To Kill A Mockingbird — Harper Lee
To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) ra mắt vào năm 1960 và là tác phẩm duy nhất được xuất bản của nữ nhà văn Harper Lee. Bất chấp ‘gia tài’ vỏn vẹn 1 cuốn tiểu thuyết, tên tuổi bà vẫn rực sáng trên đại lộ danh vọng của những nhà văn vĩ đại nhất lịch sử. Tác phẩm được kể lại theo ngôi thứ nhất dưới lời cô con gái 10 tuổi Jean Louise “Scout” Finch và nhân vật chính là cha cô, người bào chữa cho bị cáo da đen bị buộc tội hiếp dâm — Atticus Finch bất tử, được coi là hiện thân của lẽ phải xuyên suốt câu chuyện. Tôi sẽ nhá hàng cho bạn câu nói kinh điển nhất của ông Finch, câu nói đã khiến ông trở thành tượng đài nhân cách trong lịch sử văn học: “Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi.”
1984 — George Orwell
Kể từ khi ra đời vào năm 1949, 1984 đã được xem là tác phẩm kinh điển về tư tưởng chính trị và tượng đài trong dòng khoa học giả tưởng. Dù được viết cách đây hơn 70 năm, từng câu chữ của George Orwell vẫn chưa bao giờ thôi lôi cuốn người đọc vì tính tiên tri đầy lạnh lùng nhưng chính xác về tương lai, nơi mà một chính phủ sẽ làm bất cứ điều gì để kiểm soát ‘cỗ máy’ mà họ vẫn gắng sức thao túng bấy lâu.
The Lord Of The Rings — J. R. R Tolkien
Bộ sách giả tưởng kinh điển The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) của J. R. R. Tolkien đã được ca ngợi trên toàn thế giới như một câu chuyện phiêu lưu vĩ đại nhất từng được viết ra, và nó xứng đáng với điều đó. “Một chiếc nhẫn để cai trị tất cả, một chiếc để tìm ra họ, một chiếc nhẫn để mang tất cả họ đi và trói buộc họ trong bóng tối”, thử hỏi xem ai mà lại không bị lôi cuốn bởi những ngôn từ như thế cơ chứ?
The Catcher In The Rye — J. D. Salinger
Xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1951, The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) đã nhận về luồng phản đối dữ dội vì ngôn từ tục tĩu và hình tượng nhân vật chính nổi loạn — Holden Caulfield do J. D. Salinger thêu dệt nên. Giờ đây, mỗi năm có trung bình khoảng 250.000 bản sách của tác phẩm này được bán ra trên toàn thế giới, được đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh cũng như được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới.
The Great Gatsby — F. Scott Fitzgerald
Scott Fitzgerald qua đời năm 40 tuổi với nỗi dằn vặt khôn nguôi rằng tất cả các tác phẩm của ông đều là thất bại. Chỉ tới độ 20, 30 năm sau đó, người đọc mới bắt đầu lần lại những áng văn của Fitzgerald và mê mệt với thứ văn chương như tinh hoa hội tụ trong tiểu thuyết The Great Gatsby (Đại gia Gatsby). Gần 100 năm tuổi đời, đến nay tác phẩm này vẫn luôn được xem là một kiệt tác văn học và luôn có mặt trong mọi danh sách những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất, tinh túy nhất từng được viết.
One Flew Over The Cuckoo’s Nest — Ken Kesey
Thô tục, dữ dội và nghiệt ngã, cuốn tiểu thuyết năm 1962 của Ken Kesey đã để lại dấu tích khó phai mờ trong lòng bạn đọc mọi thế hệ. Lấy bối cảnh tại một trại tâm thần, cuốn sách là một câu chuyện khó quên về cuộc đấu tranh giữa Patrick McMurphy, một tên tù nhân ngổ ngáo mới đến quyết tâm “chống lại các quy tắc xã hội phàm tục mà kẻ cai trị vô hình đã áp đặt lên.” Tờ New York Herald Tribune đã bình luận về cuốn sách: “Với tư cách là một tác phẩm hư cấu, đây là tiểu thuyết xứng đáng được khen tặng đặc biệt, vì bối cảnh, vì câu chuyện, vì cách viết đầy sức mạnh trong đó sự hài hước đớn đau, nỗi giận dữ và lòng trắc ẩn, và trên hết thảy, vì đã tạo ra nhân vật Randle P. McMurphy.”
