Là một trong số hiếm hoi những tỷ phú tự thân vào thời của mình, người ta kể lại rằng vào lúc qua đời năm 1956, Thomas John Watson, Sr. – cha đẻ của IBM, được nhiều người kính cẩn xưng làm “người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”. 

Năm 1924, công ty Computing Tabulating Recording (CTR) được đổi tên thành International Business Machines, hay IBM như chúng ta biết tới ngày nay. Dưới sự lèo lái của thuyền trưởng Watson, IBM đã đạt được những kỷ lục ngoạn mục. Khẩu hiệu của công ty – “Think” (Tư duy) do ông nghĩ ra đến nay được coi là một trong những khẩu hiệu độc đáo và có ảnh hưởng nhất lịch sử công nghệ. 

Và câu khẩu hiệu ấy được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc khủng hoảng năm 1929, khi thị trường chứng khoán sụp đổ. 

Ngay khi phố Wall vỡ lở, chỉ vài tháng sau, một nửa số ngân hàng ở Mỹ đồng loạt phá sản, tỷ lệ thất nghiệp là 20%; sản xuất công nghiệp đình trệ, kẻ từng giàu nay cũng thành nghèo, có khi còn nghèo kiết xác. Trước thảm cảnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đều sa thải công nhân để cầm cự sống sót. 

Nhưng ở phòng họp của IBM, một câu chuyện ngoại lệ đã diễn ra. Thomas Watson đã gọi tất cả các giám đốc điều hành vào phòng riêng, nói: 

“Các quý ông, một vài người trong số chúng ta đã phải bận tâm rất nhiều về vấn đề tài chính của mình, điều này phân tán sự chú ý của mọi người ra khỏi vấn đề chính, tất nhiên là xây dựng IBM và biến nó thành một doanh nghiệp lớn hơn và tốt hơn.

Tôi đã không làm bất cứ điều gì vì lợi ích của IBM ba tuần nay, tôi thừa nhận, tôi đã không nói chuyện với bất cứ ai ngồi đây về việc bán hàng, sổ quỹ, vân vân. 

Bởi vì tôi cũng là một trong số những kẻ đen đủi, bận rộn ở văn phòng môi giới chứng khoán suốt ba tuần qua.”

Watson nói rằng tất cả họ, các cá nhân và cả nền kinh tế đều bị tê liệt bởi thảm kịch không ngờ tới. Giá cổ phiếu giảm sập sàn, kéo theo khoản tiết kiệm của họ không cánh mà bay. Hàng loạt người đổ xô bán tháo nhưng đều vô vọng. Watson biết rằng cứ lo lắng thêm thì tình hình cũng chẳng khá lên được, cần phải thúc đẩy các cộng sự tạm quên phiền toái mà lo chuyện chuyên môn. 

Thế rồi ông đi đến một quyết định kỳ quặc trong mắt người đời, làm ngược lại với tất cả những gì công ty khác đang làm, đó là không giải thể bất cứ phòng ban nào cả. Ông coi sự sụp đổ kia chẳng khác nào phong ba bão táp mà đoàn thuỷ thủ IBM phải đương đầu. Việc trước hết cần làm là nắm vững tay lái và không được buông chèo. 

 

“Gần đây, tôi được hỏi liệu có định sa thải một nhân viên đã phạm sai lầm khiến công ty mất 600.000 đô la không. Không, tôi trả lời, tôi đã mất 600.000 đô la để huấn luyện anh ấy. Tại sao tôi muốn để lọt kinh nghiệm của anh ta vào tay đối thủ của mình?” — Thomas J. Watson 

 

Như vậy, tất cả các nhà máy của IBM vẫn được vận hành. Watson còn làm thêm một chuyện “điên rồ” nữa – trích 6% doanh thu (1 triệu đô la khi đó, tương đương 18 tỷ đô la ngày nay) để xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu đầu tiên của công ty, và tập hợp tất cả các bộ óc kiệt xuất nhất của IBM dưới chung một tòa nhà. 

