Có rất nhiều lợi ích để ta đọc sách nhiều hơn, nhưng có lẽ đây là thứ mà tôi tâm đắc nhất: Một cuốn sách hay là một cách mới để thẩm thấu những trải nghiệm trong quá khứ của bạn. 

Như Patrick O’Shaughnessy từng nói, “Việc đọc thay đổi quá khứ.” Mỗi khi bạn học được một mô thức hay ý tưởng mới, nó giống như “phần mềm” trong não bạn được cập nhật. Tự nhiên, bạn có thể khởi chạy toàn bộ dữ liệu cũ trong một chương trình mới. Bạn nghiệm ra những bài học mới từ những khoảnh khắc cũ. 

Lẽ đương nhiên, điều đó chỉ đúng khi bạn tiếp thu và nhớ được những ý tưởng cốt lõi từ những cuốn sách đã đọc. Kiến thức sẽ chỉ cộng dồn khi nó được lưu giữ. Nói cách khác, điều quan trọng không đơn giản là bạn đọc nhiều sách, mà là thu về nhiều hơn từ mỗi cuốn sách. 

Tất nhiên bồi bổ kiến thức không phải lý do duy nhất để đọc sách. Đọc sách để giải trí hay thư giãn đều là một cách chi tiêu thời gian tuyệt vời, nhưng bài viết này sẽ nói về đọc để học. Với ý tưởng đó, tôi muốn chia sẻ một vài chiến lược đọc sách hiệu quả nhất mà tôi từng thử nghiệm qua. 

ẢNH: GETTY IMAGES

#1. Đọc có chọn lọc. 

Không mất nhiều thời gian để nhận ra một cuốn sách có đáng đọc hay không. Văn phong trác tuyệt và những ý tưởng lớn lao luôn khan hiếm. 

Như một hệ quả, hầu hết mọi người có lẽ nên bắt đầu đọc nhiều sách hơn họ thực sự đọc. Điều này không hàm ý rằng bạn phải đọc cuốn chiếu mọi tác phẩm, từ trang này tới trang khác. Bạn có thể lướt qua mục lục, tiêu đề các chương, chọn một phần hấp dẫn bạn và đọc kỹ một vài trang. Có lẽ cũng nên lướt nhanh toàn bộ cuốn sách và liếc qua bất cứ dòng nào được tô đậm. Chỉ với 10 phút, bạn sẽ có một cái nhìn khái quát về chất lượng của cuốn sách này. 

Giờ thì đến bước quan trọng nhất: Gấp sách lại thật nhanh, mặc kệ cảm giác tội lỗi hay xấu hổ. 

Đời quá ngắn để phung phí thì giờ vào những tác phẩm ba xu. Chi phí cơ hội quá cao. Ngoài kia đầy rẫy những thứ hấp dẫn hơn đang chờ bạn phát hiện ra. Patrick Collison, nhà sáng lập Stripe, đã tóm gọn ý tưởng này bằng câu nói, “Đời quá ngắn để không đọc cuốn sách hay nhất mà bạn biết ngay lúc này.” 

Còn đây là lời khuyên của tôi: 

Đọc lướt thật nhiều sách. Gấp lại phần lớn trong số đó. Và đọc những cuốn tâm đắc ít nhất hai lần. 

#2. Đọc những cuốn bạn có thể áp dụng ngay lập tức. 

Một cách để cải thiện khả năng đọc hiểu là chọn những cuốn bạn có thể áp dụng ngay bây giờ. Biến những ý tưởng bạn đọc được thành hành động là một trong những cách tốt nhất để khắc ghi nó trong tâm trí. Thực hành luôn là cách học tốt nhất. 

Điều này đặc biệt đúng khi bạn đang bị mắc kẹt lưng chừng ở đâu đó. Nếu bạn vừa khởi nghiệp, ví dụ nhé, bạn sẽ được thôi thúc bởi nội lực bên trong để ngấu nghiến từng dòng từng chữ trong mọi cuốn sách bán hàng bạn đang đọc. Tương tự, một nhà sinh học sẽ đọc Nguồn gốc muôn loài chăm chú hơn một độc giả thông thường nhiều lần bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của họ. 

