Vụ tàu lặn Titan gặp tai nạn khiến cả 5 du khách thiệt mạng trong hành trình khám phá xác tàu Titanic đang là tâm điểm sự chú ý trong những ngày qua.

Hình thức thám hiểm lặn xuống mực nước sâu hàng nghìn mét trên hay leo núi Everest, xa hơn là du hành vũ trụ có thể tiêu tốn chi phí lên tới hàng chục triệu USD (rất rất nhiều tỷ đồng), bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới tính mạng. 

Thế nhưng vì sao vẫn có nhiều du khách giàu có sẵn sàng “rút hầu bao”? 

Chuyện gì đã xảy ra? 

Ngày 18/6, tàu Titan chở 5 người gồm 4 du khách lặn xuống đáy Đại Tây Dương để tham quan ngắm xác tàu Titanic. Mặc dù đã được cảnh báo trước, chỉ sau khoảng 1 tiếng 45 phút khi lặn xuống đại dương, tàu Titan bị mất liên lạc. 

Tới rạng sáng 23/6 (giờ Việt Nam), Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tuyên bố tàu Titan đã phát nổ thảm khốc, khiến cả 5 người thiệt mạng. 

Ngay trước buổi họp báo của cảnh sát biển, Công ty OceanGate Expeditions đã xác nhận không có ai sống sót trên tàu, bao gồm cả người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty – ông Stockton Rush, cũng là thuyền trưởng tàu lặn.

Bốn người còn lại là tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, 58 tuổi; doanh nhân gốc Pakistan Shahzada Dawood, 48 tuổi và con trai 19 tuổi, Suleman, đều là công dân Anh; nhà hải dương học người Pháp kiêm chuyên gia Titanic nổi tiếng Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi, người đã đến thăm xác tàu hàng chục lần. 

Chân dung 5 nạn nhân xấu số, bao gồm cả thuyền trưởng là CEO của OceanGate tham gia chuyến đi 

Cũng tại cuộc họp báo, cuộc tìm kiếm đa quốc gia này được tuyên bố kết thúc. Nhưng nhân lúc vẫn còn nóng hổi, hãy cùng đào sâu thêm chút nữa. Họ đã bỏ ra bao nhiêu để tự đưa mình vào chỗ chết như vậy? 

Cái giá phải trả 

Tàu Titanic nằm sâu dưới đáy đại dương ở độ sâu khoảng 3.800m suốt 111 năm qua và sự kỳ bí đó đôi khi khiến máu khám phá của một số người dâng lên một chút. 

Hiện nay, OceanGate là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tham quan ngắm xác tàu Titanic. Vé ngắm tàu của bạn là 250.000 USD (khoảng 5,8 tỷ đồng). Thế mà những người đam mê khám phá với hầu bao rộng vẫn kéo đến để trải nghiệm chuyến đi đắt đỏ này. Và David Pogue là một trong số đó. 

Pogue cho biết, tàu chỉ có “một nhà vệ sinh” thiết kế thô sơ và rất ít đồ ăn. Tàu lặn Titan chỉ dài 6,7m, cao 2,8, nên phần lớn thời gian trên tàu, khách được yêu cầu ngồi yên một chỗ. Cả tàu chỉ có một ô cửa số để nhìn ra ngoài. 

Tàu lặn khá nhỏ và chỉ có một ô cửa sổ để nhìn ra ngoài 

Trước khi chấp nhận tham gia chuyến đi vào 2022, Pogue phải ký vào văn bản xác nhận rằng “chuyến đi có thể gây ra chấn thương về thể chất, tổn thương tinh thần, hoặc thậm chí tử vong”. 

Thực tế, có nhiều cuộc thám hiểm còn “kinh dị” hơn cả ngắm xác tàu Titanic. Đỉnh Everest là ví dụ điển hình, và cái giá phải trả cho khát khao chinh phục trong bạn là từ 40.000 đến 200.000 USD (từ 0,9 đến 4,7 tỷ đồng). Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền đó để trải nghiệm cảm giác đứng trên “nóc nhà của thế giới”, nhưng nhiều người đã bỏ luôn mạng sống của mình trên hành trình leo núi. 

