Bất cứ mọt sách nào, cho dù là những người “không thể sống thiếu sách”, cũng ít nhiều lần từng rơi vào giai đoạn mất hứng thú với sách. 

Hiện tượng này được gọi với cái tên reading slump. Trong bài viết hôm nay, tôi đưa tới các bạn vài nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng chán đọc — và không quên kèm theo đó là cách giúp bạn thoát ra khỏi nó. 

Ảnh: Iris Reading

Reading Slump Là Gì? 

Thuật ngữ reading slump dịch nôm na là “bệnh chán đọc” — cách nói mỹ miều hơn của tình trạng lười đọc, mất tập trung khi đọc. 

Người viết thì có writer’s block, người đọc thì có reading slump. Nó có thể dừng lại ở mức bạn chán nản, mất động lực đọc, hoặc tồi tệ hơn là không thể tập trung khi đọc sách. Như thể lưỡi mất vị giác vậy, ăn chẳng thấy ngon mà cốt chỉ để no bụng. 

Và kết quả là bạn cứ đọc mãi một trang, đọc đi đọc lại một dòng hoặc chỉ đọc một lát đã thấy chán nản, mệt mỏi. Những cuốn sách giờ đây trông chẳng khác nào xấp tài liệu bỏ xó sau khi kết thúc kỳ thi. 

Ngay cả những người ham đọc nhất, những mọt sách chính hiệu cũng ít nhiều lần rơi vào tình trạng này. Ta vẫn thích đọc đấy chứ, nhưng vì lý do nào đó, không đủ động lực để làm điều đó.

Reading Slump Từ Đâu Mà Ra? 

Bằng kinh nghiệm của một mọt sách lâu năm kết hợp với nghiệp vụ nằm vùng trong các hội nhóm đọc sách, tôi xin liệt kê một vài nguyên nhân điển hình dẫn tới tình trạng chán đọc trên. 

Quá Bận Rộn 

Đây là lý do dễ cảm thông nhất. Chuyển nhà, công việc mới, dự án mới,... có thể khiến bạn không còn tâm trí đâu mà đọc sách. Gánh nặng cuộc sống đôi khi ngốn hết thời gian trong một ngày của bạn, và bạn buộc phải thức đêm để đọc. Nhưng hiếm ai tập trung đọc khi đầu óc lẫn thân thể đã rã rời sau một ngày dài. Vì vậy, tình trạng chán đọc đến như một lẽ tự nhiên. 

Đọc Quá Nhiều Sách Cùng Một Lúc 

Đọc nhiều sách cùng lúc giống như con dao hai lưỡi. Nếu may mắn đọc được những cuốn hay, bạn có thể đọc mãi, đọc mãi mà không dứt ra nổi. Ngược lại, nếu bạn đen đủi vớ phải “những mớ sách bầy nhầy”, thì việc đọc khiến bạn chán chường, mệt mỏi và hiển nhiên — mất động lực đọc. 

Lời khuyên ở đây là bạn phải mạnh dạn từ bỏ những cuốn sách mình không thích. Chi phí của việc đọc một cuốn sách tồi là thời gian quý báu dành cho những cuốn sách chất lượng hơn. 

Dư Âm Từ “Người Cũ” 

Nếu cuốn sách bạn vừa đọc xong quá đỗi xuất sắc, nó vô tình sẽ tạo tiêu chuẩn trong bạn về những cuốn sách tiếp theo. Bạn lấy cuốn sách đó ra làm thước đo để lựa chọn các cuốn sách bạn đọc sau đó. Nói theo lối hoa mỹ của các tác giả ngôn tình thì, tuổi trẻ không nên gặp người xuất sắc quá, vì sau này sẽ mất cả đời nhớ nhung. 

Ảnh Hưởng Của Kỹ Thuật Số 

Bạn vừa tắt nguồn máy tính, vớ lấy một cuốn sách bất kỳ trên giá và trèo lên giường. Đọc một chút chứ nhỉ? Nhưng khoan, phải check thông báo Messenger đã. Xong rồi, giờ lướt Tik Tok thêm ít chắc cũng không sao đâu. Và rồi bạn lướt, lướt. 15 phút, rồi 30 phút trôi qua, mắt bạn bắt đầu díp hết lại. Bạn tắt máy đi ngủ, mặc kệ cuốn sách nằm đó chơ vơ một mình suốt nãy giờ. 

Lâu dần, bạn như rơi vào vòng lặp tuần hoàn, bạn chỉ thích lướt web, nhắn tin, xem video hơn là đọc sách. Đọc sách là học, mà học là chuyện cả đời. Mai rồi ngày kia đọc bạn sẽ đọc, nhưng nhất quyết không phải bây giờ.

Rõ ràng rồi, đọc sách là phải nghĩ, mà đâu phải ai cũng muốn nghĩ ngợi trong thời giờ rảnh rỗi. 

Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn 

Theo lý thuyết được đưa ra bởi nhà tâm lý học Barry Schwartz trong cuốn sách The Paradox of Choice: Why More is Less, số lượng lựa chọn tăng lên không hẳn làm tăng mức độ thỏa mãn mà còn phản tác dụng — khiến con người khó đưa ra quyết định tối ưu hơn. 

Bước ra một tiệm sách bất kỳ và bạn sẽ thấy ngồn ngộn những sách nào tâm lý học, self-help, ngôn tình, trinh thám,... xếp thành chồng cao ngất. Đứng trước hàng trăm tựa sách như vậy, chọn ra một cuốn sách sao cho đáng đồng tiền bát gạo rất khó nhằn. 

Cũng theo Schwartz, để đưa ra được quyết định tối ưu, bạn cần phải cân bằng giữa việc có quá nhiều lựa chọn và không có đủ lựa chọn. Do đó, nhiều sách quá hay ít sách quá đều khiến độc giả khó chọn hơn. 

