Tôi từng làm phục vụ trong quán cà phê. Đôi khi là kiêm luôn việc thu ngân. 

Một ngày nọ, một cặp đôi bước vào và gọi đồ. Chàng trai là khách quen và anh yêu cầu ngay một ly nâu đá. 

“Còn chị uống gì ạ?”, tôi hỏi. Cô gái vẫn im bặt, lật đi lật lại bảng menu vốn chỉ có hai mặt – cô không chọn nổi một đồ uống trong 54 món đồ trước mặt mình. 

Lúc này, khách hàng tới sau đã xếp thành hàng và bầu không khí bỗng áp lực lạ kỳ. Cô gái vẫn chưa lựa chọn nổi. Cuối cùng thì cô đầu hàng, nói với tôi rằng cô sẽ gọi đồ sau. Tôi vui vẻ chấp nhận vì trường hợp như cô tôi đã gặp tới trăm lần. 

Và hàng trăm lần như thế, tôi đều vui vẻ vì tôi cũng đã từng rơi vào trường hợp như họ. Tôi biết tâm trí họ đang bị đè nặng bởi thứ áp lực vô hình mang tên Nghịch lý của sự lựa chọn. Nó như sau: 

“Đưa ra một quyết định sáng suốt đã khó, đưa ra một quyết định sáng suốt giữa hàng tá lựa chọn còn khó hơn.” 

Nghịch lý của sự lựa chọn được phổ biến rộng rãi bởi nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz trong cuốn sách The Paradox of Choice: Why More is Less xuất bản năm 2004. 

Schwartz thích thú với việc nghiên cứu cách mà các lựa chọn ảnh hưởng tới sự thỏa mãn của xã hội phương Tây. Ông chỉ ra danh sách các lựa chọn của người dùng ngày nay đã trải dài hơn rất nhiều so với quá khứ, tuy vậy kết quả rất ngạc nhiên: mức độ thỏa mãn của người dùng chẳng khá khẩm hơn là bao. 

Schwartz phát hiện thị trường hiện đại thực sự đang khiến người tiêu dùng quá tải và ít hài lòng hơn với lựa chọn của mình. Ông chỉ ra thay vì làm tăng mức độ thỏa mãn, quá nhiều lựa chọn khiến con người khó đưa ra quyết định tối ưu hơn. 

Tại sao? 

Càng nhiều lựa chọn, càng khó đưa ra quyết định tốt 

Giả sử bạn đang thi trắc nghiệm, nếu đáp án chỉ có A và B, xác suất đúng của bạn là 50% cho mỗi lựa chọn. Giờ thêm phương án C đi, xác suất của bạn giảm xuống còn 33%. Thêm phương án D nữa đi, xác suất của bạn lại giảm xuống 25% – tỷ lệ quen thuộc trong các bài kiểm tra ngày nay. 

Xác suất đúng giảm xuống đồng nghĩa với tỷ lệ bạn chọn sai sẽ cao hơn. Điều này không dừng lại trong các bài kiểm tra, thực chất thì các lựa chọn khác trong cuộc sống cũng vậy. 

Here's The Best Way To Guess On Multiple Choice Tests - Simplemost
Thêm phương án E vào, xác suất bạn chọn đúng chỉ còn 1/5 với mỗi câu 

Khi phải đối mặt với các vấn đề to lớn hơn, đầu tư nhiều tiền bạc hơn như xe cộ, bảo hiểm hay chăm sóc y tế thì đưa ra quyết định tối ưu sẽ nan giải hơn rất nhiều. Điều này đồng nghĩa trách nhiệm bạn gánh vác cũng lớn hơn. 

Một quyết định đầu tư sai lầm có thể phá hỏng kế hoạch nghỉ hưu sớm mà bạn đã ấp ủ hàng chục năm trời. Cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 là một ví dụ điển hình, khi hàng loạt các chủ nhà băng đồng loạt phá sản và không ít người chọn tự vẫn vì họ đã quá già để bắt đầu lại.

