*Nội dung dưới đây được biên dịch từ bài viết gốc của tác giả Farhad Manjoo, đăng trên mục 'Opinion' của tờ The New York Times. Các bạn có thể xem bài viết bằng tiếng Anh tại đây.
Tôi có 99 vấn đề với AI, nhưng sở hữu trí tuệ không là một trong số đó.
Ngành công nghiệp truyền thông và giải trí gần đây đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi về việc nội dung AI tạo ra nên được xem xét theo luật sở hữu trí tuệ như thế nào. Mối lo ngại về việc AI sẽ thay đổi tính chất của ngành điện ảnh và truyền hình cũng là một trong những vấn đề chính gây ra cuộc đình công của các biên kịch và diễn viên ở Hollywood. Và các tờ báo lớn, bao gồm cả The Times — đang cân nhắc làm thế nào để bảo vệ tài sản trí tuệ từ những hoạt động báo chí của họ.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc liệu các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà làm phim và những nhà sáng tạo khác — bao gồm cả tôi, vào những ngày đẹp trời — có nên lo sợ rằng máy móc có thể đạp đổ chén cơm của chúng tôi hay không. Sau khi vùi đầu vào nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, tôi đã đi đến một quan điểm được cân nhắc kỹ lưỡng và đầy sắc thái: nah.
Những tranh cãi về AI sẽ giúp chi trả kha khá tiền học phí cho con cái của các luật sư. Nhưng càng sử dụng ChatGPT, MidJourney và các công cụ AI khác, tôi càng nghi ngờ rằng mối lo lắng về sở hữu trí tuệ kia có thể ít quan trọng hơn chúng ta nghĩ. Đó là bởi vì bản thấy máy tính chưa thể, và có thể sẽ không bao giờ tạo ra được những tác phẩm sáng tạo thực sự mang tính đột phá.
Trong một đánh giá gần đây về hài kịch do AI sản xuất, nhà phê bình hài kịch Jason Zinoman của The Times phát biểu: “Sự cạnh tranh từ AI sẽ buộc các nghệ sĩ không chỉ dựa vào trực giác nhiều hơn mà còn phải suy nghĩ kỹ hơn về điều gì khiến họ và công việc của họ mang tính con người rõ ràng.”
Tôi đồng tình với ý kiến trên — và không dừng lại ở hài kịch mà còn về nhiều lĩnh vực sáng tạo khác. Nhìn lại lịch sử, các công nghệ ra đời thường bổ trợ nghệ thuật chứ hiếm khi làm thui chột sự sáng tạo của con người. Auto-Tune xuất hiện đâu khiến ca sĩ ngừng hát chay. Nhiếp ảnh không giết chết hội họa và quá trình số hóa của nó cũng không loại bỏ nhu cầu về các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Sau đó là chất lượng nội dung do AI sản xuất ra: dù có cố gắng tới đâu, nó vẫn có cảm giác giống như một sự bắt chước vô hồn hơn là tác phẩm nghệ thuật nguyên bản. Thật ấn tượng khi ChatGPT có thể viết một bài nhạc pop theo phong cách Taylor Swift, nhưng nó sẽ không bao giờ giành được giải bạch kim hay làm cho Taylor trở nên thất sủng cả. AI có thể đả kích một vài mảng cho nhiếp ảnh — chẳng hạn như ảnh stock — nhưng liệu bạn có dùng AI để chụp đám cưới của mình hay ghi lại một khoảnh khắc quan trọng không? Chắc chắn là không.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên không có nghĩa là những tranh cãi về mặt pháp lý liên quan tới AI đã chấm dứt. Mark Lemley, giáo sư tại Stanford Law School, người trực tiếp giảng dạy các vấn đề về luật sở hữu trí tuệ, nói rằng cuộc chiến pháp lý giữa AI và con người trong địa hạt sáng tạo sẽ ngày càng “mở rộng và trở nên phức tạp hơn” — trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Lemley cũng là một trong những luật sư đại diện cho hãng Stability AI trong vụ kiện vi phạm bản quyền do các nghệ sĩ đưa ra. Trọng tâm của vụ kiện này liên quan đến cơ chế hoạt động của hệ thống AI, khi chúng tạo ra tác phẩm mới bằng cách phân tích số lượng lớn nội dung kỹ thuật số sẵn có, bao gồm nhiều tác phẩm có bản quyền. Điều này đặt ra câu hỏi: Các nghệ sĩ có nên được đền bù cho những đóng góp “tình cờ” đó không, và nếu có thì bằng cách nào?
Đối với tôi, câu trả lời là không. Khi một cỗ máy được tạo ra, thiết lập để hiểu ngôn ngữ và văn hóa bằng cách nghiên cứu hàng loạt nội dung trực tuyến có sẵn, thì ít nhất về mặt triết học, nó đang hành động giống như một con người lấy cảm hứng từ tác phẩm hiện có. Tôi không bận tâm nếu độc giả của tôi được cung cấp thông tin hoặc được truyền cảm hứng khi đọc tác phẩm của mình — vậy tại sao tôi phải lo lắng rằng máy tính sẽ làm như vậy?
Tất nhiên, một mối bận tâm khác lớn hơn là liệu máy tính có sử dụng những gì nó “chôm” được từ các tác phẩm của bạn và tạo ra tác phẩm thay thế hay không? Xin phép ngạo mạn một chút, tôi không nghĩ điều đó có thể xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Đối với tôi, tính nhân văn của con người giống như con át chủ bài cuối cùng trước AI: Ai lại quan tâm đến ý kiến của máy tính về bất cứ điều gì?
Một câu hỏi khác, đó là chúng ta nên nghĩ thế nào về khả năng vi phạm bản quyền nội dung của AI? Luật bản quyền hiện hành được ban hành để bảo vệ các tác phẩm sáng tạo cụ thể chứ không phải một phong cách sáng tạo chung. Khi tôi yêu cầu MidJourney sản xuất cho tôi bức ảnh “một anh chàng nhỏ bé màu xanh lá cây đã huấn luyện Jedi trong 800 năm”, kết quả của nó khá nổi bật.
Điều này đặt ra một vấn đề liên quan: Liệu những câu lệnh (prompt) mà chúng ta đưa ra cho AI có được luật bản quyền bảo vệ không? Đã có những nhà kinh doanh nhanh nhạy, cung cấp các “câu thần chú” cụ thể gửi tới AI để tạo ra các tác phẩm nhất định. Thật sự đấy, cái này mà cũng bán được à?
Chắc chắn những câu hỏi này rất quan trọng nhưng không quá khó để tìm ra câu trả lời hợp lý. Ai có lẽ không được phép tạo ra các bản sao trực tiếp từ tác phẩm hiện có, nhưng hiện tại thì ai cấm được nó tự do phối lại các tác phẩm nghệ thuật mà con người yêu thích.
Tôi sẽ không cho phép những câu lệnh (prompt) phổ biến nhất bị đánh bản quyền. Suy cho cùng, khi tôi yêu cầu MidJourney thực hiện “một bức ảnh chụp một con mèo đang hút tẩu trên chiến trường Nội chiến”, ít nhất tôi đang tham gia vào một mức độ sáng tạo nhất định. Con mèo hút tẩu từ bộ não tôi mà ra. Nhưng liệu những câu từ đơn giản như vậy — không dài hơn những gì tôi thường nhập vào Google Search — có đủ để biến nó thành một tác phẩm có bản quyền? Hiện tại, chúng tôi thực sự không biết.
Nhưng trong lúc chờ đợi, tôi sẽ để bạn chiêm ngưỡng kiệt tác của tôi: