Năm 1913, kỹ sư nông nghiệp người Pháp Max Ringelmann phát hiện ra một điều kỳ lạ về bản chất con người — bằng cách lấy một sợi dây và yêu cầu từng người kéo lên. 

Sau đó, ông yêu cầu những người đó cùng kéo dây với một nhóm. Quan sát của ông cho thấy khi mọi người kéo theo nhóm, họ sẽ bỏ ra ít sức lực hơn so với khi kéo một mình. 

Phát hiện của Ringelmann đã mở đường cho một thuật ngữ mới bước chân vào từ điển tâm lý học — hiệu ứng Ringelmann, hay còn gọi là sự lười biếng xã hội. 

Nhưng không chỉ dừng lại ở trò kéo co, hiệu ứng Ringelmann hiện diện trong mọi phòng ban của các tổ chức — khiến các ông lớn như Google, Facebook cũng ít nhiều lao tâm khổ tứ vì nó. 

Và rất có thể nó cũng đang trú ngụ trong phòng ban của bạn nữa đấy! 

Ảnh: Quartz

Hiệu Ứng Ringelmann Là Gì? 

Hiệu ứng Ringelmann, hay sự lười biếng xã hội (social loafing) là thuật ngữ tâm lý học dùng để diễn tả hiện tượng các cá nhân khi làm việc theo nhóm sẽ bỏ ra ít sức lực hơn khi làm việc độc lập. 

71 năm sau, nhà tâm lý học Alan Ingham quyết định đào sâu hơn “quặng vàng” mà Ringelmann đã khám phá ra. 

Trong thí nghiệm thực hiện vào năm 1974, Ingham đã bịt mắt các đối tượng tham gia và cho họ nắm một sợi dây thừng. Đầu kia của sợi dây này được gắn vào cỗ máy có nhiệm vụ giả lập sức kéo của đội đối thủ. 

Những người tham gia được phổ biến rằng họ có rất nhiều đồng đội và được yêu cầu phải kéo hết sức. Trong lượt kéo thứ hai thì họ lại được yêu cầu phải kéo một mình. Thực ra thì ở cả hai lượt, họ chỉ đang kéo một mình. 

Theo như kết quả đo lường thì ở mức trung bình, sự nỗ lực của đối tượng tham gia sẽ giảm khoảng 18% khi nghĩ rằng mình đang làm việc trong một nhóm. 

Hai công trình nghiên cứu của Ingham và Ringelmann đã đem khái niệm về sự lười biếng xã hội (social loafing) vào bộ môn tâm lý học: trong cùng một công việc, nỗ lực bạn bỏ ra khi làm việc nhóm sẽ ít hơn nỗ lực bỏ ra khi làm việc độc lập.

Nhưng Tại Sao? 

Nếu từng trải qua kiếp nạn “gánh team”, bạn sẽ hiểu không phải lúc nào teamwork cũng xuôi chèo mát mái. Đôi khi nó còn chẳng khác nào chế độ ONE FOR ALL trong Liên Minh Huyền Thoại: một người làm mười người hưởng. Hàng trăm nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này, và dưới đây là những gì tôi thu thập được. 

Thuyết Tác Động Xã Hội 

Theo thuyết tác động xã hội, mỗi cá nhân trong nhóm đều tạo nên một nguồn ảnh hưởng độc lập. Vì vậy khi quy mô nhóm tăng lên, sự ảnh hưởng của họ cũng giảm xuống, kéo theo động lực và năng suất làm việc.

Nói cách khác, khi các thành viên cảm thấy mình không có giá trị hay ảnh hưởng với thành quả cuối cùng, họ sẽ không cố gắng hết mình. Điều này đặc biệt đúng khi có thành viên sáng dạ hoặc “xông pha” hơn người khác, những người khác sẽ tự lùi về sau và để người đó dẫn dắt, thậm chí ôm đồm hết mọi việc.

Hiệu ứng Ringelmann có nhiều khả năng xảy ra hơn trong một nhóm có thành tích tốt, vì một cá nhân có thể cho phép mình chểnh mảng vì nghĩ các thành viên khác sẽ “gánh” mình. Ngược lại, trong một tập thể mà ai cũng “cùi bắp” thì mức độ cố gắng của từng thành viên cũng tăng lên. 

Thuyết Tiềm Năng Đánh Giá 

Theo lý thuyết đánh giá tiềm năng thì hiệu ứng Ringelmann xảy ra vì kết quả được đánh giá theo nhóm thay vì theo cá nhân. Hệ quả tất yếu là một số thành viên có thể an tâm “làm ít hưởng nhiều” mà không bị chỉ trích. 

Điều này cũng xuất phát từ tâm lý cảm thấy nỗ lực của mình không được ghi nhận riêng biệt mà bị “chìm vào nhóm”. Khi đó, họ chẳng thiết nỗ lực nhiều hơn vì công sức được ghi nhận như nhau. 

Chính vì lý do này, các giảng viên đại học thường xuyên yêu cầu bài tập nhóm phải đi kèm bảng đánh giá thành viên. Từng thành viên sẽ ngồi lại và đánh giá tác phong làm việc của các thành viên khác theo thang điểm từ 1-10 rồi chia trung bình. Đó là điều mà các giảng viên tại NEU đã làm, còn độ hiệu quả thì tôi không dám chắc. 

