Bởi vì tôi biết nếu tôi làm, thì tôi chỉ có thể mong đợi kết quả nửa vời. 

Michael Jordan, cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất lịch sử, nổi tiếng với kỹ thuật lắt léo, sức bật khủng khiếp và phong độ ổn định trong suốt 16 năm thi đấu. Ảnh: Getty Images

Tại một buổi lễ ở quê nhà vào năm 1991, Jordan đã rơi nước mắt khi nhớ lại thất bại đầu đời của mình - khi ông bị loại khỏi đội tuyển thể thao trường trung học: “Mọi chuyện bắt đầu khi huấn luyện viên Pop Herring gạch tên tôi khỏi danh sách.” 

Vào cuối những năm 1970, Trường Trung học Laney hiếm có chuyện học sinh năm hai được thi đấu. Huấn luyện viên của đội, Pop Herring, là một người sắt đá và bảo thủ. Ông chỉ đặc cách duy nhất một trường hợp, và quyết định đó khiến Michael Jordan trẻ tuổi chạy về nhà và oà khóc.

Jordan đã ngó qua danh sách những cầu thủ được chọn. Cậu nhóc năm hai được chọn kia không phải ông, mà tệ hơn, lại là bạn thân của ông, Leroy Smith, người chẳng mấy đoái hoài tới tập luyện nhưng được chọn bởi thể hình cao lớn. 

"Vua bóng rổ" từng bị loại khỏi đội tuyển thể thao trung học vì quá thấp bé. Ảnh: CNN

Vào năm 1978, Jordan chỉ là chàng trai gầy gò cao chừng 1m80. Kevin Edwards, người ở trong đội bóng, nhớ lại họ không có lý do gì để chọn Jordan thay vì Smith cả. 

Mẹ ông, bà Deloris Jordan, nhớ lại ngày con trai chạy về nhà trong nỗi tủi hổ: “Cả hai chúng tôi đều khóc, vì hơn bất cứ ai, tôi biết thằng bé muốn vị trí hơn tất thảy. Những lời tôi nói với nó là, ‘Nếu con thực sự muốn nó, hãy tập luyện thật chăm chỉ vào mùa hè tới’. Và thằng nhóc quả thực đã làm vậy."

Sự việc đó đã đánh thức điều gì đó trong Mike gầy gò. Mùa hè năm đó, ông tập luyện điên cuồng, và đến khi kết thúc trung học, Jordan đã cao tới 1m95, là một trong những tên tuổi được săn đón nhất làng bóng rổ đại học. 

“Mọi người đều trải qua những thất vọng. Tôi chỉ đơn giản là không đủ tốt. Mặt khác, việc bị loại khỏi đội bóng xem chừng lại là điều tốt nhất đã xảy đến, vì nó khiến tôi vực dậy và rèn giũa kỹ năng để thích nghi với chiều cao có phần hạn chế của mình.” 

Trong một trại hè bóng rổ năm 1980, Jordan đã lọt vào mắt xanh của huấn luyện viên huyền thoại Dean Smith của Chapel Hill. Ngay năm sau, ông nộp đơn vào University of North Carolina (UNC) và sớm trở thành một mắt xích quan trọng trong đội bóng rổ. 

Dean Smith nhớ lại, “Là một sinh viên năm nhất, cậu ra rất thiếu nhất quán, nhưng chắc chắn là người cạnh tranh nhất mà chúng tôi từng chứng kiến.” Hầu hết những người từng tiếp xúc với Michael đều thừa nhận điều tương tự. Bản tính cạnh tranh trong ông có phần bắt nguồn từ người cha và anh trai Larry, người vốn được coi là có tiềm năng thể thao hơn ông. Gia đình Jordan có một cột bóng rổ ở sân sau, nơi ba bố con hay chơi đùa cùng nhau. Jordan thường thấy tủi thân vì bố dành nhiều sự ưu ái hơn cho anh trai, điều này từ sớm thúc đẩy tính cách cạnh tranh đặc trưng trong ông. 

