Năm 1871, Hạ viện Vương quốc Anh thông qua đạo luật có tên Bank Holidays – Kỳ Nghỉ Của Ngân Hàng, chỉ định ra bốn ngày lễ trong năm mà các ngân hàng được nghỉ phép. Ban đầu, chỉ các nhà băng mới được hưởng đặc ân này, nhưng rồi dần dần các doanh nghiệp, trường học, tổ chức đoàn thể đều xung phong “hưởng ké”. Đạo luật thiết thực này đã tồn tại trong suốt một thế kỷ cho tới khi bị xoá bỏ và thay thế bằng một đạo luật khác, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng và giá trị mà nó đem lại, và hơn cả là bí quyết truyền thông cực kỳ đơn giản tới từ người “phát minh” ra nó – Sir John Lubbock. 

Sir John Lubbock (1834 - 1913), chủ ngân hàng, chính trị gia, nhà từ thiện và nhà phát minh người Anh. Dưới vai trò một nghị sĩ, ông đã có một sự nghiệp chính trị nổi bật với nhiều chính sách cải cách giúp đỡ tầng lớp lao động - điều sẽ được khắc hoạ rõ nét trong câu chuyện dưới đây. Ảnh: Fine Art America

Món quà của John Lubbock 

Đầu những năm 1870, John Lubbock, bắt đầu có nhã hứng với sự nghiệp chính trị. Vốn xuất thân quyền quý và được đánh giá là người có học thức cao, không khó để ông giành được một ghế trong nghị viện. Ngài bước chân vào giới chính khách dưới tư cách một nghị viên thuộc Đảng Tự Do. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, ngài đã có những thành tựu ấn tượng, mà đáng chú ý hơn cả là giới thiệu đạo luật Kỳ Nghỉ Của Ngân Hàng đã nêu trên. 

Ở thời điểm đó, Đảng Tự Do là đồng minh của người lao động, và John Lubbock đã chủ trương rất nhiều chính sách nhằm cải thiện đời sống cho tầng lớp này. Cuộc sống lầm than, miếng cơm manh áo ghì dân đen thấp cổ bé họng xuống sát đất, thấy vậy ông nhức nhối vô cùng. Trước đó, Đảng Tự Do đã tiến hành được một vài cải cách đáng chú ý như: 

  • Trẻ em dưới 9 tuổi không được làm việc lao động; 
  • Trẻ em dưới 13 tuổi chỉ được làm việc 6 tiếng một ngày và phải đi học 2 giờ mỗi ngày; 
  • Phụ nữ không được làm quá 10 tiếng một ngày. 

Nhưng Ngài Lubbock thấy vẫn chưa đủ, phải tốt hơn nữa. Ông muốn dành tặng dân lao động món quà mà họ chưa bao giờ được hưởng: những ngày nghỉ. 

Ngoài Giáng Sinh và Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday – Lễ Chúa Bị Đóng Đinh), ông cho rằng người lao động xứng đáng có thêm bốn ngày nghỉ trong năm nữa, bao gồm: Boxing Day (lễ mua quà trước giáng sinh), Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Whit Monday – ngay sau Lễ Phục Sinh), và Thứ Hai đầu tiên trong Tháng 8. 

Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ

Nếu ý tưởng lớn lao nào cũng được thông qua dễ dàng, câu chuyện này đã không có gì để nói. Hạ Viện, bị áp đảo bởi phần lớn các nghị viên thuộc Đảng Bảo Thủ, là các chủ đất và chủ doanh nghiệp – hiển nhiên không bao giờ đồng ý với điều này.

Quả vậy, Hạ Viện không bao giờ thông qua một đạo luật cho phép đám dân cày được phép lười biếng thêm tận bốn ngày trong năm, tính ra gần bằng một tuần, tổn thất biết bao là tiền của. Kẻ lao động thấp hèn mà có thời gian nghỉ ngơi, thảnh thơi ngâm trà ăn bánh quy rồi tiếp khách như các nhà quý tộc thì còn đâu là ý thức giai cấp nữa, bọn chúng sẽ đòi thêm, thêm nữa và đình công sẽ xảy ra như chơi. 

Năm 1871, vẫn là John Lubbock, vẫn đạo luật với những điều lệ đó thêm một vài cải biên nhỏ, nhưng với một cái tên khác được trình trước Hạ Viện: The Bank Holidays. Ảnh: History Today

John Lubbock biết điều này. Ông cũng biết rất nhiều nghị viên trong Hạ Viện là các chủ nhà băng, địa hạt mà ông nắm rõ hơn ai hết vì ông chẳng từng gắn bó với ngân hàng suốt đó thôi. Ngân hàng có một cái hay là, họ không thể mở cửa quanh năm được. Sẽ có những ngày cần đóng cửa che rèm để kiểm kê sổ sách. 

