Vài ngày trước Giáng sinh năm 1848, một nữ nô lệ tên là Ellen Craft đội một chiếc mũ ống bếp lên tàu ở Macon, hoàn thành một bộ trang phục táo bạo để cải trang thành một quý ông da trắng và đặt vé đi đến tận Pennsylvania, sau đó hướng về Boston. Chồng cô, William, sắm vai người hầu đi cùng. Cùng nhau, họ đã hoàn tất cuộc trốn thoát táo bạo đầy ngoạn mục khỏi ách nô lệ tàn bạo ở Georgia, vĩnh viễn tạo nên một thiên truyện ly kỳ và hấp dẫn nhất từng xuất hiện trong biên niên sử nước Mỹ. 

Cải trang thành một quý ông cùng chồng là người hầu theo sau, vợ chồng Craft đã hoàn tất cuộc trốn thoát táo bạo đầy ngoạn mục khỏi ách nô lệ tàn bạo ở Georgia, vĩnh viễn tạo nên một trong những thiên truyện ly kỳ và hấp dẫn nhất từng xuất hiện trong biên niên sử nước Mỹ. Ảnh: The Boston Globe

Sự việc bắt đầu từ trước năm 1926, khi bố của Ellen, Major James Smith - một chủ đồn điền da trắng, đã hãm hiếp chính người nô lệ da đen Maria của mình. Vì nước da sáng và ngoại hình của Ellen giống với Smith, vợ ông đã tặng Ellen cho con gái Eliza của họ như một món quà cưới nhân ngày lễ trọng đại. 

Ở Macon, trong khi là nô lệ thuộc sở hữu hợp pháp của người chị gái cùng cha khác mẹ, Ellen đã gặp và yêu William Craft, một nô lệ làm nghề thợ mộc trong thị trấn. Họ chia sẻ những trải nghiệm đau thương về sự xa cách với người thân trong gia đình. Ellen, sau khi được trao cho Eliza, đã vĩnh viễn rời xa người mẹ nô lệ của mình. William không bao giờ được nhìn mặt người chị gái yêu quý một lần nào nữa, sau khi cô ấy bị bán đấu giá công khai khi hai người còn nhỏ. 

Sự áp bức càng khiến hai người khao khát tự do hơn, và tình yêu sâu sắc là mồi lửa cho sự liều lĩnh. Ellen và William quyết định sẽ không để những đứa con của mình phải chịu cảnh chia cắt như cha mẹ chúng từng chịu. Họ sẽ trốn thoát trước khi năm 1848 kết thúc. 

Theo kế hoạch, Ellen, người có nước da sáng hơn, sẽ cải trang thành một chủ đồn điền da trắng trẻ trung nhưng ốm yếu
Ảnh: History 

Theo kế hoạch, Ellen, người có nước da sáng hơn, sẽ cải trang thành một chủ đồn điền da trắng trẻ trung nhưng ốm yếu, và William sẽ sắm vai người nô lệ trung thành đi theo. Ban đầu, Ellen rất lưỡng lự trước nước đi táo bạo này, không tin rằng cô có thể ngụy trang thành công, tuy nhiên vì không còn lựa chọn nào khác, cô quyết định sẽ làm tất cả – miễn là được tự do. Dốc sạch tiền tiết kiệm, William tìm mua vải về để Ellen may thành quần áo, chuẩn bị cho màn kịch đổi đời. 

Và như vậy, vào ngày 21 tháng 12 năm 1848, Ellen và William Craft bắt đầu chuyến hành trình tiến tới tự do của họ. Hai vợ chồng rời Macon, bang Georgia từ sáng sớm, bắt một chuyến tàu đến Savannah, đi lên Bờ Đông qua nhiều trạm tàu hơi nước và tàu hoả khác nhau.

Khi họ lên toa tàu và bước vào phòng ăn đầy những du khách da trắng, Ellen, bắt chước điệu bộ chị gái Eliza của mình, cũng đeo khăn trên mặt và găng tay để thuyết phục bất kỳ con mắt hiếu kỳ nào rằng cô là một thiếu phụ ốm yếu thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, đi qua tuyến Macon-Dixon với một anh hầu trung thành để tới gặp bác sĩ hỏi xin lời khuyên về tình trạng sức khoẻ của mình.

Bàn tay bị thương của cô là cái cớ để không phải ký giấy tờ tại một số điểm dừng, che giấu sự thật rằng cô chưa bao giờ được học cách viết tên của chính mình. Cuối cùng, kế hoạch của vợ chồng Craft đã thông qua trót lọt khi họ đặt chân tới Philadelphia đúng sáng Giáng sinh và ngay lập tức, hướng thẳng phía Bắc đến Boston. 

Ellen và William Craft gia nhập Cộng đồng Da đen của Beacon Hill tại Boston, trú ở nhà của Lewis và Harriet Hayden. Trong hai năm tiếp theo, Ellen làm thợ may và cùng với chồng, tích cực phát biểu tại các cuộc họp chống chế độ nô lệ ở địa phương. Tuy nhiên vào năm 1850, Tổng thống Millard Fillmore thông qua Luật nô lệ chạy trốn, cung cấp nhiều công cụ và quyền lợi hơn cho những chủ nô để bắt giữ lại những nô lệ cả gan mơ tưởng tới hai chữ “tự do”; và bất kỳ quý ông, quý bà nào có lòng hảo tâm giúp đỡ những kẻ như vậy hãy sẵn sàng nộp ít nhất 1.000 đô la tiền phạt, hoặc được tặng một vé sống thử miễn phí tại một nhà tù bất kỳ (tha hồ lựa chọn) trong vòng 6 tháng. 

