Khi phóng bút, một người viết luôn cố gắng đứng trên quan điểm trung lập, là người ngoài cuộc nhìn vào trận mạc để bình phẩm. Nếu thế giới có hàng triệu người căm ghét self-help, tôi không phải một trong số đó. Nhưng tôi cũng hề hâm mộ chúng mấy, dù thường thì tôi cũng hay đọc. 

Trong bài viết này, mang theo tinh thần đó, tôi sẽ giải thích cho bạn tại sao thể loại sách self-help, vốn từng được coi là “văn học thông thái”, giờ đây lại biến tướng và bị nhiều độc giả rẻ rúng, khinh mạt. Để bắt đầu, trước hết hãy cùng lần về những năm tháng trước công nguyên, thời điểm self-help ra đời. 

Self-help đã tồn tại hàng ngàn năm và được yêu thích cũng như bị ghét bỏ trong suốt thời gian dài. Việc này do đâu mà ra?

Thuở sơ khai 

"Tổ tiên" của dòng sách self-help được cho là một loại tài liệu hướng dẫn về cuộc sống của Ai Cập có tên Sebayt, có nghĩa là “giáo lý” hoặc “hướng dẫn”. Giống như tên gọi của nó, các văn bản này đưa ra những suy ngẫm, những câu cách ngôn và châm ngôn về cách sống tốt nhất. 

Bởi vậy, self-help ở thời kỳ sơ khai nhất của nó, đã từng được coi là một thể loại “văn học thông thái”. 

Bước sang thời kỳ đầu thời Trung cổ và thời Phục hưng, những cuốn sách Mirror-of-Princes kể những câu chuyện về các vị vua có hành vi mà ta nên bắt chước hoặc tránh xa. Nhìn chung, những văn bản dạng này thường được in theo lối cẩm nang; nhằm hướng dẫn các vị hoàng tử, nhà chức trách hoặc những kẻ cai trị cấp dưới cách quản lý và ứng xử thành công. Ta có thể xem nó là “thuật cai trị” vì ở thời điểm bấy giờ, vì thuật ngữ “lãnh đạo” chưa được phổ biến cho lắm! 

Năm 1455, Johannes Gutenberg, nhà phát minh người Đức đã giới thiệu công nghệ in ép đến châu Âu. 
ẢNH: BRITANNICA 

Văn học đã có một bước nhảy vọt đáng kể sau năm 1455, khi Johannes Gutenberg phát minh ra việc in ấn hàng loạt với chi phí rẻ hơn và do đó, phân phối rộng rãi hơn. Đột nhiên, bất cứ ai cũng có thể viết ra những lời khuyên về cách sống tốt nhất và đem xuất bản thành sách. 

Trong khoảng 1600-1700, sách dạy đàn ông cách cư xử trong xã hội rất phổ biến ở châu Âu, tiêu biểu là Pháp, Ý và Anh. Ở Pháp, chúng được gọi là savoir vivre. Các chủ đề được đề cập bao gồm những điều ghê tởm và bẩn thỉu mà quý ông nên tránh như: xì mũi ra lề đường, cắt tóc tròn như cái bát và nuôi râu dài đến ‘đáng sợ’. Ngoài ra, chúng cũng khuyên đàn ông cần hành xử theo tinh thần hiệp sĩ, thể hiện sự tôn trọng với mọi người và đặc biệt là với phụ nữ – những điều đã trở thành quy tắc ứng xử vào thời nay. 

Sang những năm 1800, người ta say mê trước những lời khuyên về giảm cân, nuôi dạy con cái, cách giữ lửa hôn nhân, quản lý tiền bạc, phép xã giao, thành công, tự chủ, tự chữa bệnh; các vấn đề mà bất cứ con người trưởng thành nào đều phải đối mặt. Các tạp chí định kỳ cho xuất bản các bài báo với tiêu đề như “Tôi bị viêm ruột thừa và đã tự chữa khỏi” – dạng tiêu đề mà ngày nay chúng ta gọi là clickbait – là họ hàng ruột thịt của các chiến sĩ lùa gà “Mình đã bỏ học và tự kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?”.

Chesterton và cú đòn chí mạng 

Khi cuốn Self-Help của Samuel Smiles – một tuyển tập những câu chuyện đầy cảm hứng về những người đàn ông làm việc chăm chỉ vươn lên từ đáy xã hội tới nấc thang địa vị trên cùng – ra mắt năm 1859, doanh số của nó vượt xa Nguồn gốc các loài của Charles Darwin cùng mọi cuốn sách khác, chỉ chịu thua trước đối thủ sừng sỏ duy nhất là Kinh Thánh.

