Philip Pullman 

Philip Pullman là một nhà văn người Anh nổi tiếng với loạt tiểu thuyết "His Dark Materials" (Vật chất tối của Ngài) được viết cho độc giả trẻ tuổi nhưng cũng thu hút được độc giả người lớn. Ông cũng viết nhiều tác phẩm khác bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và sách thiếu nhi. Công trình của ông thường chứa đựng những yếu tố huyền bí, giả tưởng và đạo đức, và đã nhận được nhiều giải thưởng văn học quan trọng. Ngoài ra, ông cũng nổi tiếng với việc thể hiện quan điểm tư tưởng qua các tác phẩm của mình.

Q: Bạn có được khuyến khích để sáng tạo không? 

A: Không, tôi đã bị phớt lờ. Khi có ai để ý đến, đó là chỉ ra tôi là kẻ ngu xuẩn và cười nhạo tôi. 

Đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đời của một tiểu thuyết gia. 

Nếu bạn được người lớn quan tâm, động viên, bạn bắt đầu nghĩ rằng mình quan trọng và hơn nữa, bạn cần và khao khát được họ quan tâm. 

Sau một thời gian, bạn không còn khả năng làm việc nếu người khác không thúc đẩy bạn. Tốt hơn hết là bạn hãy tự cung cấp năng lượng cho mình và viết dù không có ai quan tâm, thậm chí học cách chịu đựng sự khinh thường và chế giễu của kẻ khác. Dù sao thì họ có biết gì đâu? 

Q: Điều gì truyền cảm hứng cho bạn? 

A: Ba thứ. 

(1) Tiền. Tôi làm việc này để sống. Nếu tôi không viết tốt, tôi sẽ không kiếm đủ tiền để trả các hoá đơn. 

(2) Mong muốn tạo được dấu ấn nào đó trên thế giới - làm cho tên tuổi của tôi được biết đến. Để lại thứ gì đó phía sau, thứ mà sẽ tồn tại lâu hơn tôi một chút. 

(3) Niềm vui tuyệt đối của nghề thủ công. Niềm vui vô tận khi sáng tạo - trong trường hợp của tôi là tạo ra những câu chuyện - và dần dà tìm hiểu thêm về cách chúng hoạt động cũng như cách để cải thiện chúng. 

Hai series truyện nổi tiếng của Pullman hiện đã xuất bản tại Việt Nam là Bụi kíVật chất tối của Ngài

Q: Bạn viết cho ai? 

A: Riêng tôi. Không còn ai. Nếu câu chuyện tôi viết hoá ra lại là thể loại trẻ em thích đọc thì tốt thôi. Nhưng tôi không viết cho trẻ em: Tôi viết những cuốn sách mà trẻ em đọc. Một số người lớn thông minh cũng đọc chúng. 

Q: Bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì cho những cây bút trẻ? 

A: Đừng nghe bất cứ lời khuyên nào, đó là điều tôi muốn nói. Chỉ viết những gì bạn muốn viết. Hài lòng với chính mình. Bạn là thiên tài, họ thì không. Đặc biệt đừng nghe những người (nhà xuất bản chẳng hạn) bảo rằng bạn cần viết những gì độc giả muốn đọc. 

Người đọc không phải lúc nào cũng biết họ muốn gì. Tôi không biết mình muốn đọc gì cho đến khi bước vào hiệu sách, và những cuốn tôi thích đọc nhất lại là những cuốn mà tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ đọc trong một triệu năm tới. 

Vì vậy, điều duy nhất bạn cần làm là quên đi việc phải làm hài lòng người khác. Thay vào đó, làm hài lòng chính mình. Bằng cách đó, bạn sẽ có cơ hội viết được điều gì đó mà người khác sẽ muốn đọc vì điều đó khiến họ ngạc nhiên. 

Đó là chưa kể, viết để làm hài lòng chính mình thì thú vị hơn nhiều. 

Q: Bạn thấy sao khi nhận được đánh giá tốt hoặc giải thưởng? 

A: Tôi cảm thấy hài lòng khi được sống trong một thế giới có những nhà phê bình giỏi như vậy. 

Q: Và bạn thấy sao nếu đó là những đánh giá tiêu cực? 

A: Tôi cảm thấy buồn khi phải sống trong một thế giới có những nhà phê bình tồi tệ đến vậy. 

