Năm 1986, Steve Jobs mua lại Pixar với cái giá 5 triệu đô. Ông gặp John Lasseter, người đang ấp ủ giấc mơ tạo nên một bộ phim hoạt hình hoàn toàn bằng kỹ xảo máy tính. 

“Cậu cần thêm gì để thành công?” - Jobs hỏi. 

Lasseter trả lời: “Ờm, một bộ phim dài hơn, nhưng sẽ tốn nửa triệu đô la.” 

Jobs rút một tờ ngân phiếu 500.000 đô ra. Trước khi trao vào tay Lasseter, ông dừng lại và nói: 

“Duy nhất một yêu cầu thôi, John. Hãy làm một bộ phim thật tuyệt vời nhé.” 

Và bạn đoán xem 'bộ phim tuyệt vời' mà John Lasseter đã làm ra, bộ phim đã thắng cả giải Oscar đó là gì nào? 

John Lasseter và Steve Jobs. Ảnh: IMDb

Những thành công đầu đời

John Lasseter đã gây ngạc nhiên cho cả Hollywood ngay từ thời điểm ông cất tiếng khóc chào đời. Năm 1957, cậu bé John được sinh ra sau chị gái Johanna 6 phút tại một bệnh viện ở California — mà chính mẹ ông, bà Jewell Mae còn không hề biết mình đang mang thai đôi. 

Kể từ đó, cha Lasseter coi ông như một ‘phần thưởng tặng kèm’. 

Những ngày thơ ấu, Disney đã là ước mơ của John. Được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ bộ phim Người đẹp ngủ trong rừng (1959), ông nung nấu quyết tâm trở thành một họa sĩ hoạt hình trong tương lai. 

John theo học tại Đại học Pepperdine, tuy nhiên sau đó bỏ ngang để theo đuổi đam mê sau khi tình cờ biết tới chương trình đào tạo làm phim hoạt hình tại CalArts. Bà Mae đặc biệt tán thành quyết định của con trai, do đó John càng có thêm động lực để chinh phục ước mơ. 

John Lasseter tại CalArts năm 1979

Tại CalArts, John may mắn được 3 trong số 9 ‘cựu chiến binh’ huyền thoại của Disney, nhóm Disney's Nine Old Men tận tình chỉ bảo, nhờ vậy ông tiến bộ rất nhanh. Trong thời gian theo học, John có cho mình 2 bộ phim đầu đời: Lady and the Lamp (1979) và Nightmare (1980). 

Cả 2 bộ đều chiến thắng vang đội, đem lại cho John giải thưởng Academy Award dành cho sinh viên trong thể loại hoạt hình. Thành công với Lady and the Lamp cũng giúp John lọt vào mắt xanh của Disney, và chàng trai trẻ lập tức được nhận vào làm ngay sau khi tốt nghiệp năm 1979. 

Vào làm tại Disney 

Tài năng của John được đội ngũ Disney đánh giá rất cao, dù vậy bản thân ông vẫn thấy lấn cấn đâu đó: Sau khi phát hành 101 chú chó đốm (1961), bộ phim mà theo John là Disney đã ‘đạt tới giới hạn’, hãng phim đã nhận về vô số chỉ trích về việc liên tục lặp lại các ý tưởng cũ mà không cho thấy bất cứ một đột phá sáng tạo nào. 

Cũng trong thời gian này, John có những thăm dò ban đầu về việc chế tạo phim hoạt hình bằng CGI. Nhưng phải mãi cho tới khi tình cờ đến thăm quan phim trường của Tron (1982), John mới thực sự nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ này. 

John kiếm được ông bạn Glen Keane, người cũng hứng thú không kém với việc tự sản xuất một bộ phim hoạt hình 3D, vậy là 2 người lao đầu vào dự án. “Đây chắc chắn là điều Walt Disney đang chờ đợi,” họ tự nhủ. 

 

Glen Keane sinh năm 1954, là họa sĩ đứng sau các tác phẩm nổi tiếng của Disney như Tarzan (1999), Pocahontas (1995) hay bộ phim ngắn đoạt giải Oscar Dear Basketball của cố huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant 

Tuy nhiên ban quản trị Disney lại không nghĩ vậy, họ sa thải John. Hội đồng tin rằng cậu nhóc nông nổi này thật quá trớn, dám làm một bộ phim mà không hề xin phép ai, và hơn thảy là họ không thấy bất cứ một dấu hiệu nào về tiềm năng doanh thu của dự án này. 

