Có phải là một thiếu sót khi ta ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật mà không tìm hiểu về người nghệ sĩ đứng sau chúng? Bạn có biết là Victor Hugo, đại văn hào nước Pháp đã viết nên thiên hùng ca Nhà thờ Đức Bà ParisNhững người khốn khổ – có thói quen cởi truồng và viết trong trạng thái đứng mỗi khi bí ý tưởng hay không? 

Benjamin Franklin, một trong bốn vị cha già lập quốc của Hoa Kỳ, mỗi sáng đều khoả thân ngồi trước hiên nhà, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, một liệu pháp mà ông gọi là “tắm không khí”; Immanuel Kant mỗi ngày đều rời nhà đi bộ vào đúng 3 rưỡi chiều; hay nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie không có nổi một chiếc bàn làm việc vì bà có thể làm việc ở bất cứ đâu. 

Mỗi người đều có những nghi thức riêng, nhưng không phải là không có những khuôn mẫu chung dễ nhận biết, như dưới đây. Cùng khám phá xem bạn có thể bắt chước được gì từ những thiên tài nhé. 

ẢNH: VADIMSADOVSKI/ ADOBE STOCK IMAGES

#1. Dậy sớm. 

Không phải là không có những chú cú đêm thành công: chẳng hạn như Marcel Proust, người thường thức giấc trong khoảng 3 – 6 giờ chiều, lập tức hít bột thuốc phiện để giảm bớt chứng hen suyễn, sau đó nhấm nháp chút cà phê cùng bánh sừng bò. Winston Churchill, Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh – thường ngủ một giấc ngắn từ 5 – 6 rưỡi chiều, sau đó ăn tối và tiếp khách. Ông ngồi vào bàn viết rất muộn và sẽ làm việc xuyên đêm nếu muốn, với điều kiện là xì gà và rượu mạnh phải luôn có sẵn. 

Nhưng nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, số người dậy sớm hẳn sẽ chiếm ưu thế hơn, bao gồm cả nhà soạn nhạc thiên tài Mozart cho tới kiến trúc sư huyền thoại Frank Lloyd Wright. Vào thế kỷ 18, nhà thần học Jonathan Edwards thậm chí còn đi xa hơn khi khẳng định Chúa cổ vũ việc dậy sớm do “Ngài ra khỏi mộ từ rất sớm”. Đối với một số người, thức dậy vào lúc 5, 6 giờ sáng là một điều cần thiết, cách duy nhất để họ có thể thực hiện công việc sáng tạo trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu công việc, con cái, hoặc cả hai.

Ernest Hemingway, tác giả cuốn Ông già và biển cả, là một trong những nhà văn nổi tiếng có thói quen dậy sớm 

Một số thì khác, họ dậy sớm vì thích cái không gian yên tĩnh mà buổi bình minh mang lại; như cách Ernest Hemingway từng viết, “Sẽ không có ai quấy rầy bạn cả, bạn thấy người lạnh lẽo nhưng rồi sẽ dần ấm áp hơn khi bạn bắt đầu viết.” Còn một quan điểm lý thú khác về chuyện dậy sớm: ngái ngủ vào sáng sớm có thể thúc đẩy sự sáng tạo. Có một thời kỳ trong sự nghiệp, tiểu thuyết gia Nicholson Baker thường thức dậy vào lúc 4h30 sáng và bắt tay vào viết: “Tâm trí như vừa được gột rửa, nhưng nó cũng bối rối… Tôi thấy rằng lúc đó tôi đã viết khác đi.” 

>>> 11 Bài Học Viết Lách Từ Ernest Hemingway.

Các nhà tâm lý học đã phân loại con người theo hai kiểu như vậy: “người buổi sáng” và “người buổi tối”, tuy nhiên không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy người dậy sớm sẽ có năng suất vượt trội hơn người thức muộn cả. Nhiều người tin rằng dậy sớm giúp con người ta tỉnh táo, khỏe khoắn và hạnh phúc hơn; nhưng thức muộn thì thông minh hơn. Nếu bạn thực sự muốn gia nhập hàng ngũ những người dậy sớm, mẹo là hãy bắt đầu dậy vào cùng một thời điểm trong ngày, nhưng chỉ đi ngủ khi bạn thực sự mệt mỏi. Bạn có thể cần đánh đổi một vài ngày kiệt sức, nhưng cơ thể sẽ thích ứng với lịch trình mới nhanh chóng hơn. 

#2. Có cho mình một kế sinh nhai. 

