(1) Về tầm quan trọng của việc đọc
Lucius Seneca, một trong ba trụ cột của Triết học Khắc kỷ từng bàn về đọc sách: “Những người tiền nhiệm không phải là bậc thầy chúng ta, mà đúng hơn là một hướng dẫn viên.” Sách là sáng tạo, mà sáng tạo chỉ đơn giản là nhìn nhận những ý tưởng cũ dưới một lăng kính mới. Nói về điều này, Cormac McCarthy đã tóm gọn lại chỉ trong một dòng duy nhất: “Sách được tạo ra từ sách.”
Mỗi cuốn sách đều là nguyên bản, cho tới khi người ta tìm thấy danh mục tham khảo của nó. Ý tưởng không nảy mầm từ hư vô; bất kể bạn đang gặp vấn đề gì, rất có thể ai đó từng đối mặt với nó trước đây và quyết định viết một cách thật sâu sắc về nó.
Vì vậy, sẽ luôn sáng suốt nếu bạn bắt đầu bằng việc học hỏi những người đi trước. Dù họ sống trước bạn hàng thế kỷ, bạn vẫn có thể trở thành học trò của họ — vì tất cả bài học của họ đã được lưu lại trong những trang sách.
(2) Tại sao đọc nhiều chưa hẳn đã tốt?
Hãy cẩn thận với việc đọc quá đa dạng thể loại sách lẫn tác giả. Đó có thể là biểu hiện của trạng thái thất thường và thiếu kiên định. Chúng ta có thể đọc vì giải trí, nhưng ắt hẳn chúng ta vẫn buồn nếu gấp cuốn sách lại và chẳng đọng được gì trong đầu.
Do vậy, nếu muốn nhận được những lợi ích lâu dài của việc đọc, bạn cần phải tập trung vào một vài thể loại sách và tác giả nhất định. Người cái gì cũng biết thì không biết gì cả. Người đi quá nhiều nơi thì thực ra chẳng ở đâu. Những người theo chủ nghĩa xê dịch hiểu rất rõ điều này, hành trình của họ chỉ thực sự đáng giá khi họ có một chốn để trở về. Không có điểm tựa, mọi thứ lỏng lẻo vô cùng.
Như người ta vẫn nói, thứ gì đến với bạn quá dễ dàng thì rời bỏ bạn cũng dễ dàng hệt như cách nó đến. Thứ gì thoáng qua hiếm khi đem lại lợi ích gì đáng giá. Bạn khó khỏi bệnh cho nổi nếu thay đổi phương thuốc liên tục, cuộc sống bạn khó ổn định khi bạn cứ nay đây mai đó.
Tương tự với việc đọc sách, quá nhiều thể loại sách dễ khiến bạn rối trí. Bạn có thể tự hào với số lượng sách đọc mỗi tháng lên tới hàng chục nhưng kiến thức bạn thu về chỉ như phần nổi của tảng băng trôi. Muốn hiểu biết sâu sắc, bạn không còn cách nào khác ngoài đào sâu xuống xem bên dưới lớp băng kia là gì. Có hàng ty tỷ tảng băng trôi như thế, bạn nên chọn ra một vài tảng và đào sâu chúng. Đọc sách, bạn cũng chỉ nên chọn ra một vài tác giả, thể loại bạn muốn ‘ăn’ để mà ‘tiêu hóa’.
