Thiên tài bí ý tưởng
Người ta kể lại rằng vào những năm thiếu thời, ông hoàng Walt Disney từng bị sa thải vì “thiếu sáng tạo”, một lý do khó hiểu với nhân vật vốn được biết đến bởi những đóng góp vĩ đại trong công cuộc đổi mới của thế kỷ XX.
Khi Disney lần đầu đề xuất ý tưởng về một bộ phận hoạt hình dài, cả hội đồng lập tức lao vào phản bác. Họ cho rằng một bộ phim dài là chưa từng có tiền lệ, ngốn rất nhiều kinh phí và chưa kể thành công của phim hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi - không khác nào một ván cược.
Nhưng nếu Walt Disney nhượng bộ rồi tiếp tục làm những bộ phim ngắn theo truyền thống thì có lẽ tuổi thơ mỗi chúng ta sẽ không thể nào có các tựa phim kinh điển như Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, Pinocchio, Cô bé Lọ Lem,...
Tuy nhiên, chiến tranh đã giáng một đòn nặng nề vào đế chế Disney, khiến nhà sáng lập kiệt sức và ngập trong nợ nần. Cũng như hàng chục nghìn người khác, trong khoảng thời gian hậu chiến, Walt Disney cảm thấy thật vô vọng để bắt đầu lại. Các bộ phim gần đây của ông phần lớn đều thất bại, và tinh thần của ông cũng chẳng khá hơn là bao. Thời điểm ấy, Walt còn đang bị chẩn đoán có những dấu hiệu của chứng trầm cảm.
Cũng thời gian đó, nhiều người phỏng đoán “cha đẻ chuột Mickey” đã cạn ý tưởng rồi, di sản của ông đang dần xuôi dòng dĩ vãng. Gã phù thuỷ cuối cùng cũng hết phép, và họ Walt đã quá già để thực hiện bất cứ ước mơ nào nữa. Có lẽ ông nên về vườn, bầu bạn với chim chóc vườn tược và cố tận hưởng nốt cái thư nhàn của tuổi già.
Đầu những năm 1950, khi nhà phê bình phim Bosley Crowther của tờ New York Times đến thăm Walt Disney, anh tỏ ra vô cùng thất vọng khi thấy “thần tượng” của mình “không còn để ý gì đến phim ảnh mà chỉ hoàn toàn chú tâm xây dựng động cơ tàu lửa thu nhỏ cùng những toa tàu… Tất cả niềm say mê phát minh của ông ấy, những tưởng tượng đầy sáng tạo, dường như đã dành hết cho thứ đồ chơi này. Tôi đành rời đi và cảm thấy rất buồn.”
Những gã khờ mộng mơ
Khi Walt đệ trình ý tưởng về Disneyland với anh trai Roy và vợ, cả hai người đều nghe cho lấy lệ. Rồi ông cầm cố bảo hiểm nhân thọ, bán căn biệt thự nghỉ dưỡng mùa hè và vay mượn từng đồng để hiện thực hóa giấc mơ viển vông ấy - giấc mơ mà ông tin sẽ làm lợi cho tất cả mọi người.
Giờ đây, Disneyland đã trở thành một đế chế giải trí, thu hút hơn 700 triệu lượt ghé thăm kể từ khi mở cửa, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người và hằng năm đem lại nguồn lợi tức khổng lồ. Nó liên tiếp mở rộng nhưng vẫn theo sát tinh thần ban đầu của nhà sáng lập: một thế giới cổ tích đời thật nơi các gia đình có thể dành thời gian bên nhau, tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống.
“Đối với tất cả những ai đến vùng đất hạnh phúc này: Xin chào mừng. Disneyland là vùng đất của bạn. Nơi đây làm sống lại những kỷ niệm đẹp của quá khứ, và dệt nên những hứa hẹn của tương lai. Disneyland dành riêng cho những lý tưởng, những giấc mơ và những sự thật phũ phàng đã tạo nên nước Mỹ, với hy vọng rằng nó sẽ là niềm vui và nguồn cảm hứng cho tất cả thế giới.”