“Thời gian ngắn ngủi, sức khoẻ của tôi có hạn, văn phòng là ác mộng, căn hộ thì ầm ĩ,” Franz Kafka đã phàn nàn với vị hôn thê của mình, “và nếu không thể có được một cuộc sống dễ chịu, thẳng thắn thì người ta phải cố luồn lách bằng thủ đoạn tinh vi.” Công việc bận rộn của một nhân viên bảo hiểm khiến Kafka ngán tới tận cổ, nhưng ông vẫn thành công với nghề viết lách bằng cách tranh thủ viết trong khoảng thời gian từ 10h30 tối cho tới sáng sớm. Nhà văn đoạt giải Nobel, William Faulkner, đã viết tác phẩm As I Lay Dying vào mỗi buổi chiều trước khi bắt đầu ca đêm tại một nhà máy năng lượng. Thời gian có hạn buộc người làm sáng tạo phải tập trung trí óc và tính kỷ luật tự giác cần thiết để hoàn thành công việc. 

Công việc toàn thời gian tại Viện chính sách đảm bảo nguồn thu nhập giúp Malcolm Gladwell yên tâm viết lách hơn. 
ẢNH: MASTERCLASS 

Với trường hợp của T. S. EliotMalcolm Gladwell, công việc toàn thời gian đảm bảo tài chính giúp họ yên tâm viết lách. Gladwell thú nhận trong lớp dạy viết của mình rằng những ngày đầu sự nghiệp, ông làm việc toàn thời gian tại một Viện chính sách và tranh thủ viết vào lúc rảnh rỗi. Bằng cách này, ông có thể yên tâm phóng bút mà không bị đè nén bởi những gánh nặng tài chính. “Nếu tôi chờ đợi một công việc vừa giúp tôi thỏa sức viết lách vừa kiếm đủ tiền trang trải, tôi sẽ phải chờ hàng thiên niên kỷ mất,” ông nói. 

Wallace Stevens, một giám đốc công ty bảo hiểm và nhà thơ đã viết: “Tôi thấy việc có nghề ngỗng đàng hoàng là một trong những điều tuyệt vời nhất mà thế giới này từng dành tặng tôi.” Thật vậy, một lời giải thích hợp lý cho chứng nghiện rượu tràn ngập cuộc sống của các tác giả toàn thời gian là họ không thể tập trung vào việc viết nhiều hơn vài giờ mỗi ngày, và họ không biết phải làm cho thì giờ trôi qua theo một cách nào đó.  

#3. Tản bộ thật nhiều. 

Không thiếu bằng chứng rõ ràng cho thấy mối tương quan giữa việc đi bộ – đặc biệt là đi bộ trong khung cảnh thiên nhiên, hoặc đơn giản là nán lại giữa những tán cây, ngay cả khi bạn không thực sự đi bộ mấy – với việc tăng năng suất và gia tăng cảm hứng trong các công việc sáng tạo. 

Charles Dickens, nhà văn vĩ đại nhất thời Victoria, cũng là một trong những người rất thích đi bộ. Rời bàn làm việc lúc 2 giờ chiều và sau khi ăn một bữa nhẹ, Dickens bắt đầu thả bộ dọc quanh khu phố London tới 6 giờ tối. Các học giả cho rằng chính trong khoảng thời gian riêng tư này, nhà văn đắm chìm vào thế giới tưởng tượng riêng và lấy đó làm chất liệu sáng tác. Nếu bạn đọc văn Dickens, bạn sẽ thấy những cảnh miêu tả phố xá, con người hay thiên nhiên nước Anh của ông rất thực và sinh động. 

Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 - 1893)

Từ lâu, người ta đã quan sát thấy rằng các ý tưởng mới lạ hiếm khi bật ra trên bàn làm việc. Khi bạn đang đi dạo, bạn đơn thuần là tách mình khỏi nhiều nguồn gây xao nhãng: TV, màn hình máy tính – những thứ có thể cản trở bạn tập trung suy nghĩ sâu. Trong cuốn Daily Rituals, tác giả Mason Curey còn nhắc tới trường hợp về Tchaikovsky, nhà soạn nhạc nổi tiếng của Nga vào thế kỷ 19 – thậm chí “tin rằng ông phải đi bộ chính xác hai giờ mỗi ngày và nếu ông về sớm dù chỉ vài phút, những bất hạnh lớn sẽ ập đến với ông.” 

#4. Theo sát lịch trình. 

Không có nhiều điểm chung, về mặt nghi thức, giữa Leo Tolstoy – người dậy từ 4 giờ sáng và làm việc 6 tiếng liên tục so với Balzac – người đi ngủ trước 8 giờ tối, thức dậy vào nửa đêm và làm việc tới sáng. Dù bằng cách này hay cách khác, những thiên tài sáng tạo luôn có khoảng thời gian làm việc của riêng họ. 

