Trong một chương trình phỏng vấn diễn ra năm 2015, Bill Gates tiết lộ mình có thể đọc hơn 50 cuốn sách/năm. Ngoài trí tuệ thiên tài bẩm sinh, Gates có tinh thần học hỏi và khả năng tiếp thu tri thức thật đáng ngưỡng mộ. 

Và chúng ta không phải chờ đợi quá lâu để biết được bí quyết của thiên tài công nghệ này vì chỉ một năm sau bài phỏng vấn trên, Gates đã đăng tải một bài blog với tiêu đề “The best teacher I never had”. 

Khá tò mò phải không, con người vĩ đại nào mà khiến Gates cũng phải ngả mũ kính phục? 

Đó là nhà vật lý thiên tài người Mỹ Richard Feynman. Gates cũng bày tỏ thêm, chính nhờ những phương pháp học tập của Feynman đã giúp ông có thể “tiêu hóa” những 50 cuốn sách mỗi năm. 

Người thầy ấy đã phát triển một kỹ thuật mang tên ông – Kỹ thuật Feynman, được mệnh danh là phương pháp có thể giúp bất cứ ai nhớ mọi thứ họ đã học. 

Cùng tìm hiểu về nó trong bài viết ngày hôm nay cùng mình nhé! 

Người thầy vĩ đại nhất mà Bill Gates ao ước 

Richard Phillips Feynman sinh năm 1918 ở Queens, thành phố New York, nước Mỹ trong một gia đình Do Thái. Cha ông là Melville Arthur Feynman, một người kinh doanh và mẹ là Lucille – một bà nội trợ. 

Giống như Albert Einstein, Feynman là một người chậm nói, và đến năm lên ba ông vẫn không thể nói được một từ nào. Tuy nhiên sự khác biệt bắt đầu xuất hiện vào năm lên sáu, khi ông bắt đầu đi học. Feynman bộc lộ tư chất thông minh hiếm có và vượt trội hẳn so với bạn bè đồng trang lứa. 

Ông tò mò về mọi thứ, đặc biệt là khoa học. Những năm học phổ thông, cậu học sinh Feynman đã tự học Giải tích và luôn bỏ xa tất cả các học sinh khác – kể cả những người xuất sắc nhất riêng trong môn Vật lý. 

Năm 1945, Feynman vào Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), được nhận vào một khóa học vật lý lý thuyết tiên tiến. Ông tốt nghiệp năm 1939 và bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton vào năm 1942.  

Feynman là người mà Bill Gates coi là “người thầy vĩ đại nhất mà tôi không bao giờ có được”. Gates đã nhiều lần đăng tải các bài viết vinh danh và bày tỏ niềm thán phục ông dành cho người thầy giáo ấy. 

Richard Feynman from A to Z – Physics World
Vậy thì điều gì đã khiến Richard Feynman trở nên khác biệt? 

Có lẽ đó là sự đơn giản. Feynman tài năng trong việc lý giải mọi thứ tới nỗi người ta gọi ông với biệt danh “The Great Explainer”. Ông biến những lý thuyết phức tạp trở nên dễ hiểu với tất cả mọi người. 

Ông hóm hỉnh, hài hước và đem điều đó vào trong các bài giảng của mình, khiến chúng trở nên thú vị và thu hút hơn bao giờ hết. 

So với định kiến của phần lớn chúng ta là các nhà khoa học đều đầu to kính cận, quá logic và tẻ nhạt thì Feynman dường như là một ngoại lệ. Một ngoại lệ điển hình. 

Phương pháp Feynman

Bí quyết nào đã giúp Feynman có thể thâu tóm toàn bộ các khái niệm Vật lý khô khan, trừu tượng thành các câu chuyện chân thực và đầy cuốn hút? Liệu đó có hoàn toàn là ở năng lực thiên phú? 

Rõ ràng là không. Mỗi khi nghiên cứu một chủ đề nào đó, Feynman cũng như chúng ta. Luôn có những chỗ ông không hiểu, hoặc hiểu nhưng không biết phải truyền đạt ra sao. Nhưng cách ông phản ứng là thứ tạo ra khác biệt. 

Mỗi lần như vậy, Feynman ngồi xuống bàn làm việc, lấy tài liệu ra và nghiên cứu nó lại lần nữa. Lần nữa, lần nữa rồi cứ thế cho tới khi ông chắc chắn mình đã hiểu rõ mọi kiến thức liên quan. 