Phân Tán Trách Nhiệm 

“Cha chung không ai khóc” là câu tục ngữ diễn giải khá chuẩn hiện tượng này. Chúng ta không bị áp lực phải hành động nếu có sự hiện diện của những người khác. Ta sẽ ngầm nhận thức đây là “trách nhiệm chung”, nên công sức mình bỏ ra cũng không gây nhiều ảnh hưởng lên tập thể.

Chẳng hạn khi làm nhóm, một số người không làm hoặc làm qua phần việc của mình vì cho rằng kiểu gì cũng sẽ có người khác bù đắp. Nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy, thì hệ quả cuối cùng là không ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Khía cạnh này của hiệu ứng Ringelmann khá tương đồng với hiệu ứng bàng quan (bystander effect). Tuy nhiên hiệu ứng bàng quan có yếu tố tác động xã hội, khiến cá nhân “đứng im” vì sợ bị người khác đánh giá. Còn ở hiệu ứng Ringelmann, tâm lý ỷ lại là nguyên nhân khiến một số thành viên “dựa dẫm" vào người khác.

Có thể bạn chưa biết: Hiệu ứng bàng quan gắn liền với câu chuyện về Kitty Genovese, cô gái xấu số bị sát hại vào năm 1964 tại thành phố New York. Tiếng la hét của cô được cho là đã vang vọng khắp khu phố Queens đông đúc — nhưng không ai đến trợ giúp. Vụ án mạng này cuối cùng đã khiến FBI phải triển khai hệ thống 911 mà chúng ta sử dụng ngày nay để báo cáo các trường hợp khẩn cấp! 

Làm Thế Nào Để Vượt Qua Hiệu Ứng Ringelmann? 

Hành vi lười biếng xã hội có khả năng xuất hiện cao hơn khi nhiệm vụ phải thực hiện là một việc đơn giản. Đối với những công việc phức tạp, rất dễ để nhận ra ai là kẻ ăn không ngồi rồi. Và một khi bạn biết rằng người khác có thể nhìn thấy sự lười nhác của mình, bạn sẽ cố gắng nhiều hơn.

Không ngạc nhiên mấy, bạn chắc chắn sẽ cẩn thận hơn khi biết rằng mình đang bị quan sát. Nỗi lo lắng của bạn sẽ giảm xuống khi biết rằng nỗ lực của mình sẽ được tính chung với của những người khác nữa. Và bạn sẽ trở nên thư giãn hơn. Bạn thả mình xuôi dòng. 

Các nhà khoa học hiệu suất thể thao đã lường trước hiện tượng này từ lâu, vậy nên ngày nay, tất cả các đội thể thao lớn đều tách riêng các thành viên trong đội khi đánh giá. Thậm chí họ còn làm chặt tới mức theo dõi từng người trong các trận đấu bằng máy quay riêng, và có hẳn một đội ngũ chỉ ngồi quan sát các cầu thủ tập luyện rồi viết báo cáo. Đằng này thì có chạy bằng trời, ông nào lười cũng phải gắng mà tập chăm. 

Hiệu ứng Ringelmann hiện diện trong mọi tình huống liên quan tới nỗ lực nhóm. Các hợp tác xã luôn đạt sản lượng thấp hơn nông trại tư nhân. Những nhà máy có công nhân làm những việc lặp đi lặp lại nhưng không bị giám sát chặt chẽ luôn kém hiệu quả hơn những nơi đặt chỉ tiêu sản phẩm cho từng người. 

Nếu ngó qua các doanh nghiệp, bạn sẽ thấy hiện tượng lười biếng xã hội xuất hiện ở mọi phòng ban nơi cần đến sự hợp tác nhóm. Các nhà quản lý ít ra đặt ra chỉ tiêu cho từng người mà thường đánh giá hiệu quả công việc theo tổng thể cả nhóm, tuy nhiên đây cũng chính là mầm mống để hiệu ứng Ringelmann lây lan. 

Vì vậy, đặt KPI theo đầu người có thể là ý kiến hay. Khả năng cao là năng suất lao động của từng cá nhân phải luôn bị theo dõi và đánh giá, nhất là khi làm việc trong các tập đoàn lớn; và họ phải được phổ biến về điều này để tự cố gắng hơn. 

Thứ hai, các tổ chức có thể cân nhắc việc giới hạn số lượng thành viên trong một dự án hay nhiệm vụ chung. Nhiều người, như Jeff Bezos chẳng hạn, sử dụng “quy tắc hai chiếc bánh pizza”: Nếu bạn không thể chia đều hai chiếc bánh pizza cho một nhóm, thì nhóm đó quá lớn. 

Cuối cùng, như cách mà các huấn luyện viên thể thao vẫn làm, cả nhóm nên có một công cụ giúp theo dõi tiến độ làm việc của từng cá nhân. Và lúc này, trách nhiệm kiểm soát đó thường đổ lên vai một người — thường là trưởng nhóm, có nhiệm vụ quan sát và phát hiện vấn đề để đưa ra các giải pháp kịp thời. 

Nguồn Tham Khảo 

#1. Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu | David McRaney 

#2. The psychological theory that explains why you’re better off working solo | Quartz 

#3. Ringelmann effect - Khi làm việc nhóm khiến sức ỳ lớn hơn | Vietcetera 

#4. Social Loafing In Psychology: Definition, Examples & Theory | SimplePsychology 

#5. Social Loafing (Definition + Examples) | Practical Psychology