Ngành hàng hải có một thuật ngữ là Đường Plimsoll, một vạch kẻ trên thân tàu cho biết khối lượng của con tàu có đạt tiêu chuẩn để ra khơi hay không. Rất đơn giản, nếu mực nước vượt quá đường Plimsoll - tức là con tàu đang chở quá nặng - nó không được phép rời cảng và ngược lại. 

Nhờ có sáng kiến này, vô số sinh mạng đã được cứu vớt khỏi cảnh chết chóc vô cớ, qua đó thiết lập một tiêu chuẩn mới áp dụng cho ngành hàng hải để đảm bảo tính an toàn cho thuỷ thủ đoàn. Câu chuyện đằng sau nó, về cuộc chiến đơn thương độc mã của một người đàn ông ròng rã hàng năm trời, sẽ là một câu chuyện khiến bạn mủi lòng vì tinh thần cao thượng, tính nhân văn và truyền cảm hứng của nó. 

Samuel Plimsoll (1824 - 1898), chính trị gia và nhà cải cách xã hội người Anh, nổi tiếng nhất với sáng kiến Đường Plimsoll. Ảnh: Getty Images

"Quan tài nổi" 

Tôi nghĩ sẽ cần diễn giải đôi chút để bạn hiểu sơ qua bối cảnh. Một con tàu thương mại, tức là chuyên vận tải hàng hoá, thường thuộc quyền sở hữu của thương lái giàu có. Họ thuê các thuỷ thủ đoàn, bao gồm cả thuyền trưởng và ký kết hợp đồng lao động hẳn hoi. Dĩ nhiên, hàng hoá càng nặng thì kiếm chác càng nhiều, do vậy tình trạng nhồi nhét diễn ra như cơm bữa. 

Và thường thì các thuỷ thủ, đặc biệt là thanh niên trẻ vốn nhẹ dạ cả tin, dễ dàng đặt bút ký bản hợp đồng một cách hấp tấp. Đến lúc họ nhận ra con tàu quá tải thì giấy trắng mực đen đã xong xuôi cả rồi, không còn đường lui nữa. Chính bởi vậy, các thuỷ thủ thường trêu đùa chúng là “cỗ quan tài nổi”: những con tàu quá tải, chắc chắn sẽ bị chìm nhưng được bảo hiểm nhiều tới mức vượt xa giá trị tàu. 

Hằng năm, có tới gần 1.000 thuỷ thủ bỏ mạng vì vấn đề này. Năm 1871, Hạ viện thông qua Đạo luật Vận chuyển Thương gia, theo đó những thuỷ thủ ngoan cố không chịu lên tàu sẽ bị phạt tù và phạt tiền. Chỉ riêng năm đó, 856 tàu buôn Anh đã mất tích trong vòng mười dặm từ bờ biển trong thời tiết chẳng hơn một cơn gió mạnh là bao. Từ năm 1870 đến 1872, 1628 thuỷ thủ đã bị tống vào tù vì từ chối đặt chân lên “quan tài nổi”. 

Mối ung nhọt này có lẽ vẫn cứ nhức nhối như thế nếu không có sự xuất hiện của người đàn ông tên Samuel Plimsoll.

Plimsoll vĩ đại 

Sinh năm 1824 tại Bristol và sớm chuyển đến Sheffield, Plimsoll từ sớm đã tham gia vận chuyển than đến London và ở tuổi 40, ông là một trong những nhân vật có tiếng trong ngành. Vốn từng trải, ông đặc biệt hiểu rõ sự cẩu thả của các chủ tàu và không bằng lòng trước sự thờ ơ của chính phủ đối với vấn đề an toàn hàng hải. 

Năm 1853, khi còn đang chật vật trên con đường trở thành một thương gia, Plimsoll từng thất bại và rơi vào cảnh túng quẫn. Sống một căn nhà tập thể tồi tàn cùng dân lao động, ông học được cách thông cảm với những cuộc đấu tranh của người nghèo, và khi vận may trở lại, ông quyết tâm sẽ dồn tâm sức để cải thiện tình trạng của họ. 