Sau này, Jordan vẫn nổi tiếng với thói quen mặc quần của UNC bên trong đồng phục thi đấu như một dạng "bùa may mắn". Ảnh: Focus on Sport/ Getty Images 

Theo lời James Worthy, cầu thủ được coi là đầu tàu của UNC bấy giờ, ông thường xuyên bị Jordan gạ chơi một chọi một sau giờ tập. Và đây chính xác là những gì đã xảy ra: “Sau gần 2,5 tiếng tập nặng, tôi mệt mỏi rã rời, thế rồi Jordan kéo tôi lại, rủ tôi chơi vài trận một chọi một. Tôi nghĩ, ‘Tốt thôi, để xem cậu nhóc đánh đấm ra sao’. Tôi đã thắng được cậu ta được trong khoảng… 2 tuần.” 

Tại buổi tập đầu tiên với UNC, Jordan bước tới cạnh Roy Williams, trợ lý huấn luyện viên của đội và nói ông muốn trở thành người giỏi nhất ở đây. Wiliams nhẹ nhàng đáp lại: 

“Thế thì em sẽ phải chăm chỉ hơn hồi trung học rất nhiều.”

“Em tập luyện như tất cả mọi thành viên khác trong đội.”

“Xin lỗi? Tôi tưởng em muốn trở thành người giỏi nhất?” 

“Em sẽ cho thầy thấy. Không ai từng tập luyện chăm chỉ được như em.” 

Từ đó, Williams nói với ESPN rằng ông đã dành “ba năm tiếp theo để nhìn cầu thủ trẻ đó ngày càng tiến bộ hơn.” 

Michael Jordan muốn giỏi hơn, và ông có khả năng trở nên giỏi hơn. Qua nhiều tháng, nhiều trận, Mike học như miếng bọt biển. Ông “đánh cắp” kỹ thuật từ các thần tượng, thêm nó vào tài năng thiên bẩm và tạo ra một thứ của riêng mình. Cứ thế cho đến khi bước vào trận chung kết NCAA năm 1982, Jordan đã là một cầu thủ rất xuất sắc. 

Trận so tài giữa North Carolina và Georgetown năm ấy được xem là trận chung kết lịch sử. Số khán giả tham dự đạt kỷ lục, lên tới gần 60 ngàn người. Vào những phút cuối cùng của hiệp 4, đội Jordan đang thua 1 điểm. Dean Smith gọi hội ý, và bật đèn xanh cho cậu sinh viên năm nhất. Quay lại trận đấu, Jordan nhận đường chuyền xa, sau đó bật nhảy ghi cú ném ấn định tỷ số, đưa UNC đăng quang ngôi vô địch. “Tôi còn trẻ, nhưng không có thời gian để lo lắng,” Jordan nói với ESPN về cú ném mang tính biểu tượng. 

Một đồng đội cũ khác tại UNC, Matt Doherty, nói rằng tất cả các cầu thủ trong đội đều tôn trọng Jordan, bởi vì mặc dù sở hữu tài năng vượt trội nhưng ông ấy vẫn như “một miếng bọt biển, luôn luôn lắng nghe, học hỏi và thi đấu.” 

Cú ném giúp UNC lên ngôi vô địch của cậu sinh viên năm nhất Michael Jordan 

Lên ngôi vô địch ngay từ năm nhất, Jordan vẫn tiếp tục tập luyện để trở nên tốt hơn. Dean Smith cho rằng Jordan đã “rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa năm thứ nhất và năm thứ hai.” Tất cả mọi người đều nhận ra sự tiến bộ của Jordan qua mỗi trận đấu. 

Bên cạnh đó, Smith cũng chính là người định hướng Jordan theo con đường bóng rổ chuyên nghiệp. Được chọn ở vị trí thứ ba trong kỳ tuyển quân NBA hằng năm, Jordan đầu quân cho Chicago Bulls. 

Bulls thời kỳ tiền-Jordan đến là một tập thể tệ hại. Mùa giải trước đó, họ kết thúc với hiệu số thắng thua 24-55, kỷ lục tệ thứ hai trong lịch sử đội bóng. Người hâm mộ tỏ ra chán chường, doanh số bán vé ế ẩm, cầu thủ thì nhụt chí. Tóm lại, mọi thứ là một mớ hỗn độn. 

