***
Năm mươi năm sau cái chết đột ngột vào năm 1984, ở tuổi 56, huyền thoại về Winogrand vẫn tồn tại: thiên tài bản năng của nhiếp ảnh Mỹ, người phủi tay trước kỹ thuật nhưng lại tận tâm lê trên đường phố cả ngày với chiếc máy ảnh cầm tay. Đối với ông, nhiếp ảnh là một niềm đam mê ám ảnh – ông để lại 6.500 cuộn phim chưa qua xử lý, và tổng cộng gần 300.000 bức ảnh chưa qua chỉnh sửa.
Nhưng, ngay cả trước khi qua đời, Garry Winogrand đã được tôn vào hàng huyền thoại sống. Trong số tất cả các nhiếp ảnh gia thuộc thế hệ của ông – có Diane Arbus và Lee Friedlander – Winogrand dù không phải là người được nghiên cứu nhiều nhất, nhưng chắc chắn sở hữu số người hâm mộ lớn nhất và bị bắt chước nhiều nhất.
Winogrand sinh ngày 14 tháng Một năm 1928 tại Bronx, Thành phố New York. Ông sống trong một căn hộ nhỏ với cha mình, Abraham là một công nhân và mẹ, Bertha, người làm cà vạt. Chính từ căn hộ này, ngay từ khi mới mười tuổi, Winogrand đã hình thành thói quen đi dạo trên phố đến tận đêm khuya.
Winogrand nói với người bạn Tod Papageorge trong các cuộc trò chuyện được ghi âm vào năm 1977 rằng, việc đi bộ giữa đêm khuya khuắt nhằm thoát khỏi căn hộ ọp ẹp, nơi người ta chỉ có thể được một mình trong phòng tắm. Những chuyến lang thang, và có lẽ cả những quan sát của Winogrand, như một động thái ẩn náu khỏi hiện thực. Ông tìm kiếm sự riêng tư và cô độc, và nó trở thành cách tiếp cận mà ông sẽ áp dụng trong suốt sự nghiệp cầm máy của mình.
Sự nghiệp của ông bắt đầu từ những năm 50, khi ông làm phóng viên tạp chí và nhiếp ảnh gia quảng cáo, nhưng phải đến những năm 60, ông mới hoàn thiện được phong cách “đường phố”, thứ gắn liền với tên tuổi ông và biến ông trở thành một nhân vật được sùng bái trong thế giới nhiếp ảnh.
Chủ yếu hành nghề trên đường phố New York, Winogrand thâu tóm cuộc diễu hành của người qua đường một cách tức thời và hiếm thấy trong ảnh tĩnh. Ngoài ra, ông còn chụp ảnh các cuộc biểu tình, khai trương bảo tàng, khiêu vũ, cưỡi ngựa và động vật trong sở thú.
***
Đối với thế hệ hậu bối, thiên tư của Winogrand tỏa rạng nhờ tính cách tân trong tiếp cận nhiếp ảnh. Về bản chất, ông tin tưởng chiếc máy ảnh sẽ tiết lộ sự thật về cách nhìn thế giới. Nói cách khác, ông coi máy ảnh là con mắt của mình. Ông không cố gắng chụp ảnh đối tượng của mình, ông chụp vì muốn khám phá đối tượng.
Ông từng nói về phương pháp của mình: “Tôi chụp ảnh để tìm xem thứ gì đó sẽ trông như thế nào khi được chụp.” Câu châm ngôn này, cùng với kỹ thuật chụp ảnh nhanh, ống kính góc rộng và khung hình thường xuyên bị lệch, đã trở thành tuyên ngôn cho thế hệ nhiếp ảnh gia cấp tiến vào những năm 70. Nó nhanh chóng trở thành thỏi nam châm thu hút một nhóm “tín đồ” trẻ tuổi, những người đi dạo trên vỉa hè New York với chiếc Leica đeo trên cổ tay, bấm máy tanh tách.
Những bức ảnh của ông, được thai nghén từ niềm đam mê ám ảnh với cuộc sống nơi công cộng, thường chứa đầy hoạt động. Thay vì chỉ tập trung vào một chủ thể duy nhất, được nắm bắt vào một “khoảnh khắc quyết định” theo cách của Henri Cartier-Bresson, Winogrand đưa vào ống kính nhiều quan điểm và cách giải thích đa dạng.
Đối với những con mắt thông thường, chúng có vẻ lộn xộn, vô tổ chức và trông giống như những bức ảnh chụp vội, nhưng chúng ẩn chứa một trật tự gần như tiềm thức bên dưới bề mặt hỗn độn, chứng tỏ trí thông minh thị giác của Winogrand.
Trong cuốn Bàn về nhiếp ảnh, Susan Sontag cho rằng nhiếp ảnh là một cách tiếp thu, một hình thức sở hữu cho phép nhiếp ảnh gia vừa tham gia vừa xa lánh. Cách tiếp cận của Winogrand là bằng chứng cho lập luận này, bởi, về cơ bản là đối tượng của ông bị vi phạm quyền riêng tư. Đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi riêng trong phạm trù nhiếp ảnh đường phố, cho thấy sự căng thẳng kéo dài giữa quyền tự do biểu đạt nghệ thuật của nhiếp ảnh gia và quyền riêng tư của chủ thể.
Garry Winogrand không phải người tiên phong trong nhiếp ảnh đường phố, nhưng chắc chắn là một tượng đài của thể loại này. Có một đạo đức làm việc đáng khâm phục với di sản đồ sộ ông để lại, và, xuyên suốt công việc của ông, tất cả đều gây buồn chán và chờ đợi. Ông có thể chụp hàng trăm tấm chỉ để lấy một tấm ưng ý, và, nếu phong cách của ông quá khó nhằn để theo đuổi, ít nhất ta cũng có thể học từ ông tính kiên nhẫn.
Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Winogrand đối với thế giới rộng đến mức thách thức những học trò cố gắng theo bước ông. Phần lớn các nhiếp ảnh gia đường phố ngày nay đều bắt chước những trò giật gân của người thầy, từ khung hình nghiêng cho đến sự hài hước đầy tính nghệ thuật. Nhưng giống như bất cứ bản dịch nào từ bản gốc, luôn có gì đó bị mất đi.