Đam mê khám phá của… người giàu 

Theo Benedict Allen, nhà văn và cũng là nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh, mỗi khi bắt đầu chuyến đi đến một vùng đất xa lạ trên hành tinh, bạn sẽ luôn ý thức rõ ràng về những rủi ro có thể ập tới, thậm chí là cái chết của bản thân. Nhưng Allen luôn có cảm giác đạt được thành tựu phi thường sau những chuyến đi đầy thử thách đó. Tôi nghĩ, đó là cảm giác thỏa mãn tính tò mò và niềm tự hào về bản thân khi đạt được thành tựu “hơn người”. 

Tỷ phú Richard Branson là người từng nắm giữ 4 kỷ lục thế giới với những chuyến đi bằng khinh khí cầu và sau đó bay thành công vào vũ trụ. Tỷ phú người Anh cho rằng trở thành nhà thám hiểm là cảm giác “vô cùng thỏa mãn về sự tồn tại của bản thân”. 

Tờ Business Insider nhận định khá thú vị rằng, những người thành công có xu hướng tin họ sẽ thành công trong mọi lĩnh vực, ngay cả những việc họ không có kinh nghiệm hoặc có thể dẫn đến rủi ro lớn như vụ thám hiểm tàu Titanic. 

Những người siêu giàu vốn đã có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Họ nhìn cuộc sống bằng lăng kính khác người bình thường. Vốn dĩ đã khác biệt với phần đông, họ đến những nơi khác lạ, thử những thú vui khác lạ để trải nghiệm những điều khác lạ – những điều mà người thường như chúng ta không bao giờ nghĩ tới, hoặc không tài nào chi trả nổi.  

Chính vì vậy, trải nghiệm lặn xuống đại dương, bay vào vũ trụ, chinh phục đỉnh Everest hay bất cứ thú vui xa xỉ nào mà chỉ các “đại gia” mới kham nổi dần trở thành “biểu tượng địa vị”.  

Vào năm 2021, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon đã đến thăm rìa không gian thông qua chuyến bay do chính công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của ông thực hiện. Một vé cho chuyến bay vũ trụ Blue Origin như vậy, kéo dài 11 phút, được bán đấu giá ở mức 28 triệu USD (658,7 tỷ đồng) tại thời điểm đó. 

Theo Reuters, công ty của Bezos ước tính vào năm 2018 rằng vé trong tương lai có thể sẽ rơi vào khoảng 200.000 đến 300.000 USD (từ 4,7 đến 7,1 tỷ đồng) 

Và tất nhiên Elon Musk hay Richard Branson không thể nào làm ngơ, họ cũng rót hàng đống tiền vào mục tiêu đưa con người ra khỏi quỹ đạo Trái Đất trong những năm tới. 

Chinh phục đỉnh Everest hay thám hiểm đại dương thì ít tốn kém hơn nhưng cũng có mức giá trên trời mà chỉ người giàu mới “chốt đơn” được, giúp họ tách biệt với số đông. Chi phí dao động 27.000 - 82.000 USD/chuyến lên đỉnh núi (hơn 600 triệu - 1,9 tỷ đồng) và 213.000 - 750.000 USD/vé thám hiểm đại dương (tương đương 5 - 17 tỷ đồng).

Mình thích thì mình đi thôi!  

Giờ hãy khoan vụ “biểu tượng địa vị” hay “thỏa mãn về sự tồn tại của bản thân” nhé, một số người chi tiền cho những chuyến đi mạo hiểm chỉ vì… thích. Hãy nghe qua trường hợp của Bill Price (71 tuổi), người từng ngồi trong tàu Titan của OceanGate vào 2 năm trước. Ông nói: 

“Tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra, bao gồm cả cái chết, điều này rất thực tế. Về cơ bản, bạn cần biết điều đó… Nhưng thành thật mà nói, tôi không thực sự quan tâm mấy. Để thực sự trải nghiệm mọi thứ, đôi khi bạn phải chấp nhận rủi ro và tôi đã thực hiện sứ mệnh ấy của mình.”

