Năm 1932, anh thợ mộc Ole Kirk Christiansen, con trai thứ mười trong một gia đình nghèo khổ ở Jutland, phía Tây Đan Mạch, bắt đầu làm đồ chơi bằng gỗ để kiếm sống sau khi bị mất việc do Đại khủng hoảng. Chẳng bao lâu sau thì vợ anh qua đời, để anh một mình gồng gánh khoản nợ cùng bốn cậu con nhỏ. 

Nhân lúc rảnh rỗi, anh chế tác ra một con vịt gỗ cho con chơi để mình có thì giờ làm việc. Nhận thấy các con quá đỗi yêu thích chú vịt kia, anh đem nó vào sản xuất mà không biết rằng, đó chính là viên gạch đầu tiên kiến dựng nên đế chế đồ chơi khổng lồ được nhắc tên trên tiêu đề kia. 

Ngày xửa ngày xưa 

Một trăm lẻ sáu năm trước tại một ngôi làng hẻo lánh xứ Đan Mạch mà có lẽ chẳng ai muốn nhớ tên, anh thợ mộc Ole Kirk Christiansen mở cửa hàng gỗ của riêng mình; bày bán đủ thứ đồ nội thất, to nhỏ đều có, từ bàn ủi, cầu thang tới ghế đẩu,.. 

Trời đánh thánh vật thế nào, trong khi ông bố ngày càng ăn nên làm ra thì mấy cậu con trai nghịch ngợm rồi vô tình “tặng” một mồi lửa vào đống dăm gỗ trong xó xưởng. Lửa bùng lên như thuỷ triều dâng, cuốn phăng toàn bộ gia sản gây dựng trong tám năm qua của gia đình; nó cũng thiêu rụi luôn căn nhà của Christiansen. 

Để tự khích chính mình và cho mấy cậu con khỏi dằn vặt hối lỗi, Christiansen coi vụ hoả hoạn như là “cơ hội” để xây dựng một xưởng gỗ lớn hơn. Quả có vậy, cửa hàng mới mọc lên nhanh như cách cái cũ từng sập xuống, rõ ràng là khang trang, đường hoàng hơn hẳn. 

Chân dung nhà sáng lập LEGO, ông Ole Kirk Christiansen 
ẢNH: LEGO 

Nhưng rồi, vụ sụp đổ thị trường chứng khoán bên Mỹ lại tặng gia đình Christiansen một phen lao đao. Khuất phục trước thảm họa tài chính, anh cắn răng sa thải nhiều công nhân khỏi xưởng, nhiều số đó là những người thợ lành nghề mà anh hết mực tin tưởng.

Vì quá túng thiếu, Christiansen lấy gỗ đẽo gọt thành đủ thứ đồ có thể bán được, trong đó có đồ chơi giá “rẻ như cho”. Một kẻ với trí não kém phát triển hơn bình thường cũng biết rõ quyết định kinh doanh đó là sai lầm. Anh chị em của anh hào phóng chìa tay giúp đỡ với một khoản cứu trợ đủ sức vực gia đình qua giai đoạn này, với điều kiện anh phải bỏ quách mấy thứ đồ chơi rẻ mạt kia đi.

Anh từ chối, và đúng với tiên liệu trước đó, anh phá sản. 

Bằng một hay nhiều cách chạy vạy, anh gom đủ tiền để tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng điên rồ kia. Anh là thợ gỗ xuất sắc, nhưng anh làm đồ chơi còn cừ hơn thế. Cái nghèo khiến kỹ năng anh thành thạo, cứ thế, từng chút một, những khối gỗ với đủ hình dạng bắt đầu được bán. Quyết định theo tới cùng, Christiansen đổi tên công ty thành Lego, nói lái từ leg godt, có nghĩa là “chơi tốt”. 

Chẳng mấy chốc, tài năng làm đồ chơi của Christiansen đã được công chúng nhìn nhận đúng mức, họ khao khát sở hữu những mô hình xe hơi, động vật và sẵn sàng đứng hàng giờ nhìn anh đẽo gọt khúc gỗ cục mịch thành sản phẩm như được đúc ra nguyên vẹn từ trí tưởng tượng. 

Câu chuyện con vịt 

Năm 1935, Christiansen giới thiệu một món đồ chơi kéo hình con vịt bằng gỗ có bánh xe, bán rất chạy và đến nay trở thành một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của thương hiệu. Nhân tiện nói về con vịt gỗ này, ở Lego, người ta truyền tai nhau một câu chuyện thú vị như sau. 

Con trai của Christiansen, Godtfred, thường tới giúp đỡ cha trong xưởng. Một ngày nọ, anh hào hứng tuyên bố mình vừa tiết kiệm được tiền cho công ty. Khi cha anh hỏi anh đã làm gì, anh giải thích, thay vì quét ba lớp sơn thông thường cho một lô hàng vịt gỗ, anh chỉ cần quét có hai lớp. Cha anh rất tức giận và kéo anh trở lại ga xe lửa, lôi kiện hàng ra và tự mình quét lớp sơn thứ ba, nói với anh rằng anh không được phép đi ngủ cho tới khi mọi thứ được thực hiện đúng cách. 

