Và cuốn nào cũng hay tuyệt! 

John Creasey là một tác giả tiểu thuyết kỳ bí người Anh từng viết 500 cuốn tiểu thuyết (bạn không nhìn nhầm đâu) dưới mười bút danh khác nhau trong suốt 65 năm cuộc đời.

Nhiều tiểu thuyết gia đương đại khác dễ dàng viết được nhiều như thế, mà tiêu biểu là Anthony Trollope. Trollope viết với một tốc độ ổn định tuyệt vời. Ban ngày, ông làm thư ký ở Ban Bưu chính Anh Quốc. Ông ấy viết 2 tiếng rưỡi mỗi sáng trước khi đi làm. Lịch làm việc nghiêm ngặt. 

Ở phía bên kia quang phổ lại có các nhà văn chỉ viết độc một quyển sách — ta có Harper Lee với Giết con chim nhại, Margaret Mitchell với Cuốn theo chiều gió, hay Emily Bronte với Đồi gió hú kinh điển. 

Tuy nhiên, chỉ một đôi khi đã là quá đủ để người đọc mãi nhớ về họ như những thiên tài văn chương kiệt xuất nhất mà lịch sử từng chứng kiến. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời họ và cách mà họ đã thảo ra cuốn sách duy nhất trong sự nghiệp cầm bút nhé. 

Margaret Mitchell, Cuốn theo chiều gió (1936) 

Trước khi đặt bút viết lên kiệt tác Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) cuốn tiểu thuyết được xem là áng sử thi bất diệt về một thời kỳ lịch sử vĩ đại của nước Mỹ, ít ai biết Margaret Mitchell đã vô cùng nổi tiếng dưới tư cách một nhà báo. 

Cả ông nội và ông ngoại của Margaret đều từng tham gia trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, và bà luôn dỏng tai nghe thật chăm chú từng câu chuyện ly kỳ mà họ thuật lại. Những năm lăn lộn trong nghề báo, bà cũng viết không ít các bài viết tiểu sử các vị tướng trong lịch sử. Chính những trải nghiệm trên đã góp phần giúp bà thảo lên tuyệt tác Cuốn theo chiều gió, là tổng hòa của chiến tranh, súng đạn, tình yêu, tình bạn và nghị lực sống kiên cường không thể lụi tàn. 

Ra mắt ngày 30 tháng 6 năm 1936, cuốn tiểu thuyết ngay lập tức trở thành hiện tượng trên văn đàn bấy giờ, xô đổ hàng loạt kỷ lục mà ngành xuất bản nước Mỹ từng mất hàng thập kỷ để gây dựng. 

Với giá bìa 3 USD (tương đương khoảng 70 USD ngày nay) — một con số không khiêm tốn cho lắm trong thời buổi khủng hoảng kinh tế những năm 1930, Cuốn theo chiều gió vẫn bán đắt như tôm tươi, đạt lượng tiêu thụ 178.000 bản trong 3 tuần đầu ra mắt, đồng thời đem về cho Margaret Mitchell giải thưởng Pulitzer danh giá. Ngày nay tổng số phát hành cuốn sách chỉ tính riêng ở Mỹ đã đạt khoảng 30 triệu bản, và Cuốn theo chiều gió là tác phẩm được yêu thích nhất tại Mỹ chỉ sau Kinh Thánh, theo khảo sát của Harris Poll năm 2008. 

Vào năm 1939, bộ phim chuyển thể cùng tên với sự góp mặt của 2 tượng đài điện ảnh Vivien Leigh và Clark Gable đã tạo ra chấn động phòng vé lúc bấy giờ. Tầm ảnh hưởng của bộ phim lên lịch sử điện ảnh là không thể bàn cãi, khi nó liên tục được đề cử vào hàng ngũ các bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại với dàn nhân vật chính mang tính biểu tượng. 

>>> Đọc thêm: Tại Sao 'Cuốn Theo Chiều Gió' Xứng Đáng Là Tượng Đài Điện Ảnh Hoa Kỳ?

Tuy nhiên, ánh hào quang cuốn sách đem lại chỉ dừng ở tiền bạc phú quý, còn lại gây xáo trộn hoàn toàn đời tư của nữ văn sĩ Margaret Mitchell. Cuộc sống bình yên của bà với người chồng John Marsh chẳng còn nữa, tài chính chi tiêu chỉ làm bà thêm mệt mỏi, không còn tâm sức đâu mà sáng tác. 

