Bánh xe cuộc đời là gì?
Con người hiện đại càng ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, và những tiến bộ văn minh thế giới, con người không thể nằm ngoài xu thế đó và buộc phải chạy theo nếu như không muốn trở thành thế hệ người tối cổ. Vật giá leo thang, nỗi lo nhà ở, công việc, quan hệ xã hội,... khiến người ta phải gồng mình gánh vác. Những điều đó dù có chia sẻ thì cũng không cách nào giải tỏa được hết, vì thế mà nó sẽ ức lại trong sâu thẳm tâm hồn, khiến họ trở nên tự ti, mệt mỏi.
Bánh xe cuộc đời là một liệu pháp vực dậy những con người đang chông chênh. Thay vì nói với họ rằng, họ hãy gặp người này người kia, hãy nghe lời khuyên từ những người thành công, Bánh xe cuộc đời giúp con người thực sự làm chủ cuộc đời của mình.
Khái niệm bánh xe cuộc đời
Khái niệm “bánh xe cuộc đời” được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1960 bởi một nhà diễn giả truyền cảm hứng, một doanh nhân tỷ phú, là Paul J. Meyer. Bánh xe cuộc đời còn được gọi bằng một vài cái tên khác như Bánh xe cân bằng cuộc sống, Bánh xe thành công, Bánh xe huấn luyện. Tuy nhiên, dù hiện diện dưới cái tên nào thì mục đích mà Bánh xe cuộc đời hướng tới chính là giúp cho con người cân bằng lại mọi vấn đề trong cuộc sống, và ý nghĩa cao nhất của nó chính là sự chữa lành về mặt tinh thần.
Kết cấu Bánh xe cuộc đời
Bánh xe cuộc đời được tổ chức với kết cấu hình mạng nhện, điểm cốt lõi ở vị trí trung tâm là 0, sau đó tăng dần lên đến 10, tương ứng với mức độ thỏa mãn các góc độ trong cuộc sống. Hiện nay, dù có một vài biến đổi, nhưng cơ bản, Bánh xe cuộc đời sẽ được tổ chức bởi 8 yếu tố chính là:
- Sức khỏe: Điểm tựa cho mọi hoạt động trong cuộc sống.
- Gia đình: Nơi kiến tạo hạnh phúc và trú ẩn của tâm hồn, một nơi bao bọc cá nhân và cũng là một địa chỉ cấu thành xã hội.
- Tài chính: Yếu tố vật chất giúp bạn làm mọi điều mình muốn.
- Sự nghiệp: Một trong những chỉ tiêu đánh giá mức độ thành công của một cá nhân.
- Mối quan hệ: Sự kết nối của cá nhân với xã hội. Các mối quan hệ càng rộng, mạng lưới xã hội của bạn càng vững vàng và càng có nhiều sự giúp đỡ.
- Phát triển bản thân: Bạn làm gì để trở nên tốt hơn.
- Cống hiến xã hội: Bạn đã cho đi điều gì để trở nên hạnh phúc.
- Tâm linh: Những xao động trong tiềm thức, tinh thần và sự nhạy cảm của bạn trong cuộc sống.
Tám yếu tố này được chia phần ngang nhau trong Bánh xe cuộc đời, và vì thế, nếu bánh xe bị khuyết mất một phần, nó sẽ không thể di chuyển một cách nhẹ nhàng. Thomas Merton, một nhà thần học đã định nghĩa hạnh phúc là sự cân bằng. Nhìn vào sự tổ thành của bánh xe cuộc đời, bạn sẽ càng thấy rõ ràng về sự cân bằng tạo nên hạnh phúc đó.
Gợi ý: Sử dụng sketchnote - ghi chép sáng tạo kết hợp chữ và hình vẽ.
Nhiều người cho rằng, tiền nhiều là tốt rồi, cứ kiếm tiền là được. Thế nhưng, nếu chỉ lo gia tăng giá trị tài chính mà bỏ quên một, hai hoặc nhiều hơn các khía cạnh khác của bánh xe, bạn sẽ rơi khi mất thăng bằng. Sự rơi ấy thể hiện rõ nhất ở sự suy sụp tinh thần.
Thực hành Bánh xe cuộc đời như thế nào?
Bước 1: Vẽ bánh xe cuộc đời với 8 yếu tố cơ bản.
Bạn có thể giữ nguyên 8 yếu tố như đã gợi ý, hoặc tiến hành cải thiện chúng dựa trên những yếu tố quan trọng trong cuộc sống của bạn, tuy nhiên, vẫn không nên quá tách biệt với 8 khía cạnh cơ bản đó.