George R. R. Martin 

Các bạn có thể ghé thăm blog cá nhân của Martin tại đây

George R. R. Martin là một tác giả người Mỹ nổi tiếng với bộ tiểu thuyết "A Song of Ice and Fire", được chuyển thể thành series truyền hình nổi tiếng "Game of Thrones" (Trò chơi vương quyền). Ông cũng đã viết nhiều tác phẩm khác bao gồm tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, truyện ngắn và kịch, đồng thời tham gia biên kịch nhiều loạt phim đình đám taị Hollywood. 

Q: Tôi muốn trở thành nhà văn. Bạn có thể cho tôi lời khuyên không? 

A: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà văn đầy tham vọng nào là đọc! Và không chỉ là thể loại bạn đang cố gắng viết, mà có thể là giả tưởng, khoa học viễn tưởng, truyện tranh, bất cứ thứ gì. Bạn cần phải đọc mọi thứ. Đọc tiểu thuyết, phi hư cấu, tạp chí, báo. Đọc lịch sử, tiểu sử. Đọc kinh dị, văn học cổ điển, khiêu dâm, phiêu lưu, châm biếm. Mỗi nhà văn đều có điều gì đó để dạy bạn, dù tốt hay xấu. (Vâng, bạn có thể học từ những cuốn sách dở cũng như những cuốn sách hay - về những điều không nên làm) 

Và viết. Viết mỗi ngày, ngay cả khi chỉ một hoặc hai trang. Bạn càng viết nhiều thì bạn càng nhận nhiều. Nhưng đừng viết về vũ trụ của tôi, của Tolkien, hay vũ trụ Marvel, hay vũ trụ Star Trek, hay bất kỳ bối cảnh vay mượn nào khác. Mỗi nhà văn cần học cách tạo ra các nhân vật, thế giới và bối cảnh của riêng mình. Sử dụng thế giới của người khác là lười biếng. Nếu bạn không tự rèn luyện những “cơ bắp văn chương” đó thì bạn sẽ không bao giờ phát triển được chúng. 

Với thực tế của thị trường khoa học viễn tưởng và giả tưởng ngày nay, tôi cũng gợi ý rằng bất kỳ nhà văn có tham vọng nào cũng nên bắt đầu bằng truyện ngắn.

Ngày nay, tôi gặp quá nhiều nhà văn trẻ cố gắng bắt đầu bằng một cuốn tiểu thuyết, hoặc một bộ ba cuốn, hay thậm chí là chín cuốn. Điều này giống như việc bắt đầu leo núi bằng cách vượt qua đỉnh Everest. Truyện ngắn giúp bạn học nghề. Chúng là ngôi trường tốt để bạn mắc những lỗi mà mọi tay mơ như bạn đều sẽ mắc phải. Và chúng vẫn là cánh cửa tốt nhất để bạn thâm nhập, vì các tạp chí luôn khao khát những câu chuyện khoa học viễn tưởng và giả tưởng.

Khi bạn đã bán truyện ngắn được khoảng 5 năm, bạn sẽ tạo dựng được tên tuổi cho mình và các biên tập viên sẽ bắt đầu hỏi bạn về cuốn tiểu thuyết đầu tay. 

Dù bạn làm gì chăng nữa… chúc may mắn. Bạn sẽ cần đến nó. 

Q: Bạn nghiên cứu tiểu thuyết của mình như thế nào? 

A: Internet là một công cụ tuyệt vời và tôi ngày càng sử dụng nó nhiều hơn theo thời gian, nhưng tôi vẫn thực hiện hầu hết các nghiên cứu của mình theo cách cổ điển, với sách. 

Tôi sử dụng phương pháp “ngâm hoàn toàn”. Vì tôi không biết mình có thể cần những thứ cụ thể nào trong quá trình viết tiểu thuyết nên tôi cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chủ đề được đề cập - bằng cách đọc mọi thứ tôi vớ được. 

Q: Trong tương lai, khi A Song of Ice and Fire kết thúc, bạn có hy vọng quay trở lại hoạt động ở nhiều thể loại khác nhau không? 

