Sau khi viết xong phần đầu của Harry Potter vào năm 1995, J. K. Rowling gửi tới 12 nhà xuất bản và nhận lại đủ 12 cái lắc đầu ngán ngẩm. 

Phải tới 2 năm sau đó, nhà xuất bản Bloomsbury mới chấp nhận xuất bản cuốn sách với số lượng 1.000 bản. Về phía J. K. Rowling và Harry Potter, những ngày sau đó là lịch sử. 

Nhưng ít ai biết lịch sử đó suýt chút nữa đã không xảy ra nếu không nhờ công một cô bé 8 tuổi, fan nhí đầu tiên của Harry Potter, và tình cờ cũng chính là con gái của Chủ tịch Bloomsbury. 

Nhà văn J. K. Rowling, tác giả của loạt truyện kinh điển "Harry Potter". Ảnh: Vanity Fair

Những năm đầu đời 

Buổi lễ khai giảng tại Đại học Harvard năm 2008 có một vị khách mời đặc biệt: nữ nhà văn J. K. Rowling — người khai sinh ra “tượng đài giả tưởng” Harry Potter. 

Bà bước lên bục thật khoan thai và cất lời: “Tôi tin chắc rằng điều duy nhất tôi muốn làm là viết tiểu thuyết. Tuy nhiên, cả cha mẹ tôi đều xuất thân nghèo khó và không ai từng học đại học — cho rằng trí tưởng quá phong phú của tôi sẽ không bao giờ giúp tôi trả nổi tiền thế chấp hay đảm bảo lương hưu.” 

Họ đã sai lầm biết bao..

J. K. Rowling tên thật là Joanne Rowling, sinh ngày 31 tháng 7 năm 1965 tại Yate, một ngôi làng nhỏ ở biên giới Anh/xứ Wales. Thuở nhỏ, bà thường tự sáng tác truyện kỳ ảo rồi đọc cho cô em gái Dianne nghe. Theo lời nữ nhà văn, bà viết câu chuyện đầu tiên của mình khi 6 tuổi về một con thỏ tên “Rabbit” và khi 11 tuổi, bà viết “cuốn tiểu thuyết” đầu tiên về bảy viên kim cương bị nguyền rủa và những kẻ sở hữu chúng. 

Rowling trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm vì cuộc sống gia đình phức tạp, phần lớn bởi mối quan hệ căng thẳng với ông bố James, người mà Rowling đã đoạn tuyệt từ lâu. 

Bà Anne Volant Rowling cùng 2 cô con gái Joanne và Dianne
Ảnh: Business Insider 

Rowling theo học trường tiểu học St Michael’s do Alfred Dunn làm hiệu trưởng, người được cho là hình mẫu cho nhân vật Albus Dumbledore trong Harry Potter. Rowling là một học sinh không mấy nổi bật, tính cách trầm lặng, có phần thu mình và ra dáng một mọt sách chính hiệu. Dù không mấy để tâm tới chuyện học hành, bà rất cừ môn Anh Văn và vào thời gian rảnh, cô gái trẻ vùi đầu trong những “áng văn diệu kỳ” của Dickens và Tolkien. 

Rowling bị đánh rớt khỏi Oxford nên chuyển hướng qua Đại học Exeter, tốt nghiệp bằng Cử nhân tiếng Pháp tại đây và đã có dự định nhận một công việc văn phòng bình thường. Tuy nhiên, bà quyết định dọn tới ở với bạn trai tại Manchester. 

Harry Potter ra đời 

Trong một lần ở trên chuyến tàu bị trễ giờ từ Manchester đến London King’s Cross vào năm 1990, nữ văn sĩ đã nảy ra ý tưởng “hoàn chỉnh” về một cậu bé theo học trường phép thuật (cậu bé tới lúc này chưa có tên thì phải). Đó là lần hiếm hoi Rowling ra khỏi nhà mà không có bút trong tay, vì vậy ngay khi đặt chân tới căn hộ, Rowling viết không ngừng tay. Bà dành hẳn 5 năm sau đó để lên kế hoạch tỉ mỉ cho toàn bộ loạt truyện, xây dựng thế giới phép thuật và các nhân vật trong đó. 

