Có một câu chuyện rất hay về Ghibli và Disney như sau: 

Đợt ra mắt Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) năm 1997, Disney được Ghibli ủy quyền phụ trách phát hành phim ở thị trường Mỹ. 

Harvey Weinstein, nhà sản xuất tại Disney, cho rằng bộ phim quá dài dòng và yêu cầu cắt ngắn để phù hợp với thị hiếu người xem hơn. Để đáp lại, Ghibli chỉ đơn giản gửi một thanh samurai bọc trong hộp đựng tới Weinstein cùng lời nhắn: “Không cắt.” 

Không cắt xén, không lạm dụng CGI — từ lâu đã trở thành phương châm sản xuất của Ghibli. Vì vậy mà các thước phim luôn mang lại cảm giác chân thực, sống động, để lại trong ta những cảm xúc bồi hồi khó tả. 

Nhân dịp How Do You Live?, bộ phim được xem là tác phẩm cuối cùng của nhà sáng lập Hayao Miyazaki ở tuổi 82 ra mắt, hãy cùng điểm lại một vài nét chính về hành trình truyền cảm hứng của Studio Ghibli nhé. 

My Neighbor Totoro (Hàng xóm tôi là Totoro), bộ phim kinh điển gắn liền với tuổi thơ do Studio Ghibli sản xuất năm 1988. Ảnh: STUDIO GHIBLI

Sự khởi đầu của Studio Ghibli 

Hayao Miyazaki và Isao Takahata gặp nhau lần đầu vào những năm 1960 khi cả hai cùng làm việc cho hãng phim hoạt hình Nhật Bản Toei Doga, nhưng phải đến giữa những năm 1980, họ mới quyết định thành lập công ty riêng của mình. 

Năm 1985, với sự tài trợ từ Công ty xuất bản Tokuma Shoten, Miyazaki và Suzuki Toshio, một biên tập viên của tạp chí truyện tranh Animage thuộc Tokuma Shoten cùng thành lập nên Studio Ghibli. Trên thực tế, Suzuki chính là người đã mời Takahata tham gia vào dự án này chứ không phải Miyazaki.

Ba nhà sáng lập của Studio Ghibli (từ trái qua): Hayao Miyazaki, Suzuki Toshio và Isao Takahata 

Ngay năm sau đó, bộ ba cho ra mắt phim hoạt hình đầu tiên của mình — Laputa: Castle in the Sky (Laputa: Lâu đài trên không), câu chuyện về một cậu bé mồ côi và một cô gái nông dân dấn thân vào hành trình khám phá thành phố trên mây huyền bí Laputa. 

Ảnh cắt từ phim Laputa: Castle in the Sky (Laputa: Lâu đài trên không)
Ảnh: STUDIO GHIBLI 

Không giống như các hãng phim hoạt hình khác vào thời điểm đó, Studio Ghibli không quá chú trọng đến thành công trên mặt trận thương mại. Ba nhà sáng lập sử dụng tài năng của mình để kể những câu chuyện đầy chất thơ, những nhân vật có chiều sâu — không loại từ những kẻ phản diện ‘đáng yêu’ như mụ phù thủy trong Howl’s Moving Castle (Lâu đài di động của Howl) hay Vô Diện ‘háu ăn’ trong Spirited Away (Vùng đất linh hồn).

Howl's Moving Castle (Lâu đài di động của Howl) năm 2004 
Ảnh: STUDIO GHIBLI 

Tại sao lại là “Studio Ghibli”? 

Cái tên “Ghibli” do Miyazaki nghĩ ra, danh từ này trong tiếng Ả Rập tượng trưng cho những cơn gió nóng thổi qua sa mạc Sahara — tương tự, định hướng của Studio Ghibli là “thổi một luồng gió mới vào ngành công nghiệp anime của Nhật Bản”. 

Ngoài ra, cái tên này cũng ám chỉ tình yêu của Miyazaki với đối nước Ý và những chiếc máy bay, điều mà Miyazaki thể hiện rõ nét trong các bộ phim của ông tại Ghibli. Trên thực tế, cái tên “Ghibli” được Miyazaki lấy cảm hứng từ chiếc phi cơ Caproni Ca.309 Ghibli của Ý trong Thế chiến thứ hai. 

Mối quan hệ “nhập nhằng” giữa Ghibli và Disney 

Năm 1997, Hayao Miyazaki đại diện Studio Ghibli ký hợp đồng phân phối với Disney. Đó là bàn đạp để hãng phim Nhật Bản vươn xa toàn cầu, mở đường cho một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York và giúp Miyazaki giành giải Oscar năm 2003 cho Spirited Away (Vùng đất linh hồn). 

