Việc thì nhiều mà chẳng biết bắt đầu ra sao? 

Bạn mở máy, nhìn chằm chằm vào màn hình rồi chẳng biết nên làm gì. Đầu óc bạn trống rỗng. 

Bạn tìm lại tệp lưu trữ ý tưởng. Chọn một cái, sau đó bắt tay làm. Nhưng mọi chuyện khó khăn quá. 

Không thể. Sao vậy? Đơn giản là không thể, bạn bị kẹt mất rồi. Tâm trí bạn mù mịt như đi trong màn đêm với chiếc xe hỏng đèn. Vậy là bạn rơi vào Writer’s Block rồi đấy. 

Có cách nào để giải phóng nó không? Làm thế nào để ý tưởng dồi dào trở lại đây? 

Chà, ca này gay go đấy. 

Không có đường tắt, ta đành đi xuyên qua thôi. 

Nghĩ mãi mà không ra, bực lắm chứ.

Writer’s Block là gì? 

Writer’s Block, hay tình trạng bế tắc của nhà văn hay người làm sáng tạo, là khi tác giả không thể tạo ra các tác phẩm mới hoặc bị suy giảm khả năng sáng tạo. Tôi thì hay gọi thân quen hơn là “bí ý tưởng”. 

Writer’s Block không chỉ đơn giản là không nghĩ ra ý tưởng, đó còn là không biết triển khai ý tưởng ra sao. Người nghệ sĩ cứ gạch rồi xóa, gạch rồi xóa và rơi vào mớ bòng bong do chính tâm trí mình tạo nên. Vô cùng nản chí. 

Nhưng tại sao tình trạng này diễn ra? 

Kỳ vọng 

Lucius Seneca, một trong ba cây đại thụ của Triết Học Khắc Kỷ từng nói “Cản trở lớn nhất trong cuộc đời là sự kỳ vọng”. Mình phải viết bài này thật hay, mình phải nghĩ ra một thứ thật hay ho, một thứ thật wow! Chà, bạn vừa rơi vào chiếc bẫy do chính tâm trí mình tạo ra. 

Một trong những rào cản nhận thức phổ biến nhất mà bất cứ người làm sáng tạo nào cũng trải qua là bắt bản thân phải sáng tạo ra một thứ gì đó nguyên bản, một thứ độc nhất vô nhị. Ở đó không có bóng dáng của sự sao chép rẻ tiền. 

Nhưng thế mới khó cơ chứ? Ta có thể ấp ủ hàng chục, hàng trăm ý tưởng nhưng khi đặt bút lên giấy là gạch gạch xóa xóa hoặc ngồi im như phỗng trước màn hình trắng xóa. Cảm giác này thật tệ! 

Quá tải công việc 

Không cho não bộ quãng nghỉ chẳng khác nào yêu cầu một chiếc xe phải bon bon trong khi xăng đã cạn. Một việc tàn ác, và vô lý, tôi nghĩ vậy. 

Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một cuộc thi chạy ngắn cự ly 100m. Khá dễ dàng, phải chứ? Giờ thế nào nếu tôi bắt bạn giữ nguyên tốc độ đó và nâng quãng chạy lên thành 3km – liên tục không nghỉ? Phải rồi, không thể. Đến vận động viên chuyên nghiệp còn không thể. Nhưng nếu cứ 500m tôi lại cho bạn nghỉ 5 phút, chẳng mấy bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ. 

Sáng tạo cũng vậy. Thật vô lý khi đòi hỏi não bộ luôn đầy ắp ý tưởng trong suốt một thời gian dài. Nhất thiết phải có quãng nghỉ. Một cách minh họa khác có thể giúp bạn hiểu vấn đề này dễ dàng hơn. 

Sáng tạo tức là tạo ra, thuộc về khâu sản xuất, đầu ra. Mà muốn có đầu ra phải có đầu vào. Cứ sản xuất điên cuồng rồi sẽ tới lúc liệu cạn nguyên liệu. Lúc đó phải dừng lại để bổ sung thêm. Nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, thư giãn,...

Luật Parkinson 

Luật Parkinson cho rằng “Khi thời gian dành cho một công việc được ấn định là dài hơn, công việc sẽ tự dãn ra để lấp đầy khoảng thời gian đó.” Nói đơn giản, nếu bạn quyết định làm một công việc trong vòng 1 giờ trong khi chỉ cần 30 phút để hoàn thành, độ phức tạp của công việc sẽ tự động tăng lên để khớp với 1 giờ đó. 

Nguyên nhân đã biết, giờ tới phần giải pháp. Làm thế nào để vượt qua Writer’s Block? Trước hết, hãy cùng đọc câu chuyện sau. 