Mất tới sáu năm thì vận may mới tới. Năm 1867, Plimsoll gia nhập Đảng Tự do và được bầu làm nghị sĩ cho Derby trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1868. Bước chân vào Hạ viện, ông ngay lập tức có những bước tiến đầu tiên cho kế hoạch của mình. 

Năm 1873, ông xuất bản Our Seamen, cung cấp bằng chứng tài liệu về thực trạng vấn đề. Ông in cuốn sách thành nhiều bản rồi phát cho mỗi thành viên của Hạ viện một cuốn. Nhưng nào mấy ai bận tâm. Không nản lòng, ông tiếp tục lên tiếng chỉ trích đạo luật của Chính phủ, đề xuất một dự luật mới yêu cầu mỗi con tàu phải được đánh dấu một đường trên thân mà mực nước không được vượt quá nó. 

Plimsoll lên tiếng chỉ trích đạo luật của Chính phủ, đề xuất một dự luật mới yêu cầu mỗi con tàu phải được đánh dấu một đường trên thân mà mực nước không được vượt quá nó. Ảnh: David McNeil 

Đáng buồn thay, các thành viên trong Hạ viện, ít nhiều đều là các chủ tàu, hoặc được lợi không nhỏ từ ngành nghề này. Nếu bỏ phiếu thuận cho dự luật thì khác nào tự đá đổ chén cơm của mình. Đối với những người này, có vẻ sinh mạng của các thuỷ thủ dẫu quan trọng tới mấy cũng phải xếp dưới đồng tiền. 

Bởi vậy, người hùng của chúng ta đã phải đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt, thậm chí còn có nguy cơ phải ra trước vành móng ngựa. Tiếc thay, Thủ tướng Benjamin Disraeli tuyên bố bãi bỏ dự luật. Plimsoll mất tự chủ, gọi tất thảy chính khách trong Hạ viện là “kẻ phản diện”, và giơ nắm đấm vào mặt Chủ tịch.  

Tới tháng Ba năm 1873, gió đổi chiều. Tờ Times lên tiếng ủng hộ chiến dịch của Plimsoll bằng cách in một câu chuyện về 15 thuỷ thủ đã bị cầm tù trong ba tháng vì từ chối lên tàu Peru. Khi con tàu rời Cardiff sau đó, nó bị chìm ở Biscay và ba người đàn ông bị chết đuối. 

Dần dần, các chính trị gia khác, chẳng hạn như Lord Shaftesbury, đã nhập cuộc cùng Plimsoll. Năm 1875, Thủ tướng Benjamin Disraeli đã “quay xe” và công khai ủng hộ Dự luật Tàu không đủ điều kiện đi biển. 

Tượng bán thân của Samuel Plimsoll tại Bristol. Ảnh: Anthony O'Neil 

Năm sau đó, Plimsoll đã thuyết phục được Quốc hội sửa đổi Đạo luật Vận chuyển Thương gia năm 1871. Đường Plimsoll ra đời, được đặt tên theo cha đẻ của nó, bắt buộc đánh dấu mạn tàu bằng một đường sẽ biến mất dưới mực nước nếu tàu quá tải. Một sửa đổi tiếp theo vào năm 1877 đã áp đặt giới hạn về trọng lượng hàng hóa mà tàu được phép vận chuyển. 

Ban đầu, Đường Plimsoll áp dụng cho các tàu nước ngoài rời cảng của Anh. Cuối cùng, nó trở thành một quy tắc tải trọng chung của mọi quốc gia hàng hải. 

Người đàn ông vĩ đại qua đời tại Folkestone năm 1898. Vài thập kỷ sau đó, một tượng đài bán thân Samuel Plimsoll được dựng lên trên bờ cảng Bristol, mảnh đất chôn rau cắt rốn của ông.