Ngày 15 tháng 4 năm 1954, đạo diễn Billy Wilder đang quay một cảnh của bộ phim The Seven Year Itch trên Đại lộ Lexington giữa Phố 52 và 53 ở New York. 

Trong kịch bản, Monroe và bạn diễn Tom Ewell bước ra khỏi rạp chiếu phim và một làn gió nhẹ (có vẻ là không nhẹ cho lắm) lướt qua làm váy của Monroe tốc lên. 

Ngay cả khi bạn chưa xem phim, bạn chắc hẳn đã nhìn qua bức ảnh này đâu đó. Đã gần 70 năm trôi qua, mặc dù Monroe rất thích cảnh quay này, nhưng không phải ai cũng biết chính nó đã trực tiếp dẫn đến việc cuộc ly hôn của bà và cầu thủ bóng chày nổi tiếng Joe DiMaggio.

Cảnh quay "váy bay" kinh điển của Marilyn Monroe trong phim The Seven Year Itch (1954). Ảnh: Getty Images Itch

Joe DiMaggio, huyền thoại bóng chày nước Mỹ đến với Monroe khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và là tâm điểm của kinh đô điện ảnh Hollywood. Tuy nhiên nếu so về thành tựu và mức độ được kính trọng, DiMaggio vẫn hơn Monroe. 

Là người gốc Sicily, DiMaggio lớn lên cùng niềm tin vững chắc vào đạo Thiên chúa và các giá trị truyền thống trong gia đình. Ông quan niệm người phụ nữ khi cưới về phải nuôi con, nấu ăn và dọn dẹp. 

Và dĩ nhiên, ông muốn kiểm soát Monroe — điều mà ai cũng biết là không thể. 

Cuộc hôn nhân của hai siêu sao tốn không ít giấy mực của cánh nhà báo bấy giờ. 

Năm 1952, DiMaggio gợi ý vợ nên từ bỏ nghiệp diễn xuất vì “nghiệp diễn khiến em gặp stress, vậy sao không bỏ nó đi?” Lý lẽ này là không đủ để dập tắt khát vọng thành danh của Monroe tại Hollywood, và ước vọng về một cuộc sống đơn giản ở San Francisco của DiMaggio trôi vào dĩ vãng. 

Sự khác biệt quá lớn về quan điểm sống nhanh chóng đẩy cặp vợ chồng ra xa nhau. Cuộc hôn nhân nhuốm màu ghen tuông và bức ảnh tốc váy nổi tiếng của Monroe là “giọt nước tràn ly”, chính thức mở ra hồi kết cho cuộc hôn nhân chóng vánh của hai người. 

Ngày hôm đó, Monroe đứng giữa trường quay, xung quanh có khoảng 5.000 khán giả “may mắn” đang tụ tập. Bà mặc chiếc váy trắng kinh điển, đứng trên nắp quạt thông gió của một tàu điện ngầm. 

Gió từ chiếc quạt thổi tung làn váy, để lộ cặp đùi thon. Dù Monroe đã mặc 2 chiếc quần đùi trắng bên trong, ánh đèn sáng rực trên trường quay vẫn khiến chúng trở nên vô hình. 

Hàng ngàn con mắt dính chặt vào thân thể kiều diễm của nữ minh tinh màn bạc, và càng ngạc nhiên hơn nữa trước hành động của bà sau đó. 

Thay vì vội vã che chân như bất kỳ người phụ nữ đứng đắn nào thời đó sẽ làm, Monroe thốt lên rạng rỡ: “Isn’t it delicious?” (Tuyệt quá nhỉ?) 

Giữa tiếng hò hát của đám đông, Marilyn quay lại, nhìn thẳng vào bạn mình, nhiếp ảnh gia Sam Shaw và gọi “Xin chào, Sam Spade” (Biệt danh này được lấy cảm hứng từ nhân vật của Humphrey Bogart trong The Maltese Falcon).

Sam bấm máy lia lịa. Bảy mươi năm sau, những bức ảnh Sam chụp được vẫn tiếp tục quyến rũ người xem hệt như thuở ban đầu. 

Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, Marilyn Monroe đã tận hưởng khoảnh khắc kinh điển đó với niềm hạnh phúc thuần khiết. Bà quay đi quay lại, mỉm cười và tạo dáng. 

Nhưng DiMaggio, người cũng góp 2 con mắt trong 5.000 con mắt dưới kia, lại không mỉm cười được như vậy. 

Theo tiểu sử của Monroe, sau khi cảnh quay kết thúc và bức hình được phát tán rộng rãi, cả hai trở về khách sạn và cãi vã rất gay gắt. “Khách ở các phòng bên cạnh có thể nghe thấy họ hét vào mặt nhau qua vách tường. Ngày hôm sau, Marilyn có vết bầm tím trên cánh tay và phải trang điểm lại,” cuốn sách kể lại. 

Sau đó, tin đồn về việc ly hôn của họ bắt đầu lan truyền. 9 tháng sau ngày cưới, vào tháng 10 năm 1954, Monroe ra tòa xin ly hôn. 

DiMaggio đã không có mặt tại tòa lúc quyết định ly hôn có hiệu lực. Nhưng ông cũng không bao giờ tái hôn trong suốt phần đời còn lại. 

Tuy nhiên, Marilyn đã nhanh chóng tiếp tục cuộc sống và vào năm 1956, bà kết hôn với nhà viết kịch Arthur Miller. Cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm thì chấm dứt. 

Monroe và DiMaggio được cho là vẫn còn tình cảm với nhau và dự định sẽ tái hợp, theo nguồn tin từ PBS. Đáng buồn thay, điều này không bao giờ xảy ra. 

Marilyn Monroe qua đời ở tuổi 36 vào ngày 5 tháng 8 năm 1962 do dùng thuốc quá liều. DiMaggio là người đứng ra tổ chức tang lễ và cấm giới thượng lưu của Hollywood tham dự đám tang khiêm tốn của bà, vì ông đổ lỗi cho họ về sự sụp đổ của Monroe. 

DiMaggio trong đám tang khiêm tốn của Marilyn Monroe 

Trong hai thập kỷ tiếp theo, DiMaggio đều đặn gửi hoa hồng đến mộ Marilyn hai lần một tuần đúng như ý nguyện của bà khi còn sống — cho đến khi ông qua đời vào ngày 8 tháng 3 năm 1999. 

Những lời trăng trối của ông trước thời khắc lâm chung được cho là: “Cuối cùng thì tôi cũng được gặp Marilyn.”