Marilyn Monroe, một nạn nhân của thời đại, một phát minh của Hollywood, một giấc mộng phù phiếm xa vời như cách Fitzgerald đã khắc họa trong The Great Gatsby, là người tình của cả nước Mỹ nhưng không có nổi một hạnh phúc nhỏ nhoi cho riêng mình. 

Bài viết dưới đây được viết dựa trên nỗ lực bới móc quá khứ của Marilyn Monroe ở mức tối thiểu, nhằm đưa tới bạn đọc cái nhìn chân thật và khác lạ về nữ minh tinh — khác với cái mác “biểu tượng tình dục”, tuổi thơ mồ côi khốn khó, những lùm xùm tình ái hay vụ tử sát “không đúng lúc” vào năm 36 tuổi. 

Thay vào đó, bài viết này sẽ cho bạn thấy một Marilyn Monroe luôn khát khao phát triển bản thân, khát khao chứng minh năng lực của mình và quan trọng nhất, khát khao thoát khỏi cái mác “biểu tượng tình dục” để được nhìn nhận như một nữ minh tinh nghiêm túc và cống hiến với nghề. 

Marilyn Monroe ở New York năm 1955. Ảnh: Michael Ochs Archives

Marilyn Monroe ở Manhattan 

Tháng 11 năm 1954, Marilyn Monroe, lúc này 28 tuổi, bỏ lại Hollywood sau lưng cùng cuộc hôn nhân thất bại với DiMaggio để lên đường tới Manhattan. 

Tại đây, nữ minh tinh dành hàng giờ thăm thú các bảo tàng, chìm đắm vào nghệ thuật đương đại, rồi vùi đầu trong hàng chồng sách mỗi buổi chiều. Dù chưa bao giờ đặt chân tới Manhattan trước giờ, mảnh đất này là ngôi nhà thứ hai của cô. 

Marilyn Monroe đi tàu điện ngầm ở Grand Central Station năm 1955. Ảnh: Michael Ochs Archives 

Với sự giúp đỡ của người bạn thân Milton H. Greene, Marilyn chấm dứt hợp đồng với Fox Studio để thành lập công ty mang tên mình — Marilyn Monroe Productions. Cô tìm tới Actors Studio để theo học bậc thầy method acting Lee Strasberg, ấp ủ hàng loạt các dự án với niềm hứng khởi như người mẹ chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời.

Kể từ khi quen biết Strasberg, Marilyn xem ông như cha mình. Không phải người cha thứ hai, vì Marilyn từ khi sinh ra đã không biết mặt cha mình. Cô không được học hành tử tế, chưa từng tham gia qua khóa học điện ảnh chính quy nào mà cứ thế hiên ngang bước vào Hollywood như thể được sắp đặt sẵn để trở thành “biểu tượng tình dục” của nước Mỹ. 

Và đó đúng là một sự sắp đặt. 

Marilyn Monroe — Một Phát Minh Của Hollywood 

Marilyn đã tiến vào kinh đô điện ảnh Hollywood như thế. Những ngày đầu sự nghiệp, cô nhận làm mẫu ảnh khỏa thân cho nhiếp ảnh gia Tom Kelley. Khi đang dần khẳng định được tài năng diễn xuất của mình trong các bộ phim hài như As Young as You Feel (1951), Monkey Business (1952), cũng chính là lúc báo chí đào bới lại những bức ảnh này. 

Norma Jeane trước khi trở thành Marilyn Monroe. Ảnh: GettyImages 

Đứng trước cơn bão truyền thông, Marilyn Monroe thẳng thắn thừa nhận đó chính là cô đã nhận chụp nó vì kế sinh nhai. Thay vì gây ra một vụ bê bối có thể nhấn chìm một ngôi sao đang nổi xuống vũng bùn thất bại, nó lại đưa cô trở thành biểu tượng tình dục mới của Hollywood. 

Lúc này, các nhà sản xuất bỗng nhìn cô bằng con mắt khác. Họ đánh hơi thấy mùi lợi nhuận phảng phất. Họ biết từ giờ trở đi, Marilyn Monroe chính là “con gà đẻ trứng vàng” của Hollywood. 

Nhưng “con gà” ấy cần có một khởi đầu mới, hay đúng hơn — một thân phận mới. Không thể nào một nữ minh tinh lại có xuất thân hèn kém tới mức không biết cha mình trông ra sao, mẹ thì nhập viện tâm thần như cơm bữa được.  

Và như thế, Norma Jeane (tên thật của Marilyn Monroe) đổi màu tóc của mình sang màu bạch kim, trở thành gương mặt mới của Hollywood, thành “quả bom tình dục”, thành thân thể mà mọi đàn ông trên thế giới đều khao khát. 

Giờ đây, Norma Jeane có cái tên mới là Marilyn Monroe. 

Nạn Nhân Của Thời Đại 

Khi Marilyn nhiều tuổi hơn, cô ấy vẫn bị giao những vai cô gái gợi cảm nhẹ dạ, hồn nhiên, hài hước, dạng vai thường chỉ dành cho những sao nữ trẻ tuổi mới vào nghề. 