Trước khi có ý định châm chọc Smiles, ta cần biết cuốn sách này nói về gì: mục tiêu chính của nó là “kích thích giới trẻ siêng năng học tập”, “theo đuổi những mục tiêu đúng đắn”, “không quản công sức, đau đớn hay quên mình khi theo đuổi chúng – và dựa vào nỗ lực của chính mình trong cuộc sống, thay vì trông cậy vào sự giúp đỡ hay bảo trợ của kẻ khác.” Để cụ thể hóa tầm nhìn này, Smiles đã phác thảo tiểu sử của những người đàn ông thành đạt để người Anh thời Victoria noi theo. 

Nếu quả thực cuốn sách nói về những điều như vậy, không có gì đáng để chê trách cả. Trên thực tế, tác phẩm này nổi tiếng tới độ được mệnh danh là “Kinh Thánh của Chủ nghĩa Tự do thời Victoria” và có tác động lâu dài đến tư tưởng chính trị của Anh. Điều đáng nói là sau Self-Help, các tác giả vô danh như được tiếp thêm sinh khí để bắt tay chắp bút viết nên những tác phẩm na ná vậy, nhưng với mục đích giáo dục người đọc thì ít mà kiếm tiền thì nhiều. Nghề thuyết giảng bằng con chữ đã đạt tới điểm bùng phát. 

Làn sóng self-help đã dâng cao tới mức vào năm 1913, nhà thần học G. K. Chesterton bỏ công soạn riêng một bài luận phản đối việc phổ cập những cuốn sách self-help bằng lời lẽ đả kích trầm trọng. “Đó là những cuốn sách hướng dẫn đàn ông cách thành công trong mọi việc,” ông viết. “Chúng được viết bởi những người thậm chí không thể thành công trong việc viết sách.” Chesterton kết thúc bài chỉ trích của mình bằng mong muốn sau: “Ít nhất, hãy hy vọng rằng chúng ta sẽ sống để nhìn những cuốn sách ngớ ngẩn về thành công này bị nhấn chìm bởi sự chế nhạo và bỏ bê đúng mực.” 

Vấn đề với các cuốn self-help 

Hơn hai thập kỷ sau ngày Chesterton công bố tiểu luận trên, phong trào self-help mới đạt tới thời kỳ chín muồi. Đỉnh điểm có lẽ là khi cái tên Dale Carnegie xuất hiện trên bản đồ với cuốn sách trứ danh Đắc nhân tâm và cuốn Nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hill, người ngoài việc viết sách ra thì còn kinh qua nhiều nghề tới nỗi ta chẳng biết nên gọi ông bằng chức danh gì. Trên thực tế, nhiều người còn coi hai ông là những người đã phát minh ra thể loại self-help và là nhà đồng sáng lập nên bộ môn “thành công học”. (Nhân tiện mà nói, tôi sẽ rất buồn nếu ai đó tặng tôi hai cuốn trên.) 

Mặc dù chưa từng đọc và cũng chưa từng nuôi ý định đọc chúng, tôi lướt qua đủ các bài điểm sách để hiểu rõ ý tưởng lớn bao trùm là gì: Vũ trụ vật chất bị chi phối hoàn toàn trực tiếp bởi suy nghĩ của chúng ta. Việc của bạn là hình dung ra những gì bạn mong muốn trong cuộc sống, những điều đó và thậm chí nhiều hơn thế sẽ đến với bạn. Đơn giản mà nói, nó giống khái niệm “luật hấp dẫn” mà bạn vẫn từng đọc được đâu đó trên Facebook. Nếu chỉ có vậy thì hai cuốn sách trên đâu có gì đáng để ghét, chẳng phải người ta vẫn nói tư duy định hình số phận đó sao? Theo tôi, có ba lý do chính có thể giải thích cho việc này. 

Napoleon Hill, tác giả cuốn self-help nổi tiếng Nghĩ giàu làm giàu, được cho là kẻ lừa đảo trong suốt cuộc đời. 
ẢNH: GETTY IMAGES 

Thứ nhất, chúng được quảng bá quá tốt và có cái tiêu đề nghe hấp dẫn không kém. Nghĩ thử xem, ai mà chẳng muốn nghĩ giàu làm giàu và được lòng người xung quanh cơ chứ. Vô hình chung, chúng khiến độc giả kỳ vọng nhiều trước khi đọc và sau khi đọc rồi thử áp dụng những điều trong sách, họ thấy người duy nhất trở nên giàu hơn là ông tác giả thì sự việc tỏ tường, họ đâm ra ghét nó. 

