‘Tragedy by the Sea’
Đó là một buổi sáng đẹp trời trên bãi biển Hermosa, Los Angeles. Làn gió êm đềm, ấm áp thổi từ Thái Bình Dương, biển xanh mây trắng cát vàng, tiếng sóng vỗ rầm rì nghe thật thư giãn. Đây chính là những gì mà nhiếp ảnh gia John Gaunt đang tận hưởng.
Bất thình lình, một tiếng thét vang lên và nhanh chóng được truyền đi trong bầu không khí tĩnh mịch kia: “Bãi biển! Có biến trên bãi biển!” Theo bản năng, Gaunt chộp ngay chiếc máy ảnh Rolleiflex của mình và lao nhanh tới bờ biển, nơi ông nhìn thấy ông bà McDonald đang kinh hoàng ôm chặt lấy nhau, nét mặt quẫn trí và đi tới đi lui trong vô vọng. Với chiếc máy ảnh đã sẵn sàng trên tay, Gaunt đưa ống kính và chụp cặp đôi từ khoảng 200 feet (60,9 mét).
Chỉ sau đó ông mới biết rằng mới một lúc trước thôi, cậu con trai 19 tháng tuổi của ông bà McDonald — Michael — đang chơi đùa ở vùng nước nông an toàn thì đột nhiên mất tích. Cơn sóng hung ác đã cướp cậu đi. Biển vẫn xanh, mây vẫn trắng và cát vẫn vàng, nhưng lòng người thì thổn thức khôn nguôi.
Đằng sau mỗi bức ảnh đều là một câu chuyện, và không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu. Nhìn vào bức ảnh, bạn có thể thấy khuôn mặt bà McDonald quẫn trí, đau khổ, rối bời và tuyệt vọng đến nhường nào. Lần này, may mắn đã không mỉm cười với ông bà McDonald, khi thi thể của cậu bé đáng thương được tìm thấy trên bãi biển cách đó một dặm vào cuối ngày.
Bức ảnh có tựa đề “The Tragedy by the Sea” xuất hiện trên trang nhất của The Times vào ngày hôm sau. Nó đem về cho Jack Gaunt Giải Pulitzer ‘danh giá’ năm 1955 về nhiếp ảnh báo chí và Giải thưởng Biên tập viên Điều hành của Associated Press.
Đồng nghiệp kéo đến nâng ly chúc mừng thành tựu mà chàng trai của họ vừa đạt được, nhưng chính Jack Gaunt lại không vui được như vậy..
Những Tranh Cãi Xoay Quanh Bức Ảnh Biểu Tượng
Ngay từ khi được xuất bản, bức ảnh này đã nhận về vô số chỉ trích vì bất chấp cảm xúc chân thực mà nó truyền đạt, nhiều người vẫn xem nó là một tác phẩm phi đạo đức. John Gaunt không biết ông bà McDonald, và ông nhận giải Pulitzer dựa trên nỗi đau của họ.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ý kiến bênh vực Gaunt, cho rằng ông chỉ đang cố gắng làm công việc của mình. Nhưng rất may là Jack Gaunt cũng đã tự công kích chính mình trước khi cho những kẻ khác có cơ hội làm điều đó.
Trong bản cáo phó trên tờ Times năm 2007 của Gaunt bởi nhà văn Jon Thurber, con gái ông nhớ lại: “Hình ảnh đó lúc đầu thật vượt quá sức chịu đựng của ông ấy.” Jack Gaunt chỉ mới 31 tuổi khi chụp bức ảnh này, tức là ngang tuổi với cặp đôi trong khung hình và Jack cũng có một cô con gái 3 tuổi ở nhà.
Nhận tin mình đoạt giải Pulitzer, phản ứng đầu tiên của Gaunt là: “Lạy Chúa, các bạn — tôi phải ngồi xuống cái đã.” Người ta nói ban đầu ông còn không tin đây là sự thật.
Chỉ một lúc sau đó, hầu hết ban Biên tập đều có mặt để chúc mừng thành công của Gaunt. Nhưng thật bất ngờ, vì giữa tất cả những tiếng huyên náo ấy, giữa những màn pháo tay và tràng cười kéo dài tưởng như vô tận, thì John Gaunt đứng dậy và bình tĩnh tuyên bố: “Tôi thấy khó chịu trong lòng.”
Nỗi Đau Của Người Ở Lại
5 ngày sau sự kiện thương tâm trên, phóng viên của tờ Los Angeles Times đã tới gặp gia đình McDonald để tìm hiểu thêm về câu chuyện của họ.
Bà Mary bắt đầu khóc khi nhớ lại phút giây bi kịch ấy, khi bà gần như bị cơn cuồng loạn chiếm lấy tâm trí. Mary là người đầu tiên phát hiện ra Michael đang chới với dưới làn nước, bà chạy xồng xộc vào nhà và túm lấy áo chồng chặt tới mức tưởng từng đường kim thớ chỉ sẽ rách toạc ra.
Nhưng trước cơn sóng thịnh nộ kia, bóng dáng nhỏ nhắn của cậu bé Michael không có bất kỳ cơ hội nào để chống đỡ lại. Bãi biển dần trở nên im lặng, cái im lặng của chết chóc, và mặc dù những làn sóng vẫn rì rầm bên tai, âm thanh duy nhất mà ông bà McDonald nghe được là sự dằn vặt vọng lại từ sâu thẳm trong tâm can.
Con gái lớn của ông bà, chị của cậu bé Michael là cô bé Sarah, 14 tuổi vẫn luôn tự trách mình vì chính cô là người đã nài nỉ Michael xây lâu đài cát. Cô không ngừng dằn vặt mình vì đã quá vô trách nhiệm, quá chủ quan tới độ để em trai chơi đùa một mình ngoài bãi biển.
“Cuộc sống của tôi thật kinh khủng! Cảm giác tội lỗi đè nặng tôi, và nó sẽ đeo bám tôi suốt cuộc đời. Đó là vết sẹo không bao giờ lành, không có bao giờ có thể che đậy được. Mọi ngóc ngách, mọi con đường, vết sẹo đó sẽ ở đó ám ảnh tôi cả đời! Không chỉ khi tôi thức, mà cả khi tôi ngủ. Em ấy luôn về trong giấc mơ, tôi nhìn thấy em ấy chới với dưới làn nước và dù cố gắng tới mức nào chăng nữa, chân tôi vẫn nặng như chì và rồi tôi bắt đầu hụt hơi. Và rồi tôi nhận ra: tôi chưa hề cử động lấy một phân nào cả.”
Buổi phỏng vấn kết thúc không được êm đềm cho lắm, khi Sarah trở nên mất bình tĩnh và bắt đầu nạt nộ phóng viên. “Gượm đã… Tại sao bạn lại hỏi tôi những câu hỏi này? Bạn không cố gắng an ủi tôi chút nào! Bạn có thể để tâm ít hơn về gia đình tôi mà! Bạn chỉ muốn thông tin có lợi cho bạn! Tôi cảm thấy cuộc phỏng vấn này đang xâm phạm không gian riêng tư của tôi. Sự việc này nằm trong khuôn khổ gia đình và lẽ ra có thể được giải quyết mà không dính dáng tới giới truyền thông và công chúng!”
Nói tới đây, cô bé đóng sập cửa lại và bước ra ngoài trong sự ngỡ ngàng của người phóng viên. Bài phỏng vấn sau đó vẫn được đăng tải đầy đủ trên tờ Los Angeles Times.