Ở độ tuổi gần 40 như Marilyn, cô ấy cũng muốn có được những vai diễn có sức nặng và được nhìn nhận là một minh tinh điện ảnh làm nghề một cách nghiêm túc, nhưng các vai diễn một màu vẫn tiếp tục được giao cho Marilyn và khiến cô cảm thấy xấu hổ, mặc cảm một cách ngấm ngầm.

Marilyn từng viết trong hồi ký: “Tôi thực sự có thể cảm thấy mình thiếu tài năng, giống như bộ quần áo rẻ tiền mà tôi đang mặc bên trong. Tôi muốn học hỏi, thay đổi và tiến bộ đến nhường nào.”

Nhưng đối với Hollywood, Marilyn Monroe chỉ tồn tại trên màn ảnh mà thôi. Cô mãi mãi chỉ là “cô gái tóc vàng ngớ ngẩn” trong mắt họ, cô gái với xuất thân hèn kém, may mắn được trời phú cho thân hình bốc lửa. Họ đã giúp Monroe trở nên nổi tiếng như một “biểu tượng tình dục” — và cái mác ấy đã đeo bám Monroe cả đời. 

Hollywood đã quên mất đằng sau một Marilyn Monroe rực lửa đó là một Norma Jeane luôn khát khao hoàn thiện bản thân, cả về tâm hồn lẫn thể xác. Vì lý do đó, cô mới cho phép người ta thay tên đổi họ mình — “Marilyn” vì nhiều người thấy cô trông giống ngôi sao Broadway Marilyn Miller, và vì cái tên đọc lên rất thuận miệng với họ thời con gái của mẹ cô là Monroe. 

Tháng 12 năm 1961, tức là 6 tháng trước khi qua đời, Marilyn có gửi một bức thư dài cho thầy Lee Strasberg để nói về các kế hoạch trong tương lai của cô, đặc biệt là dự án thành lập một công ty sản xuất phim với nam tài tử Marlon Brando (diễn viên thủ vai Vito Corleone trong Godfather). Lịch học vũ đạo của cô kín cả tuần. 

Marilyn Monroe và nam tài tử Marlon Brando. Ảnh: ShutterStock 

Người ta đã quên mất rằng “cô gái tóc vàng ngớ ngẩn” ấy đã nỗ lực rất nhiều, đau khổ cũng thật nhiều để cố trở nên xứng đáng với danh hiệu “nữ minh tinh Hollywood”.

Sau khi Marilyn qua đời, chồng cũ của cô — DiMaggio đích thân đứng ra thu xếp. Đó là một đám tang “khiêm tốn”, vì dù Marilyn rất thành công trong nghiệp diễn nhưng số tiền cô nhận được không đủ để xem là một gia tài thực sự. 

Trong The Great Gatsby, nhân vật Nick Carraway căm hờn “lũ bướm đêm” lởn vởn quanh Gatsby ra sao thì DiMaggio uất hận Hollywood chừng đó. Ông cấm giới thượng lưu Hollywood tới đám tang. Ông đổ lỗi cho họ về sự sụp đổ của Marilyn. 

Joe DiMaggio, người chồng thứ 2 của Marilyn, là người đứng ra tổ chức đám tang cho nữ minh tinh. Ảnh: Lawrence Schiller

Còn nhớ khi Nick gặp Gatsby lần cuối, trước khi ra về anh đã quay lại phía Gatsby mà quát vọng: “Bọn họ chỉ là một đám thối tha. Cả lũ khốn ấy gộp lại cũng không xứng đáng với ông đâu.” 

Nhưng thật đáng tiếc, vì Marilyn Monroe hay Jay Gatsby dù có xứng đáng thế nào đi nữa, cuối cùng lại nằm nguyên vẹn trong cỗ quan tài lạnh lẽo để tiến vào giấc ngủ ngàn thu, không bao giờ tỉnh dậy nữa. 

Marilyn Monroe Và Giấc Mơ Mỹ Xa Vời 

F. Scott Fitzgerald viết The Great Gatsby vào năm 1925, được đón nhận nhưng không vang dội tới mức được cho vào hàng kinh điển như ngày nay. 

Chỉ tới những năm 50, 60 — tức là gần hai thập kỷ sau khi Fitzgerald qua đời và là thời điểm Marilyn Monroe tự sát, công chúng mới bắt đầu đón nhận nó rộng rãi và có thể, bấy giờ họ mới nhận ra dụng ý thâm sâu của ông khi viết nên một cuốn tiểu thuyết lãng mạn nhưng mang tính hiện thực đến nghiệt ngã này. 

Tôi vẫn luôn thắc mắc liệu họ có nhận ra những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa cuộc đời Marilyn Monroe và Jay Gatsby hay không, và nếu có, họ có chịu dành thời gian để suy ngẫm về cái giấc Mỹ xa vời mà cả hai người đã để vụt mất?

Nguồn Tham Khảo 

#1. Marilyn ở Manhattan – Bức thư tình gửi tặng nữ minh tinh | Vietnamnet 

#2. Nhật ký cuối cùng của Marilyn Monroe | Báo Công an nhân dân 

#3. VẺ ĐẸP MARILYN MONROE: TẤM VÉ ĐẾN TỰ DO | ELLE 

#4. Cuộc đời bi thảm của biểu tượng gợi cảm Marilyn Monroe | Báo Lao Động