Đây là bức ảnh mang tính biểu tượng Burst of Joy của nhiếp ảnh gia Slava "Sal" Veder được chụp vào năm 1973. Bạn có thể thấy rõ niềm vui tràn ngập trong đó, khi gia đình Robert Stirm đón anh trở về sau 6 năm ở Việt Nam. 

Mặc dù bức ảnh khiến người xem mường tượng tới một kết thúc có hậu theo kiểu “hạnh phúc mãi mãi về sau” như truyện cổ tích - khi mà Stirm đã trải qua vô vàn sóng gió, thất vọng, tuyệt vọng rồi đoàn tụ với gia đình, đằng sau đó lại là một câu chuyện dài, trầm buồn và trái ngược hoàn toàn. 

Ảnh: Rare Historical Photos

Bức ảnh Burst of Joy (Niềm vui vỡ òa), từng đoạt giải Pulitzer, được phóng viên hãng tin AP Slava “Sal” Veder chụp vào ngày 17/3/1973 tại căn cứ không quân Travis, bang California, Mỹ. 

Nhiếp ảnh gia Slava “Sal” Veder bên bức ảnh để đời. Ảnh: WorthPoint 

Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 với việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris. Khi Hoa Kỳ bắt đầu rút quân, tù binh cũng sẽ được trả tự do và được phép trở về nhà. 

Và như vậy, vào đầu năm 1973, Chiến dịch Homecoming bắt đầu. 

Đoàn tù binh trở về Mỹ từ Việt Nam. Ảnh: Wikimedia Commons 

Từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 4 tháng 4, 54 chuyến bay đã chở 591 tù binh Mỹ về quê hương, và trong một chuyến bay này có Trung tá Robert L. Stirm, người lính trong bức ảnh nổi tiếng trên. 

Ngày 17 tháng 3, Stirm đến Căn cứ Không quân Travis ở California với khoảng 20 tù binh khác. Gần 400 người có mặt ở đường băng ngày hôm đó, cả phóng viên, báo chí lẫn người nhà của tù binh. 

Lorrie, con gái lớn 15 tuổi — người đang dang rộng hai tay đầy mừng rỡ — chỉ mới 9 tuổi vào lần cuối cô ấy gặp cha mình. “Chúng tôi không biết liệu ông ấy có thể trở về không. Tôi chỉ muốn chạy tới chỗ ông ấy nhanh nhất có thể,” Lorrie nói. “Khoảnh khắc đó chứng tỏ tất cả những lời mong cầu của tôi đã thành hiện thực.” 

Ảnh: Rare Historical Photos 

Mặc dù bức ảnh khiến người xem mường tượng tới một kết thúc có hậu theo kiểu “hạnh phúc mãi mãi về sau” như truyện cổ tích, khi mà Stirm đã trải qua vô vàn sóng gió, thất vọng, tuyệt vọng rồi đoàn tụ với gia đình. Đằng sau nó lại là một câu chuyện dài, trầm buồn và trái ngược hoàn toàn. 

Ba ngày trước khi Stirm trở về từ Việt Nam, anh đặt chân xuống Philippines để kiểm tra. Một giáo sĩ bước tới đặt vào tay anh một lá thư.

Nội dung thư ghi rõ, vợ anh muốn chấm dứt cuộc hôn nhân của hai người. “Bob, em tin rằng anh cũng biết chúng ta không thể đi cùng nhau được nữa — và chẳng có lý do gì để anh phải đau khổ khi anh có thể thay đổi nó. Đời quá ngắn,” bức thư viết. 

Sau khi trở về, cặp đôi đã nỗ lực hàn gắn nhưng không thể. Một năm sau đó, họ chính thức ly hôn. 

Vợ Stirm tiêu hết 140.000 đô la khoản trợ cấp mà Trung tá này được trả trong thời gian tham chiến, bà mang theo hai con nhỏ, nhà cửa, xe hơi cùng 40% số tiền lương hưu mà Stirm sẽ nhận được và 300 đô la/tháng tiền hỗ trợ nuôi con. 

Người vợ này chỉ phải trả lại cho Stirm 1.500 đô la — số tiền mà bà chi cho các chuyến đi với những người đàn ông khác. 

Hai vợ chồng gặp nhau ở tòa và Stirm thua cuộc. Sau đó, ông chuyển về sống với mẹ đẻ tại San Francisco cùng hai con lớn. 

Trung tá Robert Stirm tiếp tục phục vụ quân đội cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 1977 với quân hàm đại tá và tận hưởng những năm tháng tuổi già tại Thành phố Foster, California. Ông đi bước nữa nhưng tiếp tục ly hôn sau đó, trong khi vợ cũ của ông là Loretta tái hôn và chuyển tới Texas. 

Robert Stirm nghỉ hưu với quân hàm đại tá và sau đó làm phi công thương mại một thời gian

Về bức ảnh nổi tiếng trên, Stirm nói, “Tôi có hàng chục ấn bản của bức ảnh nhưng tôi không treo nó trong nhà.” Không phải vì nó làm ông nhớ đến những năm tháng tù binh — mà là vì người phụ nữ trong đó — vợ cũ của ông. 

“Ở một khía cạnh nào đó, thật đạo đức giả làm sao, bởi vì vợ cũ của tôi đã từ bỏ cuộc hôn nhân trong vòng một năm hoặc lâu hơn sau khi tôi bị bắn hạ.” Stirm nói thêm, “Và cô ta thậm chí còn không có đủ sự chính trực để thành thật với bọn trẻ. Cô ta đã sống giả dối. Bức ảnh này không thể phơi bày sự thật rằng cô ta đã nhận lời cầu hôn từ ba người đàn ông khác nhau.” 

Dù câu chuyện đằng sau khá đau lòng, nhưng nó vẫn là một bức ảnh đẹp, rất đẹp 

Bốn đứa trẻ lại nhìn bức ảnh dưới lăng kính khác. "Tấm ảnh rất đẹp, chụp lại khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chúng tôi", Lorrie nói. Cô và các em đều treo tấm ảnh ở vị trí trang trọng trong nhà. "Nhưng mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến những gia đình không được đoàn tụ ngày hôm ấy, và những người mãi mãi không được đoàn tụ với gia đình. Có rất nhiều, rất nhiều gia đình như thế. Và tôi tự nhủ, mình thật là may mắn." 

>>> Khoảnh Khắc Quyết Định Trong Nhiếp Ảnh: Nghệ Thuật “Đóng Băng Cái Vĩnh Cửu Trong Chốc Lát”