— Walt Disney, ngày 17 tháng 7 năm 1955
Mọi thứ đáng nhớ trên đời đều xuất phát từ một giấc mơ; nhờ có những gã khờ mơ mộng viển vông như Disney, quá trình phát triển được đẩy nhanh. Sự bảo thủ là rào chắn tiến tới sáng tạo, là nấm mồ của trí tưởng tượng vô biên và là kẻ thù không đội trời chung của đổi mới. Một ý tưởng vĩ đại hiếm khi nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt từ đám đông nhưng tới cùng, chỉ thời gian mới có thể quyết định vị thế của nó. Khi Disney bắt tay vào phác những nét bút đầu tiên của bản đồ Disneyland, giấc mơ đó đã được hoàn thành một nửa rồi.
Con người được sinh ra với nỗi ám ảnh với sự quen thuộc. Mỗi lần tiếp cận thứ gì đó mới lạ, công tác cảnh báo trong tâm trí lập tức được khởi động - nó khiến ta dè chừng, thận trọng trước những ý tưởng mới - như thể bước vào vùng đất mới mà không có bản đồ trên tay.
Trong khi đó, những nhà phát minh, nhà sáng tạo - không bao giờ hài lòng với sự quen thuộc. Trong họ luôn tồn tại một sự nổi loạn ngấm ngầm muốn thay đổi thực tại. Họ không chấp nhận thế giới như cách nó đang vận động. Tất cả những thành tựu to lớn đã kiến thiết nên nền văn minh hôm nay, thực chất đều xuất phát từ nỗi niềm chán ghét hiện thực và khao khát cải biến hiện thực đó.
Henry Ford từng nói, “Nếu tôi hỏi mọi người muốn gì, họ sẽ trả lời họ muốn những con ngựa chạy nhanh hơn.” Ford, ngược lại, không đem đến cho dân Mỹ những con ngựa phi nước đại mà dạy họ cách lái xe hơi. Trước khi mẫu Model T huyền thoại ra đời, Ford đã chế tạo ít nhất 20 chiếc xe được xem là thất bại. Nhưng đối với ông, “Thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại lần nữa - một cách thông minh hơn” – ông vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ là chế tạo một chiếc xe hơi hoàn hảo từ những ngày còn là kỹ sư tại Công ty Điện Edison.
Chúng ta đồng ý rằng Disneyland, Tập đoàn Ford đã thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển của nhân loại, kiến tạo nên những thành tựu vĩ đại - nhưng bản thân chúng lại xuất phát từ giấc mơ hết sức đời thường của hai nhà sáng lập - những người bị coi là mơ mộng viển vông qua con mắt dèm pha của người đời.
Ford không cố gắng nuôi những đàn ngựa chạy nhanh hơn mà tập trung vào thử nghiệm để cho ra đời các mẫu xe hơi tối tân. Ông đâu quan tâm người ta muốn gì, thích gì mà đặt giấc mơ của mình lên trên thảy. Walt Disney yêu quý cái mô hình xe lửa ra sao thì cũng đặt từng ấy nhiệt huyết vào công cuộc xây dựng nên Disneyland. Không ai muốn một công viên giải trí, một vùng đất thần tiên cả – nhưng gã khờ viển vông Disney đã biến 150 mẫu đất trồng cam thành “thiên đường California” đấy.
Vì sao con người ta cần biết ước mơ?
Albert Einstein, bộ não kiệt xuất nhất thế kỷ XX từng nói, “Kiến thức chỉ đưa anh tới giới hạn của nó, trong khi trí tưởng tượng sẽ đưa anh tới bất cứ đâu.” Trí tưởng tượng là một phẩm chất thường bị xem nhẹ, vì vốn dĩ người ta cho rằng nó là thứ không có thật, và những kẻ may mắn được trời phú cho trí tưởng tượng phong phú lại thường bị coi là thiếu thực tế, mơ mộng hão huyền.