Thời gian này, Rowling cũng hứng chịu cú sốc đầu đời khi mẹ bà qua đời sau một thập kỷ chống chọi với bệnh đa xơ cứng. Cái chết của mẹ đã thôi thúc Rowling viết nhiều hơn nữa, và cứ thế, từng chương một của Harry Potter được thảo ra giấy rồi gõ lại bằng chiếc máy đánh chữ thủ công cũ với những tiếng lạch cạch vui tai.

Nhưng rồi một cú sốc nữa lại tới.. 

Sau khi tình cờ đọc được một quảng cáo trên tờ The Guardian, Rowling bay tới Bồ Đào Nha nhận làm gia sư tiếng Anh. Tại đây, bà gặp gỡ và nhanh chóng kết hôn với Jorge Arantes, một phóng viên bản xứ. Cặp đôi có với nhau một thiên thần nhỏ — cô bé được đặt tên là Jessica — trước khi chia tay 4 tháng sau đó, vì Arantes là một gã tồi: hắn đánh đập, nạt nộ Rowling không thương tiếc. 

Jorge Arantes, người chồng đầu tiên của J. K. Rowling
Ảnh: Express & Star

Arantes bỏ đi để lại Rowling với đứa bé còn nằm nôi, và cuộc sống bế tắc lưng chừng tuổi trẻ nhanh chóng vắt kiệt sức lực của bà mẹ đơn thân. Rơi vào khủng hoảng, Rowling nghe theo lời em gái, ôm theo con nhỏ cùng chiếc vali trong đó là 3 chương của Harry Potter chuyển tới Edinburgh, Scotland để làm lại cuộc đời. 

Thử thách chất chồng 

Hôn nhân tan vỡ, thất nghiệp, có một đứa con còn đang ẵm ngửa, cuộc sống của Rowling tại vùng đất mới không khá hơn là bao. Bà mất ăn mất ngủ vì trầm cảm, từng có ý định tự tử, song vẫn gắng gượng cầm bút viết tiếp cuốn sách dang dở. 

Rowling thường xuyên lui tới Nicholas’s Cafe, quán của em rể bà và tranh viết lách trong khi bé Jessica ngủ trong xe đẩy. Cứ thế tới tháng 8 năm 1995, bản thảo của Harry Potter chính thức được hoàn thành.

Sau khi hoàn thành bản thảo, Rowling gửi 3 chương đầu cho một số đại lý văn học, duy nhất một người viết thư yêu cầu xem phần còn lại — nhưng một cũng là quá đủ. “Đó là lá thư tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được trong đời” Rowling kể. 

Tìm nhà xuất bản cho Harry Potter là một hành trình gian nan hơn. Ban đầu, cuốn sách được Christopher Little, người đại diện của J. K. Rowling đệ trình tới 12 nhà xuất bản và nhận lại là 12 cú lắc đầu ngán ngẩm. 

Thời điểm đó, không ai nghĩ một cuốn sách thiếu nhi lại làm nên trò trống cả — trẻ con đã có quá nhiều thần thoại, truyện cổ tích và ngụ ngôn để nghe trước khi ngủ rồi. Ai lại ôm mộng thành danh với nghề viết truyện thiếu nhi cơ chứ? 

Lời cảm ơn tới Alice Newton 

Vận may mỉm cười với J. K. Rowling khi Nhà xuất bản Bloomsbury đồng ý cho in 1.000 bản. Câu chuyện đằng sau nghe như một kì tích: 

Nigel Newton, Chủ tịch của Bloomsbury bấy giờ là người nhận bản thảo cuốn sách. Ông không đọc mà mang về nhà, sau đó đem cho cô con gái Alice 8 tuổi đọc và đánh giá. Alice đọc ngấu nghiến chương đầu cuốn sách và ngay lập tức đòi đọc chương tiếp theo. Ông Nigel thấy thế thì cũng nhắm mắt cho qua, chấp nhận xuất bản cuốn sách dù không thấy triển vọng là bao.

