắng đọng như dòng người băng qua trong phim điện ảnh. Cảm hứng mang tới cho bạn chủ đề và trong chủ đề bạn phải tìm ra chủ thể của mình. 

Gợi ý: Nhiếp ảnh đường phố: Sự khẳng định đời thường đối với nghệ thuật nhiếp ảnh 

Kiểm soát ánh sáng và bố cục

Trong bất cứ phong cách chụp ảnh nào, ánh sáng và bố cục đều có ý nghĩa quan trọng. Đối với Cinematic Photography, ánh sáng và bố cục là những yếu tố cần thiết để tạo nên câu chuyện của bức hình. 

- Về bố cục và góc chụp: Do đặc điểm của loại hình Cinematic, khung hình 16:9 sẽ đặc biệt phù hợp với những bức ảnh có bố cục 1/3, chủ thể trung tâm, góc chụp chính giữa cho loại ảnh đường phố hoặc chân dung. Đồng thời, các bức ảnh cũng chụp ở góc rộng, mang đến cảm giác toàn cảnh và bao quát những sự vật xung quanh chủ thể. 

Ví dụ, với một bức chân dung Cinematic, phần không gian xung quanh chủ thể chính là yếu tố thể hiện tâm trạng chủ thể cũng như câu chuyện phát triển trong tâm trí của người xem.

Tác giả: Benji Beacham - Nguồn ảnh: Lomography

- Về ánh sáng: Để có được ánh sáng phù hợp với cảm hứng và tâm trạng của bức ảnh, bạn cần lựa chọn những khoảng thời gian phù hợp trong ngày. Thông thường, các khung giờ vàng là thời điểm các nhiếp ảnh gia cho ra đời những bức ảnh điện ảnh vui vẻ, yên bình, mang cảm giác chữa lành cho người xem. Ngược lại, ở những không gian ít ánh sáng hoặc khoảng thời gian tờ mờ sáng, hoàng hôn, ban đêm là thời điểm để thể hiện chiều ngược lại của cảm xúc ban ngày.

Kiểm soát tông màu và sự tương phản màu sắc

Dù bức ảnh của bạn có vô số màu sắc, hay chỉ có hai màu trắng đen, sự tương phản màu sắc và sắc độ của các màu sẽ quyết định chính xác ý nghĩa của bức ảnh. 

Bạn có thể tưởng tượng, cùng một cánh chim bay nhưng nếu bạn chụp lúc ánh sáng tốt, sử dụng dải màu nóng và tươi sáng, cảm nhận của người xem sẽ hoàn toàn khác với một cánh chim bay trên nền trời xám tối với những tòa nhà kéo về sắc đen. 

Nếu bạn không thực sự thông thạo việc kiểm soát màu sắc, bạn có thể thử lựa chọn bắt đầu với những chiếc máy ảnh film và cuộn film cũ. Hiện nay, các bộ lọc màu có sẵn cũng sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn về một bức ảnh phim. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bạn cần dành thời gian để nghiên cứu và điều chỉnh sắc độ màu cho một bức ảnh. Điều quan trọng là bạn phải tìm ra kỹ thuật chỉnh màu phù hợp với bản thân, kỹ thuật đó chính là thứ của riêng bạn, dựa theo cảm nhận của bạn và không trùng với những bộ lọc màu khác. 

Tác giả: Mini Yamaguchi - Nguồn ảnh: Lomography

Cinematic Photography là một sự thể nghiệm độc đáo và mang đến cho bạn những bài học thú vị nếu bạn thực sự quyết tâm theo đuổi. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi ở bạn kỹ thuật chụp và chỉnh sửa hình ảnh khá cao. Chính vì thế, để có thể chinh phục loại hình nghệ thuật thị giác này, bạn có thể kết nối với khóa học nhiếp ảnh của Nhiếp ảnh gia Việt Thanh - tác giả của nhiều bức ảnh phóng sự nổi tiếng, đạt giải trong và ngoài nước cùng với vô số những tác phẩm nhiếp ảnh đa dạng phong cách. Nhiếp ảnh gia Việt Thanh sẽ giúp bạn tìm hiểu cơ bản về các yếu tố cần thiết trong nhiếp ảnh, rút ra 15 thủ pháp nghệ thuật thị giác để có được những bức ảnh đẹp, tự tin hơn khi cầm máy ảnh. Bạn có thể truy cập và xem thêm thông tin chi tiết về khóa học tại đây