Đúng… nhưng tôi vẫn còn nhiều năm để viết cuốn sách này, và tôi đã 68 tuổi rồi, nên… hiện tại tôi có đủ ý tưởng để viết những cuốn khác cho đến khi tôi 168 tuổi. Nhưng có lẽ tôi sẽ không sống được tới 168 tuổi. Vậy tôi còn bao nhiêu thời gian? Tôi luôn có những ý tưởng mới nên có thể tôi sẽ không bao giờ viết tiếp những ý tưởng cũ này. Ai biết được? Tôi viết những điều mà tôi muốn viết. 

[...] 

Có lẽ tôi sẽ quay lại viết truyện ngắn. Tôi thích truyện ngắn.

J. K. Rowling

J. K. Rowling có lẽ là nhà văn có thương hiệu cá nhân lớn nhất trong hai thập kỷ qua, cùng với Stephen King trong thể loại văn học giả tưởng. 

J. K. Rowling là một nhà văn người Anh nổi tiếng với bộ tiểu thuyết phù thủy nổi tiếng "Harry Potter", một trong những bộ truyện nổi tiếng nhất trong thế giới phương Tây. Bộ truyện này đã được chuyển thể thành loạt phim cũng như các sản phẩm giải trí khác. Ngoài ra, bà cũng viết tiểu thuyết cho người lớn và là tác giả của "The Casual Vacancy" và "Cormoran Strike" dưới bút danh Robert Galbraith.

Q: Một ngày viết lách điển hình của bạn ra sao? 

A: Tôi cố gắng bắt đầu trước 9 giờ sáng. Phòng viết của tôi có lẽ là nơi tôi yêu thích nhất trần đời. Nó ở trong vườn, cách ngôi nhà khoảng một phút đi bộ. Ở đây có một gian giữa là tôi làm việc, một ấm đun nước, bồn rửa và phòng tắm cỡ tủ đựng chén. Đài thường được chỉnh theo nhạc cổ điển, vì giọng nói của con người khiến tôi mất tập trung, mặc dù tiếng lao xao như trong quán cà phê lại khiến tôi dễ chịu. Tôi từng thích viết trong quán cà phê và từ bỏ nó một cách khiên cưỡng, nhưng việc ở một mình giữa đám đông là trở nên vô danh một cách vui vẻ. 

Càng bắt đầu sớm trong ngày, hiệu quả công việc càng cao. Trong một hoặc hai năm qua, tôi đã phải thức trắng đêm để viết kịch bản cho Fantastic Beasts, nhưng mặt khác, tôi cố gắng viết vào ban ngày. Nếu tôi bắt đầu vào khoảng 9 giờ, tôi thường sẽ viết đến 3 giờ chiều. Trong lúc viết, tôi thường uống tám hoặc chín cốc trà. 

Đọc thêm: J. K. Rowling: Từ Bà Mẹ Đơn Thân Thành Nhà Văn Tỷ Phú Đầu Tiên Trong Lịch Sử

Q: Bạn viết cho độc giả hay cho chính mình? 

A: Ở một khía cạnh nào đó, đây là một câu hỏi khó, bởi vì một nhà văn thực sự chỉ viết cho riêng mình có lẽ sẽ không cố gắng xuất bản cuốn sách. Bên cạnh đấy, tôi đồng tình với câu nói của Cyril Connolly: “Thà viết cho chính mình và không có công chúng, còn hơn viết cho công chúng và không có cái tôi.” 

Chắc chắn là tôi viết “cho chính mình” theo nghĩa là tôi phải viết. Nó gần như là một sự ép buộc. Tôi cần phải làm điều đó. Tôi không còn là chính mình nếu tôi không viết thường xuyên, và tôi cảm thấy bồn chồn và kỳ quặc nếu không có gì để viết, điều không bao giờ xảy ra vào ngày nay, bởi tôi có rất nhiều dự án khác nhau đang được thực hiện, tuỳ ý tôi. Tôi cũng viết cho chính mình vì tôi cảm thấy hào hứng với một câu chuyện tới mức muốn thảo nó ra giấy. Tôi e rằng biết mọi người muốn đọc gì là chưa đủ. Động lực luôn đến từ bên trong. 

Mặt khác, không có câu chuyện nào tồn tại trừ khi có ai đó sẵn sàng lắng nghe. Là một nhà văn, khát vọng cao nhất của bạn là chạm vào mọi người, kết nối, giải trí hoặc an ủi. Còn gì tuyệt vời hơn khi biết rằng cuốn sách của bạn đã giúp được ai đó vượt qua khoảng thời gian khó khăn?