Ngày 26 tháng 10 năm 1984, Michael Jordan đặt bút ký giao kèo 2,5 triệu đô la với Nike. 

Đây là thương vụ hợp tác lớn nhất lịch sử NBA tại thời điểm đó. 

Sau khi thỏa thuận thành công, Nike mong rằng đến cuối năm thứ tư sẽ bán được 3 triệu đô la giày Air Jordan. Năm đầu tiên thu về 126 triệu đô la. 

Bản hợp đồng này đã thay đổi vận mệnh của cả Nike và Jordan. Suốt những năm sau đó, Jordan càng đánh càng hay, trong khi giày Nike thì càng bán càng chạy. 

Nike vượt mặt Converse, rồi tiếp đến là Adidas, để rồi thống trị thị trường giày thể thao như bây giờ. 

Đúng, Michael đã đưa Nike từ một tên tuổi kém hấp dẫn trở thành thương hiệu giày thể thao đáng giá nhất thế giới, và Nike cũng biến Jordan thành vận động viên tỷ phú đầu tiên trong lịch sử. 

Nhưng bạn có biết không, suýt nữa thì thương vụ đã đổ bể nếu không nhờ có sự can thiệp kịp thời của một người phụ nữ đấy! 

Michael Jordan, mùa giải tân binh năm 1984, chụp hình quảng bá cho mẫu Air Jordan 1 của mình

Nike X Jordan — Thương Vụ Tỷ Đô 

Khi Jordan bước chân vào NBA năm 1984, người đại diện của ông, David Falk, bắt đầu cân nhắc những lời đề nghị từ các công ty thể thao. Vua bóng rổ tự tin vào triển vọng của mình đến mức yêu cầu những hãng giày phải sản xuất dòng giày riêng mang tên Jordan. 

Adidas và Converse cùng từ chối. Họ xem Jordan như chú “ngựa non háu đá”, chưa nên cơm cháo gì đã đòi hỏi viển vông. 

Họ không sai, vì chàng tân binh Jordan chân ướt chân ráo bước vào NBA đâu đã có thành tựu gì nổi bật! Nhảy cao ư? Bật xa ư? Bước đi uyển chuyển ư? Chưa chứng minh được gì cả. 

Michael Jordan thực hiện cú úp rổ từ vạch ném phạt vào Slam Dunk Contest 1984 

Đứng từ xa, Nike là kẻ duy nhất chấp nhận yêu cầu của Jordan. Phil Knight — CEO của Nike — quyết định chơi tất tay, bỏ trứng vào chung một “giỏ Jordan”. 

Và như vậy, sai lầm của Adidas và Converse đã được Nike tận dụng triệt để. Công ty mới ra mắt công nghệ mới Air Sole, mà rõ ràng Michael chơi trên không, tại sao không đặt tên giày là Air Jordan nhỉ? 

Air Jordan, cái tên kêu thật chứ. 

Canh bạc của Knight đã được đền đáp xứng đáng. Michael Jordan tài năng nhanh chóng trở thành bộ mặt mới của NBA, nhận danh hiệu Tân binh xuất sắc nhất năm vào 1984. Điều đáng ngạc nhiên là dòng giày Air Jordan cũng có mùa giải tân binh rực rỡ không kém chủ nhân nó là mấy. 

Sau khi ký kết hợp đồng 5 năm với Jordan, Nike mong sẽ bán được 3 triệu đô la tiền giày tới năm thứ tư. Riêng năm đầu tiên giày bán được 126 triệu đô la. 

Những năm sau đó, gần như mỗi năm lại có một mẫu giày Jordan mới ra lò. Jordan càng chơi càng hay, giày mới cứ lên kệ là “cháy hàng”, Nike bỏ túi hàng trăm triệu đô la — như một bước lên tiên vậy. 