Sự lớn dần của những lựa chọn khắt khe làm cho việc đưa ra quyết định sáng suốt ngày càng khó khăn. Với mỗi phương án gia tăng, tỷ lệ chọn đúng phương án tối ưu của bạn càng giảm xuống, và trách nhiệm đè lên vai bạn càng nặng. 

Càng nhiều lựa chọn, mức độ hài lòng với quyết định càng thấp 

Giả dụ bạn đang lựa chọn một kỳ nghỉ: Phú Quốc nghe được đó nhỉ? Hay là mình nên ‘đi trốn deadline’ ở Đà Lạt? 

Dù bạn chọn gì đi nữa, quyết định đó sẽ bỏ qua những thứ mà các lựa chọn khác mang lại. Ý tưởng này đưa ta quay về với khái niệm ‘chi phí cơ hội’ – một lý thuyết kinh tế cơ bản về bản chất của sự đánh đổi. Nói ngắn gọn, chi phí cơ hội là phần lợi ích lớn nhất bị bỏ qua khi bạn chọn phương án này thay vì các phương án khác. 

Chi phí cơ hội
Người đàn ông dù đang trong kỳ nghỉ vẫn không thể ngừng nghĩ về việc được đỗ xe thoải mái 

Nếu bạn chọn đi Phú Quốc, chi phí cơ hội có thể sẽ là trải nghiệm một ngày bốn mùa tại Đà Lạt, một show hát của Hà Anh Tuấn và vài quán cafe chill khỏi bàn. Chi phí cơ hội chỉ tính đến phương án tốt nhất bị bỏ qua trong hàng loạt các phương án, tuy nhiên việc tính toán chúng không dễ dàng. 

Càng nhiều giải pháp, bạn càng có nhiều trải nghiệm hơn với các chi phí cơ hội, kết quả là bạn càng kém vui với lựa chọn cuối cùng. Làm sao bạn biết được quyết định của mình là tốt nhất, trong khi hàng loạt các lựa chọn khác đều hấp dẫn theo cách riêng. Về bản chất, con người ai cũng đều ‘đứng núi này, trông núi nọ’ thôi! 

Phần quan trọng nhất của bài viết này 

Nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng trái ngược, phản bác lại luận điểm về Nghịch lý của sự lựa chọn. Hiệu ứng chim mồi là một ví dụ, khi nó gợi ý rằng chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hơn về một lựa chọn khi có ba lựa chọn so với khi chỉ có hai. 

Một lý thuyết khác chống lại Nghịch lý của sự lựa chọn là Ác cảm lựa chọn, được giải thích bởi Daniel Mochon – một giáo sư tiếp thị. Nó cho thấy mọi người không sẵn lòng đưa ra quyết định nếu không có lựa chọn thay thế nào vì họ cần một phương án thay thế để so sánh. 

Schwartz thừa nhận những điều trên. Tuy vậy, ông cho rằng lằn ranh giữa việc được tự do lựa chọn thứ mình thích và ‘choáng ngợp’ trước hàng tá phương án vô cùng mong manh. Schwartz gợi ý rằng đôi khi nhiều lựa chọn hơn dẫn đến sự hài lòng tăng lên, đôi khi lại dẫn đến sự hài lòng giảm đi. Câu trả lời là sự cân bằng phù hợp giữa việc có quá nhiều lựa chọn và không đủ lựa chọn. 

The Paradox of Choice – Your Marketing Rules
Các nhà bán lẻ nắm rất rõ điều này, tuy nhiên các nhà hàng thì không 

Càng có nhiều lựa chọn, chúng ta càng khó để đưa ra những quyết định khôn ngoan và chúng ta càng ít hài lòng với những gì chúng ta đã chọn lựa. Dường như những ràng buộc tự nguyện nhất định sẽ khiến ta thoải mái hơn. Đơn giản là nếu phải chọn ít hơn, cơ hội được hạnh phúc của chúng ta sẽ cao hơn.

Bài học ở đây là gì? Hãy hạ thấp tiêu chuẩn xuống, đừng kỳ vọng quá nhiều và tập hài lòng với những gì mình có, và bạn sẽ tìm thấy thứ thuộc về mình trong hàng tá các lựa chọn thôi!