Vậy là vào năm 1984, John Lasseter lần đầu tiên nếm trải cảm giác bị đuổi việc. Nhưng có lẽ sau này nhìn lại, chắc hẳn John đã thầm cảm ơn Disney vì họ đã ‘đá’ ông đi — nhờ vậy ông mới có cơ hội đến làm tại Lucasfilm dưới trướng đạo diễn đại tài George Lucas, người đứng sau 2 loạt phim kinh điển Chiến tranh giữa các vì sao Indiana Jones

Tình bạn kéo dài hơn 3 thập kỷ với Ed Catmull 

John rất may mắn vì ông đã gặp gỡ được Ed Catmull, người đang làm việc tại nhóm đồ họa máy tính của Lucasfilm, và là người cộng sự sẽ song hành cùng ông trong suốt 3 thập kỷ tới. 

Bộ phim ngắn 3D đầu tiên của họ, The Adventures of Andre and Wally B, là một thử nghiệm khá triển vọng. Được tiếp sức bởi thành công nhỏ ban đầu, cặp đôi càng đào sâu nghiên cứu để phát triển phim The Brave Little Toaster, dự án mà John đã ấp ủ từ những ngày còn ở Disney. 

John Lasseter và người cộng sự Ed Catmull 

Tuy nhiên may mắn vẫn không mỉm cười với họ. Việc đầu tư thất bại, John nhấc máy gọi cho Catmull trong tâm trạng thất vọng ê chề. Trái lại với những dự đoán của ông, Catmull không nói gì và cúp máy, rồi ngay lập tức gọi lại đề nghị Lasseter trở thành nhân viên chính thức (trước đó John chỉ là cộng tác viên) của Lucasfilm. 

Một lần nữa, thử thách lại ghé thăm: vì lục đục tài chính, George Lucas buộc phải bán đi bộ phận đồ họa của Lucasfilm, lúc này đã đổi tên thành Pixar Animation. 

Roy, cháu trai của Walt Disney, nhìn thấy tiềm năng của Pixar và ra sức thuyết phục hội đồng rằng nó chính là chiếc phao cứu cánh cho một Disney đang chới với. Nhưng tất nhiên, mọi nỗ lực của Roy đều không thành và nhờ có thế, Pixar mới tới tay một doanh nhân tài ba gắn liền với biểu tượng quả táo cắn dở tại Mỹ lúc bấy giờ, Steve Jobs. 

Cơ duyên với Steve Jobs 

Thực sự thì tại thời điểm năm 1986 đó, Jobs chỉ coi Pixar như một công ty phần cứng — không hơn. Ông chỉ phải bỏ ra 5 triệu đô la để biến nó thành của mình, rồi rót thêm 5 triệu đô la nữa làm vốn, khiến ông trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. 

Thật tình cờ khi trong một lần thăm thú bâng quơ, Jobs bất ngờ sa vào thế giới hoạt hình tại Pixar và thấy hứng thú lạ kỳ với việc tạo ra một bộ phim hoạt hình — hoàn toàn bằng CGI, dự án mà John cùng Catmull đang ấp ủ. 

Từ trái qua: Steve Jobs, John Lasseter và Ed Catmull 

“Cậu cần thêm gì để thành công?” Job hỏi 

“Một bộ phim dài hơn, nhưng sẽ tốn nửa triệu đô la” John trả lời. 

Jobs rút ví lấy ra một tờ ngân phiếu, viết lên đó đúng số tiền 500.000 đô. Nhưng trước khi đặt nó vào tay John, Jobs dừng lại và nói: “Duy nhất một yêu cầu thôi, John.” 

Lasseter biết tỏng trò này. Lại mấy cái bài điều khoản rồi hợp đồng này kia ấy mà. Nhưng không, Jobs chỉ nói đơn giản một câu duy nhất: “Chỉ cần nhớ là hãy làm một bộ phim thật tuyệt vời nhé!”. Nói xong, Jobs bước ra khỏi cửa. 

