Quên việc đọc ở trường đi
Hầu hết những thứ trường lớp dạy bạn đều quy về thực trạng là cuối cùng giáo viên phải kiểm tra bạn về chúng. Các bài kiểm tra không quan tâm tới việc bạn có quan tâm về thứ bạn đọc, thay vào đó, nó tập trung vào việc chứng minh bạn đã dành thời gian để đọc nó. Ra đề không phải một việc đơn giản, đôi khi người ra đề sẽ chọn những đoạn khó hiểu từ văn bản và hỏi bạn: “Nêu nội dung chính của đoạn văn này.” Ồ, sẽ ra sao nếu đoạn văn đó chỉ đơn thuần là tác giả tức cảnh sinh tình, cảm hứng dạt dào nên miêu tả hơi quá đà? Trên thực tế, bạn có thể bỏ qua phần lớn các đoạn miêu tả trong sách mà vẫn hiểu rõ nó nói về cái gì, vì không phải tác giả nào cũng đủ trình độ để cài cắm dụng ý vào trong những đoạn văn miêu tả.
Lời khuyên của Ryan là: ngay cả khi bạn còn đi học, bạn vẫn nên đọc vì bản thân chứ không phải vì điểm số hay làm hài lòng thầy cô, gia đình. Đọc để hiểu và biết, đừng đọc vì bất cứ mục đích sai lệch nào. Các bạn cùng lớp của tôi luôn hì hục cóp nhặt tài liệu trên mạng để viết review một cuốn sách chỉ vì giáo viên hứa sẽ cộng điểm cho những ai có bài điểm sách, và đôi khi họ còn chả thèm đọc. Là một độc giả sáng suốt, tốt nhất nên tránh xa những thứ như vậy.
Đọc trước cái kết
Ryan có một thói quen khá ngược đời, đó là mỗi khi đọc một cuốn sách mới, anh sẽ lên thẳng Wikipedia và đọc trước kết thúc của câu chuyện. Anh cho rằng mục đích của người đọc là hiểu rõ TẠI SAO cốt truyện lại diễn tiến như thế, còn mọi sự kiện trong sách đều chỉ là những mắt xích.
Chẳng hạn như với tiểu thuyết Bà Bovary, chỉ cần đọc sơ qua phần giới thiệu là tôi đã biết đây là một bi kịch điển hình. Tôi biết trước rằng Emma, nhân vật chính của tiểu thuyết, sẽ uống nhân ngôn tự vẫn. Nhưng tôi đã đọc thật kỹ cuốn sách để hiểu rõ cách Flaubert dẫn dắt câu chuyện, để Emma, từ một thiếu nữ tỉnh lẻ có phần ngô nghê, dần dần sa vào hành lạc, buông mình trong những cuộc vụng trộm để rồi phải tự kết liễu đời mình. Ồ, rốt cuộc thì cái gì đã đẩy cô ta vào đường cùng? Không còn lối thoát nào khác sao? Khi đã trả lời được những câu hỏi này, tôi tự tin mình đã nắm được tinh thần mà tác giả muốn truyền tải, chứ không đơn thuần là đọc nó từ A-Z nhưng chẳng rõ người viết viết nó ra làm gì.
Đọc các bài viết đánh giá
Bước tiếp theo mà Ryan làm là đọc các bài viết đánh giá từ những người đã đọc cuốn sách trước đó. Anh đọc lướt một loạt các bài review rồi rút ra nhận định: đâu là điểm mà nhiều người đọc đồng thuận, đâu là điểm khác biệt. Và cũng nhờ những bài review này, Ryan có thể lường trước các chi tiết có khả năng gây thất vọng trong cuốn sách, đồng thời nắm bắt được tinh thần chung của nó, khiến việc tiếp thu trở nên hiệu quả hơn.
Đọc lời giới thiệu
Đây là phần rất giá trị nhưng bị nhiều người đọc bỏ qua, đặc biệt là khi nó quá dài (Lời giới thiệu của tiểu thuyết Anna Karenina dài gần 50 trang, và đọc xong thì bạn gần như đã biết hết mọi điều Tolstoy sắp kể với bạn). Trên thực tế, nhiều khi lời giới thiệu của một cuốn sách là tiểu luận phân tích đặc sắc nhất về cuốn sách đó, vì nó thường được viết bởi dịch giả hoặc đội ngũ biên tập, rõ ràng là những người hiểu rõ nó nhất (tất nhiên là trừ tác giả ra). Đặc biệt hơn, lời giới thiệu có thể bao hàm rất nhiều thông tin giá trị, chẳng hạn như những tác phẩm chịu ảnh hưởng hoặc truyền cảm hứng cho tác giả. Nếu may mắn, bạn có thể tìm ra một cuốn sách còn đáng đọc hơn cuốn bạn đang cầm trên tay. Điều quan trọng nhất về một cuốn sách luôn là nó sẽ dẫn ta tới đâu.