Lịch sử chứng minh ông đã sai khi đưa ra phán đoán như vậy, nhưng may mắn lựa chọn chiều theo con gái của ông lại là một quyết định đúng đắn, vô cùng đúng đắn, và là một quyết định sinh lời. 

Nigel Newton đã rất đúng đắn khi tin tưởng vào cô con gái Alice 
Ảnh: ABC 

Sau gần 2 năm chật vật thì vào tháng 6 năm 1997, Harry Potter và Hòn đá Phù thủy (Harry Potter and the Philosopher's Stone) dưới cái tên J. K. Rowling (Chữ “K” là viết tắt của Kathleen, tên bà nội của Rowling) ra mắt độc giả với số lượng vỏn vẹn 500 bản bìa cứng cho loạt ấn hành đầu tiên, trong đó có 300 cuốn được phát đến các thư viện.

Năm tháng sau, cuốn sách đem về cho Rowling giải thưởng Smarties đầu tiên trong sự nghiệp, do chính trẻ em bình chọn, qua đó giúp tên tuổi của cậu bé Harry Potter ngày càng vang xa. The Scotsman, một tờ báo tại Scotland nói cuốn sách của Rowling “đang trở thành kinh điển” — và đúng là như vậy.

Một phiên đấu giá diễn ra vào tháng 10 năm 1998 đưa bản quyền xuất bản cuốn sách về tay Scholastic, một công ty xuất bản nổi tiếng tại Mỹ với số tiền lên tới 105.000 đô la. Nhờ thương vụ nằm ngoài dự tính trên, cuốn sách nhanh chóng được lên kệ khắp các hiệu sách nước Mỹ và chủ nhân của nó, bà Rowling có thể tạm gác những lo âu cơm áo gạo tiền mà chuyên tâm hơn vào sự nghiệp viết lách. 

Chính tại thời điểm này, cuộc đời nữ nhà văn đã thay đổi mãi mãi và những cuốn sách đã có bước phát triển lớn lao. 

Làm nên lịch sử 

Đều đặn sau đó, cứ 2 năm một tập mới của Harry Potter lại lên kệ và cháy hàng ngay sau đó. Phần 4 của loạt truyện, Harry Potter và Chiếc cốc lửa (Harry Potter and the Goblet of Fire) đã bán được 3 triệu bản trong vòng 48 tiếng đầu tiên, đổ xô mọi kỷ lục trước đó. 

Riêng phần 5 sau đó là một ngoại lệ khi Rowling “bắt” độc giả phải chờ tới 3 năm để được đọc. Nhiều người đã đồn đoán nữ tác giả đang rơi vào giai đoạn writer’s block, nói đơn giản là đang cạn kiệt ý tưởng để sáng tác. Rowling đã phản bác tin đồn này ngay sau đó, và tự chính cuốn sách cũng chứng minh được nó xứng đáng tới từng câu từ so với khoảng thời gian chờ đợi kia. 

Hàng dài người hâm mộ đứng xếp hàng để mua phần cuối của Harry Potter 
Ảnh: Getty Images 

Không giống với mô típ đầu voi đuôi chuột thường thấy, loạt Harry Potter càng về cuối càng đắt khách. Cuốn thứ 6 bán được 9 triệu bản chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi xuất bản, tự phá vỡ kỷ lục trước đó của phần 4. 

Màn kết ngọt ngào hơn cả, Harry Potter và Bảo bối Tử thần (Harry Potter and the Deathly Hallows) ra mắt vào 2007 lại vượt qua kỷ lục của phần trước, trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. 

Vào thời điểm bộ sách được đặt dấu chấm hết tại khách sạn Balmoral, Edinburgh, J. K. Rowling đã “sống với Harry được 17 năm”. 

Loạt phim Harry Potter 

Tháng 10 năm 1998, Warner Bros. chi hàng triệu đô la để mua quyền sản xuất nhằm chuyển thể hai cuốn đầu Harry Potter lên màn ảnh rộng.

