Maradona Và Bàn Thắng Gây Tranh Cãi Bậc Nhất Lịch Sử Bóng Đá
Vào phút thứ 51 của trận đấu, Diego Maradona nhảy lên thực hiện cú đánh đầu, tận dụng cú móc bóng sai lầm từ tiền vệ Steve Hodge của tuyển Anh. Cùng lúc đó, thủ môn Peter Shilton băng ra khỏi khung thành để phá bóng.
Tiền đạo Maradona — thấp hơn Shilton tới 20cm — là người thắng trong pha tranh chấp này vì rõ ràng… anh cũng dùng tay chứ không dùng đầu.
Bóng chạm lưới, trọng tài biên Dochev đã không phát hiện và phất cờ báo lỗi, do vậy Nasser (trọng tài chính) ghi nhận đó là một bàn thắng. Điều cần nói là ngay cả trước khi bóng lăn qua vạch vôi, Shilton đã giơ tay phản đối và đuổi theo Nasser hết nửa sân để phân bua. Bất chấp sự phản ứng dữ dội từ các cầu thủ Anh, Dochev giữ nguyên quyết định.
Chỉ ít phút sau, Maradona thực hiện pha dắt bóng từ sân nhà nâng tỷ số lên 2-0. Pha lập công này được bình chọn là “Bàn thắng của thế kỷ”. Tuyển Anh sau đó ghi bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống 1-2 nhưng phải chấp nhận rời cuộc chơi trong tranh cãi.
Tại cuộc họp báo sau trận đấu, Maradona đã bình luận một cách hài hước rằng bàn thắng được ghi là “un poco con la cabeza de Maradona y otro poco con la mano de Dios ” (“một chút với cái đầu của Maradona và một chút với bàn tay của Chúa ”), sau đó nó được gọi là bàn thắng “Bàn tay của Chúa”.
Sự Trả Thù Ngọt Ngào Của Argentina?
Cả hai bàn thắng của Maradona trong trận đấu này giống như hai mặt của đồng xu vậy. Bàn thứ hai tuyệt đẹp nhưng bàn thứ nhất là gì?
Trong mắt người Anh, đó là sự sỉ nhục, một con quái vật, một kẻ gian lận xảo trá. Tuy nhiên, với người dân Argentina, bàn thắng mập mờ của Maradona là một kỳ quan, là bàn thắng “lấy lại công bằng”.
“Ai cướp được gì của kẻ trộm thì sẽ được tha thứ cả 100 năm”, là khẩu hiệu của hàng ngàn người tại Buenos Aires ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.
Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Argentina khi đó đang rất căng thẳng, sau cuộc chiến siêu tốc để chiếm Quần đảo Falkland/Malvinas. Đối với dân Argentina, người Anh chẳng khác nào một tên trộm.
Vì vậy, bàn thắng Maradona, dù xấu xí ra sao, hèn hạ thế nào, vẫn luôn là tuyệt phẩm với người dân Argentina. Một màn trả thù ngọt ngào!
“Diego Maradona Đã Phá Hoại Cuộc Sống Của Tôi”
Có lẽ tất cả khán giả khi chứng kiến khoảnh khắc đó đều không thể quên được hình ảnh hai trọng tài Ali Bin Nasser và Bogdan Dochev ngơ ngác nhìn nhau sau khi bóng lăn vào lưới khung thành tuyển Anh.
Vào năm 1986, Dochev được công nhận như một trong những trọng tài hàng đầu ở Bulgaria, nhưng bàn thắng của Maradona đã hủy hoại tất cả.
29 năm sau cái ngày định mệnh ấy, Maradona mới có dịp gặp lại trọng tài chính Ali Bin Nasser. Họ trao nhau những món quà ý nghĩa để tri ân tình bạn.
Tuy nhiên, trọng tài biên Dochev lại sống suốt phần đời còn lại trong tủi hổ. Cho đến khi qua đời vào năm 2017, ông vẫn bị người dân Bulgaria tẩy chay vì dính líu đến “Bàn tay của Chúa”.
“Diego Maradona đã phá hoại cuộc sống của tôi,” Dochev nói với Nasser khi được gợi ý về cơ hội gặp Maradona. “Bàn thắng đó khiến tôi phải sống trong tội lỗi dù bản thân hoàn toàn trong sạch.”
Diego Maradona — Cầu Thủ Bóng Đá Tài Năng Nhất Từng Ra Sân
Những tưởng cụm từ “Bàn tay của Chúa” sẽ đeo bám Maradona như một vết nhơ trong suốt phần đời còn lại, nó lại gắn liền với tên tuổi ông như một câu nói thần thánh.
Maradona cùng Argentina đã lên ngôi vô địch World Cup năm đó, điều mà về sau người ta vẫn gọi là “World Cup của Maradona”. Toàn bộ giải đấu trở thành sàn diễn, nơi mà nghệ sĩ Maradona tung ra những kỹ thuật thần sầu làm điên đảo sân vận động.
Đối với nhiều fan bóng đá, Maradona được ca tụng như cầu thủ tài năng nhất ra sân. Với những gì ông đã làm được trong suốt sự nghiệp, danh xưng đó là hoàn toàn xứng đáng.
Thiên tài sân cỏ Diego Maradona qua đời năm 2020 ở tuổi 60. Vậy là người ta nói, chủ nhân kỳ quan “Bàn tay của Chúa” cuối cùng cũng về với Chúa.
Khi còn sống, Maradona nghiện ma túy, sẵn sàng lăng mạ giới truyền thông không thương tiếc, bị buộc tội hành hung bạn gái, và nhiều người còn cho rằng ông có quan hệ mật thiết với mafia.
Nhưng đối với hầu hết những người đam mê bóng đá, không điều gì trong số này có thể làm giảm đi sự vĩ đại của Maradona với tư cách một cầu thủ. Họ tôn thờ ông, đúng vậy. Họ biết đến sự tồn tại của Maradona qua sân cỏ, và dẫu có tôn thờ ông ra sao, họ cũng sẽ gác lại mọi thứ ở sân cỏ mà thôi.