Tất nhiên, không phải mọi cuốn sách đều mang tính thực tiễn theo kiểu “làm thế nào để" mà bạn có thể áp dụng ngay, nhưng cũng ổn thôi. Bạn có thể tìm kiếm sự thông tuệ trong nhiều cuốn sách khác nhau. Nhưng tôi thường tìm đọc những cuốn “ép” tôi phải nhớ.

#3. Ghi chú. 

Giữ lại ghi chú về những gì bạn đã và đang đọc. Bạn có thể ghi chú kiểu nào tùy thích. Nó không nhất thiết phải là bản ghi chép chi tiết hay một hệ thống phức tạp. Chỉ cần làm gì đó để nhấn mạnh những ý tưởng hay đoạn văn quan trọng. 

Tôi ghi chú theo nhiều cách phụ thuộc vào dạng văn bản đang đọc. Tôi tô đậm những đoạn văn ấn tượng khi đọc trên Kindle. Tôi gõ lại những trích dẫn hay ho khi tôi nghe sách nói. Tôi gấp những trang thú vị và chép lại từng đoạn khi đọc một cuốn sổ ghi chép. 

Nhưng đây mới là chìa khóa: lưu trữ ghi chú của bạn sao cho có thể tra cứu khi bạn cần tới. 

Thật vô ích khi đặt hết trọng trách đọc hiểu lên trí nhớ của bạn. Tôi thường tạo một thư mục riêng tương ứng mỗi cuốn sách trên ứng dụng Evernote và gõ mọi ghi chú của mình vào đó. Kỷ nguyên kỹ thuật số đã đơn giản hoá việc ghi chú rất nhiều, nhiệm vụ của bạn là tận dụng các tài nguyên đã có sẵn thôi. 

#4. Khu rừng kiến thức. 

Hãy tưởng tượng mỗi cuốn sách bạn đọc là một “cây kiến thức”, với một vài khái niệm cơ bản tạo thành thân cây, từng chương tương ứng với các cành và nội dung chi tiết là những chiếc lá. Giờ thì, bạn có thể tiếp thu được nhiều hơn và nâng cao kỹ năng đọc hiểu bằng cách liên kết các nhánh và tích hợp cuốn sách bạn đang đọc với những cuốn sách bạn đã đọc trước đó – giống như nhiều cây trong cùng một khu rừng vậy. 

Ví dụ cho sinh động nhé: 

  • Khi đang đọc cuốn The Tell-Tale Brain của nhà thần kinh học V.S. Ramachandran, tôi phát hiện ra một trong những ý tưởng cốt lõi của ông ấy tương đồng với một ý tưởng tôi học được trước đó từ nhà nghiên cứu xã hội Brené Brown. 
  • Trong tập ghi chú của tôi về cuốn The Subtle Art of Not Giving a F*uck, tôi nhấn mạnh ý tưởng của Manson về “giết chết chính mình” khớp với một bài luận của Paul Graham với tiêu đề Keeping your identity small. 
  • Tương tự, khi đọc cuốn Mastery của George Leonard, tôi nhận ra trong khi trọng tâm nói về quá trình phát triển bản thân, nó cũng đồng thời bàn luận tới mối quan hệ giữa di truyền học và tiềm năng của một con người. 

Với mỗi phát hiện trong từng cuốn sách, tôi đều ghi chú lại cẩn thận. 

Mỗi mối liên hệ như trên giúp bạn ghi nhớ tốt hơn bằng cách kết nối thông tin mới – những thứ bạn chưa biết với những ý tưởng hay khái niệm mà bạn đã biết. Như Charlie Munger từng nói, “Nếu bạn có thói quen liên kết những thứ bạn đang đọc với những ý tưởng cơ bản trước đó, bạn sẽ cóp nhặt được một chút thông tuệ.” 

