Gần đây tôi đọc được cuốn Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ của Mario Vargas Llosa, tác giả nổi tiếng người Peru đồng thời là chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 2010. Ở chương đầu, ông ấy kể một câu chuyện rất thú vị mà ông gọi là “truyện ngụ ngôn về con sán dây”, và đem trường hợp của Gustave Flaubert ra làm ví dụ như sau. 

Người đàn ông mà bạn đang thấy là nhà văn Pháp Gustave Flaubert. Suốt sự nghiệp, Flaubert nổi tiếng bởi tính cần cù, tinh thần cống hiến tận tuỵ vì văn chương, lấy nỗ lực bù đắp cho phần thiên tư thiếu sót trong mình, tới nay được coi là nhà văn hiện thực lớn nhất nước Pháp, là tấm gương sáng cho thế hệ nhà văn hậu bối noi theo. Ảnh: TheCollector

Truyện ngụ ngôn về con sán dây 

Đầu những năm sáu mươi ở Paris, người bạn thân của Mario, Jose Maria, một hoạ sĩ và nhà làm phim Tây Ban Nha, đã bị một con sán dây tấn công. 

Bạn biết đấy, một khi con sán dây đã vào trong ruột, nó nằm lì ở đó; bòn rút cơ thể; lớn lên và được nuôi sống bằng thức ăn của cơ thể. Tóm lại, rất khó để tống khứ con sán dây ra khỏi mình một khi nó đã bén rễ. Tôi không biết bạn từng xem đoạn video ngắn về một chú gấu nâu bị sán dây lan truyền trên TikTok hay chưa, nhưng tôi cá là nó sẽ khiến bạn phát tởm. Thế mà vào thế kỷ XIX, nhiều quả phụ vì lo sợ phát phì và muốn giữ vóc dáng thon gọn đã can đảm nuốt thứ quái thai ấy vào bụng. 

Jose Maria, sau khi bị con sán dây tấn công, trở nên gầy rộc, mặc dù anh buộc phải ăn uống không ngừng nghỉ để thỏa mãn con vật bên trong mình, bởi nếu không ăn thì sẽ đau không chịu nổi. Nhưng mọi đồ ăn thức uống đều để nuôi con sán dây chứ chẳng phải cho anh. 

Một hôm, Maria thú nhận với Mario: “Chúng ta có nhiều việc cùng nhau. Chúng ta đi xem kịch, xem triển lãm, vào hiệu sách, trò chuyện hàng giờ về chính trị, văn học, phim ảnh, bạn bè. Và cậu nghĩ tớ làm những việc đó có cùng lý do như cậu, bởi vì tớ thích thế. Nhưng cậu lầm. Tớ làm tất cả những việc đó là vì con sán dây. Hoàn cảnh của tớ bây giờ là thế: toàn bộ cuộc sống là sống không phải cho mình mà cho cái đang ở trong tớ, đối với nó giờ đây tớ không khác gì một thằng hầu.” 

Tiện bàn tới khái niệm “tài năng văn chương”, Mario mượn luôn câu chuyện về ông bạn bị sán dây của mình để so sánh với số mệnh của các nhà văn. Theo ông, một nhà văn khi đã quyết định lấy tài năng làm lý tưởng sống thì việc cần làm trước hết là phải dám nuốt con sán dây đó. Nói đơn giản, bạn phải trở thành nô lệ cho tài năng của mình. 

Nhưng tôi nghĩ ẩn dụ có phần gớm ghiếc của Mario không chỉ dừng lại ở địa hạt văn chương. Dù bạn thực lòng muốn trở thành ông nhà văn cự phách hay một tên tuổi kiệt xuất trong bất kể ngành nghề nào, bạn đều phải dốc toàn tâm toàn lực cho nó, như một sự ưu tiên hàng đầu, đặt nó lên trên tất thảy mọi sự. Bạn sẵn sàng dâng hiến như một con chiên ngoan đạo kính thời Chúa, cam kết ký vào bản giao kèo tự nguyện trở thành nô lệ cho năng khiếu của chính mình; biến nó thành mối bận tâm thường trực, sẵn sàng để nó choán hết mọi thì giờ trong cuộc sống. 

Sau cùng, một kẻ muốn lấy tài năng ra để nuôi sống mình buộc phải toàn tâm toàn sức nuôi nó trước, vì nếu đủ tinh tường để nhìn nhận mọi thứ theo đúng bản chất của nó, hắn sẽ thấy cuộc đời không nợ hắn bất cứ gì cả. 

"Không có thần đồng viết tiểu thuyết." 

Tin rằng kỷ luật và sự kiên trì mới sản sinh ra thiên tài, Mario nghĩ chỉ những ai đến với văn chương như đến với tôn giáo, sẵn sàng hiến dâng thời gian, nghị lực, công sức cho năng khiếu của họ thì mới có được cái làm cho họ thực sự trở thành nhà văn và vượt lên chính mình trong các tác phẩm của họ. 

 

“Không có thần đồng viết tiểu thuyết. Tất cả những nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất, đáng kính trọng nhất, ban đầu đều là những nhà văn học việc mà tài năng chớm nở của họ đòi hỏi phải được thể hiện và công nhận.” - Mario Vargas Llosa 

 

Mario lấy ví dụ từ Gustave Flaubert như một dẫn chứng cho lập luận của mình. Flaubert, một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất thế kỷ XIX, nổi tiếng bởi tính cầu toàn và là người tử đạo vì vẻ đẹp văn chương. “Mặc dù Flaubert là một người rất chán đời và thư từ của ông đầy những sự nguyền rủa loài người, nhưng tình yêu với văn chương của ông là vô hạn,” Mario viết.

