Việc khen ngợi, chê bai một tác phẩm là chuyện bình thường, nhưng tuyệt đối không được cổ suý thói trịch thượng, a dua, quy chụp và bôi nhọ. Tuy nhiên, thực tế hiếm khi được như kỳ vọng: lời nhận xét góp ý thì ít mà lời phán xét vùi dập thì nhiều. 

ẢNH: MICHELLE ROHN/ VOX

Dù là một người yêu thích phim truyện và thậm chí còn viết về những chủ đề này, có thể nói, tôi chưa bao giờ ngấm cho nổi những bài dạng “chê sách”, “chê phim”. Trên Facebook ngày nay còn có cả những fanpage chuyên viết content dạng vậy. Ôi chao, thật là một nỗi xấu hổ. 

Tôi tin rằng, tiêu chuẩn duy nhất bạn cần có để có quyền phê bình một bộ phim là bạn đã xem phim đó rồi. Chuyện tương tự cũng diễn ra với sách. Một bộ phim, cuốn sách ngốn rất nhiều thời gian để thai nghén, nhưng không vì thế mà bất cứ tác phẩm nào cũng có giá trị tương đương. Thời gian thì hạn chế, sức lực thì có hạn, người ta không muốn lãng phí vào những thứ vô bổ. Bởi vậy, họ cần tới những bài viết review. Theo nhiều cách, chúng có thể thúc đẩy độc giả, khán giả tìm tới tác phẩm và ngược lại, xua đuổi họ đi. 

Nhưng thực trạng bây giờ lại không đơn giản tới thế… 

Một bài viết, một video review chỉ toàn khen chứ không thấy chê và lại còn được tài khoản tích xanh đăng không khỏi khiến người ta tin chắc đó là PR; ấy thế ngược lại, một bài viết rặt chê chứ không thấy khen thì được tung hô như rồng rắn lên mây, nào là “cảm ơn bạn đã giúp tôi tiết kiệm chút thành quả lao động của mình”, nào là “Ngài hãy đứng lên và lãnh đạo chúng tôi”. 

Từ bao giờ mà đi chê bai người khác, càng thậm tệ càng tốt lại càng được tung hô tới vậy? Từ bao giờ mà chê sách, chê phim được tách ra hẳn một mảng trong bình luận tác phẩm? 

Đại đa số mọi người đều hiểu sai về việc phê bình. Bản thân từ phê bình dễ khiến người ta hiểu nó theo nghĩa tiêu cực. Từ điển tiếng Việt nêu rõ: phê bình là xem xét, đánh giá ưu điểm và khuyết điểm. Trong đó, việc nêu lên khuyết điểm để góp ý kiến chê trách chỉ là một thái cực của vấn đề. 

Cái hại của chê trách là ở chỗ, nó quá dễ dàng. Điều tiêu cực thì được chú ý hơn điều tích cực. Nó giống như một cái lỗ hổng trên trần nhà. Bất chấp những phần khác còn nguyên vẹn, người ta chỉ chăm chăm vào lỗ hổng đó mà không dứt ra nổi. 

Với một độc giả chưa từng đọc sách hoặc một khán giả chưa từng xem phim trước đó, những lời lẽ công kích mạt sát có thể đuổi họ đi khỏi tác phẩm, thậm chí là hình thành ác cảm với các dự án sau này của tác giả hay nhà làm phim. Mỗi lần một tác phẩm mới chào đời, công chúng lại nhảy vào cấu xé, soi xét tới từng lỗ chân lông để phê phán, vùi dập. Họ mỉa mai chủ nhân của tác phẩm đó và tất cả những kẻ góp tay vào công cuộc đưa nó tới với thế giới loài người. Không ít các tác giả đương thời chết khi bản thân vẫn bị rẻ rúng, từ giã cuộc đời với niềm tin tác phẩm của mình là một chuỗi dài những thất bại nối tiếp nhau vì không nhận được sự hưởng ứng của người đời. Như F. Scott Fitzgerald đã chết trước ngày Đại gia Gatsby được đưa vào hàng kinh điển những hai chục năm, hay trường hợp đáng buồn của nhà văn Vũ Trọng Phụng. 

Don Quixote, pho tiểu thuyết đồ sộ được cho là "cha đẻ" của văn học cận đại. 
ẢNH: LITERACY HUB 

Phê phán thực sự rất dễ. Nếu bạn chưa bao giờ đọc tiểu thuyết Don Quixote, tôi có thể viết tặng bạn một bài khiến bạn thấy nó như tiểu thuyết ngôn tình ba xu. Tôi sẽ chê từ tác giả Cervantes cho tới nhân vật ông nhào nặn lên là chàng hiệp sĩ điên rồ xứ Mancha cùng ông giám mã đần độn, từ lời văn dài dòng lan man cho tới lời lẽ câu nệ theo lối trưởng giả học làm sang. Tôi khẳng định tôi có thể khiến một kiệt tác nghe như thảm hại văn học, khiến bạn nghĩ mọi lời khen tặng được in trên bìa sách là phét lác, là chiêu trò PR rẻ tiền.