Thứ hai, đời tư của hai tác giả cũng nhiều rắc rối. Napoleon Hill là một kẻ lừa đảo, còn Dale Carnegie vốn tên thật là Carnagey (người ta đồn rằng ông đổi tên sang Carnegie vì bắt chước theo “vua thép” Andrew Carnegie để ăn sái chút danh tiếng). Có lẽ sẽ cần thêm một bài viết khác nếu muốn bàn thêm về những tai tiếng của hai người đàn ông này – một dự án nho nhỏ mà tôi ấp ủ đã lâu. 

Thứ ba, chúng bị ghét chỉ vì người ta vốn không thích sách self-help. Tại sao người ta ghét self-help thì có liệt kê mãi cũng chẳng hết, nhưng tựu trung lại vẫn có một vài khuôn mẫu điển hình như sau: nội dung ra vẻ sâu sắc nhưng giả tạo, chứa đầy những lối nói cũ nhàm chán và những lời khuyên vô ích. 

Độc giả không quan tâm tới việc tác giả có viết vì tiền hay không (ai cũng phải kiếm sống mà) – miễn là họ cảm thấy mình nhận được lợi ích từ tác phẩm; nhưng nếu cuốn sách về cơ bản là rỗng tuếch, độc giả sẽ nghĩ tác giả đang cố gắng trục lợi họ, và tệ hơn là đang coi thường họ bằng cách rao giảng những điều họ vốn dĩ đã biết. Riêng Đắc nhân tâm thì còn bị nhiều người cho rằng nó lên đổi nhan đề thành Mưu hèn kế bẩn chốn công sở – một chuyện mà tôi cũng chẳng biết giải thích ra sao.. 

Liều thuốc giảm đau 

Giờ hãy quay lại với Chesterton và niềm hy vọng của ông: Self-help có bị nhấn chìm bởi “sự chế nhạo và sự bỏ bê đúng mực” hay không? Chà, rất tiếc là không. Thực tế là chế nhạo vẫn có, nhưng chưa bao giờ nó bị bỏ bê cả mà ngược lại – trở thành một trong những “con gà đẻ trứng vàng” của các công ty xuất bản. Bước chân vào bất cứ hiệu sách nào trên quả đất này, bạn sẽ thấy dòng self-help vinh dự được dành riêng một kệ, và đôi khi là băng rôn “BEST-SELLER” đi cùng nữa. Tôi biết nhiều người mua Đắc nhân tâm chỉ vì muốn hiểu tại sao nó “tai tiếng” tới vậy; họ đọc rồi cũng gia nhập hàng ngũ đả đảo cuốn sách luôn. Nhưng bất chấp điều đó, Đắc nhân tâm vẫn bán rất chạy, nếu không muốn nói là siêu chạy và trở thành “Kinh Thánh trong self-help”. Cuốn sách này có thể không thay đổi vận mệnh của người đọc nó, nhưng chắc chắn đã giúp Carnegie – và đôi khi là cả những người bán nó – đổi đời. 

Dù phổ biến là thế, việc sách self-help có thực sự giúp ích hay không chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng. Không có nhiều số liệu thống kê về vấn đề này. Tất cả những gì chúng ta biết là sách self-help rất dễ đọc và do đó, có thể xem là hành trang phù hợp nhất để một người bước chân vào thế giới của những mọt sách – mà nhìn chung thì con số này không đáng kể. Nhiều người cho rằng sách self-help thường có các ý tưởng độc đáo song dễ trùng lặp, khiến người đọc quanh co mãi ở một vấn đề mà họ đã biết sẵn giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn bước ra hàng sách hay lượn lờ Tiki rồi bỏ vào giỏ một cuốn sách self-help với tiêu đề nghe ‘hay hay’, có đề cập tới vấn đề mà bản thân đang mắc phải. 

Aristotle tin rằng việc đọc có khả năng chữa bệnh. Mặc dù những người mua sách self-help có thể không được chữa khỏi bất cứ bệnh gì, nhưng việc cảm thấy tốt hơn là dứt khoát có thật. Người ta ghét công việc, ghét thất bại, sợ bị đồng nghiệp ghét, lo lắng về ngoại hình quá khổ của mình; và self-help dường như là loại sách duy nhất cố gắng xoa dịu những vấn đề này. Chẳng cần biết tuổi trẻ thực sự đáng giá bao nhiêu, chỉ cần mua nó thôi là đã khiến ta cảm thấy dễ chịu hơn. Ít nhất còn có người viết sách dành tặng người trẻ như mình chứ không phải nhồi nhét đống kiến thức học thuật khô khan vào những trang giấy rặt chữ. Cuộc sống có nhiều tổn thương, và lời hứa mà những cuốn self-help đưa ra là sự xoa dịu nỗi đau đó. 

