Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, hai nhà tâm lý học Hajo Adam và Adam Galinsky đã thực hiện một thí nghiệm rất thú vị. 

Họ đã chia số người tham gia làm ba nhóm. 

Nhóm thứ nhất được trao cho một chiếc áo choàng và được nói đây là áo choàng mà các bác sĩ hay mặc. 

Nhóm thứ hai cũng được trao chiếc áo choàng tương tự, nhưng lần này được nói là áo choàng của cánh thợ sơn. 

Nhóm thứ ba thì chỉ được nhìn chiếc áo choàng “của các bác sĩ” và yêu cầu viết ra giấy liên tưởng về chiếc áo. 

Cả ba nhóm sau đó tham gia vào một trò chơi tìm điểm khác biệt. 

Kết quả thu về, nhóm thứ nhất – những người được tận mắt nhìn thấy chiếc áo và khoác chúng lên người đã thực hiện bài kiểm tra tốt hơn hẳn so với hai nhóm còn lại. 

Nhờ phát hiện mới mẻ này, họ đã bổ sung một thuật ngữ vào từ điển khoa học thế giới gọi là nhận thức trong phục trang. 

Hàng loạt các nghiên cứu theo sau đó và hai nhà tâm lý học kết luận: Quần áo mà bạn mặc trên người không chỉ là vật trang trí, để ra hiệu cho người khác biết bạn là ai, chúng còn hơn cả thế. Chúng có thể khiến bạn sáng suốt, dũng cảm, lý trí, chuyên nghiệp hơn trong nhiều trường hợp. 

Nhưng tại sao? Tại sao phục trang có thể ảnh hưởng tới tâm trí và hành vi của chính bạn? 

Nguồn gốc của bộ suit 

Hãy bắt đầu bằng thứ trang phục mang tính biểu tượng cao nhất: bộ suit (âu phục). Có thể bạn đã nhận ra rằng hình ảnh bộ suit gắn liền với những chính trị gia, luật sư hay lãnh đạo các tập đoàn lớn. Ở khắp nơi trên thế giới, mỗi khi cần làm việc nghiêm túc, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều diện âu phục. 

Giờ thì hãy cùng vặn ngược kim đồng hồ để trở về những năm 1600, thời điểm được cho là gắn liền với sự ra đời của bộ đồ công sở hiện nay. Một bài báo trên tờ The Economist đã phân tích rõ điều này, khi mà hoàng gia Anh lúc đó tuyên bố rằng một phiên bản đời đầu của bộ suit là trang phục chính thức cho quần thần phò tá nhà vua, để đánh tín hiệu cho công chúng rằng ngay cả hoàng tộc cũng phải gắng sức tiết kiệm sau cơn khủng hoảng gây ra bởi Đại dịch Đen ở London. 

Mặc dù ngày nay được xem là một loại trang phục thể hiện sự đẳng cấp và chuyên nghiệp, xuất thân của bộ suit lại đến từ lý do khá khiêm tốn như vậy. Thường dân sau đó đã học tập theo, và bộ suit trở thành phục trang dành cho phái nam trên toàn châu Âu. Bạn có thể thắc mắc tại sao đàn ông Anh Quốc chăm diện suit và diện nó đẹp tới vậy, vì đó là cái nôi của thứ trang phục này mà. 

Qua thời gian, phiên bản dành cho thường dân cũng rộng dần để tiện hoạt động hơn. Khăn quàng cổ biến thành cà vạt, và với cú hích của toàn cầu hóa, các nền văn hóa khác cũng bắt đầu tiếp nhận và sử dụng những bộ trang phục này. Giờ thì bộ suit là một biểu tượng toàn cầu và đại diện cho cả một khái niệm. 

Tất cả những gì bạn cần làm là xem một tập bất kỳ của series Mad Men để hiểu được sức mạnh của âu phục. 

Với lịch sử lâu đời, những bộ com-lê giờ đã đặc biệt khéo léo trong việc gây ảnh hưởng lên người khác. Nó dần trở nên phổ biến tới nỗi phụ nữ ngày nay cũng mặc âu phục thường xuyên, và không phải là không có lý do. 