Tra cứu
Đừng hỏi một câu trước khi bạn Google nó. Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời hoặc bạn sẽ nghĩ ra một câu hỏi hay hơn.”
—Austin Kleon
Nếu bạn đọc những tác phẩm nặng đô, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp hàng loạt chủ đề hoặc thuật ngữ mà bạn chưa từng thấy trước đây hoặc biết rất ít về chúng. Đừng giả vờ là bạn hiểu rồi nhắm mắt bắn bừa. Tôi không thích phải nói câu này lắm, nhưng đúng là Google không tính phí.
Ghi chép lại những trích dẫn và đoạn văn quan trọng
Trong tiểu thuyết bán tự truyện Old School, nhà văn Tobias Wolff đã tiết lộ ràng ông thường đánh máy lại những tác phẩm của các tác gia kinh điển mỗi khi ông cảm thấy mất cảm hứng, nhằm tìm kiếm cảm giác con chữ tuôn qua đầu ngón tay. Đây cũng là lý do tại sao Ryan Holiday dành hẳn một phần để ghi lại những trích dẫn và đoạn văn tâm đắc. Theo anh, thói quen này không những truyền cảm hứng mà còn giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.
Đọc thêm: 5 Bậc Thầy Sáng Tạo và Cách Họ Tìm Ra Ý Tưởng Mới
Đào sâu mục tham khảo
Đây là một nguyên tắc nhỏ mà Ryan cố gắng tuân theo. Với mọi cuốn sách đã đọc, anh cố gắng tìm kiếm cuốn sách mình sẽ đọc kế tiếp từ mục tham khảo. Nhờ vậy, bạn có thể đọc thêm các tác phẩm liên quan tới cuốn sách hiện tại, kiến thức chung của bạn về chủ đề sẽ gia tăng. Đây là một ý tưởng quan trọng giúp bạn đạt tới cấp độ cao nhất của việc đọc—đọc đồng chủ đề. Khi bạn đọc nhiều sách về một lĩnh vực cụ thể, bạn có thể nhận biết các khuôn mẫu chung giữa chúng, so sánh và tự phát triển một quan điểm riêng về lĩnh vực đó.
Tự vấn
“Cuộc sống của bạn là tấm gương phản chiếu những suy nghĩ trong bạn. Nếu bạn thay đổi tư duy, bạn thay đổi cuộc sống.”
—Brian Tracy
Một trong những điều tôi thích nhất ở sách trinh thám là chúng khiến tôi phải đặt câu hỏi. Nói đơn giản, nó khích động sự tò mò, vốn là ngòi nổ cho sáng tạo. Lời khuyên cuối cùng mà Ryan đưa ra, và tôi không ngạc nhiên khi anh xếp nó ở cuối cùng, là người đọc phải liên tục tự vấn về việc đọc.
Sau khi hoàn thành một cuốn sách, người đọc cần tự đặt ra những câu hỏi về kiến thức vừa thu nạp, giống như một buổi thảo luận với chính mình. Cá nhân tôi luôn coi đọc sách giống như trò chơi giải đố. Tác giả là người ra đề, ông ta kể một câu chuyện không liên quan gì tới bạn nhưng chứa đựng nhiều thứ bạn có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Việc của bạn khi đọc là tìm ra chúng. Và để tìm ra chúng, bạn cần đặt ra những câu hỏi.
Tại sao tác giả lại làm vậy? Cách lập luận của ông ta có vấn đề gì không? Tôi đã bị thuyết phục chưa? Nếu chưa, điều gì còn làm tôi vướng mắc? Nếu chịu động não, bạn sẽ nghĩ ra muôn vàn kiểu câu như vậy, và lúc này, việc tự vấn sau khi đọc giúp bạn nâng cao khả năng độc thoại nội tâm. Tôi nghĩ đây cũng là lý do tại sao những người đọc nhiều sách thường có khả năng diễn đạt khá phong phú, đó là bởi đọc sách giúp con người ta hướng con mắt vào trong nội tâm của chính mình.
Kết luận
Cách học bền vững nhất là tự học. Người thầy sáng suốt nhất là trải nghiệm. Đối thủ lớn nhất là chính mình. Bằng những kỹ thuật mà Ryan đưa ra, mong rằng bạn có thể liên tục nâng cao trình độ đọc của bản thân. Mong bạn tìm đọc được những cuốn sách hay, còn nếu không hay thì, như Cervantes đã nói: “Không có cuốn sách nào dở tới nỗi không tìm thấy được một điểm hay trong đó.”
Ghé thăm chuyên mục "Đọc sách cùng WeStudy".
Tham khảo: How to Digest Book That Above Your "Level"?