Ngay khi guồng quay dần trở lại quỹ đạo ban đầu thì chẳng may, một tai họa khủng khiếp giáng xuống cuộc đời bà và vĩnh viễn cướp đi một tài năng văn học hiếm có của nhân loại: chiếc xe chở Margaret cùng chồng đang trên đường tới rạp chiếu phim thì bị đâm bởi một tài xế say rượu. Thương tích quá nặng, cả hai người cùng qua đời trong bệnh viện vài ngày sau đó. 

Margaret Mitchell ra đi năm đó 49 tuổi, với gia tài một cuốn tiểu thuyết duy nhất là Cuốn theo chiều gió, nhưng chỉ một cũng là đủ để đưa tên tuổi bà vào hàng ngũ  những nhà văn xuất sắc nhất mà thế kỷ 20 có cơ hội chứng kiến. 

Oscar Wilde, Chân dung của Dorian Gray (1890) 

Năm 1890, Oscar Wilde ra mắt cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp cầm bút của mình — Chân dung của Dorian Gray (The Picture of Dorian Gray) — và đã gây chấn động văn đàn Anh bấy giờ. Câu chuyện đó kể về chàng mỹ nam Dorian Gray bán mình cho quỷ dữ để đổi lấy vẻ đẹp trẻ mãi không già — đến nay vẫn không ngừng mê hoặc bạn đọc sau hơn một thể kỷ ra đời. 

Dorian Gray (Ben Barnes thủ vai) trong bộ phim chuyển thể năm 2009 

Tác giả Mạnh Đức bình luận trên tờ Tuổi Trẻ về cuốn sách như sau: “Không chỉ lưu giữ nét đẹp cổ điển của ngôn ngữ Anh thế kỷ 19, những vấn đề về nghệ thuật và nhân sinh từng được đề cập trong sách cho đến nay cũng vẫn còn nguyên giá trị.” 

Sức hấp dẫn trường tồn của cuốn tiểu thuyết có lẽ nằm ở tấm gương phản chiếu sắc nét nền văn hóa đầy ám ảnh tại Anh Quốc thời bấy giờ, đồng thời khiến độc giả không ngừng nghĩ ngợi về những thỏa hiệp đạo đức của chính mình: Liệu cái đẹp có đi liền với đạo đức hay không? 

Sinh thời, Oscar Wilde chủ yếu được biết đến như một nhà thơ và nhà viết kịch người Ireland. Tài nghệ văn chương được xã hội thừa nhận và tôn vinh hết mực trong một thời gian ngắn cho đến khi ông bị kết án vì tội “không đứng đắn” (Oscar Wilde là người đồng tính nam và chỉ riêng việc là người đồng tính đã đủ để một người bị đem đi treo cổ tại thời điểm đó). 

Chân dung nhà văn Oscar Wilde (1854 - 1900)

Dù được thả sau đó ít lâu, bất chấp sự giúp đỡ của những người thân cận, Oscar Wilde vẫn mặc cho cuộc đời mình trôi dốc và ông sống những ngày tháng cuối đời trong cô độc và nghèo khổ. Oscar Wilde qua đười ngày 30 tháng 11 năm 1900 tại Paris, thọ 46 tuổi.  

Emily Brontë, Đồi gió hú (1847) 

Xuất bản năm 1847 dưới bút danh Ellis Bell, một cái tên nam giới (do thời bấy giờ các tác giả nữ không được phép xuất bản sách), Đồi gió hú (Wuthering Heights) nhận về vô vàn ý kiến trái chiều song tới nay, cuốn tiểu thuyết lại được coi là một trong những kiệt tác kinh điển của văn học Anh. 

Đồi gió hú là cuốn tiểu thuyết đầu tiên là cũng là duy nhất là Emily Bronte. Như rượu ủ càng lâu càng ngấm, tác phẩm đã vượt qua phép thử khắc nghiệt của thời gian và ngày càng chứng minh sức sống dẻo dai, trường tồn của một thiên truyện kinh điển mang tầm vóc vĩ đại. 

Heathcliff (Solomon Glave) và Cathy (Shannon Beer) thời trẻ trong bộ phim chuyển thể năm 2012 

Với cấu trúc “truyện lồng truyện”, so với các tiểu thuyết cùng thời, Đồi gió hú có thể nói là đi trước thời đại khi có nhiều điểm mới mẻ, sáng tạo về phương thức kể chuyện. Nội dung chính của cuốn sách xoay quanh bi kịch tình yêu giữa Heathcliff và Cathy Earnshaw. Dù đây là một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng rất dữ dội, mà chính tựa đề ‘Đồi gió hú’ đã phần nào phản ảnh.