Trong cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy, tác giả David McRaney viết: 

 

“Các nghiên cứu cho thấy, ở môi trường xã hội phương Tây, một phụ nữ mặc trang phục càng nam tính thì cô ta càng có cơ hội thành công cao hơn trong vòng phỏng vấn so với những người mặc đồ nữ tính. Bộ suit đã vượt khỏi giới hạn của chức năng ban đầu như một thứ đồ hóa trang để khẳng định giá trị mà nó có thể truyền tải. 

 

Nếu bạn muốn thể hiện mình là một người có trách nhiệm và đáng tin cậy, có khả năng hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp, bạn tốt nhất là nên mặc suit tới buổi phỏng vấn.” 

Vậy bằng cách nào mà phục trang lại truyền tải được thông điệp? Một câu hỏi khá khó đây.. 

Làm thế nào mà phục trang truyền tải được thông điệp? 

Để trả lời câu hỏi này, Tâm lý học sẽ phải gọi điện thoại hỏi người thân, và người được gọi không ai khác ngoài quý ngài Thần kinh học. Các nhà thần kinh học từ lâu đã phát triển một khái niệm mang tên “Mạng lưới ngữ nghĩa” – mỗi một từ vựng, hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc đều được liên kết với những thứ khác. 

Mạng lưới ngữ nghĩa 

Một chút ví dụ sẽ khiến nó trở nên rất đơn giản. Khi ngửi thấy mùi bỏng ngô thơm nức, bạn nghĩ ngay tới rạp chiếu phim. Khi nghe một bài hát Giáng sinh, bạn nghĩ ngay tới cây thông, những hộp quà, ông già Noel và những chú tuần lộc. 

hoặc có thể là bộ phim "Ở nhà một mình" cũng nên

Bộ não của bạn có khả năng liên hệ, tổng hợp và nhận diện khuôn mẫu, biểu tượng hay hình ảnh rất tốt, nhưng bù lại rất kém trong vụ số liệu, danh sách, đo đạc, thống kê và những nhiệm vụ logic khô khan khác. Đây là lý do tại sao bạn rất đãng trí khi nhắc đến một vài thứ trong khi nhớ như in một vài thứ khác. 

Bởi vì trí nhớ ngôn từ của bạn rõ ràng là yếu thế hơn hẳn so với trí nhớ hình ảnh, vậy nên bạn rất dễ rơi vào một hiện tượng tâm lý gọi là mồi tiềm thức

Mồi tiềm thức 

Ý tưởng cốt lõi của mồi tiềm thức là: Mọi ý tưởng mà bạn đang trải nghiệm ngay bây giờ sẽ có ảnh hưởng một cách vô thức lên tất cả những ý tưởng mà bạn có sau này. Từ đó, chúng ảnh hưởng đến hành vi của bạn mà bạn không hề biết. 

Trong cuốn sách nổi tiếng Tư duy nhanh và chậm, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman đã tiến hành hàng loạt các thí nghiệm về đề tài này. 

 

  • Một nghiên cứu yêu cầu những người tham gia sắp xếp lại những câu từ miêu tả sự thô lỗ. Về sau, khi những người này bị đặt vào tình thế khó chịu, khả năng họ cắt ngang nhà khoa học cao hơn hẳn những người khác.
  • Những người bị mồi tiềm thức thông qua việc giải đố với những từ liên quan đến tuổi già có xu hướng đi chậm hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. 
  • Trong một thí nghiệm khác, các đối tượng được yêu cầu tưởng tượng về việc sẽ ngầu thế nào nếu họ bỗng dưng trở thành những giảng viên đại học, sau đó đã chơi tốt hơn so với các đối tượng khác trong trò hỏi nhanh đáp gọn về kiến thức tổng hợp. 

Tuy nhiên tất cả những yếu tố trên – sức mạnh biểu tượng của quần áo và mồi tiềm thức chưa từng được liên hệ với nhau trong một nghiên cứu thống nhất nào. Phải tới khi hai nhà tâm lý học Hajo Adam và Adam Galinsky tại Đại học Northwestern công bố kết quả nghiên cứu của họ vào năm 2012 và mang tới một thuật ngữ mới cho từ điển khoa học: nhận thức trong phục trang (enclothed cognition). 