Câu chuyện về người đàn ông hay bỏ về giữa giờ làm 

Mad Men là một series truyền hình tuyệt vời về ngành quảng cáo. Don Draper, nam chính của loạt phim, là một thiên tài sáng tạo. Tôi đã trông chờ muốn thấy nhiều hơn những phân cảnh anh ta thể hiện tài năng của mình. Nhưng không. 

Mỗi lần gặp dự án to to chút xíu, Don lại biến mất. Theo đúng nghĩa đen. Anh ta giao việc cho phòng sáng tạo, bỏ về giữa giờ làm và chính thức mất tích 3, 4 ngày, có khi là tới vài tuần. 

Thế rồi Don quay lại với một ý tưởng tưởng như từ trên trời rơi xuống và năm nào cũng giành giải thưởng. Đồng nghiệp anh ta quen quá tới nỗi mặc kệ luôn, coi như đi để nhào nặn ý tưởng. 

Chân dung người đàn ông hay trốn việc giữa giờ làm đây! 

Dù đó chỉ là phim thôi, nhưng tôi thấy cách làm của ông Don cũng thú vị ấy chứ. Có thể vài người sẽ nói đó là chối bỏ trách nhiệm, thờ ơ với công việc mà thực tế cũng chẳng ai được phép lặn tăm bất cứ khi nào như thế cả. 

Nhưng hãy cởi mở hơn xíu đi. Ý tưởng chẳng phải toàn xuất hiện những lúc không ngờ tới nhất hay sao. Đi tắm, lái xe vi vu trên đường, thơ thẩn nhìn vào khoảng không và bùm, ơ-rê-ca. 

Bài học ở đây là: hãy cho phép bản thân được quên. Không phải lãng quên đâu, bạn chỉ tạm thời gạt nó ra khỏi bộ nhớ thôi. Đừng chỉ ngồi đó nhìn chằm chằm vào màn hình hay bàn phím, ra ngoài và làm gì đó đi. Đi dạo, đọc một cuốn sách, vào bếp nấu một bữa thật ngon,... bất cứ việc gì có thể tách rời bạn với dự án hiện tại. 

“Don’t just sit there staring at the page, staring at the screen, staring at your keyboard and being angry. Go do something else. Go for a walk. Go for a run. Go for a swim. Go garden. Go do whatever you can do.” 

– Neil Gaiman, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Coraline

 

Cuối cùng, hãy tổng kết lại bằng câu nói đáng nhớ của Don Draper khi anh chia sẻ với cô nhân viên Betty: “Betty à, hãy nghĩ thật sâu. Sau khi đã nghĩ thật sâu, quên nó đi. Sáng hôm sau, ý tưởng đã ở sẵn trên mặt bàn.”

Đừng nhọc công tìm kiếm ý tưởng 

Stephen King, ông hoàng truyện kinh dị với hơn 60 đầu sách bán chạy toàn cầu, hẳn bạn sẽ nghĩ đầu óc ông ta lúc nào cũng dồi dào ý tưởng và viết liên hồi. Chỉ đúng vế sau thôi. Trong cuốn tự truyện On Writing, King tiết lộ một điều khá thú vị như sau: 

“Những ý tưởng cho những câu chuyện hay dường như đến từ hư vô, dong buồm tìm tới với bạn từ bầu trời quang đãng: hai ý tưởng không liên quan trước đó tới cùng lúc và cho ra đời một ý tưởng mới dưới ánh mặt trời. Việc của bạn không phải là tìm kiếm những ý tưởng đó mà là nhận ra khi chúng xuất hiện.” 

 

Đừng cố gắng tìm kiếm ý tưởng, cứ làm việc của bạn rồi “chàng thơ” (theo cách gọi của King) sẽ tự động gõ cửa thôi. Có thể là khi bạn đang nấu ăn, chàng đã ngồi sẵn đằng sau nhai thuốc lá và chuẩn bị phô diễn tay nghề rồi. 

Áp lực không hẳn đã xấu 

“Tôi không bao giờ viết ở văn phòng. Quá nhiều sự sao nhãng. Tôi làm tất cả việc viết của mình tại nhà.”

– David Ogilvy 

 

Jack London, bậc thầy truyện ngắn người Mỹ đặt ra mục tiêu phải viết tối thiểu 1.000 chữ mỗi ngày. Bất kể là gì, miễn là viết. Stephen King thì nâng con số này lên thành 2.000 chữ. “Bất cứ thứ gì… miễn là sự thật”, King nói.

Lời khuyên ở đây là hãy ấn định một mức thời gian cụ thể cho công việc và cố gắng hoàn thành với tất cả sự tập trung bạn có. Tắt thông báo điện thoại đi. Đóng kín cửa phòng và chìm vào thế giới của riêng bạn. Đưa mình vào khuôn khổ. 