"Bộ phim thật tuyệt vời" đã thắng giải Oscar đó là Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), là phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử được sản xuất bằng kỹ thuật hình động vi tính.

Toy Story 4 ra mắt vào 2019 vừa qua 

Tận dụng màn khởi đầu thành công ngoài mong đợi này, những năm sau đó Pixar cho ra đời hàng loạt các Cars (Vương quốc xe hơi), The Incredibles (Gia đình siêu nhân), A Bug’s Life (Thế giới côn trùng), Finding Nemo (Đi tìm Nemo),... 

Pixar đã lớn mạnh tới mức Disney bắt đầu cảm thấy lo sợ. Và họ quyết định chơi rắn. 

Trở lại Disney 

Năm 2006, Disney quyết định mua lại Lasseter - cùng với Pixar - với giá 7,4 tỷ USD. Từ khoản đầu tư ban đầu vỏn vẹn 10 triệu đô, bạn thử tính xem Steve Jobs đã lời bao nhiêu trong thương vụ này? 

Ngày John trở về, Disney thậm chí còn tổ chức hẳn một lễ chào mừng vị cứu tinh của họ với những băng rôn và một tràng pháo tay kéo dài không dưới 5 phút. 

Một câu chuyện về màn lội ngược dòng đầy ngoạn mục, khi chính công ty từng tống cổ mình đi nay lại xem mình như người anh hùng cứu thế. Trong điều khoản hợp đồng ghi rõ đàng hoàng, John Lasseter phải quản lý luôn cả mảng phim hoạt hình của Pixar và Disney. 

Vậy là John Lasseter trở thành Tổng Giám đốc Sáng tạo của cả Disney lẫn Pixar. Thời điểm đó, Pixar đã dẫn đầu làn sóng và tạo nên một cuộc cách mạng mới trong ngành phim hoạt hình: sản xuất hoàn toàn bằng kỹ thuật 3D vi tính. 

Màn quay trở lại của John Lasseter đã vực dậy Disney sau một thời kỳ trượt dài 

Sát cánh cùng John vẫn là ông bạn Catmull, cùng nhau họ đã biến Disney từ “một hãng phim do các nhà điều hành lãnh đạo” thành một “hãng phim của các nhà làm phim” như Pixar đang làm. 

Dưới sự lèo lái của họ, Disney dần khôi phục lại vị thế độc tôn, càn quét mọi đối thủ trên đường đi và chễm chệ ngôi vương trong gần 2 thập kỷ qua. 

Toy Story 3 ra mắt năm 2010 trở thành phim có doanh thu cao nhất năm và là phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại với con số 1,07 tỷ đô la. Up (Vút bay) với ngôi nhà bóng bay là phim hoạt hình đầu tiên được chọn để khai mạc liên hoan phim Cannes. 

Còn người đàn ông đứng sau chúng, John Lasseter ghi dấu ấn khi là họa sĩ hoạt hình đầu tiên đoạt giải thưởng David O. Selznick — điều mà cả huyền thoại Walt Disney còn chưa làm được. 

Năm 2008, ông được trao tặng giải thưởng Winsor McCay Award, giải thưởng thành tựu trọn đời cho các nhà làm phim hoạt hình. Tên tuổi ông giờ ghi dấu trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, được xem là một trong những người đàn ông quyền lực nhất kinh đô điện ảnh. 

Chà... Đây là John Lasster khi được nhận sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood năm 2011 

Theo một phân tích của Reuters từ dữ liệu của trang web Box Office Mojo, Disney và Pixar đã bán được khoảng 14 tỷ đô la tiền phòng vé trên toàn thế giới kể từ ngày John Lasseter trở về. 

Thêm một điều nữa này: 2 bộ phim hoạt hình kinh điển của Pixar là Finding Nemo (Đi tìm Nemo) và A Bug's Life (Thế giới côn trùng) đều được lấy cảm hứng từ kịch bản của John Lasseter những năm mới chập chững bước vào nghề. 

Nếu theo như cách mà John vẫn nói thì: “Nếu bạn có thể nghĩ về nó, bạn có thể tạo ra nó.”