Tiền có mua được hạnh phúc? Vào năm 2010, các nhà khoa học đã xuất bản các kết quả của một nghiên cứu nhắm vào câu hỏi này.
[...] Lược một đoạn, độc giả có thể đọc bài viết chi tiết bằng tiếng Anh ở cuối blog.
Một nghiên cứu tại Đại học Cornell vào năm 2011 đã hỏi những cư dân Mỹ họ sẽ chọn cái nào, nhiều tiền hơn hay ngủ nhiều hơn. Phần lớn chọn nhiều tiền hơn. Khi phải lựa chọn giữa việc kiếm 80.000$ một năm, giờ làm việc thông thường, và ngủ khoảng 8 tiếng mỗi đêm với 140.000$ một năm, tăng ca liên tục, và mỗi đêm có 6 tiếng để ngủ – đa số chọn tiền. Điều này thật không may, bởi mặc dù trông nó có vẻ đẹp trên giấy tờ và khiến lương tâm cảm thấy đúng đắn, nghiên cứu chưa bao giờ chấp nhận. Không quan trọng bạn xoay sở thế nào, khoa học nói rằng một khi các nhu cầu cơ bản của bạn đã được đảm bảo, tiền và những phần thưởng khác không làm bạn hạnh phúc hơn, và bạn có thể tìm ra câu trả lời với cái được gọi là Hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Để hiểu nó, chúng ta phải du hành về năm 1973, khi một nhóm các nhà tâm lý học làm thui chột đam mê hội họa của một vài đứa trẻ dưới cái mác khoa học.
Năm 1973, Lepper, Greene và Nisbett gặp gỡ các giáo viên của một lớp mầm non. Họ sắp xếp cho bọn trẻ có một khoảng thời gian rảnh để vui chơi, và chúng có thể lựa chọn nhiều hoạt động khác nhau. Trong lúc đó, các nhà tâm lý học sẽ nhìn từ tấm kính một chiều và ghi chép. Các giáo viên đồng ý, và các nhà nghiên cứu quan sát. Để tiến hành, họ cần những đứa trẻ có năng khiếu hội họa. Vậy là khi bọn trẻ vui chơi, các nhà khoa học tìm kiếm những đứa trẻ có hứng thú với các hoạt động vẽ vời và tô màu. Sau khi đã xác định xong các hoạ sĩ nhí, các nhà khoa học quan sát chúng trong giờ ra chơi và đo lường mức độ tham gia và hứng thú của chúng với hoạt động tô vẽ để so sánh sau này.
Rồi các nhà nghiên cứu chia bọn trẻ làm ba nhóm. Họ đề nghị với Nhóm A một tờ chứng nhận lộng lẫy nếu các nghệ sĩ tiếp tục vẽ trong giờ ra chơi tiếp theo. Họ không đưa ra đề nghị gì với Nhóm B, nhưng nếu những đứa trẻ ở nhóm này tiếp tục vẽ thì chúng sẽ nhận được một giấy chứng nhận tương tự cái của Nhóm A , một cách bất ngờ. Họ không nói gì với Nhóm C, và không có phần thưởng kể cả chúng động tới bút chì màu và bút đánh dấu. Rồi các nhà khoa học quan sát xem những đứa trẻ thể hiện ra sao trong một chuỗi các giờ ra chơi trong ba ngày. Họ trao thưởng, dừng quan sát, và hai tuần trôi qua. Họ trở lại, lần này quan sát cách bọn trẻ đối diện với đề nghị tương tự lần trước. Ba nhóm, ba trải nghiệm, nhiều hoạt động vui nhộn – bạn nghĩ cảm xúc của chúng sẽ thay đổi ra sao?
Chà, Nhóm B và Nhóm C không thay đổi gì cả. Chúng vớ lấy các đạo cụ hội họa và tạo ra những con quái vật, ngọn núi và ngôi nhà với cuộn khói hình xoắn ốc bò ra từ những ống khói hình chữ nhật với niềm vui sướng như trước khi gặp các nhà tâm lý học. Tuy nhiên, nhóm A thì không. Chúng đã đổi khác. Những đứa trẻ trong Nhóm A “dành ít thời gian” để vẽ hơn những đứa trẻ khác và chúng “cho thấy sự hứng thú với hoạt động này giảm đáng kể” so với trước khi thử nghiệm. Tại sao?
