Abraham Maslow đã phát triển một trong những lý thuyết động lực phổ biến nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất, được gọi là tháp nhu cầu Maslow. Theo ông, nhu cầu của con người được sắp xếp theo thứ bậc, trong đó nhu cầu sinh lý ở dưới cùng và nhu cầu “tự thể hiện” có định hướng trí tuệ và sáng tạo hơn ở trên cùng. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về từng cấp bậc trong hệ thống phân cấp của Maslow và giải quyết những mâu thuẫn trong cách tiếp cận hệ thống này nhé!
Hệ thống phân cấp nhu cầu Maslow
Hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow đưa ra một khuôn khổ cho thấy rằng động lực của con người bắt nguồn từ hệ thống phân cấp gồm năm loại cơ bản: sinh lý, an toàn, tình yêu, lòng tự trọng và sự tự thể hiện.
Maslow cho rằng nhu cầu sinh lý cơ bản phải được thoả mãn trước khi cá nhân có thể đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Thứ bậc càng cao thì việc thoả mãn các nhu cầu liên quan đến giai đoạn đó càng phức tạp hơn, vì những rào cản giữa kỳ vọng và thực tế chắc chắn sẽ khiến chúng ta “vỡ mộng”.
Nhu cầu sinh lý
Nhu cầu sinh lý (nhu cầu sinh tồn) bao gồm việc đáp ứng các điều kiện sinh học cơ bản, ví dụ như không khí, đồ ăn thức uống, nơi ăn chốn ở, quần áo, tình dục và giấc ngủ.
Nhu cầu sinh tồn về mặt thể chất này là điều tiên quyết thúc đẩy hành vi của chúng ta. Cơ thể con người không thể hoạt động tối ưu nếu nhu cầu sinh lý bị đè nén hoặc không được thoả mãn, cũng vì thế mà Maslow đặt nó ở dưới cùng, coi nó là tiền đề của mọi nhu cầu khác: tất cả đều là thứ yếu cho tới khi những nhu cầu sinh lý này được giải quyết.
Nhu cầu an toàn
Nhu cầu an toàn có thể được đáp ứng thông qua gia đình và xã hội, ví dụ như cảnh sát, trường học, doanh nghiệp và chăm sóc y tế.
Nhu cầu xã hội
Nhu cầu xã hội đề cập đến nhu cầu tình cảm của con người về mối quan hệ giữa các cá nhân. Ví dụ về loại nhu cầu này bao gồm tình bạn, sự thân mật, gắn kết, tin tưởng, cho đi và nhận lại tình thương yêu. Nhu cầu này đặc biệt mạnh mẽ ở thời thơ ấu và có thể lấn át nhu cầu an toàn, điển hình ở các trường hợp những đứa trẻ kiên quyết bám lấy những bậc cha mẹ đã ngược đãi chúng.
Nhu cầu tôn trọng
Nhu cầu được tôn trọng là cấp độ thứ tư trong tháp nhu cầu Maslow, bao gồm giá trị cá nhân, thành tích và sự tôn trọng. Maslow phân loại nhu cầu này ra làm hai loại:
(a) tự tôn trọng (cảm giác tự hào, khả năng tự chủ, tính độc lập)
(b) mong muốn được người khác tôn trọng (ví dụ như địa vị, uy tín, thành tích,...)
Sự tôn trọng thể hiện mong muốn điển hình của con người là được người khác công nhận và nhìn nhận đúng giá trị của bản thân. Mọi người thường tham gia vào một nghề nghiệp hoặc sở thích để được công nhận. Những hoạt động này mang lại cho người đó cảm giác đóng góp hoặc thấy bản thân có ích.
Nhu cầu tự hoàn thiện
Nhu cầu tự hoàn thiện là cấp độ cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow, đề cập đến sự tự hoàn thiện mình, tìm kiếm sự phát triển cá nhân và những trải nghiệm đỉnh cao.