>>> 5 Bài Học Lớn Từ Cuộc Đời Vĩ Đại Của Leo Tolstoy. 

Nhưng bất chấp mỗi người đều có cho mình một lịch trình riêng, tất đều làm việc một cách đều đặn. Mấu chốt ở đây là, hãy quyết định những gì bạn muốn làm, sau đó luôn thực hiện chúng vào cùng một thời điểm trong ngày và thói quen sẽ đưa bạn vào khuôn khổ. Có một giai thoại về Immanuel Kant rằng, những người hàng xóm ở Konigsberg có thể chỉnh đồng hồ của họ theo thời gian ông đi bộ vào lúc 3 rưỡi chiều. 

Chính William James, người khai sinh ra tâm lý học hiện đại, là người đã giải thích rõ ràng nhất về cơ chế mà theo đó, một thói quen nghiêm ngặt có thể giải phóng trí tưởng tượng. Ông lập luận, chỉ bằng cách tự động hoá nhiều hoạt động trong đời sống bằng việc duy trì thói quen, chúng ta mới có thể “giải phóng tâm trí của mình để tiến tới những hoạt động thực sự thú vị.” 

#5. Học cách làm việc ở bất cứ đâu. 

Một trong những niềm tin nguy hiểm nhất tạo mầm mống cho sự trì hoãn là việc cho rằng bạn phải tìm được chính xác môi trường hoàn hảo trước khi bắt tay vào làm việc. Nhà soạn nhạc người Mỹ Morton Feldman từng đùa rằng: “Trong nhiều năm, tôi luôn nói rằng giá như tôi có thể tìm được một chiếc ghế thoải mái thì tôi sẽ sánh ngang với Mozart.” Trong những năm viết lách năng suất nhất của Jane Austen, tại Chawton ở Hampshire vào những năm đầu thế kỷ 19, bà chủ yếu viết trong phòng khách của gia đình, mẹ bà thêu thùa gần đó và cứ phút mốt lại có khách viếng thăm. Trong trường hợp bạn không biết Jane Austen là ai, cuốn Kiêu hãnh và định kiến đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy đấy. 

Agatha Christie có thể viết tại bất cứ đâu, miễn là có một mặt phẳng ổn định cho bà đặt chiếc máy đánh chữ
ẢNH: BBC 

Trong một cuộc phỏng vấn với The Paris Review vào năm 1969, nhà văn E. B. White khẳng định đanh thép: “Một nhà văn chờ đợi những điều kiện làm việc lý tưởng sẽ chết mà không viết được chữ nào lên giấy.” Điều này dường như không thể đúng hơn nếu xét tới trường hợp của Agatha Christie, nữ nhà văn trinh thám nổi tiếng, người đều đặn cho ra ít nhất một cuốn sách mới mỗi năm và cuốn nào cũng hay tuyệt cú mèo. Sinh thời, Agatha luôn bị bủa vây bởi cánh nhà báo, những người khao khát được chụp ảnh bà bên bàn làm việc – điều không bao giờ thành hiện thực vì Agatha không có nổi một cái. Bất kỳ mặt phẳng nào ổn định đủ để đặt máy đánh chữ đều có thể trở thành nơi làm việc của bà. 

Lời kết 

Nếu bạn tìm tòi nhiều hơn nữa về nghi thức làm việc của các thiên tài sáng tạo, bạn sẽ thấy nhiều người còn.. dị hợm hơn nữa. Bạn có biết Victor Hugo sai người hầu đem hết quần áo của mình đi rồi khoá cửa phòng lại để ông không thể làm gì khác ngoài ngồi viết cho xong cuốn Những người khốn khổ không? Cuối cùng thì tôi cũng biết tại sao có giai thoại về việc Hugo viết trong tình trạng khoả thân. 

Đó là một câu chuyện tếu táo thôi. Bài học rộng lớn hơn ở đây là, không gian làm việc hoàn hảo, cũng như thói quen hay nghi thức, không phải thứ có thể biến bạn thành một thiên tài nghệ thuật. Benjamin Franklin không đạt được những thành tựu to lớn nhờ dậy sớm “tắm không khí” (à, ông ấy có thói quen không mặc gì và ra ngoài hiên hóng gió mỗi sáng), mà bằng tài năng vô biên và tinh thần làm việc chăm chỉ. Nếu có định bắt chước ai trong đây, hãy cố gắng né Franklin ra nhé, vì không phải nhà ai cũng có hàng rào bao quanh để tránh con mắt của hàng xóm đâu. Hơn nữa, khả năng bạn bị bế lên phường là rất cao đấy.