Trách nhiệm cá nhân là gì?
Personal Responsibility, có thể hiểu là trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm xã hội cá nhân, là một tình thế sống của con người. Trong giáo dục Việt Nam, trách nhiệm cá nhân được thể hiện dưới dạng nghĩa vụ của cá nhân đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội như hôn nhân và gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già, chăm sóc và nuôi dạy con cái, đóng thuế thu nhập vào ngân khố nước nhà,...
Mỗi cá nhân đều có chung trách nhiệm đó, gắn với sự bảo toàn về sức khỏe và tinh thần cho một cá nhân khác trong mối liên quan với sự phát triển chung của xã hội. Mắt xích này liên tục lặp đi lặp lại, và nếu không may xảy ra những lỗi sai vi phạm tính chất ổn định xã hội, mắt xích hỏng đó sẽ bị loại bỏ hoặc tìm cách vá lành. Tóm lại thì, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm luôn đi liền với nhau. Khi bạn nhận quyền lợi, đồng thời bạn cũng nhận trách nhiệm tạo ra quyền lợi cho người khác.
Thế nhưng, chúng ta cần quay ngược trở lại với sự tồn tại kiên cố của hệ thống tư tưởng cũ. Các tư tưởng hiện đại chủ trị sự vận động của thế giới, nhưng những tư tưởng cũ như các mắt xích rỉ sét móc thành hàng rào định kiến.
Bởi thế, trách nhiệm cá nhân còn phải thỏa hiệp với những định kiến xã hội. Ví dụ:
- Con trẻ học hết cấp 3 phải học lên đại học, học trường top đầu thì mới có tương lai. Những bạn học sinh bị ràng buộc vào kiểu trách nhiệm này sẽ chỉ có một mục tiêu duy nhất như thế, cố gắng để vào những trường Đại học đó dù bản thân họ cũng không thật sự thích hay thật sự biết mình muốn gì.
- Con cái trong nhà không kết hôn là chuyện nghiêm trọng, không có con là chuyện bất hiếu. Kết thúc Đại học, họ lại phải gánh vác trách nhiệm lập gia đình, sinh con. Đó là lý do khiến nhiều người dành những năm tháng tuổi trẻ của mình chỉ để thỏa mãn trách nhiệm xã hội gán lên cá nhân. Họ không tự do theo đuổi tình yêu, không tự do trải nghiệm thế giới xung quanh, và chấp nhận sống trong một quy trình mà xã hội thiết lập ra cho một đời người.
Phân loại trách nhiệm cá nhân
Trách nhiệm cá nhân bao gồm trách nhiệm của một cá nhân với bản thân và trách nhiệm của cá nhân với xã hội, trong đó bao gồm cả gia đình.
Trách nhiệm cá nhân đối với bản thân
Đây là cơ sở giúp một con người phát triển. Khi một người nhận thức đúng đắn về nhân tính, họ sẽ có những động thái để hoàn thiện chính mình và nhận thấy những thiếu sót. Quá trình nhận thức này sẽ luôn luôn diễn ra từ khi con người còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, và sẽ bộc lộ rõ ràng nhất khi con người trên 18 tuổi, không còn phụ thuộc vào sự bảo bọc của gia đình.
Trách nhiệm cá nhân đối với bản thân là điều kiện quan trọng nếu như bạn muốn trở thành một người thành công. Trách nhiệm cá nhân giúp chúng ta nhận ra rằng: cách chúng ta sống, hành động chúng ta làm, quyết định chúng ta đưa ra, không phải do ai khác chịu trách nhiệm mà là chính chúng ta.
Vì thế, việc thiết lập ranh giới trách nhiệm sẽ giúp bạn hình thành các khuôn khổ, nguyên tắc hành động tương xứng với khả năng của mình. Khi thiết lập ranh giới trách nhiệm cá nhân, bạn cần lưu tâm đến:
- Khả năng thực hiện của mình ở mức nào?
- Bản thân có thực sự yêu thích điều đó không?
- Thiết lập sẽ tạo ra ảnh hưởng như thế nào, mức độ ảnh hưởng lớn hay nhỏ?
Ví dụ, bạn muốn trở nên giàu có, ngoài công việc hành chính, bạn làm việc quần quật, không từ chối bất cứ công việc nào kiếm ra tiền, nhưng đổi lại, sức khỏe của bạn ngày càng suy yếu và mắc nhiều bệnh mãn tính, không có thời gian yêu đương, không có thời gian quan tâm đến những người xung quanh. Câu chuyện về chàng trai trẻ Moritz Erhardt đã từng khiến báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin là một điển hình của việc không thiết lập ranh giới trách nhiệm. Năm 21 tuổi, Moritz Erhardt là thực tập sinh của ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ). Anh làm việc liên tục 20 tiếng mỗi ngày, thiếu ngủ trầm trọng và phải sử dụng thuốc thần kinh. Cho đến một hôm, sau 72h làm việc liên tục, anh trở về nhà và đã tử vong trong phòng tắm sau khi lên cơn động kinh vì tác dụng của việc sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Ở đây, trách nhiệm bản thân phải thực hiện ước mơ, bản thân phải có vị trí trong xã hội đã không được thiết lập ranh giới trách nhiệm, vì thế, trách nhiệm sự nghiệp cá nhân đã ảnh hưởng đến trách nhiệm sức khỏe cá nhân và trách nhiệm tình cảm cá nhân.
Ranh giới trách nhiệm cá nhân này cũng giúp bạn học được cách lựa chọn, cách từ chối và đôi khi là chấp nhận.
Bạn là người hướng nội, ngại giao tiếp, không thích đám đông nhưng bạn vẫn nhận lời đến một bữa tiệc, vẫn hòa nhập vào đồng nghiệp, đây là khi bạn chấp nhận rằng, giao tiếp công sở vô cùng cần thiết. Dù hoạt động đó bạn không mấy thích thú, nhưng vì trách nhiệm, bạn vẫn sẽ cố gắng để hoàn thành.
