Agnes de Mille vừa mới đạt được thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp của bà, nhưng giờ đây thứ duy nhất bà cảm nhận được là sự trống rỗng. Dòng suy nghĩ trong bà rối bời vô cùng vì… bà không hài lòng với chính tác phẩm của mình. 

Mặc dù nó được giới phê bình lẫn khán giả ca tụng rần rần, bà vẫn tin rằng nó chẳng tuyệt tới mức thế. Bà có nhiều tác phẩm còn hay ho hơn nhiều, vậy mà lại thành bom xịt. 

Bất cứ nhà sáng tạo nào chắc chắn cũng từng rơi vào tình cảnh trớ trêu như de Mille: tác phẩm mình tâm đắc thì lại bị ngó lơ còn tác phẩm mình nghĩ rất bình thường thôi bỗng lại được yêu thích. 

Vậy de Mille đã giải quyết ra sao? Và chúng ta có thể học được gì từ câu chuyện của bà? Câu trả lời ngay dưới đây. 

Agnes de Mille (1905-1993) trong vở diễn 'Rodeo' (1942)

Agnes de Mille và Martha Graham 

Dành cho những ai chưa biết Agnes de Mille là ai và không muốn mất công hỏi dò bác Google thì bà là một vũ công và một biên đạo múa. Những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề này, de Mille đã sáng tác vũ đạo cho vở ballet Three Virgins and a Devil (1941). Bà nhìn đứa con tinh thần của mình với ánh mắt trìu mến và niềm tự hào trào dâng vô ngần, nhưng ngoại trừ bà ra, không ai coi đó là một tác phẩm nên hồn. 

Một năm sau, de Mille biên đạo vở ballet mang tên Rodeo (1942). Một lần nữa, bà vẫn nghĩ tác phẩm của mình rất ổn, nhưng vì là một lần nữa nên kết quả không có gì khác biệt: vở ballet là một cú bom xịt về mặt thương mại. 

Tới năm 1943, thành công mới mỉm cười với de Mille. Lần này, bà biên đạo cho Oklahoma!, một chương trình ca nhạc của Rodgers và Hammerstein, và dù bà không thấy bất cứ triển vọng lớn lao nào trong tác phẩm thì ngược lại, nó đem về cho bà thành công ngay lập tức. 

Trong những năm sau đó, Oklahoma! có 2.212 buổi biểu diễn lớn nhỏ, cả trong nước và ngoài nước. Năm 1955, người ta đem nó lên màn ảnh và không ngoài dự đoán, tác phẩm này đã đoạt cả giải Oscar. 

Chân dung Agnes de Mille. Ảnh: The New Yorker 

Nhưng bất chấp những màn tán dương vô tận từ phía giới phê bình lẫn người hâm mộ, mẹ đẻ của nó, de Mille vẫn thấy bối rối vô cùng. Bà nghĩ nếu xét theo mức thang đo 10 thì Oklahoma! cùng lắm chỉ tới 7, tức chỉ sàn sàn so với các sáng tạo khác giá trị hơn của bà. 

“Sau khi Oklahoma! ra mắt, thành công nở rộ ngoài đợi, quá đỗi rực rỡ với một công việc mà tôi tưởng chỉ ở mức khá. Tôi hoang mang và lo lắng lắm, vì vậy tôi đã nói chuyện với Martha,” de Mille nói. Martha ở đây, không ai khác ngoài Martha Graham, cái tên đình đám nhất nhì giới vũ công Mỹ thế kỷ 20. 

Martha Graham, mẹ đẻ của nghệ thuật khiêu vũ hiện đại. Ảnh: Getty Images 

Xét về di sản của Graham, bà được xem là vũ công quan trọng nhất của thế kỷ cũng như là người khai sinh ra nghệ thuật khiêu vũ hiện đại. Mặc dù không quá nổi tiếng nhưng Graham vẫn được so sánh với những thiên tài sáng tạo khác như Pablo Picasso hay Frank Lloyd Wright. 

 

“Martha nói rằng khiêu vũ không bao giờ là một cuộc thi. Bạn chỉ đang cạnh tranh với con người mà bạn biết mình có thể trở thành. Vì vậy, điều quan trọng là phải sải bước thật lớn… và phạm những sai lầm lớn.” 