Nhưng sự thật là, trước khi người ta tạo nên thứ gì đó, họ phải mường tượng ra nó trước. Trước khi một bức tranh được cây cọ kia thảo lên mặt giấy, nó đã phải sinh động, chân thực trong tâm trí tới mức muốn nhảy ra khỏi đó rồi. Chỉ bằng cách ước mơ, con người ta mới thực sự hiểu mình cần gì, muốn gì; chỉ bằng cách ước mơ, con người ta mới đủ khả năng để tự kiến thiết nên lộ trình để nắm bắt giấc mơ ấy. Những người không biết ước mơ sẽ không tạo nên điều gì cả, vì chính họ còn chẳng biết mình muốn gì.
Vậy nhưng có người nói đừng mơ lớn bởi cái nỗi sợ thâm căn cố đế của con người: trèo cao thì té đau. Chúng ta phải thừa nhận rằng mơ mộng ngoài tầm với không những khiến mục tiêu trở nên bất khả đạt được mà còn làm đầu óc chủ nhân của những giấc mơ đó mụ mị, khờ khạo theo đúng nghĩa đen. Tôi không thể nghĩ ra được một minh họa điển hình nào cho vấn đề trên hơn là chàng hiệp sĩ tự phong Don Quixote của Cervantes.
Dù chàng có là một nhân vật văn học, là sản phẩm của trí tưởng tượng đi chăng nữa thì Cervantes hẳn có ẩn ý gì khi để Don Quixote điên tới mức nhìn cối xay gió hoá lũ khổng lồ mà lao vào đấu đá. Tới tận những ngày gần đất xa trời, chàng hiệp sĩ mới nhận ra sai lầm của mình khi quá mải mê vùi đầu vào đống sách kiếm hiệp độc hại để rồi hoá hoang tưởng. Ngoài đời thực chúng ta có những hiện thân của Don Quixote không? Tôi mạnh miệng đáp với bạn là có, tất nhiên, ở một mức độ chừng mực chứ điên được như chàng thì quả là khó đấy.
Don Quixote, đứa con của Cervantes, đã bị chính người cha đẻ vẽ cho đường sinh mệnh ngắn ngủi khi để chàng ta trèo quá cao, cao chót vót rồi ngã cái tọp, vĩnh viễn không gượng dậy nổi nữa. Theo tôi, dù ngoài kia đầy rẫy kẻ khờ khạo mơ mộng viển vông như Don Quixote chăng nữa, cứ để họ mơ lớn vì chỉ cú ngã mới làm họ tỉnh ngộ.
Dặn một đứa trẻ không được đùa giỡn với lửa thường vô tác dụng, nhưng để nó thoải mái nghịch ngợm rồi vô tình bị lửa đốt một lần thì mãi mãi về sau, nó sẽ khắc ghi trải nghiệm đau đớn ấy tới tận xương tuỷ. Những điều quan trọng nhất trong cuộc sống thực chất không thể được học từ bất cứ ai cả, mà phải phải tự dạy chính mình.
Ta cần ước mơ vì đó là khởi đầu của mọi sự tốt đẹp trên đời, và bởi chẳng ai có quyền đánh thuế ước mơ, ta hãy cứ mơ thật lớn, vượt xa khỏi vùng an toàn. Trong phần lớn trường hợp, ta sẽ ngã thật đau điếng, nhưng đau nhiều ắt sẽ quen, và người đau nhiều, vấp ngã nhiều hoặc là như con rùa rụt cổ vì sợ đau lần nữa, hoặc tiếp tục tiến bước với những ước mơ sôi sục trong dòng máu nóng - những giấc mơ khả thi hơn. Cảm giác đau đớn từ những cú ngã trước đó rồi sẽ dịu dần, còn những gì học được sẽ ở lại bên ta mãi.