Những đứa trẻ ở nhóm A bị cuốn theo, bị áp đảo, niềm vui của chúng bị biến dạng bởi hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Câu chuyện chúng tự kể không giống câu chuyện mà các nhóm khác kể. Đó là cách hiệu ứng hoạt động.
Thuyết tự nhận thức nói rằng bạn tự quan sát hành vi của chính mình và sau đó, bịa ra một câu chuyện để lý giải hành vi đó. Câu chuyện đó đôi khi gần với sự thật, đôi khi chỉ là thứ gì đó tốt đẹp khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn với tư cách một con người.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford từng chia sinh viên thành hai nhóm. Một nhóm nhận một khoản tiền nhỏ để xoay các núm gỗ trong một giờ. Nhóm còn lại nhận một khoản hậu hĩnh cho nhiệm vụ tương tự. Sau một giờ, một nhà nghiên cứu yêu cầu sinh viên trong mỗi nhóm nói với người tiếp sau họ, người sắp thực hiện cùng một nhiệm vụ nhàm chán, rằng việc xoay núm rất vui và thú vị. Sau đó, mọi người điền vào một bản khảo sát, trong đó yêu cầu họ thổ lộ cảm giác thực sự của mình.
Những người được trả một khoản tiền nhỏ cho biết nghiên cứu này là cực kỳ thú vị. Những người còn lại cho rằng nó thật thảm hại. Các thành viên trong cả hai nhóm đều nói dối người vào sau họ, nhưng những người được trả công xứng đáng có lý do chính đáng, một phần thưởng bên ngoài để dựa vào.
Nhóm còn lại không có mạng lưới an toàn, không có sự biện minh bên ngoài nên họ sáng tạo ra một mạng lưới bên trong. Để không cảm thấy khó chịu, họ tự an ủi bằng một lời biện minh nội tâm. Đó gọi là sự biện minh không đủ có tác dụng, dương đối với sự biện minh quá mức là âm. Khi kể cho bản thân câu chuyện, sự khác biệt duy nhất là quy mô của phần thưởng và liệu họ có cảm thấy có động lực bên ngoài hay bên trong hay không. Về cơ bản, hầu hết mọi việc bạn làm đều được thúc đẩy bởi các mục tiêu bên trong hoặc bên ngoài.
Động lực nội tại đến từ bên trong. Như Daniel Pink đã giải thích trong cuốn sách xuất sắc của mình, Drive , những động lực đó thường bao gồm khả năng kiểm soát, quyền tự chủ và có mục đích. Có vài điều bạn làm chỉ vì chúng khiến bạn hài lòng, hoặc khiến bạn cảm thấy mình đang tiến bộ trong một nhiệm vụ, hoặc vì bạn đang làm chủ số phận của mình, hoặc vì bạn góp một vai trong bản kế hoạch vĩ đại, hoặc rằng bạn đang giúp đỡ xã hội theo một cách nào đó. Phần thưởng nội tại chứng minh cho bản thân bạn và những người khác thấy giá trị của bạn. Chúng mờ nhạt và khó định lượng. Trên biểu đồ, chúng tạo thành những đường dốc kéo dài đến vô cực. Bạn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ cello xuất sắc hoặc bạn tình nguyện tham gia chiến dịch của một chính trị gia truyền cảm hứng hoặc bạn xây dựng phi thuyền Enterprise trong Minecraft .
Động lực ngoại vi đến từ bên ngoài. Chúng là những đồ trang sức hữu hình được trao tặng để làm những việc hữu hình. Thường thì chúng tồn tại trước khi bạn bắt đầu một nhiệm vụ. Những loại động lực này bao gồm: tiền bạc, giải thưởng và điểm số; hoặc trong trường hợp bị trừng phạt, sẽ là lời cảnh cáo bị tước mất thứ bạn thích hoặc nhận về thứ bạn không thích. Động lực bên ngoài rất dễ định lượng và có thể được thể hiện bằng biểu đồ hoặc tính toán bằng máy tính. Bạn thông hai ca OT để trả tiền nhà. Bạn dành hàng giờ phấn đấu trở thành bác sĩ những mong người bố thân yêu cuối cùng sẽ trao bạn sự công nhận mà bạn hằng mong ước. Bạn nói không với đồ ngọt để có thể diện đẹp đi đám cưới. Nếu bạn có thể thừa nhận với bản thân rằng phần thưởng là lý do duy nhất khiến bạn làm những gì bạn đang làm — thì đó là yếu tố bên ngoài.