J. K. Rowling đã trực tiếp tham gia vào khâu viết kịch bản và thậm chí là tuyển chọn diễn viên. Một giai thoại thường được nhắc tới khi nói về vấn đề này là việc Rowling yêu cầu tất cả các diễn viên đều phải là người Anh, tuy nhiên có “nhân nhượng” với các diễn viên đến từ Ireland. 

Ảnh: Biography 

Ban đầu, đạo diễn kỳ cựu Steven Spielberg, người đứng sau các tượng đài như Hàm cá mập (Jaws) và Công viên Kỷ Jura (Jurassic Park) được nhắm tới song ông lại đột ngột rút khỏi dự án vì lý do đã chán ngán việc “làm phim để kiếm tiền”, cuối cùng quyền bấm máy thuộc về Chris Columbus. 

Harry Potter hiện nay là một thương hiệu trị giá hàng tỷ đô, một “vũ trụ” giả tưởng lôi cuốn khán giả mọi lứa tuổi và song hành cùng thành công của nó, J. K. Rowling chính thức trở thành tỷ phú viết sách đầu tiên trong lịch sử. 

Tiền bản quyền phim đem về cho bà nguồn thu khổng lồ, đưa tên tuổi bà vào hàng ngũ những người giàu có nhất nước Anh. Tuy nhiên, Rowling cho đi phần lớn lợi nhuận làm từ thiện và sống giản dị bên gia đình nhỏ của mình. 

Sự nghiệp hậu Harry Potter 

Sau khi đặt bút khép lại hành trình của cậu bé Harry Potter, J. K. .Rowling quyết định chuyển từ viết sách cho thiếu nhi sang viết tiểu thuyết cho người lớn, lấy bối cảnh là thế giới thực. 

Cuốn The Casual Vacancy được xuất bản năm 2012 và lên sóng truyền hình năm 2015, tiếp đó là bộ sách tiểu thuyết tội phạm mà Rowling sử dụng bút danh là “Robert Galbraith” vào năm 2013 — tất cả đều đã được BBC và HBO chuyển thể lên bản truyền hình. 

Năm 2016, nữ văn sĩ lên đường trở lại thế giới phù thủy. Bà hợp tác với nhà viết kịch Jack Thorne đưa câu chuyện về Harry Potter lên sân khấu. Vở kịch được công chiếu ở London, theo sau là Mỹ và Úc. 

Rowling cũng là người đứng sau viết kịch bản cho bộ phim Sinh vật huyền bí và Nơi tìm ra chúng (Fantastic Beasts and Where to Find Them) ra mắt hồi 2016, phần tiền truyện cho thấy những gì đã xảy ra trước khi các sự kiện trong Harry Potter bắt đầu. Phần 2 và phần 3 của loạt phim này được ra mắt sau đó lần lượt vào năm 2018 và 2022. 

Phần 3 của loạt phim Fantastic Beasts vừa ra mắt vào năm 2022
Ảnh: Vox

Vào năm 2020, Rowling phát hành thiên truyện cổ tích The Ickabog miễn phí như một “món ăn tinh thần” dành tặng trẻ em, cha mẹ phải ở nhà trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Cuốn sách được hưởng ứng nhiệt liệt và đã được xuất bản thành sách dưới 26 thứ tiếng, mỗi ấn bản đều được minh họa bởi những người chiến thắng trong cuộc thi mà bà tổ chức trước đó. Rowling dùng tiền quyên góp để xuất bản và lợi nhuận bán sách được gửi tới các tổ chức từ thiện hỗ trợ Covid-19 ở Anh và quốc tế. 

Bà thành lập quỹ Volant nhằm giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên gặp nguy hiểm; sáng lập tổ chức từ thiện trẻ em quốc tế Lumos với sứ mệnh giúp mọi trẻ em trên toàn thế giới được lớn lên trong mái ấm tình thương, được gia đình hỗ trợ để phát triển. 

Hiện nay, bà sống ở Scotland cùng gia đình và 2 chú chó.