Ít ai biết, vai diễn Holly Golightly trong Bữa sáng ở Tiffany's ban đầu vốn được nhắm tới minh tinh Marilyn Monroe chứ không phải Audrey Hepburn. Nhưng như lịch sử tự chứng minh, hình ảnh Hepburn với chiếc váy đen hiệu Givenchy, kính râm cùng tẩu thuốc dài quá cỡ trên tay, đến nay đã trở thành một trong những biểu tượng kinh điển về thời trang và điện ảnh thế kỷ 20. 

Nhà văn Paul Varjak (George Peppard) và Holly Golightly (Audrey Hepburn) trong "Bữa sáng ở Tiffany's" (1961). Ảnh: Everett Collection

Bước ngoặt của nhà văn 

Truman Capote ban đầu định bán Bữa sáng ở Tiffany's cho tờ Harper’s Bazaar để xuất bản trong số tháng 7 năm 1958. Tuy nhiên, một vài tranh chấp vào phút chót đã dẫn đến việc ông phẫn nộ bán lại tác phẩm cho Esquire. Cuốn tiểu thuyết sau đó xuất hiện trên số tháng 11 năm 1958, và, những bài phê bình tích cực đã khiến doanh số bán tạp chí Esquire tăng vọt. 

Truman Capote là bạn thân thời thơ ấu của Harper Lee, tác giả cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại nổi tiếng. Ảnh: New York Public Library

Nhân vật chính của Bữa sáng ở Tiffany's, nàng Holly Golightly, đã trở thành một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của Truman Capote. Cuốn tiểu thuyết là một bước ngoặt trong đời văn của Capote, như ông từng nói với Roy Newquist (Counterpoint, 1964): “Tôi nghĩ mình có hai sự nghiệp. Một là sự nghiệp nảy nở sớm, một kẻ trẻ người non dạ đã xuất bản một loạt sách khá là đáng chú ý… Sự nghiệp thứ hai của tôi, tôi nghĩ nó thực sự bắt đầu với Bữa sáng ở Tiffany's.” 

Capote, người đã tập tành viết văn từ năm 11 tuổi, cho rằng Bữa sáng ở Tiffany's hàm chứa “một lối viết khác ở một đẳng cấp khác” so với các tác phẩm trước đó của ông. Lối hành văn tuyệt mỹ này đã khiến nhà văn Norman Mailer gọi Capote là “nhà văn hoàn hảo nhất thế hệ tôi. Ông viết nên những câu văn hay nhất, đẹp đến từng con chữ, từng nhịp điệu.” 

Sàn diễn thời trang của Audrey Hepburn 

Audrey Hepburn trong vai Holly, với tẩu thuốc dài quá cỡ trên tay, được xem như một trong những biểu tượng đáng nhớ nhất của điện ảnh Mỹ thế kỷ 20. Ba bộ váy mà nhà thiết kế Givenchy dành cho Hepburn trên phim đã trở thành những bộ trang phục gây ảnh hưởng nhất lịch sử thời trang, đặc biệt là bộ váy đen mặc ở đầu phim. 

Ảnh: Everett Collection 

Trong quá trình viết, chính Capote đã mường tượng trong đầu ra một vài gương mặt điển hình để tạo nên Holly Golightly, và, khi ông bán bản quyền làm phim cho hãng Paramount, ông đinh ninh rằng Marilyn Monroe phải sắm vai chính. 

Tuy nhiên, khi đạo diễn, nhà sản xuất kiêm bậc thầy diễn xuất Lee Strasberg khuyên Monroe rằng đóng vai một cô gái điếm có thể gây hại cho hình ảnh của cô, cô liền từ chối. Thực ra, Holly không phải gái điếm, mà theo Capote, cô ấy giống với khái niệm geisha của Nhật Bản hơn. 

Khi biết Audrey Hepburn vào vai Holly Golightly, Truman Capote đã nói rằng: "Paramount đang qua mặt tôi bằng cách cho Hepburn vào vai Holly." Ảnh: MovieWeb 

Vai diễn sau đó về tay Audrey Hepburn, người đã thể hiện một Holly Golightly nhẹ dạ, lập dị và thực dụng xuất sắc tới mức tên tuổi của bà vĩnh viễn gắn liền với vai diễn này. Bản thân Hepburn cũng coi đây là một trong những thách thức lớn nhất của mình khi nhân vật này hoàn toàn trái ngược với con người thật của bà: Hepburn hướng nội, sâu lắng còn Golightly hướng ngoại, ưa tiệc tùng, nói nhiều và đặc biệt phù phiếm. 

Một điểm nhấn khác của phim là ca khúc “Moon River” do chính Hepburn thể hiện, giành giải Oscar cho Ca khúc hay nhất. Ngoài ra, bộ phim còn nhận được một giải Oscar khác cho Nhạc phim hay nhất, cùng với đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Hepburn, Chỉ đạo nghệ thuật và Kịch bản chuyển thể. 

