Ờ thì.. có vẻ người thành công nào cũng có thói quen đọc sách thì phải. Ít nhất theo những gì chúng ta biết là thế. Nhưng việc họ khuyên người khác nên đọc sách theo họ, thật sự là một việc làm vô bổ. Dưới đây là lý do của tôi. 

Nhìn ông đi các cháu, noi gương mà học đọc sách theo nhé! ẢNH: GATESNOTE

Khi tôi nói mình đọc sách mỗi ngày, một vài người rất ấn tượng. “Mày chắc phải có tinh thần kỷ luật thép,” họ bảo tôi vậy. Được khen là người có kỷ luật quả thật rất vui – vui hơn là bị chê mọt sách – nhưng bản thân tôi thấy không liên quan lắm. 

Cá nhân tôi đọc chỉ vì tôi thích đọc, mà có lẽ nói đúng hơn là việc đọc sách hợp với tôi. Lẽ dĩ nhiên, một người sẽ tiếp tục làm những gì mình thích và ngưng làm những gì mình không thích. Ắt hẳn thứ gì đó na ná kỷ luật cũng đóng vai trò trong chuyện này. Nhưng tôi tin rằng dù một người có khát khao thành công tới mấy, hiểu rõ tầm quan trọng của đọc sách tới mấy thì anh ta cũng không thể nào duy trì thói quen đọc sách quá ba tuần nếu anh ta vốn dĩ không thích đọc – và thấy bản thân không hợp với việc đọc.

Nếu đã không thích thì đọc sẽ không vui, mà không vui thì hầu như chẳng ai cố gắng làm tiếp cả. Tốt nhất là đi tìm những miền trời khác nơi tiềm năng dày hơn và niềm vui theo đó cũng cao hơn. 

“Cơ bản, một người không thể thực sự theo đuổi thứ gì đó chỉ vì được ai đó khuyên” 

Nếu tôi gặp một người yêu thích đọc sách giống mình, tôi rất mừng – nhưng còn mừng hơn nếu người đó bắt đầu đọc sách nhờ tôi. Nhưng trong tất cả những người tôi từng khuyên “Đọc sách đi. Đọc sách tốt lắm”, không một ai thực sự trở thành người đọc sách cả.

Một người không đọc sách chỉ vì được ai đó khuyên. Đọc sách không dành cho tất cả mọi người, cũng như không phải ai cũng có thể trở thành người viết, chính trị gia, luật sư hay nhà tâm lý học. Khi Haruki Murakami bỏ việc kinh doanh đang phát đạt và bắt đầu sự nghiệp viết lách ở tuổi ngoài 30, tất cả mọi người đều nghĩ ông bị điên. Không có ai khuyên ông ấy trở thành tiểu thuyết gia cả; một số thậm chí còn ra sức ngăn cản – nhưng ông ấy vẫn bán quán rượu và trở thành tác giả văn học vì tiếng nói bên trong thôi thúc ông phải làm điều đó.

Cơ bản, đôi khi nghề chọn người chứ người không chọn nghề, và một người làm công việc này chẳng phải vì ai khuyên anh ta nên như thế mà vì anh ta được đặt định là như thế. 

Niềm vui ở đâu?

Từ lâu tôi đã thấy nhiều người ra công viên chỉ để thay đổi không gian lướt web; nhưng thi thoảng tôi bắt gặp một vài người đang đọc sách hay vài đứa trẻ đang ngấu nghiến tập truyện tranh Doraemon, tôi thấy trào dâng trong mình một cảm xúc vui sướng lạ kỳ. Với những người như vậy, ta sẽ chẳng bao giờ cần bỏ công khuyên họ đọc sách làm gì. Bản thân họ sẽ tự tìm tới sách và chìm đắm trong chúng. Ngược lại, ngoài việc cảm thấy vô bổ khi cố khuyên răn một người không-đọc-sách rằng “Hãy đọc sách đi!”, tôi còn thấy việc này làm tình làm tội người khác nữa. 

Những ngày còn ở trường, chúng tôi thường có một bài tập điểm sách để lấy điểm phụ trội; thành ra có nhiều người lao đầu đọc ngấu nghiến một cuốn cốt chỉ để đạt điểm cao hơn. Dù rất thích đọc sách, tôi không bao giờ tham gia vào mấy trò này. Một phần vì không quan tâm tới điểm chác mấy, nhưng phần lớn do tôi thấy đọc sách với mục đích như vậy thì không đáng đọc. 

Tương tự, chứng kiến các thầy cô ở trường nhồi nhét vào đầu tốp học sinh đống kiến thức hàn lâm khô khan và yêu cầu chúng về đọc thuộc lòng các tác phẩm – dù là các tác phẩm kinh điển chăng nữa – cũng thật vô bổ. Nếu đọc chỉ vì bị ép đọc, hiển nhiên sẽ chẳng còn hứng thú gì nữa, và lợi ích nhận về cũng chẳng tồn tại lâu. 

Không thể đánh giá con cá bằng khả năng leo cây!

Tôi biết rất nhiều người tài giỏi trong lĩnh vực của họ nhưng không hề thấy họ động vào một trang sách nào. Một số người còn nói thẳng họ ghét đọc sách. Nhưng sách suy cho cùng cũng chỉ là một phương tiện, mà ngày nay thì không thiếu con thuyền giúp bạn cập bến bờ tri thức nhanh hơn nhiều. 

Mỗi người sẽ có cách tiếp cận tri thức riêng, mỗi người sẽ có cách tiêu khiển riêng. Một số người – như tôi chẳng hạn – có thể đọc sách cả ngày; một số người lại lựa chọn nằm yên không làm gì cả; một số thì là bài bạc, bida.

Tôi học được rất nhiều và có rất nhiều giờ phút sảng khoái với sách, nhưng trong tôi luôn tồn tại một mối mặc cảm ngấm ngầm rằng mình là kẻ mù công nghệ: tôi không học hỏi được nhiều ở trên mạng. Tôi chẳng biết tìm các nguồn tri thức ở đâu, không biết tìm thông tin chất lượng chỗ nào. Các ý tưởng hay ho chẳng bao giờ tìm tới tôi từ Internet.

Những người bạn không-đọc-sách của tôi thì được bù lại bằng khoản này. Cho họ một con máy tính với kết nối mạng ổn định, họ có thể tìm ra nhiều ý tưởng trong một giờ đồng hồ hơn tôi đọc sách cả tháng. Tất nhiên, việc họ giỏi thì họ làm. Tôi chẳng cất công mày mò công nghệ để bắt chước họ làm gì, và họ cũng đủ hiểu bản thân để không bắt chước tôi tập tành đọc sách. 

Vì vậy, nếu để thực lòng khuyên thì tôi sẽ khuyên người ta đừng cố đọc sách nếu đã không hợp. Đơn giản vì nó không dành cho tất cả mọi người. Tôi cũng muốn khuyên người ta đừng rao giảng là đọc sách tốt lắm, các lợi ích của việc đọc mà bạn “không thể bỏ qua” – nhưng tôi không nghĩ là những người khác sẽ nghe lời tôi – đặc biệt khi họ không biết phải viết gì cho đủ KPI.