"Knowledge isn't free. You have to pay attention." - Richard Feynman 

Công việc của Feynman lúc đó là rà soát lại mọi thứ, đào sâu từng tầng từng lớp kiến thức của chủ đề đó và chắp vá mọi mối liên kết lại với nhau. Cuối cùng, ông diễn giải nó thành lời, trau chuốt câu từ để nó dễ hiểu tới độ mẫu mực. 

Và phương pháp này đã trở nên thông dụng và phổ biến tới độ mọi người, kể cả những người nổi tiếng như Bill Gates đều bắt chước, phát triển nó và đặt tên nó là “Phương pháp Feynman”. 

4 bước của Kỹ thuật Feynman 

Kỹ thuật Feynman tỏ ra hữu hiệu khi bạn học một thứ gì đó mới, ngoài ra thì cũng được dùng để ôn bài. Lặp đi lặp lại việc kiểm tra giúp bạn biết mình đang thiếu sót ở đâu, cần cải thiện điểm nào và từ đó nâng cao hiệu quả học tập. Để bắt đầu, hãy làm theo các bước sau: 

1/ Giả vờ bạn đang giải thích về chủ đề bạn muốn học cho một đứa trẻ 12 tuổi. 

2/ Xác định các lỗ hổng kiến thức trong lời giải thích của bạn. Sau đó quay lại nghiên cứu để hiểu rõ chúng hơn. 

3/ Sắp xếp lại các ý tưởng và đơn giản hóa lời giải thích.

4/ Thực hành. 

Bước 1: Giả vờ đang dạy cho một đứa trẻ

Hãy lấy ra một tờ giấy trắng. Ghi tên chủ đề bạn muốn học ngay trên đỉnh. Tiếp đó, bạn viết ra tất cả những kiến thức mà bạn nắm được về chủ đề này như thể bạn đang soạn tài liệu giảng dạy cho một đứa trẻ 12 tuổi. 

Một đứa trẻ 12 tuổi với vốn từ vựng hạn chế chắc chắn sẽ không ngấm nổi những thuật ngữ chuyên ngành hay các câu từ trúc trắc mà bạn định tuôn ra, vì vậy bạn buộc phải diễn giải thật đơn giản, dễ hiểu. 

Không dễ chút nào.  

The Feynman Technique: How to Learn Anything Quickly
Hãy tưởng tượng bạn đang giảng dạy cho một đứa trẻ 12 tuổi - đó là mấu chốt của phương pháp này 

Trên thực tế, chúng ta thường dông dài và cố tỏ ra hiểu biết bằng các từ ngữ đao to búa lớn, tuy nhiên “vải thưa không che được mắt thánh”. Những từ ngữ trừu tượng chỉ gia tăng độ phức tạp của vấn đề, được bạn sử dụng như lớp mặt nạ che giấu sự yếu kém của bản thân. 

Người bình thường chỉ chăm chăm phức tạp hóa vấn đề, chỉ người nào hiểu rõ nó mới có thể đơn giản hóa. Càng đơn giản càng yêu cầu hiểu biết sâu sắc. 

Sự thật là, nếu như bạn không thể diễn giải mọi thứ đơn giản và định nghĩa các khái niệm rõ ràng, thì thực chất bạn không hề hiểu nó như bạn vẫn tưởng. 

Nam tước Rutherford – người được mệnh danh là “cha đẻ của vật lý hạt nhân” – từng nói với các nhân viên tại Phòng thí nghiệm Cavendish rằng: “Nếu anh không thể giải thích kiến thức vật lý của mình cho một cô hầu bàn nghe, thì đó là thứ vật lý vứt đi”. 

Albert Einstein dường như cũng đồng tình với phát biểu sau: “Nếu bạn không thể giải thích một vấn đề cho một đứa trẻ 10 tuổi hiểu, thì bạn chưa hiểu đủ về vấn đề đó”. 

Lần tới bạn bị ai đó tra tấn bằng hàng loạt các thuật ngữ chuyên ngành hay các câu từ khoa trương khó hiểu, hãy mạnh dạn yêu cầu họ giải thích đơn giản hơn. Nó họ bối rối, đó là dấu hiệu cho thấy họ không thực sự hiểu họ đang nói gì. 