Vậy nên năm 1871, vẫn là John Lubbock, vẫn đạo luật với những điều lệ đó thêm một vài cải biên nhỏ, nhưng với một cái tên khác được trình trước Hạ Viện: The Bank Holidays. Không khác nào bình mới rượu cũ cả, nhưng lần này, số người bỏ phiếu phản đối sụt giảm hẳn. Chỉ có lác đác vài người ngoan cố không muốn dự luật được thông qua. Nhưng trí khôn của Lubbock đã thắng.

Một vài nghị sĩ đồng ý vì thấy đạo luật này tới đúng lúc quá, chính xác cái họ đang cần. Một vài người khác nhận ra ẩn ý đằng sau của Lubbock, rằng nếu ngân hàng đóng cửa thì không có việc kinh doanh nào hoạt động được cả, giống như phản ứng dây chuyền, thiếu một bánh răng là hệ thống phải dừng hẳn. Nhưng vì đạo luật có lợi cho chính họ mà không lợi thì cũng chẳng hại ai. Nói cách khác, đồng ý ban hành thì dễ hơn là phản đối nó. 

Và thế là John Lubbock đã tạo ra được thêm bốn ngày nghỉ cho toàn bộ mọi người. Thiên hạ cứ tưởng họ được hưởng sái trái thơm của giới ngân hàng, nhưng họ đâu biết Lubbock đã cật lực đấu tranh vì họ ngay từ đầu, rằng họ mới là người mà ông nhắm tới. 

Xuyên suốt sự nghiệp chính trị của mình, John Lubbock có thể tự hào rằng đó là một thắng lợi vĩ đại. Ông nói: “Nếu chúng ta gọi luật này là ‘Luật Ngày Nghỉ Công’ hay ‘Luật Ngày Nghỉ Quốc Gia’ thì tôi nghĩ rằng nó đã không được thông qua rồi. Nhưng cái tên càng đơn giản kiểu như ‘Luật Ngày Nghỉ Của Ngân Hàng’ thì sẽ thu hút hơn.” 

Bài học cho người sáng tạo 

Đôi khi trong giao tiếp thường nhật, thoả thuận hay đàm phán, cách ta nói lại quan trọng hơn điều ta nói. Các nhà quảng cáo có lẽ phải học hỏi Lubbock ít nhiều nếu muốn “truyền sao cho thông”. Chính trị gia này đã bám vào một “tử huyệt cảm xúc” thâm căn cố đế của con người: tính vị kỷ – chỉ quan tâm tới lợi ích của mình trước hết. 

Có một câu chuyện vui được lưu truyền trong ngành quảng cáo rằng một ngày nọ, một nhân viên viết quảng cáo và sếp đang cãi nhau. Vị giám đốc trách móc trình độ kém cỏi của anh nhân viên, chỉ trích vì những tiêu đề do anh này nghĩ ra hết sức nhàm chán. 

Tới lúc không chịu được nữa, anh này mới vùng vằng đứng dậy, nói thẳng vào mặt ông sếp: “Tôi cá tôi có thể viết một tiêu đề mà khiến ông đọc cả bài từ đầu chí cuối. Tiêu đề của nó đơn giản chỉ là: ‘TẤT TẦN TẬT VỀ CON NGƯỜI THẬT CỦA SẾP TÔI.” 

Chủ định đằng sau mẩu truyện vui này khá đơn giản: tất cả mọi người, dù là ông sếp hay anh nhân viên quèn, đều tò mò xem người khác nói gì về mình. Nó cũng là một trong những bài học vỡ lòng với dân quảng cáo, khẳng định tầm quan trọng của tiêu đề và tính cá nhân hóa trong thông điệp truyền tải. 

Bằng cách đổi tên đạo luật như đổi một dòng tiêu đề, John Lubbock đã biến bại thành thắng, trình ra trước mặt toàn thể nghị viện một bản thỏa thuận “win-win” tới mức không thể khước từ. Và chỉ một chỉnh sửa nhỏ tí xíu như vậy, Lubbock và Đảng Tự Do đã giúp hàng triệu dân lao động khắp nước Anh có thêm thời gian để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình. Đó, ta gọi là sức mạnh của ngôn từ.