Việc phần thưởng là nội tại hay ngoại sinh sẽ giúp xác định bối cảnh câu chuyện của bạn – thị trường hay trái tim. Như Dan Ariely viết trong cuốn sách Phi lý trí, bạn có khuynh hướng đánh giá hành vi của mình và của người khác một cách vô thức theo các chuẩn mực xã hội hoặc chuẩn mực thị trường.
Giúp một người bạn chuyển nhà không có cảm giác giống như giúp một người bạn chuyển nhà với giá 50 đô. Cảm giác thật tuyệt vời khi được nằm chung giường với đối phương sau khi quen biết họ và thức một đêm để làm những chiếc bánh nướng nhỏ có vị chanh và nói về sự khác biệt cũng như tương đồng giữa Breaking Bad và The Wire, nhưng nếu sau tất cả những điều đó thì người kia lại ném vào bạn tờ 100 đô và nói, “Cảm ơn, thật tuyệt vời,” bạn sẽ thấy như bị đè bẹp bởi sức nặng khủng khiếp của các quy tắc thị trường.
Các khoản thanh toán theo chuẩn mực xã hội là bản chất, và do đó câu chuyện của bạn vẫn không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng biện minh quá mức. Những khoản thanh toán đó đến từ sự khen ngợi và tôn trọng, cảm giác làm chủ, tình bạn hoặc tình yêu. Các khoản thanh toán theo tiêu chuẩn thị trường là bên ngoài và câu chuyện của bạn trở nên dễ bị biện minh quá mức. Các khoản thanh toán trên thị trường xuất hiện như một thứ gì đó có thể đo lường được và đến lượt chúng, chúng làm cho động lực của bạn có thể đo lường được trong khi trước đây nó còn mơ hồ, dễ giải thích và dễ hợp lý hóa.
Thỏa thuận với những người thực hiện thí nghiệm đã hủy hoại đam mê nghệ thuật của bọn trẻ trong giờ ra chơi chứ không phải phần thưởng được hứa hẹn. Cuối cùng, Nhóm B vẫn nhận được phần thưởng tương tự và vẫn nuôi khát vọng hội họa. Không, đó không phải là phần thưởng mà là câu chuyện chúng tự kể với mình về lý do tại sao chúng chọn điều chúng đã chọn, tại sao chúng làm điều chúng đã làm.
Trong quá trình thí nghiệm, Nhóm C nghĩ: “Mình vẽ bức tranh này vì mình thích vẽ!” Nhóm B nghĩ: “Mình vừa được khen thưởng vì đã làm điều mình thích!” Nhóm A nghĩ: “Tôi vẽ cái này để nhận phần thưởng!” Khi cả ba nhóm đều phải đối mặt với cùng một hoạt động, Nhóm A phải đối mặt với một siêu nhận thức, một câu hỏi, một gánh nặng mà các nhóm khác chưa biết đến. Suy nghĩ về suy nghĩ sẽ thay đổi mọi thứ. Phần thưởng bên ngoài có thể đánh cắp câu chuyện của bạn.
Như Lepper, Greene và Nisbett đã viết, “việc tham gia vào một hoạt động mà họ quan tâm ban đầu trong những điều kiện làm cho cá nhân thấy rõ tính công cụ của việc tham gia vào hoạt động đó như một phương tiện để đạt được mục đích thầm kín nào đó có thể dẫn đến sự suy giảm trong mối quan tâm thực chất về sau đối với hoạt động đó.” Nói cách khác, nếu bạn đồng ý được tặng thưởng để làm điều gì đó bạn yêu thích, sau này bạn sẽ trăn trở liệu bạn tiếp tục làm điều đó vì tình yêu hay vì phần thưởng.
Năm 1980, David Rosenfield, Robert Folger và Harold Adelman tại Đại học Southern Methodist đã tiết lộ một cách để bạn có thể đánh bại thỏa mãn vượt ngưỡng.
Hãy tìm kiếm những nhà tuyển dụng đưa ra phần thưởng - tiền lương, tiền thưởng, thăng chức, v.v. - không dựa trên KPI hoặc mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà thay vào đó dựa trên năng lực. Họ tiến hành một thí nghiệm trong đó họ nói với các đối tượng rằng mục tiêu là tìm ra những cách thú vị và vui nhộn để cải thiện kỹ năng từ vựng ở trường học. Họ xếp những người tham gia vào hai hạng mục và hai nhóm cho mỗi hạng mục.
