Có một câu nói mà tôi rất thích thế này: Việc gì yêu cầu nỗ lực lớn hơn, thành quả ắt lớn hơn. Nó giống như việc tập thể dục – đi dạo tốt cho sức khoẻ, nhưng không thể bằng chạy bộ được. 

Nói tới chạy bộ là nói tới môn thể thao phổ biến và dễ bắt đầu nhất. Tất cả những gì cần chuẩn bị là một đôi giày. Nó không đặt nặng chuyện bạn có tài năng thiên bẩm hay không – bạn không cần phải sở hữu đôi chân ma thuật như chàng Forrest Gump. Chạy bộ cũng không yêu cầu bạn phải chơi ăn ý với đồng đội như bóng rổ, cũng không máu lửa kịch tính như các môn đối kháng. Vậy thứ gì hấp dẫn những người chạy bộ? 

Haruki Murakami, một trong những nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất hiện nay. Một vài tác phẩm nổi bật của ông có thể kể đến như "Rừng Na Uy", "Kafka bên bờ biển",...

Trong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, câu trả lời mà nhà văn Haruki Murakami đưa ra là tất cả những người chạy, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, hầu hết đều quan tâm nhiều hơn đến chuyện họ có đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra cho mình hay không – hơn là so kè thắng thua với kẻ khác. Dĩ nhiên chạy nhanh và bền sức hơn người khác vẫn khiến ta tự hào, nhưng về bản chất, chạy bộ là môn thể thao mà người chơi cạnh tranh với chính mình. 

Khi nói tới việc này, những người chạy marathon, hay chạy đường trường như Murakami sẽ hiểu rõ hơn ai hết. Họ không thực sự đánh bại một người chạy đua cụ thể nào. Những người chạy đua quốc tế, bước lên vạch xuất phát với hình ảnh huy chương vàng trong đầu, dĩ nhiên, muốn vượt mặt đối thủ ngang sức nhất của mình, nhưng đối với người chạy đua trung bình, tạm gọi là nghiệp dư, ganh đua cá nhân không phải động lực chính. Chắc chắn vẫn có những tên a-ma-tơ mong muốn đánh bại một đối thủ nhất định, có thể là một người bạn chẳng hạn, vậy nên anh ta có động cơ để tập luyện cật lực hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ của họ, bất luận vì lý do gì, rút lui khỏi cuộc đua tranh? Usain Bolt có còn muốn chạy không khi ông liên tục về đích trước tiên và bỏ xa đối thủ thứ hai của mình? Rất có thể động cơ chạy của họ sẽ tiêu tan hay ít nhất cũng giảm đi, và họ khó lòng tiếp tục chạy lâu dài. 

“Hầu hết người chạy bình thường (tôi tin Murakami là một trong số đó) được thúc đẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua,” Murakami viết. “Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và, có lẽ, đã có một khám phá ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp.” 

Ta cũng có thể nói điều tương tự về nhiều nghề nghiệp khác. Trong nghề tiểu thuyết gia của Murakami chẳng hạn, hiển nhiên làm gì có chuyện thắng hay thua. Những lời ngợi ca từ giới phê bình, doanh số sách kỷ lục hay số giải thưởng danh giá giành được – sau cùng chỉ là lớp trang phục tô điểm bên ngoài. Một nhà văn giành giải Nobel đâu có thắng nhà văn không có giải Nobel. Thắng lợi thực sự của một nhà văn là bản thân anh ta có đạt đến những chuẩn mực đã đặt ra trước khi cầm bút hay không. Bất cứ công việc nghiêm túc nào, việc không đặt ra những chuẩn mực cho riêng mình là một thiếu sót lớn. Tóm lại, cơ bản thì một nhà văn, một nghệ sĩ, một vận động viên chân chính – đều có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài. 

Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách của ta ngày hôm qua.

Với Murakami, chạy bộ là rèn luyện đồng thời là một ẩn dụ. Chạy ngày này qua ngày khác, tích góp các cuộc đua, từng chút một nâng cao tiêu chuẩn, và bằng cách vượt qua từng mức độ mà ông nâng mình lên. “Để nâng cao tầm mức của riêng mình,” là lý do mà Murakami dốc hết sức mình ngày này qua ngày khác. 

Haruki Murakami không phải một người chạy giỏi. Ông ở đâu đó lưng chừng giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư thôi. “Tôi ở một mức bình thường - hay có lẽ giống như tầm thường hơn,” ông thừa nhận. 

“Nhưng vấn đề không phải ở đấy,” ông nói tiếp. “Vấn đề là ở chỗ tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không.” 

Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách của ta ngày hôm qua. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu bạn muốn kiểm soát người khác, trước tiên bạn phải kiểm soát chính mình. 

Như Miyamoto Musashi đã nói thì, “Hôm nay là chiến thắng chính ngươi của ngày hôm qua; ngày mai là chiến thắng của ngươi trước những người đàn ông thấp kém hơn.”