Bất chấp tất cả, một cặp vợ chồng là George và Susan Hillard cư trú tại số 62 đường Pinckney, vẫn chứa chấp những người nô lệ bỏ trốn trong nhà của họ. Điều đáng nói là, George Hillard là người đã bỏ phiếu “không tán thành” việc thông qua các đạo luật nhằm chấm dứt chế độ nô lệ, mặc dù thâm tâm ông thừa nhận sự bất công và ngang trái của nó. Ngược lại, bà Susan ngay từ đầu đã là một người theo chủ nghĩa bãi nô trung thành và tích cực. Ta hiếm có thể thấy một người phụ nữ quyền thế nào có lòng tận tuỵ và tình yêu thương bao la được như bà. Cánh cửa nhà Hillard mở rộng chào đón vợ chồng Crafts, và trong vài ngày tiếp theo, họ lại tiếp tục rong ruổi khắp Boston để lẩn thoát khỏi bọn săn nô lệ. 

Ngôi nhà của George và Susan Hillard tại 62 Phố Pinckney
Ảnh: NPS/ Pollock 

Khi những gã thợ săn kia rời Boston, nhà Craft quyết định tới Anh. Trước khi ra đi, bạn của họ, Mục sư Theodore Parker, đã tổ chức lại lễ cưới cho hai vợ chồng “theo luật pháp của một quốc gia tự do”. Ở Anh, Ellen và William xây dựng tổ ấm của họ, có vài nhau năm người con, tất cả sinh ra đều khỏe mạnh, kháu khỉnh và đặc biệt, chúng được sinh ra tự do và lớn lên như những con người tự do. Cùng nhau, vợ chồng Craft tiếp tục lên tiếng chống lại chế độ nô lệ, và cả hai đều theo đuổi việc học chính thực mà họ đã bị từ chối trong nửa đầu cuộc đời. 

Họ cũng cùng nhau viết cuốn sách Running a Thousand Miles for Freedom: The Escape of William and Ellen Craft from Slavery, một thiên hồi ký chân thực và kỹ lưỡng về cuộc trốn thoát kỳ tích của họ khỏi chế độ nô lệ ở Mỹ. 

 

“Tôi thà chết đói ở Anh như một người phụ nữ tự do, còn hơn là làm nô lệ cho người đàn ông tốt nhất từng thở trên lục địa Mỹ.” — Ellen Craft 

 

Nhà Craft đã sống ở Anh mười chín năm ròng. Vài năm sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc và chế độ nô lệ được xóa bỏ, Ellen cùng gia đình trở về bang Georgia, nơi cô đoàn tụ với người mẹ Maria của mình. Trải qua một vài thất bại trong kinh doanh, vợ chồng Craft quyết định dành những năm cuối đời bên gia đình con gái ở Charleston, Nam Carolina. 

Ngay sau khi nhà Craft trốn thoát, nhà bãi nô nổi tiếng Wendell Phillips đã dự đoán, “Các nhà sử học và nhà thơ tương lai sẽ kể câu chuyện này như một trong những câu chuyện ly kỳ nhất trong biên niên sử quốc gia, và hàng triệu người sẽ đọc nó với sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng và nữ anh hùng.” Lời tiên đoán ấy đã chẳng cần phải đợi lâu để chứng minh được tính đúng đắn của nó, vì chỉ 4 năm sau Giáng sinh kỳ tích năm ấy, Harriet Beecher Stowe đã thảo xong áng văn kinh điển Túp lều bác Tom (Uncle Tom's Cabin) – lấy cảm hứng từ những hành trình kiếm tìm tự do như vợ chồng nhà Craft, khởi xướng nên một làn “sóng thần” phản đối chế độ nô lệ tại Mỹ. 

Năm 1862 sau khi cuộc Nội chiến Mỹ nổ ra, Stowe đến thủ đô Washington gặp Tổng thống Abraham Lincoln và, theo lời kể của con trai bà, Lincoln khi gặp bà đã nói: "Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách khơi dậy cuộc chiến vĩ đại này." 
Ảnh: Wikipedia 

Cuộc đào thoát ngoạn mục, màn hoá trang tinh vi cùng tinh thần dũng cảm đáng nể của vợ chồng Craft được cho là nguyên mẫu cho vợ chồng Eliza và George trong tiểu thuyết của Stowe, khi họ cũng là những nô lệ da đen đem lòng yêu mến nhau, tìm mọi cách thoát khỏi ách thống trị của đám chủ nô da trắng để tiến tới bến bờ tự do mà biết bao kiếp người đã ngã xuống trên khắp nẻo đường. 

Và ngòi bút Stowe đã để hai nhân vật của mình hưởng một cái kết trọn vẹn, đúng như những gì vợ chồng Craft đã làm.