Mỗi khi đọc được gì đó nhắc nhở bạn về những ý tưởng cũ hay nảy ra một sáng kiến hay ho, đừng để dòng suy nghĩ đó vụt mất bởi không chịu ghi chú nó lại. Viết về những điều bạn đã học được và tự liên hệ nó với những ý tưởng khác. 

#5. Viết tóm tắt sách. 

Ngay khi xử xong một cuốn sách, tôi tự thách thức mình bằng việc tóm tắt lại toàn bộ nội dung trong đôi ba dòng. Nó giống như là một trò chơi thôi, nhưng nhiệm vụ này ép tôi phải cẩn trọng suy xét về những gì thực sự quan trọng về cuốn sách. 

Dưới đây là một vài câu hỏi tôi tự đặt ra để kiểm tra bản thân: 

  • Đâu là những ý tưởng chính trong cuốn sách? 
  • Đâu là ý tưởng thực tiễn nhất mà mình có thể áp dụng được ngay? 
  • Mình sẽ nói về cuốn sách này với một người bạn như thế nào? 

Trong nhiều trường hợp, tôi thấy rằng tôi có thể thu về nhiều kiến thức hữu ích từ việc đọc bản tóm tắt và xem lại các ghi chú như khi tôi đọc lại toàn bộ cuốn sách. 

Nếu gặp khó khăn trong việc tóm gọn một cuốn sách trong dăm ba dòng, bạn hãy thử áp dụng Kỹ thuật Feynman. 

Kỹ thuật Feynman là một chiến lược học tập được đặt tên dựa theo nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman. Nó rất đơn giản thôi: Lấy ra một tờ giấy trắng, ghi rõ chủ đề ở đầu trang, sau đó thảo ra những điều bạn sẽ nói với một cậu nhóc 6 tuổi về cuốn sách này. Nói cách khác, bạn phải diễn giải đơn giản và dễ hiểu hết cỡ để một cậu nhóc tiểu học cũng hiểu được. 

Nếu bạn vướng mắc ở một vài chỗ hoặc thấy rằng kiến thức của mình đang hổng, xem lại ghi chú hoặc đọc kỹ lại phần đó rồi thử lại. Tiếp tục viết cho tới khi bạn có thể giải quyết ý tưởng bao trùm một cách toàn diện và tự tin với lời giải thích của mình. 

Từ lâu, tôi đã nhận thấy rằng không có gì vạch trần những lỗ hổng trong kiến thức của mình tốt hơn việc viết về một ý tưởng như thể tôi đang giải thích nó cho một tân binh. Ben Carlson, một nhà nghiên cứu tài chính, từng nói một câu tương tự, “Tôi thấy cách tốt nhất để kiểm tra những gì tôi đã học được từ một cuốn sách là viết về nó.” 

#6. Đừng rơi vào bẫy thiên kiến chủ quan. 

Tôi thường nghĩ ngợi về câu nói của Thomas Aquinas rằng, “Hãy coi chừng người đàn ông chỉ đọc một cuốn sách.” 

Nếu bạn chỉ đọc một cuốn sách về một chủ đề, định hình quan điểm của bản thân dựa trên nó và áp dụng vào mọi khía cạnh của đời sống, bạn nghĩ có hợp lý không? Kiến thức của bạn có chính xác và toàn diện tới thế? 

Cần có nỗ lực để hiểu rõ một cuốn sách, nhưng chuyện diễn ra rất thường xuyên là, đa số mọi người đều sử dụng một cuốn sách hay một bài luận làm nền tảng cho toàn bộ hệ thống niềm tin của mình. Điều này thậm chí còn đúng hơn khi người ta dùng chính trải nghiệm cá nhân để đánh đồng một phạm trù, mà dân gian ta hay gọi là “suy bụng ta ra bụng người.” Morgan Housel từng nói rằng, “Trải nghiệm cá nhân bạn chỉ nói đúng 0.000000001% về cách thế giới vận hành nhưng có lẽ định hình 80% cách bạn nghĩ về nó. Ai cũng thiên vị chính mình.” 