“Ngay từ buổi tập đầu tiên, tinh thần của tôi là: ‘Bất cứ ai là trưởng nhóm, tôi sẽ giành lấy vị trí của anh ta. Và tôi sẽ không làm điều đó bằng tiếng nói của mình. Bởi vì tôi không có tiếng nói. Tôi không có địa vị. Tôi phải làm điều đó bằng cách tôi chơi bóng,” Jordan nói với ESPN về năm tân binh của mình ở Bulls. 

Chicago cải thiện thành tích 38-44 trong mùa giải 1984-85 khi Jordan có mặt trong đội hình xuất phát và bắt đầu mở ra một kỷ nguyên huyền thoại của đội bóng. Ông chơi sáng chói cả năm, kết thúc mùa giải với trung bình gần 30 điểm/trận, và dẫn đầu giải đấu về nhiều chỉ số khác. Cuối năm, ông nhận giải Tân binh xuất sắc nhất - một thành tựu xứng đáng với một cầu thủ trẻ đã cứu vớt cả một đội bóng đang ngoi ngóp. 

Biệt hiệu "Air Jordan" cũng từ khả năng bật nhảy khủng khiếp của Jordan mà ra 

Trên thực tế, trước đó, không ai tin Michael Jordan sẽ làm nên chuyện tại Bulls. “Chúng tôi đã ước anh ta cao 2m10, nhưng anh ta chỉ cao 1m98” đến Rod Thorn, quản lý đội bóng còn nói vậy. Nhưng chỉ sau vài trận đấu, những bước đi uyển chuyển của Jordan đã thuyết phục tất thảy mọi người. Lối chơi mạnh mẽ nhưng phối hợp nhịp nhàng, mượt mà dễ khiến người ta liên tưởng tới một tượng đài thể thao khác - Muhammad Ali - vận động viên boxing huyền thoại với châm ngôn “Tôi sẽ lả lướt như bướm và chích đau như ong.” 

Thành phố Chicago bỗng nhộn nhịp trở lại. Họ muốn chiến thắng, và họ tin Jordan sẽ không khiến họ thất vọng. Ở trận đấu thứ ba của mình, Bulls đang thua 10 điểm khi bước vào hiệp cuối. Trong khi tất cả các thành viên khác quay ra chỉ trích nhau, muốn bỏ cuộc thì Jordan nói: “Cái gì? Trận đấu vẫn chưa kết thúc mà. Chúng ta vẫn còn hy vọng.” Huấn luyện viên của đội, Kevin Loughery nhìn thấy điều đó ở Jordan và yêu cầu mọi người chuyền bóng cho ông. 

Và từ giây phút ấy, Jordan thật sự… không thể cản phá. Ông qua người, lên rổ với những tư thế cực kỳ khó, ghi điểm, câu lỗi, nhảy ném,... Hàng phòng thủ của đội địch vỡ tan tành trước sức công phá của chàng tân binh trẻ tuổi. Khao khát chiến thắng và tinh thần không đầu hàng nghịch cảnh của Jordan là một điều mà bất cứ ai cũng nên học tập theo. 

Được coi là G.O.A.T (Greatest of All Time) bởi phần đông mọi người, vị thế của Michael Jordan trong bóng rổ là không thể bàn cãi. Ông đã đạt được rất nhiều thành tựu, và cũng trải qua ngần ấy lần thất bại ê chề. 

“Tôi đã ném trượt hơn 9.000 trái trong cả sự nghiệp. Tôi đã thất bại gần 300 trận đấu. 26 lần tôi được tin tưởng cho cú ném quyết định, và tôi trượt. Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác trong suốt cuộc đời. Và đó là lý do tại sao tôi thành công.” 

Ngày nay, tinh thần làm việc cường độ cao của Jordan đã trở thành huyền thoại, khi các phóng viên và đồng đội cũ thường kể về cách vua bóng rổ thường tập luyện chăm chỉ như cách ông làm mọi việc khác, như một minh chứng rằng tài năng cùng tinh thần cầu tiến sẽ đưa một người xa tới đâu. Một câu nói nổi tiếng của Jordan dường như đã tóm tắt điều đó: “Tôi không làm mọi thứ nửa vời. Bởi vì tôi biết nếu tôi làm, thì tôi chỉ có thể mong đợi kết quả nửa vời.” 

Đọc thêm: Người Phụ Nữ Đã Thay Đổi Vận Mệnh Của Cả Michael Jordan Và Nike Là Ai?