Maslow mô tả cấp độ này là mong muốn hoàn thành mọi thứ mà một người có thể và “trở thành mọi thứ mà một người có khả năng trở thành.” Đối với một số người, nhu cầu tự thể hiện của họ chỉ đơn giản là trở thành một bậc phụ huynh tốt, một công dân kiểu mẫu. Mặt khác, có những người tham vọng hơn và nhu cầu tự thể hiện của họ cũng trừu tượng hơn, được minh chứng qua tranh vẽ, tiểu thuyết hay các hình thức nghệ thuật khác.
Mặc dù Maslow không tin rằng tất cả chúng ta đều có thể đáp ứng nhu cầu tự thực hiện, nhưng ông có tin rằng mỗi người sẽ đều trải qua những khoảnh khắc nhất thời (được gọi là trải nghiệm đỉnh cao) về quá trình tự hoàn thiện.
Những khoảnh khắc như vậy, gắn liền với những sự kiện quan trọng trong đời người (khác nhau giữa từng cá nhân) như sinh con, thành tích thể thao và thành công trong thi cử, rất khó đạt được và duy trì một cách nhất quán.
Một cách phân loại khác
Maslow (1954) cho rằng con người có hai nhóm nhu cầu. Mô hình năm giai đoạn phía trên có thể được chia thành nhu cầu thiếu hụt và nhu cầu tăng trưởng. Bốn cấp độ đầu tiên thường được liệt vào nhóm nhu cầu thiếu hụt và cấp độ cao nhất - nhu cầu tự thực hiện - được gọi là nhu cầu tăng trưởng.
Nhu cầu thiếu hụt
Nhu cầu thiếu hụt liên quan đến các nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn. Nhu cầu thiếu hụt phát sinh do thiếu thốn và được cho là động cơ thúc đẩy mọi người khi chúng không được đáp ứng. Ngoài ra, cảm giác bức thiết phải đáp ứng nhu cầu đó càng trở nên mạnh mẽ hơn nếu chúng bị từ chối lâu hơn. Ví dụ, một người càng nhịn ăn lâu thì họ sẽ càng đói hơn.
Năm 1943, Maslow tuyên bố rằng các cá nhân phải thoả mãn những nhu cầu thiếu hụt ở cấp độ thấp trước khi đáp ứng những nhu cầu tăng trưởng ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, sau đó ông làm rõ rằng việc thoả mãn một nhu cầu không phải hiện tượng “tất cả hoặc không gì cả". Ông thừa nhận rằng những tuyên bố nóng vội trước đây của ông có thể đã tạo ra “ấn tượng sai lầm rằng nhu cầu ở cấp độ thấp phải được đáp ứng 100% trước khi nhu cầu tiếp theo xuất hiện.”
Khi một nhu cầu thiếu hụt đã được thoả mãn “phiên phiến” thì nó sẽ tạm thời biến mất và tâm trí chúng ta theo thói quen sẽ hướng tới việc đáp ứng các nhu cầu tiếp theo mà ta chưa thoả mãn. Ví dụ, một người chắc chắn phải ăn uống đầy đủ nếu muốn làm việc năng suất, nhưng họ chỉ cần ăn vừa đủ để xua đi cảm giác đói bụng chứ không nhất thiết phải ăn thật no, ăn 100%.
Nhu cầu tăng trưởng
Nhu cầu tăng trưởng mang tính tâm lý nhiều hơn và có tương quan chặt chẽ với việc khám phá tiềm năng đầy đủ của một cá nhân. Dạng nhu cầu này chỉ có thể đạt được thông qua các hoạt động trí tuệ và sáng tạo.
Nhu cầu tăng trưởng không xuất phát từ việc thiếu hụt thứ gì đó mà từ mong muốn phát triển cá nhân. Một khi những nhu cầu tăng trưởng này đã được thoả mãn một cách hợp lý, người ta có thể chạm mức trần, gọi là sự tự thực hiện.