Chấp nhận 

Trở ngại lớn nhất đôi khi là chính bản thân mình. Bạn có yêu những gì mình làm ra không? Nếu không, lý do là vì sao? 

Có thể bạn thấy mình thật dở tệ. Ý tưởng thì lộn xộn, luôn trì hoãn, lúc bắt tay vào việc lại chẳng biết làm từ đâu. Cảm giác thất vọng đá tung cửa và len lỏi vào từng ngõ ngách trong tâm trí bạn. 

Chẳng còn cách nào ngoài chấp nhận cả. Chấp nhận có những ngày mình “thảm hại” như thế. Chấp nhận những ngày phong độ sa sút và bị cảm hứng phản bội. 

Nhưng cứ làm đi. Ban đầu, sai sẽ nhiều hơn đúng. Dần dà, đúng sẽ nhiều hơn sai. Các nhà văn viết 10 cuốn sách chỉ để chọn lấy 2 cuốn được xuất bản. Làm ra hàng chục cái video mà 3, 4 cái viral là phúc lắm rồi. 

Chất hơn lượng, nhưng có lượng mới sinh ra chất. 

Bí mật của cảm hứng sáng tạo 

Giữ cho mình một tệp ‘swipe file’. Tôi vừa tiết lộ cho bạn bí mật của vô số nhà sáng tạo tài ba đấy. Đó là nơi bạn lưu trữ các ấn phẩm như bài viết, ảnh, video, quotes,... hoặc bất cứ thứ gì có thể đem ra làm nguyên liệu sản xuất ý tưởng. Các phóng viên gọi chúng là tệp cố liệu (morgue file). 

Về bản chất đó là việc bạn “chôm” ý tưởng của người khác. Bạn có thể bắt gặp một bài viết rất hay, rất bổ ích và lưu nó lại. Một năm sau bạn vô tình mở lại nó và ý tưởng chợt bật ra trong đầu. Ai mà biết được cơ chứ? 

Lưu trữ một cách chọn lọc. Hãy tỉnh táo để nhận ra đâu là thứ nghệ thuật đáng để “đánh cắp” và đâu là không. Vì như Mark Twain nói thì “Thà lấy những thứ không thuộc về mình còn hơn là để nó nằm đó chơ vơ trong lãng quên.” 

Sự thật về Writer’s Block 

Có thể bạn sẽ thấy những lời khuyên tôi vừa đưa ra khá chung chung và chẳng thực tế chút nào. 

Thú thật, tôi đang trong thời kỳ Writer’s Block đây. Sau khi viết, chỉnh sửa và xuất bản một lèo gần 20 bài viết tháng vừa rồi, tôi thấy sức sáng tạo trong tôi cạn kiệt. 

Nhưng thuốc bổ cho sáng tạo là gì đây?

Tôi chẳng nghĩ ra nổi. Nghỉ ngơi? Ăn thật nhiều? Du lịch? 

Vẫn chẳng thay đổi mấy. 

Vì quá bí ý tưởng, tôi quyết định viết về vấn đề đang gặp phải. Tôi tin nhiều người cũng gặp tình trạng như tôi, vậy thì tôi vừa viết cho họ, cũng vừa viết cho tôi. Lợi cả đôi đường. 

Đó lại là một lời khuyên nữa: viết về vấn đề bạn đang gặp phải. Viết vì độc giả, làm vì độc giả, tạm thời quên đi. 

Đôi khi cũng phải viết cho mình nữa chứ. 

Bạn muốn sáng tạo hơn nữa? 

#1. Cội Nguồn Của Sáng Tạo: Các Vĩ Nhân Đã "Ăn Cắp" Ý Tưởng Của Người Khác Như Thế Nào? Họa sĩ Picasso từng phát biểu một câu đại loại như “Nghệ sĩ hạng ba thì lê la sao chép, còn bậc kỳ tài thì cứ chôm thẳng tay”. Tuy nhiên “ăn cắp” ở đây không phải là đạo văn, điều đó không biến bất cứ ai thành một nghệ sĩ vĩ đại. Vậy rốt cuộc “ăn cắp” là thế nào? 

#2. Bí Quyết Của Sáng Tạo: Cảm Hứng Đến Từ Đâu Và Làm Thế Nào Để Khơi Nguồn Cảm Hứng? Người làm sáng tạo luôn ám ảnh với hai chữ “ý tưởng”, thế nhưng đôi khi nguồn cảm hứng trong ta lại bị thui chột đôi phần. Bài viết này sẽ chỉ dẫn bạn cách để vượt qua tình trạng trên.