Michael Jordan và Phil Knight vào năm 2016 

Ngày 9 tháng 9 năm 1997, Michael Jordan và Nike giới thiệu Jordan Brand. Riêng năm 2022, thương hiệu này mang về cho Nike 5,1 tỷ đô la, trong đó vua bóng rổ bỏ túi từ 150 — 256 triệu đô la dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng. 

Đối với Nike và Jordan, từ sau năm 1984 đó, phần còn lại là lịch sử. 

Nhưng suýt nữa thì lịch sử đó đã không xảy ra, nếu không nhờ bà Deloris, mẹ của Jordan. 

Deloris Jordan — Người Phụ Nữ Thay Đổi Vận Mệnh Của Nike Lẫn Jordan 

Nghe thì có vẻ thuận buồm xuôi gió nhưng quá trình đi tới thỏa thuận giữa Nike và Jordan gặp vô vàn trắc trở, mà trắc trở lớn nhất lớn nhất lại chính là… Jordan. 

Ngày đó, Nike là hãng chuyên bán giày chạy bộ, xét về tiềm lực thì họ chỉ là tép riu so với các ông lớn Adidas hay Converse. Hiển nhiên, Jordan không biết Nike là ai cả, vả lại ông thích Adidas hơn. 

Một ngày trước khi gặp lãnh đạo hàng đầu của Nike, Michael Jordan quyết định không muốn đi. Deloris Jordan, mẹ ông, đã đứng ra can thiệp — mà không biết hành động này sẽ thay đổi vận mệnh của cả con trai bà và Nike suốt những năm về sau. 

“Bà ấy nói với tôi, ‘Con sẽ đi nghe họ. Kể cả không thích, hãy cứ đi và nghe họ’,” Michael Jordan nhớ lại trong The Last Dance. Jordan, nghe lời mẹ hơn ai hết, chấp nhận lên máy bay tới văn phòng Nike tại Oregon. 

Nike ra giá rất cao. Tại thời điểm đó, các cầu thủ đỉnh nhất cũng chỉ nhận được tầm 100.000 đô la thôi. Thế mà chàng tân binh Jordan được Nike trả giá tận 250.000 đô la. “Con có điên mới dám từ chối nó,” bố Jordan nói. 

Michael Jordan và mẹ - bà Deloris Jordan 

Cú gật đầu của Jordan đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng với quy mô lớn nhất trong lịch sử bóng rổ, đưa ngành công nghiệp thể thao lên bệ phóng và cất cánh tung bay. 

Ngành công nghiệp này đã phát triển tới mức số tiền một cầu thủ nhận được từ hợp đồng giày với Nike có thể lớn hơn tiền lương của họ trong toàn bộ sự nghiệp. Trong trường hợp của Jordan, ông kiếm được 94 triệu đô la tiền lương sau 15 năm chinh chiến ở NBA, trong khi thỏa thuận với Nike rót vào túi vua bóng rổ những 1,3 tỷ đô la tính tới năm 2020. 

Ngày nay, tất cả các ngôi sao NBA đều có những dòng giày thể thao của riêng họ và các mẫu giày mới lên kệ đều đặn hàng năm. Việc một cầu thủ giải nghệ (hoặc thậm chí là qua đời như trường hợp của huyền thoại Kobe Bryant) cũng không ngăn được gã khổng lồ Nike tiếp tục tung ra những sản phẩm mới cho những người hâm mộ giày thể thao. 

Đặt nền móng cho tất cả những điều kể trên là Air Jordan. 

Và toàn bộ quá trình đó, từ việc Jordan lết xác lên máy bay, ngồi trong phòng họp nghe Nike thuyết trình như vịt nghe sấm, tới việc Jordan biến Nike thành đế chế thể thao tỷ đô và Nike biến Jordan thành vận động viên giàu nhất thế giới,... cuối cùng lại bắt đầu bằng sự la mắng của bà Deloris Jordan. 

Đấy, lời người lớn nói có sai đâu cơ chứ! 