Quả vậy, không ai che mắt ta giỏi hơn chính bản thân ta. 

Một cách để hạn chế việc này là đọc nhiều sách cùng một chủ đề. Tập nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, ngắm nghía chúng qua nhiều lăng kính khác nhau (tức là quan điểm của nhiều tác giả khác nhau), và cố gắng vượt qua giới hạn của thiên kiến chủ quan. 

#7. Đọc lại những cuốn sách hay. 

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng việc nhắc lại ý tưởng mà tôi đã nói ngay từ đầu: đọc những cuốn sách tâm đắc ít nhất hai lần. Nhà triết học Karl Popper đã giải thích lợi ích của hành động này rất hay như sau, “Bất cứ thứ gì đáng đọc không chỉ xứng đáng để ta đọc hai lần, mà phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Nếu một cuốn sách xứng đáng như vậy, bạn sẽ luôn tìm thấy trong nó những điều bạn không để ý tới trong lần trước, bất kể bạn đã đọc nó rất nhiều lần.” 

Thêm vào đó, “gặp lại bạn cũ” còn hữu ích bởi những những vấn đề của bạn sẽ thay đổi theo thời gian. Chắc chắn khi bạn đọc lại một cuốn sách, bạn sẽ bắt gặp một vài ý tưởng mà bạn bỏ lỡ trong những lần trước, vì thường thì bạn sẽ chỉ quan tâm và nhớ kỹ những điều bạn thấy thiết thực với mình ở hiện tại. 

Vẫn là cuốn sách đó, nhưng bạn không bao giờ đọc nó theo cùng một cách. Như Charles Chu đã nói, “Tôi luôn trung thành với một vài tác giả. Và dù có đọc họ bao nhiêu lần, tôi vẫn thấy họ luôn có điều gì mới để nói.” Tuỳ thuộc vào thời điểm bạn đang ở trong cuộc sống, bạn sẽ ngộ ra những bài học khác nhau. 

Tất nhiên, kể cả bạn không ngẫm ra gì mới sau khi đọc lại, thời gian của bạn vẫn được chi tiêu xứng đáng bởi đọc lại một cuốn sách là ôn tập lại, nhắc nhở trí não bạn về những ý tưởng, kiến thức cũ. Tác giả David Cain đã nói, “Khi chúng ta chỉ học gì đó một lần, chúng ta không thực sự học nó – ít nhất là không đủ sâu để ta nhận thấy thay đổi ở bản thân. Nó có thể truyền cảm hứng trong giây lát, nhưng sau đó nhanh chóng bị lấn át bởi những thói quen và môi trường đã định hình nên chúng ta từ hàng thập kỷ trước đó.” Quay về bên những ý tưởng lớn lao sẽ khắc sâu kiến thức vào tâm trí bạn. 

Nassim Taleb tổng hợp lại tất cả với một quy tắc duy nhất dành cho mọi độc giả: “Một cuốn sách hay sẽ hay hơn ở lần đọc thứ hai. Một cuốn sách tuyệt vời ở lần thứ ba. Cuốn sách nào không đáng đọc lại thì không đáng đọc.” 

Đi đâu từ đây? 

Thời gian làm mai một kiến thức, nhưng sẽ bồi đắp nó nếu ta biết cách. 

Một cuốn sách hiếm khi thay đổi được cuộc sống của bạn, kể cả nó truyền tải những ý tưởng lớn lao tới đâu đi nữa. Chìa khoá của việc đọc nói riêng và việc học nói chung, giống như lời Warren Buffett từng nói, “Đi ngủ mỗi ngày trong sự mãn nguyện bởi biết mình đã thông minh hơn mình của ngày hôm qua.”  

Biên dịch từ bài viết gốc của tác giả James Clear.