Trong một hạng mục, các đối tượng sẽ được trả tiền nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ở hạng mục khác, các đối tượng sẽ được trả tiền để hoàn thành một nhiệm vụ. Các đối tượng nhận được 26 viên xúc xắc có các chữ cái trên mặt thay vì dấu chấm và một chồng thẻ chỉ mục, mỗi thẻ có 13 chữ cái ngẫu nhiên. Các đối tượng bấm đồng hồ và sử dụng xúc xắc để tạo ra các từ từ các chữ cái trên thẻ. Sau khi đã sử dụng chín chữ cái hoặc dành một phút rưỡi để thử, họ chuyển sang thẻ mục lục tiếp theo và tiếp tục lặp lại cho đến khi thử nghiệm kết thúc. Điều đó thật khó khăn nhưng thú vị và khi người chơi tiếp tục cố gắng, khả năng của họ bắt đầu được cải thiện.
Trong việc trả lương cho hạng mục năng lực, Nhóm A được cho biết họ được trả lương dựa trên mức độ họ làm tốt so với điểm trung bình. Ở nhóm B, các đối tượng cũng được nói điều tương tự nhưng không đề cập đến bất kỳ phần thưởng nào. Trong hạng mục thanh toán cho việc hoàn thành, các nhà khoa học nói với Nhóm C rằng mỗi câu đố hoàn thành sẽ tăng khoản thanh toán của họ và Nhóm D được thông báo rằng họ sẽ được trả theo giờ.
Sau trò chơi, những người thực nghiệm giả vờ tính điểm của các đối tượng và cho Nhóm A và B xem họ đã làm tốt như thế nào. Cho dù họ thực sự thi đấu như thế nào, các nhà khoa học vẫn nói với một nửa Nhóm A và B rằng họ thi đấu kém và một nửa thì chơi rất xuất sắc. Nhóm C và D, những người được trả tiền để hoàn thành, cũng được chia ra. Một nửa được trả lương thấp và một nửa được trả lương cao. Sau đó, các đối tượng điền vào một bảng câu hỏi và ngồi một mình trong phòng với những viên xúc xắc và quân bài trong ba phút. Trong thời gian đó, cuộc nghiên cứu thực sự bắt đầu. Các nhà khoa học muốn xem ai sẽ tiếp tục chơi trò chơi này để giải trí và trong bao lâu.
Những người ở Nhóm A và B, những người được trả tiền vì chơi giỏi hơn mức trung bình, họ bắt đầu trò chơi và chơi nó trong hơn hai phút, nhưng ít hơn một chút nếu họ bị cho là chơi không giỏi. Những người ở nhóm C và D, những người được trả tiền để hoàn thành, không chơi trò chơi đó để giải trí trong thời gian dài như những người ở nhóm năng lực, và họ có xu hướng chơi lâu hơn khi được trả ít hơn.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy khi bạn được khen thưởng dựa trên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, miễn là những lý do đó hoàn toàn rõ ràng, phần thưởng sẽ tạo ra sự phấn khích mạnh mẽ về sự xác nhận nội tại, và phần thưởng càng cao thì cảm giác càng tốt hơn. Nhiều khả năng bạn sẽ cố gắng hơn trong tương lai.
Mặt khác, nếu bạn được khen thưởng chỉ vì có một cơ thể ấm áp thì dù bạn có hoàn thành tốt tới đâu, dù bạn đạt được thành tích gì đi chăng nữa, cảm giác phấn khích cũng không có. Trong những điều kiện đó, phần thưởng lớn hơn không dẫn tới sản lượng cao hơn, không khích lệ bạn phấn đấu đạt tới sự vĩ đại.
Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy phần thưởng không có sức mạnh động lực trừ khi chúng khiến bạn cảm thấy mình có năng lực. Chỉ tiền thôi thì không đủ. Với tiền bạc, khi bạn phải giải thích tại sao bạn đã chăm chỉ tới vậy, tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra là “để được trả tiền.” Bạn dần tin rằng mình đang bị ép buộc, bị trả giá, bị mua chuộc. Nếu không có cái mà các nhà khoa học gọi là “phản hồi về năng lực”, thì không có câu chuyện nào để tự trách bản thân là một kẻ khốn. KPI, tăng ca và trả lương theo giờ không đưa ra những dấu hiệu về năng lực như vậy. Phần thưởng dựa trên việc đạt được số lần hoàn thành cụ thể hoặc đạt được mục tiêu định lượng khiến bạn thấy mình như một cỗ máy.