Air Jordan 1 — Biểu Tượng Của Thời Trang Và Văn Hóa Đại Chúng 

Trước thời Jordan, giày thể thao chỉ được dùng để chơi thể thao. Sau khi Jordan xuất hiện cùng thương hiệu Air Jordan riêng của mình, giày bóng rổ trở thành biểu tượng thời trang trong văn hóa đại chúng. 

Tại Mỹ vào những năm 1990, khi một đứa trẻ nói muốn mua giày thể thao, đó sẽ phải là đôi Air Jordan. Mỗi khi giày Jordan tung mẫu mới, dòng người xếp hàng có thể tràn ra ngoài ngã tư. 

Tầm ảnh hưởng của Michael Jordan cùng dòng giày Air Jordan đã lan rộng ra khỏi sân bóng rổ 

Tác động của Jordan đối với sân bóng rổ cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa hip-hop. Thương hiệu Air Jordan đã trở thành một mặt hàng chủ lực trong văn hóa thời trang đường phố, với sự bảo chứng từ các rapper underground. 

Không có gì đáng ngạc nhiên, Air Jordan trở thành must-have item trong bộ sưu tập của mọi tín đồ giày thể thao trên thế giới. Người ta bắt đầu thu thập, trao đổi và bán lại hay đem đấu giá giày Jordan. Nike Airship, đôi giày mà Jordan mang trong trận đấu vào năm 1984, đã được bán với giá 1,47 triệu đô la trong một cuộc đấu giá của nhà sưu tập Nick Fiorella vào năm 2021. 

Thời điểm mới ra mắt, Air Jordan 1 đã bị giải bóng rổ nhà nghề NBA cấm do thiết kế đỏ đen của nó (thời đó NBA có luật giày thể thao phải có tối thiểu 51% màu trắng, trong khi con số này ở Air Jordan 1 chỉ có 18%). Dù vậy doanh số bán của Nike vẫn tăng vọt vì rõ ràng lệnh cấm càng làm người ta khao khát có nó hơn. 

Đôi Air Jordan 1 trên chân Michael Jordan trong một trận đấu vào năm 1984 

Khẩu hiệu “Be Like Mike” đến nay vẫn là một trong những chiến dịch quảng bá cho dòng Air Jordan thành công nhất của Nike. Ai lại không muốn đeo giày của cầu thủ bóng rổ hay nhất thế kỉ cơ chứ? 

Họ tin rằng đi giày Jordan có thể giúp họ chơi bóng tốt hơn, và nếu không tốt hơn cũng chẳng sao, vì giờ đây có phải chỉ dân thể thao mới có thể diện Jordan đâu. Tất cả mọi người đều đi Jordan! 

Và như vậy, Air Jordan 1 đã đi từ một đôi giày phản văn hóa thành một đôi giày thể thao xuất hiện khắp mọi ngóc ngách trên toàn thế giới, đặt nền móng cho đế chế thể thao tỷ đô Nike trong hành trình vươn xa toàn cầu và góp phần kiến tạo nên cơ ngơi đồ sộ của Jordan cả trong lẫn ngoài sàn gỗ. 

Như bà Deloris nói thì, “Một chiếc giày chỉ là một chiếc giày cho đến khi con trai tôi bước vào nó.” 

Nguồn tham khảo 

#1. Michael Jordan & Nike Celebrate 38 Years Together | FanNation 

#2. The day Michael Jordan’s mother changed Nike’s history forever: ‘Even if you don’t like it, you’re going to listen to them’ | El País

#3. The Last Dance (2020) on Netflix 

#4. How Michael Jordan revolutionized the sneaker industry—and our relationship to shoes | Temple University 

#5. Michael Jordan changed the world’: the true story behind Nike movie Air | The Guardian 

#6. Michael Jordan's 1984 Nike Air Ships sell for record $1.5M at Sotheby's | News 

#7. How the Jordan 1 Became the Sneaker of a Generation | Time