Để vẽ bánh xe cuộc đời, bạn nên sử dụng thước và com-pa để có được một hình vẽ đẹp nhất. Khi nó đẹp và các vòng quay đều nhau, bạn cũng sẽ có được hứng thú và tâm trạng tốt hơn.
Bước 2: Tiến hành đánh giá các khía cạnh cuộc sống
Để làm tốt bước này, bạn cần thực sự tĩnh tâm với thế giới xung quanh. Hãy chọn một góc yên tĩnh, suy nghĩ lại về những thành quả bản thân đạt được so với mục tiêu đã đề ra.
Rõ ràng, bạn cần hoàn toàn tránh việc chấm điểm mọi thứ bằng 0 hoặc bằng 1, vì như vậy bạn đang bị suy nghĩ một cách tiêu cực. Ngay cả khi mất cân bằng, con người cũng vẫn tạo ra giá trị. Vì thế, hãy cho chúng một mục tiêu vừa đủ theo giới hạn năm, xét trên kỳ vọng của bạn đối với năm được xét.
Cuối cùng, sau khi đã cân nhắc, hãy khoanh tròn những con số điểm mà bạn cảm thấy phù hợp với mình hoặc nối số theo kiểu mạng nhện.
Bước 3: Tìm ra nguyên nhân
Mọi khía cạnh trong cuộc sống đều ảnh hưởng đến nhau. Từ số điểm đó, hãy kéo một đường thẳng tương ứng và take note trực tiếp nguyên nhân mà bạn chưa cảm thấy thỏa mãn với nó, hay tại sao nó chỉ xứng đáng với từng ấy điểm.
Việc đánh giá nguyên nhân cũng giúp bạn nhìn nhận một cách đúng mức những được mất trong cuộc sống. Không ai mất đi hoàn toàn và cũng không ai được một cách trọn vẹn. Vì thế, nếu điểm thỏa mãn của bạn không cao chót vót, không tạo thành vòng tròn 8 - 9 -10 thì bạn cũng đừng quá lo lắng.
Bước 4: Tìm ra giải pháp
Tại đây, bạn hãy mở sang một trang mới, vẽ một bảng liệt kê tất cả các khía cạnh đó, ghi ra giải pháp và mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định của tương lai. Tức là, giải pháp và mục tiêu cần đề ra song song, để khi bạn quay lại với Bánh xe cuộc đời sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm mới, bạn sẽ biết được chỉ số của mình tăng như thế nào. Trong một năm, bạn nên dùng cố định hình vẽ Bánh xe cuộc đời theo từng quý, để đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống.
Bước 5: Đừng chần chừ nữa, hãy làm đi
Sau khi đã xác định rõ ràng mục tiêu mới, hãy bắt tay vào làm. Để có thể điều hòa các khía cạnh, bạn nên chia timeline cho một ngày, bao gồm: thời gian nghỉ ngơi (bao gồm ngủ), thời gian ăn các bữa, thời gian học tập và giải trí, thời gian làm việc. Sau đó, mỗi ngày, hãy ghi lại kết quả mà bạn đạt được.
Bạn không cần làm tất cả mọi thứ trong một ngày, nhưng trong một tháng, hãy định ra số lần bạn về thăm nhà, số lần gặp gỡ bạn bè, số buổi học kỹ năng mới,... Đó là những thứ bạn không cần làm liên tục nhưng nhất định không được thiếu.
Bước 6: Xem lại và hoạch định
Đây là bước tổng kết những kết quả đã đạt được sau thời gian thử nghiệm. Bước này sẽ giúp bạn đánh giá hiệu quả của giải pháp mà bản thân đề ra, rõ ràng nhất ở chỉ số thỏa mãn các khía cạnh tăng lên.
Bước này sẽ kết thúc một vòng của Bánh xe cuộc đời và mở ra một vòng quay mới.
Trên đây là hướng dẫn để bạn thực hành “bánh xe cuộc đời” cho riêng mình. Sau khi đã vẽ ra được “bánh xe cuộc đời”, đánh giá được các chỉ số, bước tiếp theo chính là trả lời câu hỏi: “Phải làm sao để đạt tới trạng thái thỏa mãn với các phần nan của bánh xe?”, hãy cùng WeStudy đọc tiếp ở phần 2 nhé!!
Phần 2: Wheel of life: Làm sao để tìm thấy trạng thái hạnh phúc?