(3) Đọc sách sáng suốt
Đọc là gì? Mortimer Adler và Stephen King đều đồng ý rằng đọc là cuộc đối thoại giữa người đọc và tác giả. Còn Arthur Schopenhauer, triết gia thông tuệ người Đức vào thế kỷ 19 bình luận:
“Khi chúng ta đọc, tác giả nghĩ thay chúng ta: chúng ta chỉ đang nhẩm lại suy nghĩ của anh ta. Học sinh cũng vậy, khi tập viết dùng ngòi bút nắn nót theo những nét được thầy viết sẵn. Theo đó, trong việc đọc mà nói, việc suy nghĩ phần lớn đã được dọn sẵn cho người đọc. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy nhẹ nhõm lạ thường khi chuyển qua đọc sách sau khi bận rộn với những suy nghĩ của chính mình. Tuy nhiên, khi đọc, tâm trí của chúng ta thực sự chỉ là tập hợp những dòng suy nghĩ của người khác. Và do đó, điều xảy ra là người đọc nhiều - nghĩa là gần như cả ngày, tự làm mới bản thân bằng cách dành thời gian để tiêu khiển thiếu suy nghĩ như vậy, dần dần tự làm mai một khả năng suy nghĩ của mình; hệt như cách một lính kỵ binh vì cưỡi ngựa quá nhiều mà quên mất cách đi bộ.
[...]
Từ tất cả những điều này, có thể kết luận rằng những dòng chữ trên giấy kia chẳng qua là những dấu chân trên cát: ta nhìn thấy con đường tác giả đã đi, nhưng để biết người đó đã nhìn thấy gì trên đường đi, ta cần có đôi mắt của họ.”
Khi đọc, ta chỉ đang đi trên con đường của người khác với những tấm bản đồ được tác giả vạch sẵn. Bạn chỉ cần đi theo và tới nơi. Nhưng để biết tác giả đã 'nhìn thấy gì trên đường đi', hay để 'có đôi mắt của họ' - thi thoảng ta phải dừng lại và ngó nghiêng xung quanh. Nếu không, ta có thể bỏ lỡ nhiều thứ.
Đó là nghệ thuật của việc đọc chậm. Khi đọc chậm, ta có thêm thời gian để ngẫm nghĩ về ý tưởng mà tác giả muốn truyền đạt, và tư duy của ta được mài sắc trong quá trình đó.
(4) Đọc nhiều nhưng không nhớ được gì?
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc đọc sách và tiếp thu kiến thức từ chúng. Trên thực tế, đây là 2 hoạt động hoàn toàn tách biệt. Việc bạn thắc mắc tại sao mình đọc nhiều mà không mấy tiến bộ nhìn chung cũng giống việc có những người ăn nhiều vô kể mà vẫn gầy, trong khi nhiều người hít thở thôi cũng thừa cân. Đơn giản mà nói, rất khó để đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Bàn luận về vấn đề này, Schopenhauer nói như sau:
“Mong muốn giữ lại trong đầu tất cả những gì ta đã đọc cũng giống như mong muốn giữ lại trong bụng tất cả những gì ta từng ăn. Một con người được nuôi dưỡng về mặt thể xác bằng những gì anh ta đã ăn, và về mặt tinh thần bằng những gì anh ta đã đọc, và chúng kết hợp với nhau, trở thành con người thật của anh ta.”
Khi đọc, ta chỉ đọc những gì mình thích, và do đó cũng chỉ tiếp thu những gì mình thích. Nói cách khác, những gì trùng khớp với tư tưởng của bạn thì bạn sẽ đón nhận, còn lại bạn thường ngó lơ. Đó là lý do tại sao phần lớn chúng ta dù đọc nhiều nhưng không đọng lại là bao, vì vốn dĩ ta chỉ thích thú với những gì ta thích thú mà không cởi mở với những khía cạnh khách quan khác. Vậy là, không phải ta không nhớ những gì ta đã đọc mà là ta không hề để tâm tới nó để mà nhớ.
Tất nhiên đây chỉ là quan điểm của Arthur, và nó dù thuyết phục nhưng cũng chưa thể khẳng định điều gì. Stephen King từng nói ông không hề đọc để nghiên cứu mà chỉ đọc vì thích đọc — nhưng với ông, quá trình học hỏi vẫn tự diễn ra.