Nhận thức trong phục trang

Adam và Galinsky đã tiến hành hai nghiên cứu chính, trong đó nghiên cứu thứ hai là điểm nổi bật trong công trình của họ, nó như sau. 

Họ chia những tình nguyện viên thành ba nhóm. 

 

  • Nhóm thứ nhất được mặc áo choàng trắng, và được cho biết đó là loại áo choàng mà các bác sĩ thường mặc. 
  • Nhóm thứ hai cũng mặc chiếc áo này, nhưng được phổ biến rằng đây là áo khoác dành cho thợ sơn. 
  • Nhóm thứ ba thì được nhìn vào những chiếc áo choàng trắng và nghe các nhà thí nghiệm nói đây là áo choàng bác sĩ, sau đó được yêu cầu viết một bài luận về những hình ảnh và ý tưởng mà một chiếc áo như vậy gợi ra trong đầu họ, mục đích chính là để kích hoạt mồi tiềm thức.  

 

Tiếp theo, thành viên của cả ba nhóm được nhìn vào những bức hình đặt cạnh nhau, mỗi cặp hình này có bốn điểm khác biệt rất khó để nhận ra. Các nhà tâm lý học so sánh khoảng thời gian những người này bỏ ra để tìm kiếm điểm khác biệt và số lượng điểm mà họ tìm được trong mỗi cặp hình. 

Đây là lúc điều thú vị nhất của sự nhận thức trong phục trang xuất hiện. 

 

  • Nhóm thứ nhất, những người mặc bộ áo mà họ tin rằng đó là áo bác sĩ tìm được nhiều điểm khác biệt nhất. 
  • Nhóm thứ hai cũng mặc chiếc áo tương tự nhưng được phổ biến là áo của thợ sơn tìm được ít nhất. 
  • Nhóm thứ ba với sự hỗ trợ của mồi tiềm thức thì đứng ở giữa. 

 

Như vậy, Adam và Galinsky kết luận: Mồi tiềm thức không có tác dụng mạnh mẽ bằng việc thực sự mặc áo lên, và hơn cả là cùng một bộ đồ nhưng có khả năng gây ảnh hưởng khác nhau lên tâm trí ta, phụ thuộc vào ý nghĩa mà ta gắn cho nó. 

Qua đó, hai nhà tâm lý học đã chứng minh được rằng nhận thức trong phục trang không chỉ đơn thuần là hiện tượng mồi tiềm thức. Nó còn hơn cả thế. 

Họ đã viết trong báo cáo nghiên cứu rằng theo ý kiến của họ, những bộ đồng phục cảnh sát, thẩm phán, mục sư, lính cứu hỏa, binh sĩ, các đội thể thao, y sĩ và nhiều nghề khác, có vai trò quan trọng hơn việc đơn thuần truyền tải thông tin cho các thành viên khác trong xã hội về vai trò của người mặc chúng. 

Cũng theo lời Adam và Galinsky, “chúng có thể khiến cho người mặc trở nên quả cảm hơn, đức hạnh hơn, xông xáo hơn, bao dung hơn hoặc chu đáo hơn.” 

Tận dụng phép màu của thời trang 

Các nghiên cứu từ lâu đã cho thấy rằng trang phục không hoàn toàn vô tri vô giác, ít nhất là đối với bộ não con người. 

Trong trường hợp bạn muốn tận dụng chút phép màu của thời trang, hãy mặc những thứ đồ có khả năng khiến bạn trở nên tỉnh táo, quyết đoán hay cảm thấy bản thân chuyên nghiệp hơn. 

Một người đeo kính trong có vẻ tri thức hơn, thật đấy, nhưng không đơn thuần là chỉ “trông” thôi đâu. Đã có những bằng chứng cho thấy người đeo kính cũng có xu hướng thực hiện những bài kiểm tra trí não tốt hơn. 

Một ví dụ điển hình đây

Ngược lại, những bộ đồ được liên hệ tới những khái niệm tiêu cực cũng có sức ảnh hưởng không kém. Mặc một bộ đồ thoải mái bằng cách nào đó cũng khiến tâm trí bạn thả lỏng hơn, đôi khi việc này là tốt, nhưng sẽ là xấu nếu bạn bắt đầu nhận ra biểu hiện của sự buông thả ở bản thân mình.