 

— Christine Dakin, Cựu Giám đốc của Martha Graham Dance Company 

 

Cuộc trò chuyện tưởng như nhỏ nhặt giữa de Mille và Graham sau đó đã được tiết lộ trong cuốn tiểu sử Martha: The Life and Work of Martha Graham do chính Agnes de Mille chắp bút: 

 

“Tôi thú nhận rằng tôi có khát khao cháy bỏng trở nên xuất sắc nhưng không có niềm tin rằng mình có thể trở thành người xuất sắc,” de Mille nói. 

Graham đáp lại:

“Có một sức sống, một sinh lực, một nguồn năng lượng, một sự bùng phát được chuyển hóa qua bạn thành hành động, và bởi vì bạn là duy nhất, nên cái biểu hiện đó cũng là độc nhất. Và nếu bạn chặn nó lại, nó sẽ không bao giờ xuất hiện dưới bất kỳ biểu hiện nào khác, nó biến mất. Thế giới sẽ không được chứng kiến nó. Việc của bạn không phải là xác định xem nó tốt như thế nào, có giá trị ra sao cũng như so sánh nó với các biểu hiện khác. Việc của bạn là giữ nó thật gần cạnh bên mình, để cho tâm trí bạn luôn rộng mở. Về phần bạn, Agnes, tới nay bạn đã tận dụng được một phần ba năng lực của mình.” 

“Nhưng,” de Mille nói, “khi tôi xem tác phẩm của mình, tôi chỉ thấy sự kém cỏi, những sai sót vô cớ và sự thô thiển của nó. Tôi không hài lòng.” 

“Không có nghệ sĩ nào hài lòng.” 

“Nhưng sau đó cũng vậy?”

“Không có sự hài lòng bất cứ lúc nào,” Graham nói đầy say mê. “Chỉ có một sự bất mãn kỳ diệu, một sự bất ổn may mắn giúp chúng ta tiếp tục tiến bước và khiến chúng ta nổi bật hơn những người khác.” 

 

Sự Vô Ích Của Việc Tự Đánh Giá Bản Thân 

Mỗi tháng, tôi xuất bản khoảng 20 bài viết trên blog.westudy.vn. Một số ngày, việc viết của vẻ trôi chảy hơn những ngày khác, tuy nhiên cũng không ít lần tôi cảm nhận được điều mà Agnes de Mille đã trải qua.

“Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để nặn ra mấy câu chữ này, tại sao mọi người lại không thích nó?” Hoặc, tôi cảm thấy như mình vừa viết ra thứ gì đó hết sức tầm thường tới độ ai cũng có thể viết nó, để rồi thấy nó trở thành bài đăng được đọc nhiều nhất tháng. Dù thế nào chăng nữa, có một sự thật luôn không đổi: chúng ta là những thẩm định viên tồi tệ cho chính tác phẩm của mình. 

Lời khuyên của Martha Graham đào sâu việc này thêm nữa bằng cách nhấn mạnh rằng bạn không chỉ đưa ra những đánh giá tồi tệ về công việc của bản thân mà quan trọng hơn, đó không phải việc của bạn. 

Thay vào đó, trách nhiệm của bạn là sáng tạo. Công việc của bạn là chia sẻ những gì bạn có thể cung cấp từ vị trí hiện tại. Bạn không ở đây để khoa trương, mà bạn ở đây để làm việc. 

Hài Lòng Với Việc Không Hài Lòng 

“Không có sự hài lòng bất cứ lúc nào” — như Graham đã nói. Tôi là người sáng tạo, tôi viết mỗi ngày. Có ngày con chữ tuột ra như lao dốc khỏi tâm trí tôi, nhưng phần lớn những ngày còn lại thì như thể vác một bao tải gạch lội qua một vũng đầm lầy. 

Tôi thích viết thoải mái, thích tận hưởng cảm giác nguồn năng lượng tràn trề tới phỏng ngón tay, thích viết mà tâm trí như đắm chìm vào một thế giới riêng. Tôi thích viết những điều hay ho, những ý tưởng thú vị, nhưng phần lớn tôi chỉ viết những thứ rất bình thường. 

Vì vậy nếu bạn hỏi tôi có hài lòng với công việc của mình hay không, thì thực sự phần lớn là tôi KHÔNG. Tôi vẫn thấy mình kém cỏi, vẫn thấy mình không đủ tốt, vẫn bị độc giả ngó lơ những bài viết mà tôi tâm đắc nhất, bỏ nhiều công sức nhất. Nhưng bạn biết điều gì khiến tôi quan tâm hơn cả không? 

Điều mà tôi sẽ viết vào ngày mai.