Từ doanh nghiệp bán lốp xe
Một ngày tình cờ năm 1889, hai anh em người Pháp Edouard Michelin và Andre Michelin, lúc này đang kinh doanh nông cụ ở Clermont-Ferrand thì có một người đi xe đạp có lốp hơi cần sửa đến nhờ giúp.
Lốp dính vào vành như keo 502, hai anh em Michelin chật vật suốt 3 tiếng đồng hồ mới tháo ra nổi. Ngày hôm sau, Edouard mang chiếc xe đạp vào sân nhà máy chạy thử. Tuy nhiên, mới đi được vài trăm mét thì bị thủng lốp.
Thất bại này không đủ dập tắt ngọn lửa đang nhen nhóm trong đầu Edouard về một loại lốp khí nén không cần dán vào vành.
Hai năm trời nghiên cứu và anh em Michelin cuối cùng cũng lấy được bằng sáng chế đầu tiên cho lốp khí nén có thể tháo rời được.
Năm 1891, họ thành lập công ty Michelin.
Nhưng đó chưa phải phần hay nhất.
Tới phê bình ẩm thực
Nguồn gốc ra đời của sao Michelin gắn liền với việc phát minh ra xe hơi năm 1900.
Thời buổi này, cả nước Pháp gộp lại được vỏn vẹn chừng 3.000 chiếc ô tô. Dân chúng thì ghét cay ghét đắng mấy đống sắt được chắp vá lại và nhả khói vù vù kia. Họ thích đi xe ngựa, hoặc tàu hỏa nếu có cần đi xa.
Doanh thu bán lốp của Michelin đâm ra ế ẩm. Nhưng hai anh em đã gặp may khi thời điểm 1900 đó, Pháp được xem là điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu, và hành khách thì cần một bản chỉ dẫn cụ thể nên ăn nhà hàng nào, tới những đâu,... Không ai khác, Michelin chính là người đáp ứng điều đó. Michelin Guide ra đời.
Cuốn Michelin Guide đầu tiên in 35.000 bản kèm theo bản đồ, cùng hướng dẫn cách sửa chữa và thay lốp. Nhưng cái làm nó hay ho là loạt danh sách các nhà hàng, khách sạn, cơ khí và trạm xăng dọc theo các tuyến đường phổ biến ở Pháp.
Michelin đã phân phát cuốn sách miễn phí với hy vọng thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe hơi. Dùng xe hơi nhiều thì lốp mòn, có vậy Michelin mới bán được lốp. Thiên tài!
Đúng như họ dự đoán, trong thập kỷ đầu tiên ra đời, Michelin Guide đã thành công vang đội. Thành công tới mức nó cần phải được in ra và cập nhật liên tục để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn gốc của sao Michelin
Phải tới hơn một phần tư thập kỷ sau đó sao Michelin mới ra đời.
Michelin Guide đã có thời kỳ ngừng sản xuất trong Thế chiến I, nhưng đã tái hoạt động vào năm 1920. Họ vẫn phân phát miễn phí, và công ty phải chịu phần chi phí để cập nhật bản hướng dẫn thường niên.
Nhưng sau 20 năm, nó không còn lạ lẫm gì với mọi người. Đó là điều hiển nhiên, và bị lợi dụng. Anh em Michelin đã thấy một chồng tạp chí trong sân trước ga-ra của ngôi nhà kia, sử dụng để chêm chân bàn.
Họ tức giận. Con người chẳng biết trân trọng những gì đến với mình quá dễ dàng. Và họ quyết định ngừng phân phát miễn phí. Một mức giá được đưa ra, đồng nghĩa tổng số phát hành sẽ giảm.
Giờ đây, người ta phải bỏ ra một khoản kha khá để sở hữu quyển hướng dẫn, nên họ giữ gìn. Không có chồng tạp chí nào dùng để kê chân bàn nữa. Và hiển nhiên Michelin Guide bắt đầu có đời sống riêng của nó.
Không còn dính dáng gì tới lốp xe, xe hơi, hay ga-ra nữa, cũng chẳng còn quảng cáo luôn. Giờ đây, người tiêu dùng xem nó như là sách hướng dẫn và đánh giá chất lượng nhà hàng.
Điều này đồng nghĩa với việc các bếp trưởng sẽ tung hết khả năng để được vào danh sách đó và họ phải tiếp tục “chiến đấu” để nâng cao thứ bậc.
Những đầu bếp trứ danh, tự hào những gì mình đạt được, sẽ phô trương những ngôi sao thật nổi bật. Còn thực khách, với những bếp trưởng đạt sao Michelin, sẽ xem đó là nhà hàng có uy tín.
Vậy một nhà hàng có thể đạt tối đa bao nhiêu sao Michelin?
Nếu nhà hàng có 3 sao Michelin, bạn phải đặt bàn trước một năm
Xếp hạng sao Michelin đầu tiên ra đời năm 1926. Họ trao một sao duy nhất cho bất cứ nhà hàng nào ở Pháp được xem là “cơ sở ăn uống cao cấp”, phỏng theo nhiều tiêu chí. Năm năm sau, hệ thống mở rộng thành xếp hạng ba sao Michelin và tiếp tục cho đến ngày nay, cụ thể:
- 1 sao: Đáng để bạn dừng lại
- 2 sao: Xứng đáng để bạn ghé thăm
- 3 sao: Xứng đáng để bạn làm một chuyến hành trình đặc biệt.