Một tác phẩm kinh điển như Don Quixote, đã vượt qua được sự sàng lọc của thời gian, có thể đứng vững trước mọi đòn tấn công hiểm ác như thế; nhưng nếu là một tác phẩm vừa được thai nghén mới đây, những mũi giáo đó sẽ đốn nó nằm rạp ngay trên chiến trường, nơi nó vừa ra trận và có thể vĩnh viễn bị chôn vùi trong sự lãng quên. 

Giờ thì nếu bạn bảo tôi, “Chà, bạn đọc xong Don Quixote rồi đúng chứ? Hãy kể tôi nghe vài điều hay ho để tôi biết mình có nên mua cuốn này không?” thì tôi sẽ lao tâm khổ tứ mất vài ngày để viết ra một bài chất lượng cho ra nhẽ. Tôi không viết cho xong được, không thể bảo với bạn rằng, “À, cuốn này kinh điển lắm, bạn cứ đọc đi rồi biết.” Không có nỗi hổ thẹn nào hơn đối với một độc giả khi cho rằng một cuốn sách hay nhưng chẳng nói nổi nó hay ở đâu. Tôi có nhiệm vụ phải nói với bạn tác phẩm đó giá trị như thế nào, cái nghệ thuật và triết lý sâu sắc được tác giả đan cài vào bối cảnh nó ăn hợp nhau ra sao.

Nếu đủ công tâm, khi đánh giá một tác phẩm, nhiệm vụ chính của người viết là ca ngợi nó; và trong quá trình đó, họ sẽ đồng thời chỉ ra những điểm chưa xứng đáng để ca ngợi. Đó là cái tinh thần cần làm rõ trước khi đặt bút. Họ phải đứng từ ngoài nhìn vào, không được xa rời vị trí của mình là một kẻ trung lập. Lẽ vậy, nếu bạn đọc các bài viết của tôi, bạn sẽ thấy tôi không bao giờ viết dạng content kiểu “chê phim”, “chê sách” cả. Tôi không bao giờ viết những bài khuyên độc giả không nên mua cuốn sách hay không nên xem bộ nào đó. Quyết định là ở họ. 

Khi đọc review, tôi đặc biệt yêu thích những người viết mát tay, thành thực với trải nghiệm của mình và công bằng với trải nghiệm của độc giả. Họ viết chân thật, chỉ ra điều họ thích và không thích, và thường thì họ sẽ khen trước rồi chê sau. Đơn giản mà nói, nó giống như việc bạn thích hay không thích một người nào đó. Nếu đã đáng khen thì khen không hết lời, còn không thì tốt nhất là quên luôn chứ chẳng phải kể lể gì nhiều. Nếu một tác phẩm thực sự tệ (ý tôi là rất tệ), chỉ riêng việc bỏ thời giờ ra nhấm nháp chúng đã được coi là tốn thời gian. Nó không đem lại cho ta thứ gì mới. Khi ta ngồi chê nó, ta lại lãng phí thời giờ vào một thứ không đáng. Nếu đã không hay thì tốt nhất là quên đi. 

Nhân tiện mà nói, gần đây tôi có ra rạp xem hai bộ phim Đất rừng phương NamNgười mẹ cuối cùng. Nhìn chung, dù chẳng kỳ vọng là bao và một phần cũng không ưa Trấn Thành lắm, tôi thấy chúng không tệ như mọi người thường chê bai phim Việt. Mấy ngày sau khi phim ra rạp, tôi thấy các content đả kích trầm trọng vẫn tung hoành ngang dọc khắp các mạng xã hội, nhận về lượt tương tác hơn bất cứ chiến dịch quảng bá nào của nhà làm phim, mà có khi được tung hô bởi những kẻ còn chưa bước ra rạp xem phim đó. Nếu đã chê trách, hãy chê trách trên tinh thần góp ý cải thiện chứ đừng ra tay vùi dập, nhưng đời trớ trêu thay, các bài đánh giá chất lượng thì cứ dạt trôi đi đâu còn bài bôi nhọ toàn tập lại nổi như cồn.

Tôi định bụng sẽ viết review cho hai bộ phim trên, mà tôi thấy có gì khen thì các nhà báo cũng đăng hết rồi, muốn bài viết của mình nổi bật chỉ còn cách đi chê thôi. Tôi thấy nó không đáng chê, vậy nên tôi không viết. Có thể nó chưa đủ hay đến độ tôi buộc phải viết một bài ca tụng cho phải nhẽ, nhưng cũng không tới độ tệ hại như một số nguồn tin rêu rao.

Tôi thực lòng nghĩ là, nếu đã nghĩ xem phim Việt Nam là lãng phí sức lao động của bản thân thì, tốt nhất là bỏ về giữa rạp đi. Đất rừng phương Nam không bao giờ có thể hay như bản truyền hình, và càng không thể sánh với tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi. Nhưng bạn biết mà, ta mong chờ gì ở một tác phẩm chuyển thể từ vài trăm trang giấy gói ghém thành một bộ phim dài độ hai tiếng chứ? Thật kỳ lạ, người ta cho rằng sáng tạo phải mới mẻ, mà khi mới mẻ họ lại phàn nàn nó không theo sát tác phẩm gốc. 

Thật kỳ lạ vì lần tới tôi về nhà sau khi xem một bộ phim Việt Nam, tôi sẽ lại thấy vài bài đăng chê phim "rác", bất kể tôi có tránh né nó tới đâu chăng nữa..