Câu chuyện đằng sau nó
Einstein cùng Tiến sĩ Frank Aydelotte, Cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Cao Cấp Princeton và vợ ông, bà Aydelotte đang quay lại xe của họ. Các phóng viên cố gắng bám theo chụp ảnh Einstein.
Nhiếp ảnh gia Arthur Sasse của UPI (United Press International) chỉ lặng lẽ đứng nhìn từ xa trong đám đông hỗn loạn đó. Sau khi tất cả đã giải tán, ông mới bước đến gần ô tô và nói: “Ya, Giáo sư, hãy mỉm cười và chụp một bức thật đẹp nhân dịp sinh nhật ngài nhé, Ya?”.
Tuy nhiên, vì đã mỉm cười quá nhiều lần để ‘tạo dáng’ cho các phóng viên vào ngày hôm đó, Einstein khá mệt mỏi và chỉ đơn giản lè lưỡi rồi nhanh chóng ngoảnh mặt đi.
Dù lý do nhà vật lý làm động tác này là cố làm hỏng bức ảnh hay gì đi nữa, kế hoạch của ông đã phản tác dụng. Arthur Sasse đã nhanh tay bấm máy và thâu tóm được khoảnh khắc ấy — trong khi các nhiếp ảnh gia khác bỏ lỡ nó.
Những ngày sau đó, phòng họp của UPI bỗng sôi nổi hơn bình thường. Các biên tập viên đã tranh luận xem có nên đăng tải bức ảnh hay không và Sasse nhớ rằng “Caveo Sileo, phó biên tập thì thích nó, nhưng ông tổng biên thì không. Thế là họ họp với các lãnh đạo lớn ở tầng trên. Bức ảnh hoàn toàn ổn và chúng tôi đã sử dụng nó”.
Vì Einstein vốn nổi tiếng là thiên tài lập dị nên bức ảnh này được coi như một minh chứng về con người thực sự của ông và tạo dựng cho công chúng hình ảnh Einstein không phải một lão già đầu bạc nhút nhát chỉ biết quanh quẩn bên mấy phương trình vật lý như mọi người vẫn nghĩ, mà thay vào đó là một giáo sư “hấp dẫn” và vui tính.
Tờ The Guardian bình luận về nó như sau: “Bức ảnh này, được cho là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về bất kỳ nhân vật nào của thế kỷ 20, đã tạo nên hình ảnh trong công chúng về Einstein như ‘một giáo sư thú vị’ thay vì một nhà vật lý đoạt giải Nobel, người đã phát minh ra Thuyết tương đối.”
Nó đã trở thành một trong những bức ảnh chụp Einstein nổi tiếng nhất từng được chụp, phổ biến đến mức được sao chép rộng rãi trên các áp phích và nhãn dán.
Hình ảnh gốc bao gồm cả mặt của Tiến sĩ và ông bà Aydelotte trong ô tô, nhưng chính tay Einstein đã cắt bớt nó. Ông thích bức ảnh tới độ gửi cho bạn bè những tấm thiệp chúc mừng được trang trí bằng hình ảnh này.
Einstein yêu cầu UPI đưa cho mình 9 bản để sử dụng cho mục đích cá nhân (mà một trong số mục đích tôi vừa nêu bên trên đấy), một tấm đã ký tên tặng cho một phóng viên.
Vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, bức ảnh gốc có chữ ký được đem bán đấu giá với cái giá 74.324 USD, kỷ lục đối với một bức ảnh của Einstein.
Các nhiếp ảnh gia có thể học được gì từ câu chuyện này?
Arthur Sasse là minh chứng điển hình cho việc “một tác phẩm gánh cả sự nghiệp” trong nhiếp ảnh. Tên tuổi ông không quá nổi bật, thực tế thì khi bạn search tên ông trên Google thì phần lớn kết quả trả về lại là bức ảnh kinh điển trên.
Nói đơn giản, tên tuổi Arthur Sasse gắn liền với bức ảnh để đời này. Ông có may mắn không? Tôi nghĩ là không. Ông cũng chỉ là một trong hàng trăm phóng viên có mặt ngày hôm đó, khao khát chụp được tấm ảnh ưng ý về Albert Einstein.
Nhưng khi mà đám đông thưa thớt dần thì Arthur Sasse mới tiến lên, lịch sử hỏi xin Albert Einstein một bức ảnh. Einstein không kiên nhẫn được như Sasse, tại thời điểm đó thì ông có được lợi gì trong vụ này đâu.
Einstein lè lưỡi và quay đầu đi rất nhanh, chỉ trong tích tắc giây. Nhưng Arthur Sasse đã tóm được khoảnh khắc ấy, thứ mà mọi nhiếp ảnh gia khác đều bỏ lỡ.
Arthur Sasse có tài năng hơn họ không? Chưa chắc.
Vậy Arthur Sasse có gì hơn họ?
Dưới tư cách một nhiếp ảnh gia, chỉ riêng một thứ đã khiến ông trở thành “người được chọn”: lòng kiên trì. Bạn nên nhớ, Arthur Sasse đã hòa mình trong đám đông và có lẽ ông đã chụp hàng trăm bức ảnh trước đó rồi cũng nên.
Và quan trọng hơn, Arthur Sasse có sự chuẩn bị. Ông đã rất sẵn sàng, tay ông luôn đặt sẵn tại nút bấm. Nhờ có vậy, ông mới có thể “đóng băng” được khoảnh khắc ngắn ngủi đó.
Như giám đốc sáng tạo của Chanel – Karl Lagerfeld từng nói: “Điều tôi yêu ở các bức ảnh là cách chúng nắm bắt một khoảnh khắc đã ra đi vĩnh viễn, là bất khả để tái sinh lại”.
Nhà văn có thể hồi tưởng và xé đi viết lại, còn với nhiếp ảnh, những gì đã trôi qua là trôi qua mãi mãi.
Tôi có bàn tới vấn đề này trong một bài viết chuyên sâu hơn về Khoảnh khắc quyết định trong nhiếp ảnh. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
*Ảnh: Rare Historical Photos