Đó cũng không phải lần mạo hiểm duy nhất của Price, ông đã theo đuổi những cuộc phiêu lưu và đánh cược mạng sống của chính mình trong suốt cuộc đời. “Nghĩ lại, có lẽ hơi liều lĩnh, đặc biệt là khi tôi có vợ, hai con và một cháu gái ở nhà”, Price nói thêm. 

Hình ảnh Bill Price trong chuyến tàu lặn cùng OceanGate thăm xác tàu Titanic vào năm 2021 

Tôi có thể nói thẳng luôn không? Ông Price này sống như không còn gì để mất, trong khi ông ta có cả đại gia đình ở nhà. Nhưng đó cũng là “sứ mệnh” của ông mà… 

Nhiều người sẵn sàng công kích lối sống của Price hay những nạn nhân tàu Titan kia là đốt tiền, ném tiền qua cửa sổ hay không biết coi trọng mạng sống của mình. Họ có thể đã quá giàu, giàu tới nỗi tiền bạc đối với họ chưa bao giờ là vấn đề, và họ sẵn sàng chi hàng núi tiền để mua về niềm vui. Chúng ta vẫn bỏ tiền ra để mua niềm vui suốt đó thôi, chúng ta cũng như họ, chỉ là họ bỏ nhiều tiền hơn cho cái thú vui cao cấp hơn. 

Còn tôi thì sao, tôi nghĩ gì về vấn đề này? Nói thật nhé, ở trên quan điểm trung lập, tôi nghĩ đây chỉ đơn thuần là một tai nạn. Nó giống như một vụ tai nạn cá mập vậy. Có thể làm người ta sợ đi biển trong một vài tháng, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy. Có thể chính nhờ vụ này mà nhiều người giàu có bỗng nhiên biết thêm mình có thể tặng vé thám hiểm xác tàu Titanic cho con trai nhân dịp sinh nhật cũng nên. 

Đạo diễn phim “Titanic” nói gì về sự kiện này? 

James Cameron, đạo diễn bộ phim kinh điển Titanic đoạt giải Oscar, là một người đam mê thám hiểm biển sâu chính hiệu và là một chuyên gia về tàu ngầm. Chia sẻ với ABC News, Cameron lưu ý rằng các chuyên gia từng bày tỏ lo ngại về tàu Titan trong quá khứ. 

Bản thân là một nhà thiết kế tàu lặn, Cameron đã giúp tạo ra Deepsea Challenger và vào năm 2012 đã lái nó đến phần sâu nhất của đại dương. Ông đã quen thuộc với những thách thức của việc thám hiểm biển sâu và hiểu rất rõ tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa an toàn cũng như quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt. 

James Cameron nổi tiếng về độ chịu chơi khi làm phim, và ông đã từng lặn xuống quay tàu Titanic nhiều lần 

Cameron từng thực hiện hơn 30 lần lặn xuống khu vực xác tàu Titanic để quay tài liệu phục vụ bộ phim, nói rằng ông “bị ấn tượng bởi sự giống nhau giữa sự kiện này và chính thảm họa Titanic, khi thuyền trưởng đã nhiều lần được cảnh báo về tảng băng phía trước nhưng vẫn lao hết tốc lực vào đó vào một đêm không trăng. Và nhiều người đã chết.” 

Dù vậy, tôi vẫn tin loại hình kinh doanh này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Rủi ro có thể đáng kể, nhưng bản chất của con người ngàn năm nay vẫn thế. Họ vẫn sẽ tò mò, vẫn sẽ khát khao khám phá, vẫn sẽ nướng tiền vào những thú vui xa xỉ và gọi đó là “sống thực sự”. 

Nếu có gì để mong, hãy mong họ quan tâm nhiều hơn tới sự an toàn của bản thân khi dấn thân vào các hình thức du lịch mạo hiểm này. Còn dạy họ tiêu tiền thế nào ư, quên đi.