Vì mỗi cá nhân là duy nhất nên nhu cầu tự thể hiện dẫn mọi người theo những hướng khác nhau. Đối với một số người, nhu cầu tự thể hiện có thể được đáp ứng thông qua việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật (văn học, hội hoạ, âm nhạc,...); đối với những người khác, có thể thông qua thể thao, trong lớp học hoặc trong môi trường doanh nghiệp.
Điều quan trọng cần lưu ý là tự thể hiện là một quá trình liên tục để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình chứ không phải một trạng thái hoàn hảo mà người ta đạt tới sự “hạnh phúc mãi mãi về sau” (Hoffman, 1988).
Thêm vào đó, Maslow không đánh đồng việc tự thể hiện với sự hoàn mĩ. Tự thực hiện chỉ liên quan đến việc khai phá tiềm năng của một người. Vì vậy, ai đó có thể ngớ ngẩn, viển vông, thô thiển nhưng vẫn có thể tự hoàn thiện bản thân.
Cách hiểu đúng về Tháp nhu cầu Maslow
Trên thực tế, Maslow không phải chủ nhân của kim tự tháp nhu cầu mà ta vẫn thường thấy. Mặc dù ông minh hoạ các nhu cầu theo thứ bậc nhưng ông cũng thừa nhận rằng trật tự của chúng rất linh hoạt và mang tính tương đối, có thể điều chỉnh dựa theo hoàn cảnh bên ngoài hoặc sự khác biệt của từng cá nhân. Ví dụ, đối với một số người, nhu cầu về lòng tự tôn còn quan trọng hơn nhu cầu về tình yêu. Đối với những người khác, nhu cầu thoả mãn sự sáng tạo có thể thay thế ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất (Chẳng hạn, có giai thoại về nhà văn Balzac sinh thời từng uống 15-16 cốc cà phê, ăn độc bánh mì và dành 16 tiếng mỗi ngày để viết, trong thời kỳ sáng tạo đỉnh cao nhất của ông).
Bên cạnh đó, mọi người không nên hiểu sai là phải thoả mãn hoàn toàn một nhu cầu thì nhu cầu tiếp theo trong hệ thống mới xuất hiện. Trong phần lớn trường hợp, việc đáp ứng các nhu cầu được diễn ra đồng thời, vấn đề chỉ xoay quanh việc một cá nhân sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu nguồn lực để đáp ứng từng nhu cầu đó. Chẳng hạn, ngay cả khi chúng ta đói, chúng ta vẫn có thể vui vẻ với bạn bè. Các nhu cầu giống như vitamin, cái nào đều cần thiết, và chúng ta cần tất thảy.
Maslow cũng gợi ý rằng, ở bất cứ thời điểm nào, hầu hết mọi người đều có xu hướng đáp ứng một phần nhu cầu của họ — và những nhu cầu thấp hơn trong hệ thống thường là những nhu cầu mà họ cảm nhận được rõ rệt nhất. Ngoài ra, Maslow chỉ ra rằng một hành vi có thể đáp ứng đồng thời hai hoặc nhiều nhu cầu. Ví dụ, một người được làm công việc mình yêu thích vừa mang lại thu nhập (cho phép họ giải quyết các nhu cầu cơ bản) vừa mang lại sự thoả mãn khi tự phát triển bản thân.
Kết Luận
Ra đời lần đầu vào nửa trước của thế kỷ 20, hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow đem đến một cái nhìn mới về động lực, góp một phần quan trọng vào công cuộc thúc đẩy ngành khoa học mà ngày nay được gọi là động lực học.
Do những hạn chế của thời đại, công trình của Maslow thực sự chỉ mang tính mô tả lâm sàng và tương đối, nhưng nó đã cung cấp một trạm ý tưởng phong phú, một khuôn khổ để các thế hệ sau tiếp nối và phát triển nó.