Tại phòng thí nghiệm mới này, các kỹ sư vắt óc nghĩ ra các thiết bị công nghệ mới. Vì được đầu tư triệt để, họ nghiên cứu đâu ra đấy và nhanh chóng hoàn thành nhiều sản phẩm tối tân. Mặc dù chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi cuộc khủng hoảng, song thực tế là hoạt động kinh doanh của IBM rất khởi sắc. Công ty liên tục xuất hiện trong danh sách bình chọn của The New York Times như một doanh nghiệp trẻ đầy triển vọng. Tuy nhiên, cần tiết lộ sự thật là họ đã gặp một vận may rất lớn nhờ công của Franklin Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ. 

Theo Thoả thuận Mới, Roosevelt ngay khi nhậm chức đã thông qua Đạo luật An sinh Xã hội: người sử dụng lao động sẽ phải khấu trừ tiền lương của mỗi công nhân để người già, người thất nghiệp, người tàn tật và góa phụ có con được hỗ trợ tài chính. 

Tự nhiên, mọi ông chủ doanh nghiệp cần phải thêm một nhiệm vụ cần làm vào bản to-do-list dài dằng dặc những buổi hẹn của mình. Họ không thể tính toán tiền lương và theo dõi từng giờ làm việc của công nhân một cách thủ công được, họ cần máy tính làm hộ. 

Và trước nhu cầu gia tăng đột biến đó, chỉ có một công ty duy nhất cung cấp đầy đủ những chiếc máy tính, với một lượng hàng tồn kho khổng lồ sẵn sàng cung ứng ngay tức thì: IBM. Khách hàng tìm tới IBM nhiều không đếm xuể, trong đó chỉ riêng hãng Woolworths đã chi tới 250.000 đô la một năm (4,5 tỷ đô ngày nay). 

Từ năm 1935 đến năm 1939, doanh thu của IBM đã tăng 81% và tiếp tục tăng trong 45 năm. Năm 1940, lượng giao dịch đạt kỷ lục 46 triệu đô và tài sản lên tới 1,5 tỷ đô – góp phần giúp công ty được xếp vào hàng “ông lớn” tại Mỹ và là công ty có quy mô lớn nhất trong thị trường công nghiệp máy tính. 

Nói đơn giản, IBM không chỉ thống trị thị trường, họ sở hữu thị trường. 

Trong cái thời kỳ vàng son ấy, họ đã phát minh ra đĩa mềm, mã vạch, ổ cứng và máy ATM. Ngày nay, IBM là tập đoàn tin học số một thế giới với hơn 350.000 nhân viên có mặt tại 170 quốc gia, và các nhân viên của họ còn giành được tới 5 giải Nobel. 

Tất cả là từ cái nhìn thông suốt của Thomas Watson, khi ông đã làm theo đúng câu châm ngôn của riêng mình: “TƯ DUY.”

 

“Tất cả các vấn đề của thế giới đều có thể được giải quyết dễ dàng nếu con người sẵn sàng động não. Vấn đề là người ta rất hay dùng đến các thiết bị để khỏi phải suy nghĩ, bởi suy nghĩ nó khó như vậy đấy.” — Thomas J. Watson 

 

Ngay từ đầu, Watson đã biết rằng cuộc khủng hoảng không thể nào kéo dài mãi. Nó sẽ giống như thuỷ triều lên rồi xuống. Nghĩ khác đi, ông muốn IBM có vị trí tốt nhất và sự chuẩn bị chu đáo nhất hơn bất kỳ công ty nào khi cuộc khủng hoảng kết thúc và nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo ban đầu. 

Như ông đã nói với bản thân mình ở đáy sâu của cuộc khủng hoảng thì, “Khi nào tiến bộ công nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại? Tôi cho rằng nó chưa bao giờ dừng cả. Bạn sẽ phát hiện ra rằng những thiên tài phát minh, những ý tưởng sáng tạo, những con người tiến bộ luôn hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Tiến bộ công nghiệp không bao giờ dừng lại.”