Viện phim Mỹ (AFI) đã xếp Bữa sáng ở Tiffany's thứ 61 trong tổng 100 phim lãng mạn hay nhất và “Moon River” thứ 4 trong 100 ca khúc trong phim hay nhất vào năm 1999. Tuy vậy, ảnh hưởng của phim lớn hơn nhiều do đặc tính thời trang và sự phá cách trong hình tượng nhân vật Holly, vốn có liên quan tới giá trị văn học của tác phẩm gốc. 

Hội chợ phù hoa 

Váy đen, găng tay kéo tới tận khuỷu, kính râm và điềm nhiên ăn sáng trước cửa hiệu Tiffany’s – tất cả những chi tiết trên đã tạo nên một trong những phân cảnh biểu tượng nhất Hollywood đương thời. Mỗi lúc buồn bực hay chán nản, nàng Holly Golightly lại ăn vận xinh đẹp, bắt taxi tới trước Tiffany's, vừa nhìn ngắm qua tấm cửa kính vừa ăn sáng, vậy là mọi phiền lo chợt tan biến, mọi ưu tư bỗng hóa thinh không. 

Tiffany’s, một tên gọi không mấy xa lạ, là cửa hiệu của hãng kim hoàn và trang sức cao cấp hạng nhất nước Mỹ, ngụ tại khu thượng lưu Manhattan, thành phố New York. Lớp vỏ bọc khoa trương, hay cái bề ngoài hoàn hảo của Tiffany's, khiến tâm trí của Holly dịu xuống. Cô coi việc ăn sáng ở Tiffany's như một liều thuốc trấn an, vực lại tinh thần bởi nó khiến cô tin rằng mọi điều tốt đẹp sẽ luôn ở đó. 

Tiffany's chào đón cô. Tiffany's luôn ở đó, chờ cô đến với nó. 

Phân cảnh đầu tiên mang tính biểu tượng của Bữa sáng ở Tiffany's. Ảnh: Wikimedia Commons 

Capote đã viết câu chuyện này bằng một giọng văn có phần hài hước và châm biếm, do vậy, không bất ngờ mấy khi chính cái tựa đề “Bữa sáng ở Tiffany” cũng mang tính giễu cợt. Giống như một kẻ nghèo đói ước ao cuộc sống giàu sang những tin rằng gấm vóc lụa là sẽ khiến y hạnh phúc hơn, Holly Golightly cũng nhìn Tiffany's với một niềm tin tương tự. Bữa sáng ở Tiffany's, một mặt là ẩn ý về một cuộc sống phù hoa, đẳng cấp; một mặt cho thấy nó chẳng hơn gì một ảo vọng hão huyền. 

Holly là cô gái vùng Texas bỏ lên New York, kiếm tiền nhờ đưa tin cho một trùm ma tuý đang ngồi tù. Khao khát duy nhất trên đời của nàng là trở nên giàu có, để nàng có thể lo cho người em trai Fred, và để có thể bước chân vào Tiffany's - hay nói cách khác, gia nhập thế giới thượng lưu. Hiển nhiên, cách đổi đời khả dĩ nhất với Holly là cưới một tấm chồng giàu, giàu nứt đố đổ vách, dù lão có già có xấu nàng cũng chẳng quan tâm. 

Holly tôn thờ vật chất, khao khát cuộc đời phồn vinh, sùng bái thú vui xa xỉ của kẻ lắm tiền. Nàng cố đến được thế giới đó qua con đường tắt, nhưng ngòi bút của Capote như đá tảng rào hết lối đi. 

Cuối cùng, ông để nàng trơ trọi tại một vùng đất mới, và cuộc đời của nàng sau đó mãi là một dấu chấm hỏi đối với độc giả. 

Hương vị của Hollywood 

So với tiểu thuyết gốc, bộ phim Bữa sáng ở Tiffany's có phần kém chua chát và nghèo tính hiện thực hơn, thay vào đó là tông màu tươi sáng và hương vị lãng mạn của Hollywood. Bước lên màn ảnh, Holly có một cái kết trọn vẹn với nhà văn Paul Varjak, thay vì dọn đến một xó xỉnh nào đó ở châu Phi rồi bặt vô âm tín như trong truyện.

Bước lên màn ảnh, Holly có một cái kết trọn vẹn với nhà văn Paul Varjak đúng chất Hollywood. 

Sự điều chỉnh này là khá hợp lý bởi nó đảm bảo tính thương mại cho tác phẩm, và, nó khiến người xem toại nguyện hơn. Với những độc giả từng đọc truyện và không thể chịu nổi cái kết chưng hửng của Capote, viễn cảnh hạnh phúc mở ra với Holly ở cuối phim có thể được xem như một giải pháp, dù rằng nó gần như phá vỡ tính hiện thực của tác phẩm. Nhà viết tiểu sử của Capote, Gerald Clarke cho rằng bộ phim là một “lễ tình nhân” dành cho những phụ nữ có tinh thần tự do hơn là một lời cảnh báo về những cô gái nông thôn nhẹ dạ trên thành phố lớn. 

Tất nhiên, thông điệp của đoàn làm phim vẫn có sức nặng và xứng đáng được tôn vinh: Holly, sau mọi biến cố và hiểu lầm, đến với Paul Varjak; hiểu rằng cuộc sống không chỉ được dệt lên từ tiền bạc đá quý mà còn nhiều tình cảm giản dị mà giá trị hơn.