Mặc dù vậy trong quá trình hợp tác, Disney thực sự đã có vài chỉnh sửa, điều khiến Ghibli vô cùng phật lòng. Nhân vật thường xuyên được nhắc tới mỗi khi nói về vấn đề này là nhà sản xuất Harvey Weinstein, người đã đề xuất cắt ngắn Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) vào thời điểm phim ra mắt tại Mỹ hồi 1997. 

Princess Mononoke (Công chúa Mononoke) năm 1997
Ảnh: STUDIO GHIBLI 

Người ta truyền tai nhau một giai thoại rằng đích thân Miyazaki đã gửi ông Weinstein một thanh kiếm samurai kèm theo một tờ giấy với một thông điệp duy nhất: “Không cắt.” 

Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian vào năm 2005, vị đạo diễn bồi hồi nhớ lại. Ông cười khúc khích rồi nói: “Thực ra, nhà sản xuất của tôi (ý chỉ Suzuki) đã làm điều đó. Tôi đã bay tới New York để gặp Harvey Weinstein, và tôi đã bị đả kích dồn dập bởi những yêu cầu cắt giảm từ người đàn ông đó. Tuy nhiên, tôi đã đánh bại anh ta.” 

Tuy nhiên, bất chấp những cái gật đầu tấm tắc từ giới phê bình, doanh thu phòng vé của Princess Mononoke tại Mỹ khá thê thảm. May mắn thay, Miyazaki và Ghibli đã tìm được một tài năng sáng tạo khác, người mới bị Disney sa thải trước đó — nhưng là người có thể đem đến cho họ nhiều hơn những gì Weinstein có thể: John Lasseter của Pixar. 

Thiên tài gặp mặt 

John Lasseter bắt đầu sự nghiệp như một họa sĩ hoạt hình cho Disney vào những năm 1980. Thời điểm đó, Hayao Miyazaki chưa thành lập Studio Ghibli mà vẫn đang làm việc cho Toei. 

Hai “huyền thoại phim hoạt hình” gặp nhau lần đầu năm 1981, trong một chuyến ghé thăm của hãng phim Toei với Disney. Trong cuộc họp, ông chủ của Miyazaki đã cho Lasseter và các đồng nghiệp xem một phân đoạn ngắn cắt từ bộ phim đầu tiên của Miyazaki, The Castle of Cagliostro (Lâu đài Cagliostro). 

Trong bài phát biểu tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo năm 2014, Lasseter nhớ lại khoảnh khắc đó: “Tôi thực sự choáng váng… Nó tràn ngập tâm hồn tôi, nó khiến tôi thấy mình không đơn độc. Đây chính là thứ tôi muốn tạo ra.”

John Lasseter và Hayao Miyazaki đợt ra mắt Ponyo (2008)
Ảnh: Getty Images  

Và từ đó, Lasseter luôn nhìn đàn anh Miyazaki bằng con mắt nể vì. Tình bạn của họ lớn dần theo năm tháng — và khi Lasseter đã có được danh tiếng cao ngất ngưởng với những thành công ban đầu tại Pixar — ông quyết định quay lại giúp đỡ Miyazaki. 

Bắt đầu với Spirited Away (Vùng đất linh hồn), Pixar đã lo liệu hết khâu chuyển ngữ lẫn truyền thông tại Mỹ. Bộ phim sau đó đã mang về cho Miyazaki giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất năm 2003. 

Về phía Miyazaki, trước đây, ông từng lên tiếng chỉ trích hoạt hình do công nghệ CGI tạo ra, coi chúng là “nông cạn và giả tạo”. Nhưng kể từ khi quen biết John Lasseter, ông không thể không thừa nhận Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) là một kiệt tác và ngưỡng mộ cách nó đã cách mạng cả ngành công nghiệp phim hoạt hình. 

Về "bậc thầy anime" Hayao Miyazaki

Hayao Miyazaki là nhà làm phim Nhật Bản đầu tiên được nhận Oscar Danh dự Thành tựu Trọn đời, kể từ Akira Kurosawa năm 1990. Akira Kurosawa từng liệt bộ phim My Neighbor Totoro (Hàng xóm tôi là Totoro) của Miyazaki năm 1988 vào danh sách 100 phim hay nhất, theo cá nhân ông.

Studio Ghibli chủ yếu sản xuất các phim của “vị thần anime” Miyazaki — một danh xưng không hề phóng đại. John Lasseter từng ca ngợi Miyazaki là “nhà làm phim hoạt hình sống vĩ đại nhất thế giới”. Chỉ riêng các con số cũng đủ nói lên điều đó, khi Spirited Away (Vùng đất linh hồn) ra mắt năm 2001 đã phá kỷ lục phòng vé nội địa do Titanic (1997) thiết lập. 

