Một trong những câu hỏi quen thuộc nhất với giới sáng tạo là “Làm thế nào để nảy ra ý tưởng mới?”. Chúng ta vẫn luôn tự hỏi mình câu hỏi ấy hàng ngày, và, kể cả các tay sáng tạo tài ba nhất, không phải tự thân sinh ra đã có một cái đầu đầy ắp ý tưởng. Tất cả đều có bí quyết, và dưới đây là 5 bí quyết của các bậc thầy để trả lời câu hỏi họ vẫn luôn được (hoặc bị) hỏi: “Bạn lấy ý tưởng từ đâu?” 

“Cửa hàng ý tưởng”

R. L. Stine, nhà văn Mỹ nổi tiếng với series truyện giật gân Goosebumps—Nổi da gà, phát chán với việc người hâm mộ liên tục tra tấn ông qua thư từ bằng câu hỏi “Ông lấy ý tưởng của mình từ đâu?” 

Sự thật, như Stine tiết lộ, ông ấy không biết câu trả lời. Ông không biết lấy ý tưởng như thế nào, nhưng ông biết cách để chuẩn bị cho các ý tưởng, cách mà bạn có thể tập trung và nắm bắt khi ý tưởng ập tới. 

“Đó chỉ là vấn đề về việc tư duy đúng, giữ tâm thế cảnh giác, luôn cởi mở và để mắt tới những ý tưởng,” Stine nói. Ngoài ra, khái niệm “cửa hàng ý tưởng” của ông cũng là một thứ rất thú vị. 

Theo Stine, cửa hàng ý tưởng, tất nhiên là do ông bịa ra, gồm ba phòng chính: trải nghiệm, ký ức và trí tưởng tượng. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đó là nơi bạn có thể tìm tới để lấy ý tưởng, hoặc ít nhất, nó cũng dẫn bạn tới ý tưởng cuối cùng. 

Trở nên hiểu biết hơn 

Steve Martin, diễn viên, nghệ sĩ hài, nhà văn, nhà sản xuất và nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ. Không ngoa khi nói rằng Martin là một trong nghệ sĩ hài độc thoại vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Lời khuyên của Martin rất đơn giản: học tập. Ông giải thích, mỗi khi bạn tiếp cận một chủ đề mới, cố nhiên chủ đề đó đã bao hàm rất nhiều ý tưởng rồi. Việc của bạn là đào sâu lĩnh vực, và, lấy cảm hứng sáng tạo từ đấy. 

“Bạn không bao giờ biết thứ gì sẽ truyền cảm hứng cho bạn,” Martin nói. Hãy tự bổ sung kiến thức bách khoa, kiến thức chuyên sâu và mở rộng kho dữ liệu của bạn. Một cái đầu đầy ắp ý tưởng chưa hẳn bởi họ bẩm sinh sáng tạo hơn, đó có thể chỉ đơn giản bởi họ đọc nhiều, đi nhiều, trải nhiều và biết nhiều hơn. 

Giữ lại các ghi chú 

Malcolm Gladwell, tác giả quen thuộc của danh sách The New York Times Best Seller, nổi tiếng nhất với Những kẻ xuất chúng, đã kể một câu chuyện thú vị về vùng đất Roseto trong cuốn sách.

Trên thực tế, Gladwell đã mất 15 năm để sử dụng ý tưởng này. Giữa những năm 90, ông tình cờ đọc được câu chuyện về một thị trấn tại bờ Tây Pennsylvania có tên là Roseto, đồng thời là chủ thể của một nghiên cứu y học từ những năm 50, cho ra kết luận rằng cư dân ở đây “nếu có chết thì chỉ do tuổi già.” 

Cư dân ở Roseto có tuổi thọ trung bình rất cao (trên 90 tuổi), tỷ lệ mắc ung thư thấp, và các nhà nghiên cứu đã làm việc trên nhiều giả định nguyên nhân như bởi di truyền, khí hậu, chế độ ăn uống,... nhưng đều vô hiệu. Họ tiêu thụ một lượng thức ăn nhanh khổng lồ, hút thuốc như tàu nhả khói và cực kỳ lười vận động. 

Đọc thêm: Hiệu Ứng Roseto: Bí Quyết Của Một Cuộc Sống Trường Thọ Là?

Hứng thú với câu chuyện này, Gladwell lập tức lái xe tới Roseto, gặp gỡ, nói chuyện với người dân và tiến hành phỏng vấn. Ông giữ lại các giấy tờ ghi chép, đoạn ghi âm,... rồi cứ để đó. 

Mười lăm năm trôi qua, khi Gladwell đang viết Những kẻ xuất chúng thì ông nhớ tới câu chuyện Roseto kia. Ông tìm lại các ghi chú, và lấy đó làm ví dụ minh hoạ cho ý tưởng của mình. 

Từ chia sẻ của Gladwell, ta có thể thấy rằng: đôi khi một ý tưởng tưởng vô dụng ở hiện tại có thể phát huy tác dụng trong tương lai. Vì vậy, hãy lưu trữ cẩn thận các nghiên cứu của mình bởi chúng có thể là cứu cánh của bạn vào lúc nào đó. 

Quan sát và lắng nghe 

Những người từng nghe việc Leo Tolstoy nảy ra ý tưởng cho Chiến tranh và Hòa bình từ một câu chuyện phiếm của một người qua đường sẽ không lạ lẫm mấy với lời khuyên của Judy Blume: hãy học cách quan sát. 

Theo Judy, sáng tạo bắt nguồn từ quan sát và lắng nghe. Sáng tạo không nảy ra từ chân không, nó cần dựa trên thứ gì đó: những thứ bạn nhìn thấy, những điều bạn nghe được thường ngày. 

Phòng khám nha khoa, cửa hàng bách hoá, hay một cậu bé đang đạp xe trên đường – tất cả đều có thể gợi cảm hứng sáng tạo. Giữ đôi mắt rộng mở và luôn dỏng tai nghe, nhờ thế, tâm trí bạn mới rộng mở để thu hút những ý tưởng mới. 

“Tệp ý tưởng” 

James Patterson nói ông có một “thư mục ý tưởng” đồ sộ, trong đó chứa đựng những “tệp ý tưởng” mà ông có thể triển khai mỗi lần muốn viết một cuốn sách mới. 

Đối với một nhà văn như Patterson, chuyện bừng tỉnh giữa đêm rồi lúi hút viết lên giấy những ý tưởng bất chợt xảy ra khá thường xuyên. Ông luôn mang theo mình một cuốn sổ tay, ghi chú lại những suy nghĩ vu vơ thường ngày. 

Mỗi khi bắt tay vào dự án mới, Patterson sẽ lật giở cuốn sổ tay, ngó qua các ý tưởng và lựa chọn cái mà ông muốn. 

Nguồn: MasterClass