Có một câu chuyện về vị thiền sư và hòa thượng như sau: Hòa thượng nhỏ tuổi khao khát muốn học hỏi tri thức và hỏi xin lời khuyên từ thiền sư. Thiền sư giao cho cậu bé một chiếc giỏ, yêu cầu ra bờ sông múc nước sao cho về tới nơi lượng nước vẫn y nguyên.
Chú hòa thượng dù thấy rất khó hiểu nhưng vẫn làm theo. Lần thứ nhất, chú đi được vài bước chân thì nước đã rỉ ra ngoài hết như thể trôi tuột đi qua những kẽ tay. Lần thứ hai, chú rút kinh nghiệm, cố gắng chạy ù thật nhanh về chùa nhưng cũng vô ích, cậu chạy nhanh bao nhiêu thì nước văng ra tung tóe bấy nhiêu. Tới lần thứ ba, cậu bé đặt một chiếc khăn trong giỏ, nước thấm vào khăn hao hụt ít nhiều nhưng về tới nơi, lượng nước chẳng còn là bao.
Tới đây thì cậu bé òa khóc vì tuyệt vọng, cho rằng sư phụ đã ra một đề bài quá khó. Thấy vậy, vị thiền sư mới bình tĩnh giảng dạy cho cậu bé: “Con thấy đấy, dù nước chẳng đọng lại là bao, nhưng qua mỗi lần chiếc giỏ lại càng sạch sẽ hơn. Việc học cũng vậy, có thể con không nhớ những gì mình đã học, nhưng bằng việc cần mẫn tích lũy ngày qua ngày, tâm trí con sẽ được khai sáng.”
(5) Tại sao phải đọc lại những cuốn sách hay?
Ta có thể đọc một cuốn sách hay trong vòng 1 đêm, dù có dày tới cả hàng trăm trang. Nhưng đọc thôi là chưa đủ. Ta phải đọc lại chúng, và lý do mà Mortimer Adler đưa ra như sau:
“Bất cứ cuốn sách quan trọng nào cũng nên đọc ngay 2 lần, một phần vì người ta nắm bắt được toàn bộ vấn đề ở lần thứ 2, và chỉ thực sự hiểu được phần mở đầu khi biết được phần cuối; và một phần vì đọc lần thứ 2 người ta mang tâm trạng khác với lần trước nên sẽ có những suy nghĩ, ấn tượng khác; có thể người ta sẽ nhìn vấn đề ở một góc độ khác, góc độ mà lần đọc thứ nhất họ đã bỏ qua.”
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, vì dòng sông luôn luôn chuyển động, và bản thân anh ta cũng không còn là anh ta của ngày trước. Khi đọc lại một cuốn sách, chúng ta thực tế đang khoác lên mình một tâm trí khác. Trong lần đọc thứ hai, thứ ba, ta có thể bắt gặp những viên kim cương lấp lánh mà lần đọc trước ta đã bỏ qua, dù nó vẫn luôn hiện diện ở đó.
Bạn thấy bài viết này thú vị và bổ ích chứ? Nếu có, hãy ủng hộ tôi bằng cách đọc thêm các bài viết khác về chủ đề đọc sách sau:
>>> 4 Cấp Độ Của Việc Đọc: Làm Thế Nào Để Đọc Nhiều, Nhanh Nhưng Vẫn Hiệu Quả?
>>> Học Cách Đọc: Cẩm Nang Đơn Giản Giúp Bạn Trở Thành Kẻ Sành Đọc
>>> Đọc Sách Buổi Sáng Hay Buổi Tối Thì Tốt Hơn?
>>> Xem tất cả các bài viết về chủ đề Đọc Sách.
Nhân tiện, WeStudy là một thương hiệu giáo dục trực tuyến chuyên cung cấp các khóa học chất lượng do người nổi tiếng giảng dạy về nhiều chủ đề đa dạng. Hãy dành chút thời gian ghé thăm website của chúng tôi và có thể bạn sẽ tìm thấy thứ gì đó!