Spirited Away (Vùng đất linh hồn) được xem là tượng đài trong làng anime Nhật Bản
Ảnh: STUDIO GHIBLI 

Là người trầm lắng, Hayao Miyazaki thường cố tránh xa báo giới hết mức có thể. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, ước mơ đầu đời của Miyazaki là trở thành một họa sĩ manga. Ông thích đọc sách, truyện tranh và vẽ vời trong thời gian rảnh. 

Dù các thước phim của Ghibli thường mang khung cảnh trong sáng, có nhân vật là trẻ con hoặc cô cậu thanh niên mới lớn cùng kể những những câu chuyện ý nghĩa, nhưng người đàn ông đứng sau chúng lại tự nhận mình là một ‘kẻ bi quan’. 

 

“Cá nhân tôi rất bi quan, nhưng khi một nhân viên của tôi có con, tôi không thể không chúc phúc cho họ tương lai tốt đẹp được. Tôi không thể nói với đứa trẻ rằng ‘Ô, lẽ ra con không nên bước vào cuộc đời này’. Cuộc đời này thật xấu xa. Với những mâu thuẫn đó trong đầu, tôi nghĩ xem mình sẽ làm thể loại phim nào.” 

- Hayao Miyazaki 

 

Có lẽ đây là lý do tại sao Miyazaki nói riêng và Ghibli nói chung kể chuyện cho trẻ em. Những thước phim nhuốm màu hoài niệm đẹp tới mơ màng, gợi nhớ ta về một thời thơ ấu dấu yêu đã qua, về những người hàng xóm tốt bụng, về những giấc mơ chu du vào vùng đất thần tiên hay được lơ lửng trên bầu trời. Đối với chúng ta, mỗi bộ phim của Ghibli không khác nào một “tấm vé trở về tuổi thơ”. 

“Tất nhiên, với tư cách là những nghệ sĩ, nếu chúng tôi cố gắng chạm đến tầng sâu tâm hồn đó — nếu chúng tôi nói rằng cuộc đời thật đáng sống và thế giới thật tươi đẹp — thì hẳn nó có thể truyền tải điều gì đó thực sự tốt đẹp,” Miyaki nói thêm. “Có lẽ đó là điều mà những bộ phim này đang làm. Đó là lời chúc phúc mà tôi muốn dành tới đứa trẻ.” 

Miyazaki dập tàn thuốc, buổi phỏng vấn kết thúc. Bạn có thể đọc bài tường thật đầy đủ của tác giả Xan Brooks trên The Guardian tại đây. 

Về bộ phim cuối cùng “lần thứ 2” của Miyazaki 

Kể từ khi How Do You Live? được công bố vào năm 2017, người hâm mộ Ghibli toàn thế giới đã háo hức chờ đợi ngày phát hành. Bộ phim dự kiện là tác phẩm cuối cùng của đạo diễn huyền thoại 82 tuổi, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Genzaburo Yoshino ra mắt năm 1937. 

How Do You Live? lấy bối cảnh lịch sử năm 1943, khi chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương đang hồi căng thẳng, cậu bé Mahito Maki 12 tuổi bất ngờ phát hiện một tòa tháp bị bỏ hoang trong thị trấn và bắt đầu hành trình khám phá của mình với một con diệc xám biết nói. 

Nhân vật chính Mahito Maki trong How Do You Live?
Ảnh: STUDIO GHIBLI 

Bộ phim này được Miyazaki coi là “di sản” mang tính biểu tượng để lại cho cháu trai và người hâm mộ sau khi ông về vườn. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Hayao Miyazaki sau 1 thập kỷ kể từ khi The Wind Rises (Gió Nổi) ra đời năm 2013. 

Thời điểm đó, Hayao Miyazaki đã tổ chức họp báo ở Venice để xác nhận mình nghỉ hưu, nói rằng: "Tôi biết tôi đã nói rằng tôi sẽ nghỉ hưu nhiều lần trong quá khứ. Nhiều người trong số các bạn sẽ nghĩ, 'Một lần nữa.' Nhưng lần này tôi khá nghiêm trọng."

Hayao Miyazaki đã tuyên bố nghỉ hưu 4 lần trong toàn bộ sự nghiệp của mình với Studio Ghibli từ 1985 đến nay. How Do You Live? có phải phim cuối của bậc thầy này hay không? 

Một câu hỏi khá khó đây…