Lord Of The Flies — William Golding
Cuốn tiểu thuyết ‘kể về trẻ con nhưng không dành cho trẻ con’ mang tính biểu tượng năm 1954 của William Golding, dù được đặt bối cảnh tại một hòn đảo hoang với dàn nhân vật chính chỉ gồm 13 đứa trẻ, đến nay vẫn là một tác phẩm kinh điển khó quên với độc giả thuộc mọi lứa tuổi. Lord of the Flies (Chúa Ruồi) là một kho tàng ẩn dụ mà Golding đã kỳ công thêu dệt nên, một áng văn đầy kịch tính nhưng cũng không kém phần man rợ, chưa bao giờ là một cuốn sách có thể đọc xong rồi gấp lại và không nghĩ ngợi gì nữa.
Animal Farm — George Orwell
Animal Farm (Trại Súc Vật) là câu chuyện về một nhóm động vật ấp ủ dự tính lật đổ chủ nhân của chúng. Nhưng cuộc sống của chúng có thực sự tốt hơn nếu con người không còn nữa? Được xuất bản lần đầu vào năm 1945, thời điểm Anh và Liên Xô còn đang hòa hợp, cuốn sách đã nhận về vô số ‘gạch đá’ vì dám lên tiếng chỉ trích Joseph Stalin và chủ nghĩa toàn trị bấy giờ. Chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, tình cảm của công chúng với Liên Xô bắt đầu mai một thì độc giả mới thấy được sự thấm thía trong những ngôn từ kia, và tới nay vẫn xem nó là một trong những câu chuyện ngụ ngôn châm biếm xuất sắc nhất mà lịch sử văn chương từng được chứng kiến.
Catch-22 — Joseph Heller
Kể từ khi xuất bản năm 1961, không có cuốn tiểu thuyết nào sánh được với sự mãnh liệt và sâu sắc của Catch-22 (Bẫy-22) trong việc lột tả sự tàn khốc đến điên rồ của chiến tranh. Đã hơn 50 năm kể từ ngày đó, đến nay cuốn sách vẫn luôn được xem là nền tảng của văn học Mỹ và là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất mọi thời đại — và chắc chắn sẽ luôn có mặt trong mọi danh sách những tiểu thuyết xuất sắc nhất từng được chắp bút.
The Grapes Of Wrath — John Steinbeck
Trong cuốn tự truyện On Writing, Stephen King nói thứ văn chương trong The Grapes of Wrath (Chùm Nho Thịnh Nộ) có thể nhấn chìm một tác giả trẻ trong tuyệt vọng, vì có lẽ “phải sống tới cả ngàn năm mình mới viết hay được như thế”. Cuốn sách kinh điển giành giải đã đem về cho Steinbeck cả giải Pulitzer lẫn Nobel danh giá, và đến nay vẫn được xem là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất, lột tả chân thực nhất nỗi kinh hoàng của cuộc Đại suy thoái và bản chất của sự bình đẳng ở Mỹ, nơi vẫn luôn được xem là đất nước của sự tự do.
Gone With The Wind — Margaret Mitchell
Cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp cầm bút ngắn ngủi của Margaret Mitchell ngay từ khi ra đời đã là một thành công vang dội, và tầm ảnh hưởng của nó sau gần 100 năm chỉ có thể tăng chứ không bao giờ giảm. Hàng nghìn bài báo, hàng trăm bài viết lẫn nghiên cứu đã được thực hiện cũng không thể lột tả hết tầm vóc của tiểu thuyết này, một áng sử thi vĩ đại “đậm chất Mỹ” khiến người đọc mọi thế hệ đều phải mê mẩn.
Beloved — Toni Morrison
Xuất sắc giành giải thưởng Pulitzer danh giá năm 1981, Beloved (Thương) của Toni Morrison đến nay đã được liệt vào hàng kinh điển, là một trong những tác phẩm vĩ đại và trường tồn của văn học Mỹ. Câu chuyện khó quên này được ví như “một bức chân dung đầy sáng tạo và lôi cuốn” về một người phụ nữ bị ám ảnh bởi quá khứ nô lệ, bởi mất mát, suy sụp và nỗi đau thương tới tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần. Người ta vẫn thường nói nhiệm vụ của nhà văn là nói lên sự thật ở đời, và với cuốn tiểu thuyết này thì Morrison đã nói lên một sự thật không thể thật hơn được nữa, một sự thật tàn bạo về mặt tối của nước Mỹ.
Một Vài Cái Tên Nổi Bật Khác
The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc) — Ernest Hemingway
Invisible Man (Người Vô Hình) — H. G. Wells
Mrs. Dalloway (Bà Dalloway) — Virginia Woolf
Never Let Me Go (Mãi Đừng Xa Tôi) — Kazuo Ishiguro
Atonement (Chuộc Tội) — Ian McEwan