Nếu bạn trả tiền cho mọi người để giải các câu đố thay vì trả tiền cho sự thông minh của họ, họ sẽ mất hứng thú với trò chơi. Nếu bạn trả tiền để bọn trẻ vẽ, niềm vui sẽ trở thành công việc. Việc trả tiền đi kèm những lời ngợi ca cùng cảm giác mãn nguyện về thành tích cá nhân là những động lực mạnh mẽ, nhưng chỉ khi chúng bất ngờ. Chỉ khi đó bạn mới có thể kể câu chuyện khiến bạn bước tiếp, chỉ khi đó, bạn mới có thể giải thích động cơ của mình là đến từ bên trong.
Hãy xem xét câu chuyện bạn kể với chính mình về lý do tại sao bạn làm công việc này để kiếm sống. Câu chuyện đó dễ bị tổn thương như thế nào trước những tác động này?
Có thể câu chuyện của bạn sẽ thế này: Công việc chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Bạn đi làm để được trả tiền. Bạn bán mồ hôi để mua tấm vé sinh tồn, và đôi khi là quần áo steampunk từ Etsy. Công việc không hề vui vẻ. Công việc là để thanh toán hóa đơn. Niềm vui xảy ra ở những chỗ ngoài văn phòng. Câu chuyện không có gì đáng lo ngại nếu đó là cách bạn nhìn nhận sự việc. Trong một môi trường như vậy, bạn sẽ chỉ làm việc chăm chỉ ở mức cần thiết để tiếp tục nhận lương. Nếu được hứa hẹn phần thưởng lớn hơn, bạn sẽ làm việc cật lực hơn, vì chúng.
Hoặc, có thể câu chuyện lại diễn ra theo hướng này: Tôi yêu những gì tôi làm. Nó thay đổi cuộc sống. Nó giúp thế giới tốt đẹp hơn. Tôi đang dần trở thành bậc thầy trong lĩnh vực của mình và tôi có thể lựa chọn cách tiếp cận vấn đề. Cấp trên của tôi đánh giá cao những nỗ lực của tôi, tin tưởng tôi và đưa ra những lời khen ngợi. Trong trường hợp đó, phần thưởng sẽ cản trở công việc của bạn. Như nghiên cứu của Kahneman và Deaton về hạnh phúc cho thấy, khi bạn kiếm đủ tiền để duy trì hạnh phúc, động lực phải đến từ điều gì khác. Khi bạn có một chiếc giường để ngủ, nước máy để uống và bắp rang bơ trong lò vi sóng thì phần thưởng vật chất đáng tìm kiếm duy nhất là những sự tri ân, biểu tượng cho tất cả công lao của bạn, những thứ thể hiện tầm ảnh hưởng của bạn với bản thân và người khác. Cấp bậc, bằng cấp, huân chương, danh hiệu, giải thưởng Nobel và giải thưởng Viện Hàn lâm – đây là bản tóm tắt năng lực của bạn. Những phần thưởng này khuếch đại động lực nội tại của bạn; chúng củng cố lòng tự trọng và thúc đẩy cảm giác tự tin vào năng lực bản thân. Chúng cho thấy bạn đã thăng cấp trong đời thực. Mở khóa thành tựu. Chúng giúp bạn xây dựng một câu chuyện cá nhân mà bạn thích kể.
Hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng đe dọa đến những câu chuyện mong manh của bạn, đặc biệt nếu bạn còn đang loay hoay với cuộc đời mình. Bạn có nguy cơ thấy hành vi của mình được thúc đẩy bởi lợi nhuận thay vì niềm vui nếu bạn được trả tiền cho một việc mà bạn có thể làm miễn phí. Bạn có nguy cơ tin rằng phần thưởng chứ không phải niềm đam mê trong bạn chịu trách nhiệm cho nỗ lực của bạn, và trong tương lai, riêng việc khơi dậy lòng nhiệt tình đã là một thử thách. Việc nhìn lại hành động của bạn và mô tả chúng dưới dạng động cơ nội tại ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thứ bạn từng yêu thích, thứ từng không thể đong đếm có thể trở thành gánh nặng nếu bạn đem nó ra định lượng.
Tham khảo: The Overjustification Effect—You Are Not So Smart