ẢNH: FLICKR 

Sau này, Godtfred nhớ lại, “Điều đó đã dạy tôi một bài học để đời về chất lượng.” Anh khắc ghi phương châm của cha mình, “Chỉ có tốt nhất là đủ tốt,” (Nguyên văn: “Only the best is good enough.”) – trên các tấm bảng gỗ và treo chúng trong xưởng để nhắc nhở bản thân, các anh em cùng tất cả nhân viên rằng “đây là cách chúng ta làm việc.” Phương châm đó – lời cam kết đanh thép về chất lượng, là nền tảng giá trị cốt lõi của công ty, là nguyên tắc bắt buộc phải noi theo. 

Nhưng đó là những ngày trước khi cuộc đại chiến lần hai giữa loài người nổ ra, trước khi bè lũ của Hitler kéo đến mảnh đất nơi gia đình Christiansen đang sinh sống. 

Hoả hoạn lần hai 

Khi Đức đặt chân tới Đan Mạch năm 1942, chúng thiêu rụi mọi hàng quán, xí nghiệp lớn nhỏ trong tầm mắt, và một lần nữa, toàn bộ nhà máy của Christian hoá tro tàn. Nhưng rút kinh nghiệm từ hai thảm kịch trước đó, anh đã tích cóp đủ tiền phòng bị cho những trường hợp đáng tiếc thế này.

Khi Thế chiến II kết thúc, nhà nhà xung phong vào công cuộc vực dậy nền kinh tế quốc gia; người ta cần gỗ. Gỗ đắt đỏ, lỉnh kỉnh và đặc biệt là không đủ nguồn cung. Do đó, nhiều nhà sản xuất đã tìm đến một loại chất dẻo tổng hợp từ dầu mỏ hoặc thực vật: nhựa. 

Tuy nhiên, do thiếu đầu vào, Chính phủ Đan Mạch đã cấm thương mại hoá nhựa cho đến năm 1947. Bất chấp lệnh cấm, Christiansen đã lén tậu ngay một chiếc máy ép nhựa đời đầu của Đan Mạch năm trước đó và bắt đầu thử nghiệm trên chính đồ chơi của mình. Tới khi lệnh cấm được gỡ bỏ, anh chính thức sử dụng nó để sản xuất các mặt hàng và đến 1949, công ty ra mắt một sản phẩm nhựa gọi là Gạch liên kết tự động. 

Như đã nói, LEGO là nói lái từ “leg godt”, nghĩa là “chơi tốt”. Tuy nhiên, Christiansen không biết từ này trong tiếng Latinh được dịch là “lắp ráp”. Trên thực tế, một cách tình cờ không hay biết, anh đã tìm được cái tên hoàn hảo. 

Christiansen và con trai, Godtfred, đã lấy cảm hứng viên gạch LEGO từ một bộ gạch tự khoá của Kiddicraft, một công ty tại Anh. Hai cha con cải tiến thiết kế đó qua từng năm, và mặc dù doanh thu khá ế ẩm trong giai đoạn đầu, chúng ngày càng trở nên phổ biến khi thời gian trôi qua. 

Ole Kirk Christiansen qua đời năm 1958. Cậu con trai Godtfred kế thừa di sản của cha và bắt đầu thiết kế một “trò chơi mới” dựa trên ý tưởng tất cả các khối nên được lắp ráp lại để kích thích trí sáng tạo của người chơi. Ý tưởng này đã trở thành nền móng của đế chế LEGO. Dưới đây là tuyên bố của Godtfred: 

“Ý tưởng của chúng tôi là tạo ra một trò chơi là hành trang chuẩn bị cho đứa trẻ bước vào cuộc sống – thu hút trí tưởng tượng của nó, kích thích tiềm năng và động lực sáng tạo trong mỗi con người.” 

Rũ bỏ và bước tiếp 

Năm năm sau ngày ra mắt đó, LEGO, lần thứ ba, hứng chịu một vụ hoả hoạn còn thảm khốc hơn cả hai lần trước gộp lại. Giống như lần đầu tiên, ngọn lửa này đã đóng đinh số phận của công ty: nó thiêu rụi tất cả đồ chơi bằng gỗ của họ, do đó LEGO quyết định sẽ từ bỏ gỗ mãi mãi và hướng tới tương lai bằng nhựa. 

Năm 2022, LEGO kỷ niệm “90 năm cuộc chơi”. Chủ sở hữu hiện tại là Kjeld Kirk Christiansen, cháu trai của nhà sáng lập. Trước đó 7 năm vào tháng 2/2015, LEGO đã thay thế Ferrari trở thành “nhãn hiệu quyền lực nhất thế giới.” 

Kjeld Kirk Christiansen, chủ sở hữu của LEGO hiện tại, là cháu trai của nhà sáng lập

Ngày nay, Billund, thị trấn vô danh “chẳng ai muốn nhớ tên” mà tác giả bài viết đã nhắc tới ở đầu, là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đan Mạch. LEGO, sau hành trình gần một thế kỷ, vẫn trụ vững trên thị trường và tự xây dựng thành một gã khổng lồ trong ngành đồ chơi.

Những thành tựu trên nghe như một giấc mơ, đặc biệt là với anh thợ mộc Ole Kirk Christiansen ngày nào, một giấc mơ sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu anh không được sinh ra với bản lĩnh kiên cường – hoặc chưa từng tồn tại những đám cháy gần như thiêu rụi khát vọng đổi đời của một gia đình tới ba lần kia.