Bước 2. Lấp đầy các lỗ hổng 

Ngay tại bước 1, bạn chắc chắn sẽ gặp phải vài cản trở. Lời giải thích của bạn còn đôi phần vụng về, bạn nhớ chỗ này quên chỗ kia, hay không biết liên kết các khái niệm ra sao cho trực quan… 

Đừng vội bỏ cuộc, cuộc chơi giờ mới bắt đầu. Nhiệm vụ của bạn là lấp đầy các lỗ hổng đó. Quay lại khâu nghiên cứu. Ôn tập lại tài liệu. Đọc thật kỹ lại phần bạn chưa hiểu. Tiếp tục lặp lại cho tới khi bạn có thể giải thích nó rõ ràng, rành mạch bằng các thuật ngữ đơn giản nhất. 

Việc xác định các điểm thiếu sót của bản thân rất quan trọng. Hãy thẳng thắn thừa nhận giới hạn của bản thân. Chúng ta vẫn thường gật đầu với những điều ta không biết. Bằng cách đó, ta đang tự ném đi cơ hội được hoàn thiện mình và trở nên xuất sắc hơn. 

Hãy thành thực với bản thân. 

Bước 3. Đơn giản hóa 

“Nếu người nào đó nói rằng: tôi biết tôi đang nghĩ gì, nhưng lại không thể diễn đạt nó ra, thì người đó thực sự chẳng biết mình đang nghĩ gì.” – Mortimer Adler 

Sau khi xong bước 2, hãy nhìn vào tờ giấy của bạn. Công việc bây giờ là biên tập. Đánh bóng bản nháp xù xì kia. Hãy sắp xếp lại các ý, phân đầu mục rõ ràng, gạch bỏ những từ thừa thãi hay quá khó hiểu và thay nó bằng ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. 

Bạn cũng nên thêm thắt nhiều ví dụ và biểu đồ sao cho dễ đọc, dễ hình dung và trực quan nhất có thể. Có thể bạn sẽ cần tới sự trợ giúp của Mindmap và Sketchnote. Kể cả khi bạn không có năng khiếu vẽ và tư duy hình ảnh chưa tốt, bạn hoàn toàn có thể làm chủ kỹ năng này với sự trợ giúp từ họa sĩ Xuân Lan. 

10 Brilliant Examples Of Sketch Notes: Notetaking For The 21st Century
Sketchnote cũng là một phương pháp ghi chú rất hữu hiệu mà bạn nên tận dụng 

Đồng thời, đừng quên lưu trữ tờ giấy đó và tiến hành ôn tập định kỳ, có thể là 3 tháng/lần. 

Bước 4. Thực hành 

Khâu này không bắt buộc. Tại 3 bước đầu, Kỹ thuật Feynman yêu cầu bạn giả vờ như đang giải thích cho một đứa trẻ 12 tuổi. Bước cuối cùng này bạn sẽ không giả vờ nữa. 

Đúng vậy, đưa nó vào thực tiễn. Nếu xung quanh bạn không có đứa trẻ nào, bạn hoàn toàn có thể thử với một đối tượng khác – người không có nhiều kiến thức về chủ đề đó. 

Bạn có thể sẽ vấp vài chỗ, quên vài đoạn và loay hoay một hồi. Học tập chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Vấp ở đâu ta đứng lên ở đó. Bạn sẽ nhận ra mình còn thiếu sót chỗ nào và quay lại bước 2, tiếp tục nghiên cứu cho tới khi có thể giải thích nó trôi chảy, rõ ràng. 

Kỹ thuật Feynman và việc đọc sách 

Càng đọc nhiều, bạn càng nhận ra bất cứ chúng ta ai cũng có vấn đề với việc đọc. Nhiều người thừa nhận họ quên sạch những gì mình vừa đọc chỉ sau một giấc ngủ. Và nếu không nhớ thì không thể áp dụng kiến thức đã học được. 

Trước khi bàn sâu hơn, hãy xem xét 4 cấp độ đọc dưới đây và tự đánh giá xem bạn đang dừng lại ở cấp độ mấy. 

Các cấp độ của việc đọc 

1/ Đọc để giải trí – Cấp độ đọc cơ bản mà bạn vẫn được dạy suốt những năm tiểu học. Nó có thể bao gồm thêm đọc truyện tranh, truyện cổ tích,... 

2/ Đọc để trang bị thông tin – Ở cấp độ này, bạn đọc lướt và tìm ra phần thông tin đắt giá với bản thân. Bạn đọc để thu thập thông tin, tham khảo tài liệu,... 

3/ Đọc để hiểu – Cấp độ yêu cầu sự đọc sâu, bạn phải thực sự tập trung nghiền ngẫm kiến thức và tiêu hóa chúng. 

4/ Đọc để thông thạo – Cấp độ cao nhất của việc đọc yêu cầu bạn nghiên cứu hàng loạt các tài liệu về một chủ đề, chắt lọc chúng và tự phát triển một quan điểm riêng. 