>>> Đọc chi tiết bài viết về Nghịch lý của Sự lựa chọn. 

Đọc Quá Nhiều Sách Cùng Thể Loại 

Nếu kệ sách của bạn chỉ xoay quanh vài thể loại thì việc chán đọc là chuyện sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Các cuốn sách nhìn chung sẽ có cốt truyện na ná nhau, những tình tiết tương tự nhau và việc đọc sẽ không còn hấp dẫn bạn vì bạn có thể đoán trước điều tác giả chuẩn bị nói. 

Sách hay thì nhiều, nhưng ít người đủ may mắn để tìm ra chúng. 

Làm Thế Nào Để Vượt Qua Chứng Chán Đọc? 

Sau đây là một số mẹo mà các mọt sách có thể tham khảo. 

Đọc Lại Những Cuốn Sách Yêu Thích 

Mỗi khi muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ lại lý do tại sao bạn bắt đầu. Niềm ham mê sách đâu có khơi nguồn từ hư vô. Tình yêu sách đến từ sách, đúng vậy, bạn phải đọc thì mới thích đọc chứ. 

Hãy tìm lại những cuốn sách cũ, những cuốn sách đã từng làm bạn chìm đắm vào từng trang giấy. Việc này sẽ mang lại cho bạn thêm động lực bởi nó nhắc nhở bạn về lý do tại sao mình lại thích đọc sách tới thế. 

Và như thế, để thoát khỏi sự trì trệ, chúng ta quay trở về điểm xuất phát, lần mò lại từng ý tưởng cốt lõi để trả lời cho câu hỏi: Tại sao tôi lại thích đọc sách? 

Chọn Những Cuốn Sách Ngắn 

Vì đang rơi vào tình trạng chán đọc, các cuốn sách dày cộp chi chít chữ chắc chắn không phải là lựa chọn sáng suốt. Thay vào đó, hãy tìm cho mình những cuốn sách nhẹ đô thôi. Sách ngắn, ít chữ, nhiều khoảng trắng sẽ thích hợp hơn với bạ bạn trong thời kỳ reading slump. 

Các cuốn sách ngắn, hiển nhiên, đẩy nhanh tiến độ đọc sách của bạn. Động lực đọc sách của bạn sẽ sớm về bên bạn. 

Thay Đổi Không Gian Đọc 

Nếu nằm dài trên giường đọc sách chán chê rồi thì sao bạn không thử ra cà phê sách nhỉ? Thư viện cũng ổn, nhưng hãy nhớ là chỉ mang sách theo thôi nhé. Bạn buộc phải tạm xa chiếc điện thoại thân yêu một thời gian để tìm lại niềm yêu thích với việc đọc. 

Xem Một Bộ Phim Chuyển Thể 

Rất nhiều bộ phim hay là phiên bản chuyển thể từ các cuốn sách. Ví dụ, bộ phim Dặm Xanh (1999) được xây dựng trên tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Stephen King, hay bộ phim yêu thích của tôi — Một Ngày Để Yêu (2011) — vốn lấy chất liệu từ tác phẩm gốc của nhà văn David Nicholls. 

Đa phần phim chuyển thể dù xuất sắc tới mấy cũng khó so bì với tiểu thuyết gốc, sự thật là vậy. Vì vậy nếu bạn vừa xem xong một bộ phim nào hay thật hay, hãy dành chút thời gian hỏi bác Google xem nó có phải là tác phẩm chuyển thể hay không. 

Bạn có thể đang thấy việc đọc thật tẻ nhạt và xem phim thì hay hơn, ít tốn sức hơn — cho tới khi bạn hiểu được những dụng ý sâu xa trong câu từ của tác giả, những thứ mà các đạo diễn không thể truyền tải nổi. 

Bắt Đầu Lại Thói Quen Đọc Sách Mỗi Ngày 

Tôi không ngưỡng mộ mấy với những người khoe khoang đọc được bao nhiêu sách mỗi tuần, mỗi tháng, nhưng tôi luôn nhìn những người nói họ đọc mỗi ngày bằng con mắt của sự nể vì. 

Thói quen đọc, như bất cứ thói quen nào khác, được xây dựng trên sự lặp lại. Bạn không thể cứ chờ có hứng đọc sách rồi mới đọc, hoặc đứng im một chỗ rồi tin rằng tình yêu với sách của bạn sẽ quay trở lại. 

Bạn nên bắt đầu lại bằng việc đọc sách 15 – 30 phút mỗi ngày. Hoặc không, bạn có thể đặt ra chỉ tiêu đọc 20 – 50 trang mỗi ngày, sau đó nâng dần lên. 

Chờ Đợi 

Bạn có thể thử tất cả các cách trên nhưng vẫn không hiệu quả. Lúc này, lựa chọn duy nhất còn lại là để reading slump tự biến mất. Không cần phải thúc ép bản thân, không cần quá áp lực. 

Một ngày đẹp trời nào đó, hoặc không đẹp trời cũng được, mưa tầm tã như hôm nay chẳng hạn, bạn thu mình trong căn phòng nhỏ, nổi hứng sắp xếp lại giá sách. 

Bạn rút một cuốn ra khỏi kệ, ngắm nghía một hồi rồi lặng lẽ đọc. Và như thế, tình yêu tìm về. 

Đọc thêm các bài viết khác 

#1. 4 Cấp Độ Của Việc Đọc: Làm Thế Nào Để Đọc Nhiều, Nhanh Nhưng Vẫn Hiệu Quả?

#2. Đọc Sách Buổi Sáng Hay Buổi Tối Thì Tốt Hơn? 

#3. Chúng Ta Học Được Gì Từ Phương Pháp Đọc Sách Của Bill Gates?