Self-help có thực sự xấu? 

Cho tới cuối cùng, điều gì đã thực sự làm hình ảnh của self-help trở nên thấp kém trong mắt các độc giả yêu thích văn chương? Tại sao chúng ta lại giận dữ khi mọi người xếp Nhà giả kim vào dòng sách self-help trong khi nó vốn dĩ là một cuốn tiểu thuyết? Đó có phải là sự phỉ báng một tác phẩm văn học khi bị đặt chung hàng với các cuốn sách self-help? 

Theo tôi, giá trị của một tác phẩm văn học cần được nhận định trên hai khía cạnh: tính giáo dục và tính giải trí. Giáo dục là phần lý trí, là giảng dạy, răn đe, truyền đạt kiến thức; giải trí là phần tâm hồn, tinh thần. Nếu một tác phẩm dạy bạn điều hay lẽ phải, dạy bạn những điều bạn chưa biết và nhắc nhớ những điều bạn đã quên, đó là tính giáo dục. Nếu một tác phẩm khiến bạn cười, khóc, mếu máo, suy tư, làm giàu tâm hồn bạn, đó là tính giải trí. Một tác phẩm văn học bao hàm được cả hai yếu tố này, bạn có thể coi là có giá trị. 

What activists can learn from Marcus Aurelius
Cuốn Suy tưởng (Meditation) của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius được xem là một trong những tác phẩm hay nhất mọi thời đại. 
ẢNH: ALLRIOT 

Giờ thì, chúng ta coi văn học là một công cụ để giáo dục con người, sẽ có rất nhiều kiệt tác trong lịch sử mang hơi hướng self-help. Binh pháp Tôn Tử, một luận thuyết dụng binh cổ của Trung Quốc ngày nay được giới doanh nhân Mỹ đặc biệt ưa chuộng; Suy tưởng của Marcus Aurelius là cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc đương đại. Một cuốn self-help bắt rễ từ một nền văn hoá này có thể đâm chồi nảy lộc ở một nền văn hoá khác. Self-help từng là đỉnh cao của văn học trước khi bị hắt hủi như hiện nay. Tất cả những Plato, Seneca, Aristotle và Marcus Aurelius đều viết sách self-help – để răn dạy chúng ta cách sống một cuộc đời đáng sống. Đặc biệt, cuốn Suy tưởng của Aurelius giờ đây còn được xem là một trong những tác phẩm hay nhất mọi thời đại. 

Vậy nên chẳng có gì đáng xấu hổ khi một kiệt tác bị coi là sách self-help cả. Self-help tự thân nó không hề xấu xí, một vài tác giả đã khiến nó trở nên xấu xí – như vài con sâu làm rầu nồi canh. Nếu nồi canh đó hỏng rồi, việc cần làm là đổ nó đi và nấu nồi mới. Trên thị trường có không ít những cuốn self-help thực sự ‘help’ được, nhưng tìm ra chúng khó như thể đãi cát tìm vàng. Sẽ cần một chút kiên trì và tỉnh táo, mà theo tôi dễ nhất có lẽ là tìm đọc những cuốn sách tự truyện của người nổi tiếng.

Tự truyện có thể xem là dạng self-help bậc cao, cũng kể về quá trình đi từ thất bại tới thành công của một vài tấm gương để bạn noi theo – nhưng ít nhất là chúng còn có tính thực tế. Đọc tự truyện là bạn được lĩnh hội tinh hoa kiến thức, trải nghiệm mà một con người phải bỏ ra hàng mấy chục năm để đạt được. Nếu thực lòng muốn bỏ quách mấy cuốn self-help vô bổ để ngấu nghiến thứ gì đó cùng hương vị nhưng giàu dinh dưỡng hơn, tự truyện nên là món bày ra trên kệ sách nhà bạn. 

Có lẽ sẽ hơi hụt hẫng khi bạn nhọc công đọc từ đầu chí cuối bài này chỉ để nhận về một lời khuyên nghe chừng sáo rỗng tới vậy, nhưng với tầm hiểu biết và vốn trải nghiệm hạn chế trong việc đọc sách của mình ở hiện tại, đó là tất cả sự thật tôi có thể dành tới bạn.