Và ngày nay, tầm ảnh hưởng của sao Michelin không chỉ dừng lại ở lãnh thổ Pháp mà còn lan rộng khắp các nước trên toàn thế giới. Các nhà hàng ganh đua nhau để giành lấy các ngôi sao Michelin như một tấm bằng danh dự, một minh chứng cho chất lượng nhà hàng.
Đầu bếp bậc thầy quá cố, Joel Robuchon từng khẳng định với tạp chí Food & Wine rằng: “Với một sao Michelin, bạn phát triển được khoảng 20% công việc kinh doanh. Hai sao, thêm khoảng 40% và với ba sao, sẽ là khoảng 100%.”
Trong cuốn Ngấu nghiến nghiền ngẫm, Dave Trott thậm chí còn mạnh miệng hơn nữa khi nói:
"Nếu nhà hàng có 1 sao Michelin, đầu bếp có thể bán món ăn với giá cao.
Nếu nhà hàng có 2 sao Michelin, người ăn có thể xếp hàng qua góc ngã tư.
Nếu nhà hàng có 3 sao Michelin, bạn phải đặt bàn trước một năm."
Những thống kê và kỳ vọng tại những địa chỉ ẩm thực trên khắp thế giới đã minh chứng rằng Michelin Guide và danh sách các địa chỉ ẩm thực được gắn sao là “cú hích”, cho không chỉ sự phát triển của nền ẩm thực mà còn của cả kinh tế và ngành du lịch của các quốc gia.
Đầu bếp tài ba phải dành cả đời để đạt được, và giữ lấy các sao Michelin cho nhà hàng của mình. Chả trách sao mà ông thần Ramsay bật khóc trước sóng truyền hình khi bị thanh tra thu hồi mất 2 sao.
À, năm 2023 này Việt Nam mình có 4 nhà hàng được gắn sao Michelin đó.
Làm thế nào để một nhà hàng có được sao Michelin?
Đầu tiên, nhóm Michelin Guide sẽ chọn một số nhà hàng ở những địa điểm cụ thể để đánh giá bởi một người thanh tra ẩn danh.
Sau khi đến thăm nhà hàng đã chọn, họ viết một báo cáo toàn diện về tổng thể trải nghiệm ẩm thực, bao gồm chất lượng và cách trình bày các món ăn, cùng với các tiêu chí đánh giá khác như cá tính của đầu bếp, giá trị cảm nhận về bữa ăn hay tính nhất quán giữa các chuyến thăm khác nhau.
Xong xuôi, nhóm các thanh tra viên Michelin sẽ bàn bạc để phân tích các báo cáo và thảo luận chuyên sâu, rồi đưa ra quyết định nhà hàng nào xứng đáng nhận sao Michelin.
Một chuyện khá thú vị khác là các thanh tra Michelin hành sự không khác nào công an giả danh dân thường. Họ hành động như một thám tử, và thậm chí còn giữ bí mật về công việc ngay cả với bạn đời.
Tranh cãi xung quanh Michelin
Nhiều người cho rằng có sự thiên vị nặng nề trong Michelin Guide, khi họ quá để tâm tới ẩm thực Pháp và Đông Á. Và không phải đầu bếp nào cũng khóc nhè khi mất sao như Ramsay, đôi khi họ còn ước được thế nữa là.
Đầu bếp Marco Pierre White nói “Tôi không cần Michelin và họ cũng không cần tôi” trong buổi chia sẻ với Channel News Asia. Ông đã trao lại tất cả ngôi sao của mình vào năm 1999 và đến năm 2015, ông chốt một câu xanh rờn: “Những người trao sao Michelin cho tôi có ít kiến thức hơn tôi.”
Supinya Junsuta, đầu bếp và chủ sở hữu của Raan Jay Fai – “quán ăn vỉa hè ngon nhất Thái Lan” cho biết: “Tôi ước mình có thể trả lại ngôi sao.” Sự gia tăng nhu cầu và áp lực to lớn để vừa đáp ứng khách hàng vừa duy trì các tiêu chuẩn có thể là một thách thức.
Tuy nhiên đó chỉ là số hiếm, còn lại với hầu hết các đầu bếp, sao Michelin vẫn là giải thưởng mà nhiều đầu bếp mơ ước chạm tới một lần trong đời.
Đọc thêm các bài viết thú vị khác
#1. Thất Bại Của Kodak: Sự Lụi Tàn Của Một Đế Chế Nhiếp Ảnh - Nắm giữ một loạt ưu thế đó trong suốt gần như toàn bộ thế kỷ 20, nhưng một loạt các quyết định sai lầm đã khiến đế chế máy ảnh Kodak lụi bại và thành công của họ dần trôi vào dĩ vãng. Điều gì đã xảy ra? Và bạn có thể học được gì từ thất bại này?
#2. Leica: Màn Hồi Sinh Ngoạn Mục Từ Thương Hiệu Máy Ảnh Đẳng Cấp Bậc Nhất - Bài học thất bại của Leica không phải chỉ là của riêng đối với thương hiệu này mà thấy cả ở rất nhiều thương hiệu khác trong thế giới thương hiệu. Nhưng bài học thành công của nó thì không giống ở đâu khác, không lẫn đi đâu được và cũng không dễ bắt chước.