Đọc cũng là một kỹ năng cần phải trau dồi. Tùy vào đích đến của bản thân, bạn cần tự chọn lấy cấp độ phù hợp để thu về lợi ích tối đa từ việc đọc. 

Áp dụng Kỹ thuật Feynman để đọc sách hiệu quả hơn 

Vào những năm 1850, Schopenhauer từng tuyên bố: “Khi chúng ta đọc, có một người khác đang suy nghĩ giúp mình: chúng ta chỉ lặp lại quá trình suy nghĩ của người ấy. Vì vậy, để học, chúng ta cần phải tự mình suy nghĩ.” 

Trong lúc bạn đọc, bạn có thường dừng lại suy nghĩ không? 

Nếu không, toàn bộ cuốn sách sẽ chỉ như một cuộc dạo chơi, chỉ như bạn đang “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. 

Để thu về lợi ích tối đa từ việc đọc sách, bạn sẽ cần vận động nhiều hơn chút. Hãy thử áp dụng Kỹ thuật Feynman để đọc sách, như sau: 

Bước 1. Chọn ra cuốn sách bạn muốn đọc. Đọc nó thật thoải mái như tốc độ bạn vẫn thường đọc. 

Bước 2. Lấy giấy và bút. Ghi tất cả những ý chính mà bạn nhớ được về cuốn sách. 

Bước 3. Rà soát lại nội dung cuốn sách và thêm thắt các ý mà bạn bỏ sót. Lặp lại quá trình này cho tới khi bạn tin rằng mình đã nắm rõ toàn bộ nội dung. 

Bước 4. Biên tập nội dung. Biến bản nháp xù xì kia thành một bài giảng sinh động, với câu từ đơn giản và dễ hiểu mà một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể hiểu được. 

750+ Reading Book Pictures [HD] | Download Free Images on Unsplash
Khi đọc, chúng ta phải tự mình suy nghĩ

Hãy tưởng tượng mỗi cuốn sách bạn đọc là một khóa học, và tác giả sẽ là giảng viên của bạn. Giờ thì nghiêm túc nào, bạn làm sao mà nhớ được những gì mình đã được dạy nếu như không ghi chép, đúng chứ? Chưa kể nếu ghi chú lộn xộn, không khoa học thì khâu ôn tập chẳng khác nào một cực hình. 

Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn đang tham gia một khóa học từ xa. Bạn không được tương tác với giảng viên, vậy nên chất lượng đầu ra sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tự học của bạn. 

Tốc độ đọc có thực sự quan trọng? 

Tốc độ đọc chỉ mang tính tương đối. Thực tế chẳng ai quan tâm bạn đọc nhanh cỡ nào và bạn đọc được bao nhiêu cuốn trong năm vừa qua. Điều duy nhất quan trọng là cách bạn tiếp thu và áp dụng chúng. 

Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Hãy thẳng thắn rời bỏ những cuốn sách tẻ nhạt, tìm lấy cuốn nào đáng đọc và “ngấu nghiến nghiền ngẫm”.

Đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. 

Lời cuối 

Muốn thực sự giỏi thứ gì đó, bạn cần đầu tư nhiều nỗ lực hơn. Khoảng cách giữa không biết gì và biết một ít là rất ngắn, và hầu như mọi người đều kẹt lại đây. Tôi mong rằng với Kỹ thuật Feynman, bạn sẽ học được cách để thực sự “hiểu” một điều nào đó và học tập hiệu quả hơn! 

Một vài bài viết khác cùng chủ đề 

1/ Nguyên Tắc Pareto: Làm Thế Nào Để Tối Ưu 24 Giờ Của Bạn Và Tiến Tới Trạng Thái Cân Bằng Cuộc Sống. Bạn sẽ học được cách tận dụng tối đa nguyên tắc 80/20 vào công việc, tài chính hay mọi khía cạnh khác của đời sống – và không bao giờ rơi vào cảnh thời gian ít mà việc thì nhiều nữa. 

2/ Quy Tắc 10.000 Giờ: Học Được Gì Từ Những Kẻ Xuất Chúng? Một bài viết xua tan mọi thiên lệch về quy tắc nổi tiếng này và học hỏi bí quyết thành công từ các thiên tài. 

3/ Định luật Parkinson: Tại sao bạn cứ để việc tới hạn chót rồi mới làm? Đọc bài này để trở thành kẻ đi săn deadlines thay vì bị deadlines săn như bạn bây giờ.