Gustave Flaubert (1821-1880), một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất thế kỷ XIX, được biết đến nhiều nhất qua hai tác phẩm Bà BovaryGiáo dục tình cảm. Ảnh: Gallica Digital Library 

Sự nghiệp luật gia chớm nở bỗng lụi tàn vì chứng động kinh bộc phát từ thuở thanh niên, Flaubert đã lui về vùng ngoại ô nước Pháp - nơi ông sống lặng lẽ và quyết định ký bản giao kèo trọn đời với văn chương như một chiến sĩ thập tự chinh, nộp mình cho nó suốt ngày đêm; làm việc với sự hăng say tới mức cuồng tín và cố gắng vượt qua chính mình. 

 

“Đôi khi tôi không hiểu tại sao cánh tay của tôi không rụng ra khỏi cơ thể vì mệt mỏi, tại sao bộ não của tôi không tan chảy đi. Tôi đang sống một cuộc đời khắc khổ và chỉ được duy trì bởi một loại điên cuồng vĩnh viễn. Tôi yêu công việc của mình.” - Gustave Flaubert 

 

Trong nghiệp viết, Flaubert nổi tiếng với khái niệm “từ đúng”. Vào khoảng 10 giờ tối hàng ngày, cúi gập người trên bàn khi các thành viên đang say giấc, ông đấu tranh cho một phong cách văn xuôi tinh xảo; gạt bỏ tất cả những chi tiết thừa thãi và cảm xúc quá trớn để lột tả chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn được thể hiện qua từng câu từ chuẩn xác, trau chuốt chúng tới mức tinh xảo như một nghệ nhân. Công việc này thường khó khăn và nản chí tới mức không thể chịu đựng nổi, “Bovary không giống như chạy đua: tôi chỉ viết được hai trang một tuần! Đôi khi tôi nản lòng tới mức muốn lao ra khỏi cửa sổ,” Flaubert viết trong một bức thư khác. 

Sự tận tụy với văn chương của Flaubert còn thể hiện qua việc ông sẵn sàng ngâm mình trong phòng hàng giờ chỉ để nghĩ ra một từ hoàn hảo, viết đi viết lại một đoạn văn, trau chuốt câu từ tới độ sáng bóng như thanh gươm mới mài xong. Sau đó, ông ấy thả bộ dọc khu vườn tươi tốt và đọc to những gì đã viết cho chính mình.  

Trong lá thư gửi tình nhân Louise Colet, Flaubert nói ông “đặt một bên linh hồn của tôi dành riêng cho nghệ thuật, và bên kia là thể xác của tôi.” Sự cam kết giữa Flaubert và văn chương lớn tới mức trong một lá thư khác, ông đã viết Bà Bovary chính là tôi.” 

Bằng cách dẹp bỏ mọi thú tiêu khiển phù phiếm để cống hiến hết mình cho tài năng, Flaubert, theo lời Mario, đã vượt qua những hạn chế của mình và viết được các tiểu thuyết như Bà BovaryGiáo dục tình cảm, có lẽ là hai cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên, đứng hiên ngang như một tượng đài văn học trong mắt các nhà văn hậu bối.  

Bán rẻ nghệ thuật 

Trong sách, Mario khuyên các cây bút trẻ đừng quá mải mê đeo đuổi tiền bạc, các giải thưởng, lời tán dương hay số sách bán ra bởi theo ông, những thứ đó thường đi theo quy luật vô cùng tréo ngoe. Chúng hết sức may rủi; đôi khi cương quyết làm ngơ trước những người xứng đáng với chúng nhất, rồi trút như thác đổ xuống đầu những kẻ ít xứng đáng hơn.

Thành công như vậy có lẽ sẽ không bao giờ thành hiện thực đối với phần lớn nhà văn - họ nhầm lẫn tham vọng văn chương với cơn khát vinh quang và khát tiền mà văn chương hào phóng ban cho một số người (tất nhiên, cực kỳ hiếm). Đó là hai chuyện khác nhau. 

Tôi nhớ tôi từng đọc được một câu trích dẫn của “vua bóng rổ” Michael Jordan rằng sự vĩ đại không diễn ra trên sàn đấu; nếu một cầu thủ mong cầu sự vĩ đại, anh ta phải thể hiện điều đó trên sân tập. Đơn giản mà nói, mọi nước đi uyển chuyển hay kỹ thuật thượng hạng làm mê đắm con mắt của hàng triệu cổ động viên, trước đó đã được vận động viên tập đi tập lại hàng nghìn lần rồi.

Đó là chuyện của máu, mồ hôi và nước mắt. Tiền bạc, danh vọng, nhà lầu xe hơi, những tràng pháo tay hay đội ngũ fan hùng hậu – tất cả đều là tấm vỏ bọc phù phiếm bề ngoài, là cái hệ quả kèm theo khi người ta yêu việc mình đang làm và cống hiến trọn vẹn cho nó. 

Nếu bạn yêu thích chủ đề trên – chuyện tiền bạc và đam mê – tôi chân thành giới thiệu tới bạn cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami. Mặc dù văn chương của Murakami đầy rẫy sự bi quan và cái chết, nhưng cuốn tự truyện này là ngoại. Đối với ông ấy, nghề tiểu thuyết gia hiển nhiên không có chuyện thắng hay thua. Những lời ngợi ca từ giới phê bình, doanh số sách kỷ lục hay số giải thưởng danh giá giành được – sau cùng chỉ là lớp trang phục tô điểm bên ngoài.

Thắng lợi thực sự của một nhà văn là bản thân anh ta có đạt đến những chuẩn mực đã đặt ra trước khi cầm bút hay không, như cách những nhà văn vĩ đại như Flaubert đã làm. Tóm lại, cơ bản thì một nhà văn, một nghệ sĩ, một vận động viên chân chính – đều có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài. 

Những cuốn sách đề cập