1/ NSND Tuyết Mai
NSND Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Thái, sinh năm 1925 tại đảo Cát Hải, tỉnh Hải Phòng. Từ năm 12 tuổi, gia đình bà chuyển về sống tại Hà Nội.
Năm 1955, bà Bùi Thị Thái từ Thư viện Quân đội chuyển sang đội ngũ phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam với nghệ danh Tuyết Mai. Kể từ đó, giọng đọc trầm ấm truyền cảm của NSND Tuyết Mai đã trở thành người bạn tâm tình của nhiều thế hệ người Việt, từ nông thôn tới thành thị, từ ngoài Bắc vào tới trong Nam.
Trong một hội nghị về ngôn ngữ học, cố nhà văn Tô Hoài từng nhận xét: “Đài Tiếng nói Việt Nam cần phải là chuẩn mực về cách phát âm của một ngôn ngữ chuẩn mực cho cả nước. Có một giọng nói đạt đến mức chuẩn mực mà tôi công nhận đấy là giọng chị Tuyết Mai”.
Ngoài các chuyên mục của Đài Tiếng nói Việt Nam, bà còn đảm nhiệm đọc các tin tức thời sự chính trị, các chuyên mục như Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc.
Thậm chí trong hơn hai mươi năm kể từ lúc bà nghỉ hưu, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn sử dụng lời xướng của bà trong nhạc hiệu của nhiều chương trình như: Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya.
Riêng lời xướng cho buổi Đọc truyện đêm khuya và tiết mục Tiếng thơ đã 40 năm trôi qua, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn chưa tìm được giọng đọc thay thế.
2/ NSƯT Kim Cúc
NSƯT Kim Cúc sinh năm 1944 tại Nam Định, là giọng đọc gắn bó lâu dài với chuyên mục Đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà là phát thanh viên đã đọc bản tin chiến thắng quan trọng ngày 30/4/1975 trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay khi xe tăng của quân ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.
Năm 2000, NSƯT Kim Cúc về hưu theo chế độ nhưng bà vẫn luôn luôn được mời đọc, không chỉ chuyên mục Đọc truyện đêm khuya, còn đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu của VTV, VOV…
Giọng đọc của NSƯT Kim Cúc đã gắn liền với Đọc truyện đêm khuya như một thương hiệu không thể lẫn vào đâu được và cho đến nay chưa ai có thể thay thế. Có không ít thính giả gắn bó với chương trình chỉ vì muốn được nghe giọng đọc của bà.
NSƯT Kim Cúc chia sẻ, bà gắn bó với chuyên mục Đọc truyện đêm khuya tới mức, bà đã gặp biết bao khán giả ngoài đời, khi biết bà là người đọc truyện, họ đều nói, suốt cả tuổi thơ của họ hoặc cả gia đình họ một thời đã cùng nhau lắng nghe giọng đọc của bà trên sóng phát thanh.
3/ NSƯT Hà Phương
NSƯT Hà Phương tên thật là Đào Ngọc Bích, sinh năm 1940 tại Nam Định. Hơn 50 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tên tuổi của NSƯT Hà Phương được biết đến nhiều nhất trong chương trình Đọc truyện đêm khuya bằng một chất giọng hiếm có.
Trong quá trình làm nghề, NSƯT Hà phương khẳng định chất giọng đẹp mới chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ”. Phát thanh viên phải là người biết đọc nghĩa của chữ, sau khi đã nhận ra dáng vẻ của nó. Chỉ khi có khả năng cảm thụ văn học và kiến thức ngôn ngữ thì họ mới biết cách ứng xử tình nghĩa hơn với văn bản đọc, dù đó chỉ là vài dòng tin tức.
Điều tâm niệm này xuyên suốt trong phần đời làm công tác đào tạo PTV mà ông thực hiện ngay từ khi giảng dạy lớp PTV đầu tiên sau cuộc thi tuyển năm 1990. Hơn 600 thí sinh qua 3 vòng loại chỉ chọn được 4 người. Hai học viên ngày đó là Phượng Minh và Hùng Sơn thì nay đang là Trưởng và Phó phòng PTV, là giọng đọc trụ cột của đài hiện nay. Các lớp đào tạo sau đó ông đã bồi dưỡng thêm nhiều giọng đọc nữ trẻ sớm thành danh cho chương trình Đọc truyện đêm khuya như Hải Yến, Hồng Huệ, Phương Hằng..
Những năm qua, với mong muốn phát triển nghề phát thanh viên, NSƯT Hà Phương đã mở nhiều lớp học, khóa học đào tạo về giọng nói, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Ngày nào ông cũng có ca dạy với hàng chục học viên đến nhà ông tại con ngõ nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để “học cách nói”.
4/ NSƯT Kim Tiến
NSƯT Kim Tiến được mệnh danh là người phụ nữ có “giọng nói huyền thoại” đã chinh phục bao thế hệ khán, thính giả của Việt Nam. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bông, năm 13 tuổi, NSƯT Kim Tiến đã theo học trường múa.
Trong năm anh em trong nhà thì Kim Tiến là người duy nhất đi theo con đường nghệ thuật. Lợi thế về thanh và sắc nhưng khi theo đuổi nghề phát thanh viên truyền hình, Kim Tiến lại vấp phải nhiều trở ngại.
Năm 1970 và 1971 bà thi tuyển phát thanh viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng cả hai lần đều không đỗ. Cơ duyên bất ngờ đến với Kim Tiến khi bà về công tác tại đội múa của Đài Truyền hình Việt Nam và sau đó được chuyển sang làm phát thanh viên.
Ngoài công việc phát thanh viên và biên tập viên, Kim Tiến còn làm thuyết minh cho phim truyền hình, bà chính là người thuyết minh cho bộ phim gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt là Tây Du Ký (bản 1986).
Năm 2002, bà nghỉ hưu nhưng vẫn mở lớp dạy phát thanh, biên tập cho các học viên trẻ.
5/ NSƯT Trần Phương
NSƯT Trần Phương tên thật là Nguyễn Bá Thế, quê Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Ông tham gia cách mạng khi 15 tuổi và tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1957 ông chính thức về Đài Tiếng nói Việt Nam với nghề phát thanh viên và vào Đảng năm 1977. Năm 1993, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSƯT và một năm sau đó thì về Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ.
Khỏe khoắn và tráng kiện, NSƯT Trần Phương quả là một giọng đọc hiếm có trong giới PTV Việt Nam. Ông đã đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu trong đó có phim nổi tiếng Chiến thắng đường 9 Nam Lào dài 9 tập do điện ảnh quân đội thực hiện năm 1971.
Sau giải phóng một thời gian, Trần Phương về cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, ông còn nhận nhiệm vụ đào tạo PTV cho các đài tỉnh khu vực phía Nam.
(Tổng hợp)