Bạn nhận được vài lời nhờ vả, bạn nhận thấy nó ngoài khả năng của bản thân, bạn từ chối, đó chính là biểu hiện của ranh giới trách nhiệm.
Trách nhiệm cá nhân là sự kỳ vọng của một người vào bản thân. Kỳ vọng đó có thể giúp bạn, nhưng đừng bao giờ đặt ra kỳ vọng quá lớn lao rồi khiến bản thân mệt mỏi, áp lực. Kỳ vọng, trách nhiệm, khả năng là ba thứ cần được cân bằng.
Trách nhiệm cá nhân đối với xã hội
Trách nhiệm cá nhân đối với xã hội là những hành vi của một cá nhân được quy chuẩn bởi xã hội trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức.
Diễn giải một cách dễ hiểu, trách nhiệm cá nhân là sự đồng thuận của cá nhân đối với các tiêu chuẩn được xã hội thiết lập và sự nỗ lực để sống theo các tiêu chuẩn đó. Nó đồng nghĩa với việc, khi các cá nhân không tuân theo quy chuẩn hoặc không cách nào đạt được quy chuẩn, họ sẽ dễ rơi vào tình trạng suy sụp về tinh thần, cho rằng bản thân là một “mắt xích hỏng” và không phù hợp với xã hội. Cá nhân sẽ không chỉ đổ lỗi cho bản thân, mà sẽ quay sang đổ lỗi cho xã hội, và cả gia đình vì những tiêu chuẩn đã đặt lên họ.
Một ví dụ điển hình cho sự sụp đổ cá nhân là khi nhận dạng về giới và xu hướng tính dục nằm bên ngoài sự tiếp nhận của xã hội. Tức là, xã hội đã mặc định, tình yêu và hôn nhân được tạo dựng nên bởi 1 vợ và 1 chồng, 1 nam và 1 nữ, đồng nghĩa với giới chỉ có nam và nữ. Thế nhưng, những nghiên cứu tiến bộ hiện nay đã xác minh và đặt ra khái niệm đa dạng hơn về giới, về xu hướng tính dục và thúc đẩy bình đẳng, hợp pháp hóa hôn nhân cho các đối tượng đó.
Những nghiên cứu này không mới nhưng cũng rất khó để thay đổi trong hệ thống tiêu chuẩn xã hội, bởi hệ thống ấy đã được kiên cố mấy ngàn năm và phần lớn tư tưởng chung của các cá nhân trong xã hội góp phần khiến nó trở thành bức tường kiên cố.
Vì thế, những người tách ra khỏi tiêu chuẩn xã hội, không được gia đình và xã hội thừa nhận, lại không đủ khả năng để tinh thần vững vàng sẽ dễ bị sụp đổ, đổ lỗi, tiêu cực hơn là quy thuận về với tiêu chuẩn đó. Vừa qua, Bộ Y Tế Việt Nam đã chính thức khẳng định “Đồng tính không phải là bệnh”, vì thế, những hành vi “chữa bệnh” đồng tính là vô cùng lệch lạc. Đây là bước đi đầu tiên giúp những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam được cởi bỏ một phần áp lực trách nhiệm phải lập gia đình, sinh con với một người dị tính.
Hay như việc đánh giá một người không học đại học. Nếu họ thành công, sẽ chẳng còn ai nhớ đến chuyện đó, nhưng nếu họ không thành công thì sẽ trở thành bài học để các gia đình giáo dục con của họ rằng: “Nhìn đứa A mà xem, không học đại học nên giờ như thế đấy!!”. Những đứa trẻ lớn lên trong tiêu chuẩn xã hội một cách cực đoan sẽ rất khó tìm thấy đam mê của mình và không dám theo đuổi ước mơ.
Dù vậy, bên cạnh những tác động tiêu cực, tiêu chuẩn xã hội vẫn là hệ thống tư tưởng giúp thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội, cụ thể như sau:
- Hình thành nhân tính cho mỗi cá nhân, giáo dục về những giá trị đạo đức tốt đẹp như bao dung, tương thân tương ái, hiếu thuận,...
- Giúp cá nhân thấu hiểu được sự quan trọng của giáo dục trong suốt thời kỳ trưởng thành và chú tâm rèn luyện bản thân.
- Thấu hiểu sự bình đẳng và hướng tới tình yêu lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình nuôi dưỡng và gia đình tương lai mà bản thân sẽ tạo dựng.
- Có trách nhiệm trong mỗi hành vi, biết cân nhắc ảnh hưởng hành vi tới gia đình và xã hội, từ đó có những quyết định đúng đắn.
- Thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước như tham gia rèn luyện bảo vệ Tổ quốc, phát hiện và bài trừ những hành vi tổn hại xã hội, đóng thuế giúp tăng trưởng kinh tế xã hội,...
Định kiến có thể coi là một phần của tiêu chuẩn xã hội, là những trách nhiệm có tính cực đoan và ép buộc dành cho cá nhân. Để thay đổi những định kiến ấy, phải cần rất nhiều thời gian hơn nữa. Nhưng cá nhân không thể vì định kiến mà từ bỏ những sự lựa chọn, quyết định của mình. Bởi vì, cá nhân không chỉ có trách nhiệm với xã hội, gia đình mà quan trọng nhất và là hạt nhân định hình con người, đó là trách nhiệm với bản thân. Vì thế, đứng trước hạnh phúc, cá nhân hoàn toàn có thể lựa chọn sống theo cách của mình, đi trên con đường mình muốn, chỉ cần không vi phạm pháp luật và đạo đức văn minh.