Như bộ phim tiểu sử cho thấy, Enzo Ferrari (Adam River) đã gắn bó với người vợ Laura Garello (Penélope Cruz) trong 54 năm – cho tới lúc bà nhắm mắt vào năm 1978 – nhưng cuộc hôn nhân của họ hoàn toàn không phải một thiên truyện cổ tích đời thực.
Lấy bối cảnh năm 1957, khi Ferrari đang dẫn đầu ngành công nghiệp đua xe thể thao, người xem chứng kiến mối quan hệ của Enzo và Laura rạn nứt như thế nào sau khi cậu con trai 24 tuổi của họ qua đời. Phim cũng khắc hoạ chi tiết về mối tình ngoài luồng của Enzo và Lina Lardi (Shailene Woodley); họ có với nhau một con trai, Piero (Giuseppe Festinese), người sẽ trở thành chủ nhân của gia tài Ferrari.
Bằng cách kết thúc Ferrari với vụ tai nạn chết người tại Mille Miglia năm 1957, bộ phim nhấn mạnh nỗi ám ảnh về việc lái xe đua của Ferrari và nỗi dằn vặt đeo bám ông cả đời. Đây là câu chuyện thực đằng sau bộ phim.
Enzo Ferrari là ai?
Bộ phim Ferrari lấy bối cảnh năm 1957, khi doanh nhân đua xe thể thao kiêm nhà sáng lập thương hiệu Ferrari đang quay cuồng trong đau buồn sau cái chết của người con trai vào năm trước đó, và những chiến mã thép của ông đang tất bật chuẩn bị cho Mille Miglia, cuộc đua đường trường hấp dẫn nhất thời bấy giờ.
Lái xe đua đặc biệt nguy hiểm trong thời đại đó vì nó diễn ra trên những con đường rộng mở, và cả tay đua cũng như khán giả thường xuyên thiệt mạng trong những sự kiện này. Bộ phim kết thúc với sự việc thương tâm tại Mille Miglia năm 1957, như trong phim, khi cuộc đua sắp kết thúc, gần Mantua, chiếc Ferrari 335 S do Alfonso de Portago điều khiển bị nổ lốp khiến nó văng ra khỏi đường đua, khiến người lái xe và hoa tiêu Edmund Nelson thiệt mạng. Chín khán giả cũng không qua khỏi, trong đó có 4 trẻ em.
Thảm kịch này cũng đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên của những cuộc đua xe rộng mở.
Đời sống tình cảm phức tạp của Enzo Ferrari
Ferrari và Laura Garello gặp nhau lần đầu ở Turin. Họ sống với nhau được hai năm và kết hôn vào tháng Tư năm 1923. Nhưng theo Brock Yates, người viết tiểu sử về Ferrari, cuộc hôn nhân của họ sớm đi vào ngõ cụt vì tính trăng hoa của người chồng.
Yates viết rằng Ferrari coi hôn nhân như một lá chắn để giữ gìn vẻ ngoài. Việc ly hôn cũng bị phản đối ở nước Ý, nơi đa số người dân theo đạo Công giáo. Suốt cả đời, Ferrari là người bị ám ảnh bởi tình dục, luôn đắm chìm trong những cuộc phiêu lưu thể xác và thú vui nhục cảm.
Như Ferrari từng viết vào năm 1961, khi ông đang cùng lúc hẹn hò ba người phụ nữ, “Tôi tin chắc rằng khi một gã đàn ông nói với một người phụ nữ rằng gã yêu cô ta, gã chỉ có ý là gã khao khát cô ta và tình yêu hoàn hảo duy nhất trên đời này là tình yêu của một người cha dành cho con trai mình.”
Quả vậy, lời nhận xét đầy phiến diện ấy được đưa ra 5 năm sau cái chết của cậu con trai Dino. Điều duy nhất giữ Enzo và Laura ở bên nhau là tình yêu của họ dành cho cậu con trai bạc phận. Mặc dù Dino sớm mắc các chứng bệnh mãn tính và luôn tỏ ra dè dặt, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp anh lượn quanh nhà máy. Anh chưa bao giờ đua xe vì thể trạng của mình, nhưng Ferrari đã tậu hẳn cho anh một dàn xe để lái khắp nơi cho khuây khoả. Ferrari cũng ghi công Dino vì đã thiết kế các bộ phận động cơ ô tô khi anh nằm liệt giường.
Như John Nikas, nhà văn và chuyên gia về lịch sử xe hơi, nhà sáng lập Đại sảnh Danh vọng Xe thể thao Anh, cho biết: “Tình yêu thực sự trong đời anh ấy (Ferrari) là đua xe và Dino.”
Sau khi Dino qua đời vào năm 1956, bà Laura can thiệp nhiều hơn vào hoạt động của Công ty Ferrari ở Modena, mà như Nikas tả lại thì “thường xuyên rình mò trên sàn và gây khó khăn cho cuộc sống của nhân viên.” Trong khi đó, Ferrari chỉ chú tâm vào những chiếc xe đua, chẳng mấy đoái hoài tới các tay lái cũng như những nhân tình nữa. Mối quan tâm duy nhất của ông là chiến thắng, và không quan tâm tới các tài xế.
“Đó thực sự là những gì đã xảy ra.”
Trong suốt bộ phim, có thể thấy Ferrari cố gắng nương tựa vào Lina Lardi, người xuất hiện trong phần lớn tiểu sử về vị doanh nhân này. Họ gặp nhau vào khoảng năm 1944, Lardi là một nhân viên trong nhà máy của Ferrari trong thời kỳ Thế chiến II. Khi bà hạ sinh Piero, đứa con riêng của họ, Ferrari đã bí mật đến thăm bà tại nhà riêng ở Castelvetro, quê của bà. Bộ phim có mô tả một số lần viếng thăm này, bao gồm cả lần Ferrari dẫn Piero đến thăm mộ Dino, người anh cùng cha khác mẹ của anh.
Sự tồn tại của Piero Lardi phần lớn được giữ bí mật. Chỉ một số ít bạn tâm giao của Ferrari biết tới sự tồn tại của cậu con trai. Nhưng vào cuối những năm 1950, Laura đã phát hiện ra cuộc sống ngoài lề của chồng. Trong tiểu sử cũng đề cập tới chuyện Ferrari định hướng Piero vào công ty của mình như để chuẩn bị cho việc tiếp quản đế chế, và bất cứ khi nào Laura thấy Piero lảng vảng trong nhà máy, bà sẽ hét lên “Đồ khốn nạn!”.
Năm 1963, có thông tin cho rằng một ngày nọ, Piero định lẻn vào văn phòng của cha nhưng đã nhìn thấy Laura và bỏ chạy trước khi bà nhận ra anh. Trong phim, có một số phân cảnh về cuộc trao đổi căng thẳng giữa Ferrari và Laura khi bà buộc tội ông đã thay thế Dino bằng Piero. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra.
Sau khi Laura qua đời năm 1978, Ferrari chính thức nhận nuôi Piero, lấy tên là Piero Lardi Ferrari. Ông hiện là tỷ phú và phó chủ tịch của Công ty Ferrari, tài sản ròng ước tính tới đầu năm nay là 7,2 tỷ USD. Chia sẻ với tờ Los Angeles Times vào tháng 11 vừa qua, ông thừa nhận câu chuyện diễn ra trong phim là có thật – “đó thực sự là những gì đã xảy ra.” “Cha tôi là người luôn nhìn về phía trước, tiến về phía trước và không bao giờ lùi bước,” ông nói thêm.
Và bộ phim có vẻ như nắm bắt được điều gì đó đúng với tinh thần ấy.