Cuộc đời tác giả cuốn sách, bà Emily Bronte cũng dữ dội không kém, mà có thể nói là vô cùng bất hạnh. Bà ra đi vì căn bệnh lao quái ác, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi 30 năm chỉ quanh quẩn ở Thornton, một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Yorkshire, nước Anh.

J. D. Salinger, Bắt trẻ đồng xanh (1951) 

Vào những năm 1940, nhà văn J. D. Salinger bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của mình, Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye) — sau đó được phát hành vào năm 1951. 

Bắt trẻ đồng xanh kể câu chuyện về chàng thanh niên 16 tuổi tên Holden Caulfield, vừa bị đuổi học và lên đường chu du khắp New York. Lời văn đầy tục tĩu xen lẫn tiếng lóng đúng chất những dòng tự sự của một cậu bé nổi loạn tuổi dậy thì, đi thẳng vào những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tình dục — vậy nên không quá khó hiểu khi cuốn sách ngay lập tức bị phản đối kịch liệt và thậm chí còn bị nhiều trường học tại Mỹ liệt vào ‘danh sách cấm’. 

Tuy nhiên, như kịch bản quen thuộc của nhiều tác phẩm văn học kinh điển khác, rằng dù giới chuyên môn và bạn đọc đương thời có ra sức công kích bấy nhiêu chăng nữa thì thời gian vẫn sẽ là kẻ đưa ra phán quyết cuối cùng — thì giờ đây, sau hơn 70 năm kể từ ngày phát hành, Bắt trẻ đồng xanh được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới và được Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay. 

Chân dung nhà văn J. D. Salinger (1919 - 2010) 

Tuy nhiên, trái ngọt muộn màng mà cuốn tiểu thuyết đem lại cho chủ nhân nó không mấy hạnh phúc mà thay vào đó, Salinger ngày càng trở nên khép kín hơn. Có lẽ ông vẫn viết, nhưng ông ngừng xuất bản các tác phẩm của mình, đồng thời tránh xa báo chí hết mức có thể. 

Salinger qua đời năm 2010 ở tuổi 91 vì tuổi già, để lại một ngăn bàn đầy những bản thảo không được xuất bản và có lẽ sẽ không bao giờ được phát hành cả. 

Harper Lee, Giết con chim nhại (1960) 

Dù sống thọ tới 89 tuổi, nữ văn sĩ người Mỹ Harper Lee chỉ xuất bản một cuốn sách duy nhất trong suốt sự nghiệp — cuốn Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) hay tuyệt. Chính Stephen King còn phải thắc mắc, nếu ông trời đã trao cho những nhà văn như Harper Lee thiên phú kể chuyện như vậy, tại sao bà lại không chịu viết nhiều hơn? 

Lấy chất liệu từ chính cuộc đời mình, cuốn tiểu thuyết được xem như một thiên tự truyện của chính Harper Lee, với bối cảnh đặt tại một thị trấn nhỏ ở Alabama và nhân vật chính là cô bé Jean Louise “Scout” Finch được xem là hiện thân của chính nhà văn, còn nhân vật luật sư Atticus Finch đại diện cho bố của bà (bố của Harper tên đầy đủ là Frances Cunningham Finch Lee, một luật sư làm việc tại cơ quan tư pháp tiểu bang). 

Ra mắt văn đàn năm 1960, Giết con chim nhại nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách nhất năm cũng như được giới phê bình đánh giá rất cao. Một bộ phim điện ảnh đã được dựng quay như tác phẩm chuyển thể của cuốn sách vào năm 1962, và nhân vật Atticus Finch (Gregory Peck) thủ vai được Viện phim Mỹ (AFI) bình chọn đứng đầu trong danh sách 50 anh hùng vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh. 

Nhà văn Harper Lee và nam diễn viên Gregory Peck 

Năm 2007, Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush khi trao tặng Harper Lee Huân chương Tự do có nói: “Nhà văn Harper Lee đã đi trước thời đại của bà, và kiệt tác ‘Giết con chim nhại’ đã hối thúc nước Mỹ theo kịp bà ấy.” Bất chấp mọi lời tán tụng và ánh hào quang mà cuốn tiểu thuyết mang lại, Harper Lee gần như nói không với báo chí trong suốt cuộc đời. 

Nhà văn ra đi thanh thản vào buổi sáng ngày 19 tháng 2 năm 2016 ở tuổi 89. Trước lúc nhắm mắt, bà vẫn sống tại Monroeville, Alabama, mảnh đất bà đã gắn bó trong suốt cuộc đời. 

>>> Đọc thêm: Những Cuốn Sách Được Xem Là “Tiểu Thuyết Xuất Sắc Nhất Từng Được Viết Ra”